Hôm qua, trên Facebook của mình, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng đã có một status như thế này: “Hôm nay là ngày Rằm tháng 4 năm 2020, là ngày Lễ Phật Đản, cũng là ngày Huỳnh Uy Dũng rời khỏi thương trường.


Rất vui mừng cho đất nước chúng ta về cơ bản đã vượt qua mùa dịch nên Thủ tướng Chính phủ đã cho Khu du lịch mở cửa trở lại và cũng là tuần đầu tiên Vợ mình làm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Đại Nam, bà xã mình đã quyết định miễn phí vé cổng cho KDL Đại Nam và bà xã mình vẫn tiếp bước theo ý nguyện trước đây của mình là dùng 100% lợi nhuận từ việc kinh doanh của Công ty Cổ phần Đại Nam vào các công tác vì cộng đồng của Quỹ từ thiện Hằng Hữu.


Còn riêng mình, tuổi đã ngoài 60, nhân ngày Phật Đản hôm nay, mình đã thắp hương cáo phó với trời phật về quyết định của hai vợ chồng mình: Mình sẽ chính thức dừng việc kinh doanh kiếm tiền, chỉ tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản mình đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua để giúp đời giúp người.


Bắt đầu từ ngày mai, ngày 08 tháng 05 năm 2020, TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG SẼ VẮNG MỘT HUỲNH UY DŨNG mà trên con đường thiện nguyện của đất nước sẽ có thêm một người thiện tâm, lấy việc giúp bá tánh làm niềm vui, niềm hạnh phúc.


Mình sẽ thực hành triệt để hai câu nói mình đã ghi tại đền thờ Đại Nam: ‘Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời’. Nhân đây mình cảm ơn các bạn đã luôn theo dõi động viên, chia sẻ những điều tốt đẹp từ Facebook và Fanpage của mình thời gian qua.
Cầu chúc quý vị an lạc, hỷ xả, hạnh phúc.”

Tuy nhiên, thật ra đây không phải là lần đầu ông Huỳnh Uy Dũng hay còn gọi là Dũng “lò vôi” đề cập đến chuyện rời thương trường. Trước đây, mỗi khi xảy ra chuyện gì đó tương đối nghiêm trọng trong sự nghiệp của mình, doanh nhân kỳ cựu này cũng thường nói đến chuyện ‘về vườn’ không làm kinh doanh nữa. Tuy nhiên, với những lần trước, có lẽ là bởi ông đang giận dỗi và ‘nản lòng thoái chí’ nhất thời; còn lần này có vẻ là ông đã quyết tâm ra đi, trao toàn quyền điều hành kinh doanh cho vợ con.


Khởi hành bằng lò vôi và thành danh bằng các khu công nghiệp


Ông Dũng “lò vôi” sinh ngày 26/1/1961, là người Bình Định nhưng thành danh ở Bình Dương. Theo Wiki: ông Huỳnh Uy Dũng nguyên quán tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định, Việt Nam. Hồi chiến tranh biên giới Tây Nam, dù chưa học hết lớp 12, ông vẫn tình nguyện nhập ngũ và ra chiến trường. Trong suốt cuộc chiến đó, ông phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.


Ông lập gia đình với bà Trần Thị Tuyết, con gái ông Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé bấy giờ. Bà Tuyết hơn ông Dũng 6 tuổi.
Sau đó, ông được chuyển về công tác ở phòng Hậu cần, Công an Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé. Thời điểm đó, do cuộc sống quá kham khổ, ông bỏ việc, chuyển sang làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Cái tên Dũng “lò vôi" bắt đầu từ khi đó. Xí nghiệp lò vôi của ông đã làm ăn rất phát đạt.


Sau ông bán lò vôi để về làm Giám đốc Công ty sơn mài Thành Lễ (vốn của một nhà tư sản, được tiếp quản sau giải phóng), do lãnh đạo tỉnh Sông Bé lúc đó giao cho. Công ty này sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ.

Ông từng được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) Khóa II Nhiệm kỳ 1994 - 1996 nhưng ông chỉ tham gia vỏn vẹn trong vòng 2 năm, 1994 - 1995.

Những năm 1990 - 1993, ông Dũng đã làm dự án và xin được thực hiện thí điểm xây dựng khu công nghiệp Bình Đường, sau đó là khu công nghiệp Sóng Thần 1. Do đón đúng nhu cầu phát triển, cả hai khu công nghiệp này ngay sau khi hình thành đã được lắp kín bởi các dự án đầu tư trong và ngoài nước, gồm cả các dự án của EPC Tăng Minh Phụng.

Còn với những người dân bình thường, nhắc đến ông Dũng ‘lò vôi’ người ta sẽ nghĩ ngay đến 2 thứ: khu du lịch Đại Nam và các khu công nghiệp Bình Đường, Sóng Thần 1,2,3.

“Năm 1999, Khu du lịch Đại Nam được khởi công. Lúc bấy giờ, tôi suy nghĩ tỉnh Bình Dương đang trên bước đường công nghiệp hóa sẽ cần những khu nghỉ dưỡng và vui chơi cho cộng đồng nên nghĩ đến việc xây Khu du lịch Đại Nam. Đây là khu du lịch có kiến trúc rất lớn, mang một giá trị nghệ thuật cao. Chẳng hạn những nơi thờ tự có giá trị lịch sử. Ngày 11/9/2008, công trình hoàn thành và chính thức mở cửa”, ông Dũng nói về mục đích của mình khi xây dựng khu du lịch Đại Nam.

Cùng với Suối Tiên và Đầm Sen, Đại Nam là một trong 3 công viên – khu du lịch mà khách tham quan đến TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai phải ghé. Nói về diện tích, thì Suối Tiên và Đầm Sen không thể so được với Đại Nam, nhưng nói về vị trí địa lý, thì Đại Nam không thể so được với 2 khu du lịch kia, vì nó nằm quá xa trung tâm TP. HCM.


Ngoài ra, trong khi Suối Tiên và Đầm Sen xây dựng ra chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí của du khách, còn Đại Nam, ngoài phục vụ du khách còn ‘phục vụ’ nhu cầu muốn thể hiện của ông chủ Dũng ‘lò vôi’; vì ngoài những công trình công cộng cơ bản của một khu vui chơi, trong khu du lịch Đại Nam còn có rất nhiều dấu ấn cá nhân của ông Dũng, như các loại đền thờ khác nhau, thơ cho ông Dũng làm…
Theo đó, không ít người cho rằng, sự ra đời của khu du lịch Đại Nam ưu tiên việc làm thương hiệu cá nhân và phục vụ sở thích của ông chủ hơn là mục tiêu kinh tế.

Ở khía cạnh khác, với tài năng kinh doanh và tư duy đi trước thời đại, ông Huỳnh Uy Dũng đã có rất nhiều quyết định táo bạo không ai hiểu được hoặc thậm chí bị cho là ‘khùng’ nhưng khiến nhiều người khâm phục theo thời gian; ví dụ như quyết định tham gia vào lĩnh vực xây dựng – kinh doanh khu công công nghiệp đầu thập niên 1990. Từ khởi đầu Bình Điền, hiện ông Dũng ‘lò vôi’ đã có thêm 3 khu công nghiệp là Sóng Thần 1,2,3.

Được biết, khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 313ha, tỷ lệ lập đầy cho thuê đến 96,5% với tổng vốn đầu tư 423,28 tỷ đồng; khu công nghiệp Sóng Thần 3 có tổng vốn đầu tư 935,945 tỷ đồng, diện tích 533,846 ha, tỷ lệ lấp kín 67%.

Gần nhất, đại gia tỉnh Bình Dương này đã tham gia vào lĩnh vực xử lý nước thải với dự định bỏ ra 10.000 tỉ đồng xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải trên cả nước. “Nếu chúng ta không sớm hành động sẽ có lỗi rất lớn với con cháu mai sau. Tôi rất băn khoăn, mình là người khởi xướng làm khu công nghiệp, nên cũng phải có bổn phận, trách nhiệm. Công đâu không thấy, nếu không khéo lại thành có tội”, ông Dũng “lò vôi” giải thích.

Hiện nay, ông Huỳnh Uy Dũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam, nắm giữ nhiều bất động sản và tài sản khủng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2,3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần, một trường đua rộng 22 ha….


Có thể nói, ông Huỳnh Uy Dũng khởi nghiệp bằng lò vôi, nổi danh nhờ khu du lịch Đại Nam và giàu có nhờ các khu công nghiệp.

Đời sống gia đình không bình lặng

Cũng theo Wiki: Ông Dũng và người vợ trước có với nhau 3 người con gồm 2 trai, 1 gái. Trong số 3 người con, người con trai đầu Huỳnh Trần Phi Long được ông Huỳnh Uy Dũng giao cho vị trí Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam sau khi công ty Thanh Lễ (thành lập năm 1996) đổi tên thành công ty Đại Nam và dưới danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sóng Thần, một trong những danh mục kinh doanh nổi bật của Tập đoàn Đại Nam.


Sau khi tuyên bố ly hôn với bà Tuyết, ông kết hôn với bà Nguyễn Phương Hằng (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, biệt danh Hằng Canada). Đám cưới đã chính thức được diễn ra tại thành Đại Nam vào ngày 08/06/2010. Ngày 21/9/2012, bà Nguyễn Phương Hằng sinh con trai Huỳnh Hằng Hữu. Hiện ông Dũng và bà Hằng đã có thêm con gái tên My.


Nếu cuộc hôn nhân đầu tiên của ông Dũng bình lặng bao nhiêu thì cuộc hôn nhân thứ hai của ông lại ồn ào bấy nhiêu. Khi ông cưới bà Hằng năm 2010, dù cả hai đã đi qua 1 cuộc hôn nhân và đều đã có con riêng; song ‘cặp đôi’ này vẫn muốn có một đám cưới rình rang, như cách tuyên bố rằng mình đã gặp 1 nửa đích thực của cuộc đời mình. Ngược với người vợ đầu, người vợ thứ hai của ông Dũng rất thích xuất hiện trước truyền thông và ăn diện như một minh tinh điện ảnh.


“Chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là vợ chồng mình chạm mốc kỷ niệm một hành trình dài, 14 năm chung sống cùng nhau.
Cách đây 14 năm, duyên số đã cho mình gặp người phụ nữ mang tên Nguyễn Phương Hằng, một người phụ nữ rất đặc biệt, đã trở thành người bạn đời, người vợ, người mẹ, rồi trở thành người tri kỷ, người cộng sự đắc lực cho mình, thậm chí còn là đối thủ của chính mình. Một điều kỳ lạ, vợ mình và mình trùng nhau ngày sinh, tháng sinh, cùng mệnh tuổi, cách nhau đúng một con giáp. Với mình đây như là một định mệnh.


Trong đêm tiệc thân mật của anh em Công ty Cổ phần Đại Nam vừa diễn ra vào ngày 03/05/2020, mình chính thức trao lại trách nhiệm lớn lao cho vợ mình, tin tưởng giao cho vợ mình vị trí Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Đại Nam. Mình lui về phía sau, chỉ giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đồng thời trao cho vợ 41% cổ phần công ty, để vợ trở thành cổ đông lớn, mình chỉ giữ 49%, 10% còn lại - anh em Đại Nam và Quỹ Hằng Hữu sẽ cùng nhau giữ.


Những điều này sẽ giúp vợ mình vừa giữ chức danh, vừa giữ pháp lý, có cả điều kiện cần và đủ để chính thức giữ quyền điều hành thực sự. Quyết định của mình nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của tập thể anh em nhân viên công ty. Sau một khoảng thời gian đủ dài, 14 năm, mình chứng kiến vợ đã giúp mình và thay mình đảm nhận nhiều trọng trách lớn, mình đã thực sự công nhận rằng, vợ mình luôn đúng.


Nếu lúc trước toàn thể anh em biết rằng: Đại Nam có một "bà chủ", vì là "vợ của ông chủ". Thì bây giờ, Đại Nam sẽ có một một Bà chủ, tuy cũ mà mới, một Bà chủ thực sự, chính thức giữ vị trí là Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Đại Nam”, ông Huỳnh Uy Dũng đã thông báo như thế trên status Facebook vào ngày 5/5, như cách lót đường cho vợ lên nắm quyền lực tuyệt đối ở Đại Nam.



 

Dốc hết lòng làm công tác thiện nguyện nhưng khá nóng tính


Ngoài việc tương đối thành công trong các dự án kinh doanh, ông Dũng “lò vôi” còn nổi tiếng là người sùng đạo Phật. Ông thường rất hay mang những triết lý đạo Phận để nói về chuyện kinh doanh – làm người trong các buổi nói chuyện hoặc phỏng vấn. Ít ai biết ông là tác giả của hơn 20 đầu sách đã xuất bản, phần lớn là sách về lịch sử, tâm linh, luân hồi chuyển kiếp…và hầu hết chúng được ông viết trong quãng thời gian 8 năm không tham gia thương trường.Noi theo các giáo lý nhà Phật, ông Dũng “lò vôi” đã bỏ ra khá nhiều tâm sức và tiền bạc cho công tác thiện nguyện.


Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết thêm, sau sáu mươi năm cuộc đời, có 03 việc đã làm được mà ông tâm đắc nhất và sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian còn lại của cuộc đời, đó là: Thứ nhất, ông đã hoàn tất việc xây các đền thờ trong Khu vườn tâm linh tại Đại Nam; thứ hai, là việc phối hợp với các bệnh viện đầu ngành thực hiện chương trình mổ tim cứu sống các cháu bệnh nhi nghèo bị bệnh tim bẩm sinh và bị bệnh não úng thuỷ, điều mà ông đã làm từ nhiều năm qua; thứ ba đó là, ông đã tổ chức cầu siêu thường niên cho những người đã mất của đất nước tại đền thờ Đại Nam, thể hiện sự biết ơn với tiền nhân.

“Những gì tôi đạt được thì cũng nhờ từ bá tánh và đất nước này mà có, nên tôi quyết định xả tài sản để cứu người giúp đời như là một lời tri ân chân thành và thiết thực nhất mà tôi có thể làm cho cuộc đời này. Khi mình đến không có thứ gì và lúc ra đi chắc chắn cũng sẽ không thể mang theo thứ gì, thế nên, tôi phải sống sòng phẳng, làm tròn bổn phận của một kiếp người.

Tài sản vật chất nó chỉ là phương tiện của cuộc sống này. Tôi cho rằng, mọi người đến và đi trong cuộc đời mình chỉ có hai thứ tài sản duy nhất, một là phước đức và hai là tội lỗi. Còn tiền bạc vật chất nó chỉ là phương tiện để trợ giúp cho mình duy trì sự sống. Nó là phương tiện có thể giúp người, nhưng cũng có thể hại người, tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi người”, ông Dũng chia sẻ.

Cách đây 6 năm, vào năm 2014, vợ chồng ông Dũng đã thành lập Quỹ từ thiện Hằng Hữu, dùng toàn bộ lợi nhuận của công ty đưa vào quỹ, để tài trợ thực hiện mổ miễn phí hàng ngàn ca bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, trẻ em bị não úng thuỷ, giúp đỡ bà con vùng khó khăn và các hoạt động vì giáo dục, hướng đến cộng đồng.


Ông Dũng đã làm rất tốt việc thiện nguyện, nhưng còn phương diện giữ mình theo các nguyên tắc của đạo Phật, có lẽ ông Dũng vẫn làm ‘chưa tốt’. Thế nên, trong suốt vài chục năm kinh doanh của mình, ông vướng rất nhiều thị phi. Tính cách năng động - quyết liệt ‘nói được làm được’ và không thể chịu được thiệt thòi, chính là nguyên nhân khiến ông hay lao mình vào những cuộc kiện tụng và tranh cãi bất tận.
Vụ việc nổi tiếng nhất, có lẽ là chuyện ông Dũng “lò vôi” đi kiện UBND tỉnh Bình Dương – cụ thể là kiện ông Lê Thanh Cung (Chủ tịch UBND Bình Dương khi đó) về việc chậm thực hiện thủ tục để phê duyệt quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Sóng Thần 3 vào năm 2013. Rồi sau đó, ông Dũng với Bình Dương từ đồng minh thân hữu thân thiết, trở thành ‘kẻ thù’.


“Trong khi, doanh nghiệp sản xuất để nuôi sống hàng vạn lao động, doanh nghiệp kích thích để phát triển xã hội kinh tế nhưng khi gặp khó khăn, gặp sự cố thì một mình doanh nghiệp lại chịu trận. Nên qua sự việc này, tôi đã nghiệm ra một điều: ‘Thương nhau trái ấu cũng tròn. Ghét nhau trái bồ hòn cũng méo. Nếu kiếp sau được làm người, tôi cũng chẳng dám kinh doanh. Cả đời cống hiến, cuối cùng bị đối đãi có ‘hậu’ như vậy thì tôi biết làm sao.

Có lúc tôi ngửa mặt lên trời, chắp tay niệm ‘Nam mô a di đà phật’, còn ngoài ra không biết  nói gì hơn.”, ông Dũng đã bình luận như thế về xung đột giữa mình cùng tỉnh Bình Dương năm 2015.

Ngoài ra, sau khi về cùng một nhà với bà Phương, đủ thứ thị phi khác cũng ùn ùn kéo đến với gặp đôi này. Đầu tiên là những đồn đoán về việc ông Dũng bị nợ nần chồng chất và bị bệnh tâm thần, rồi tranh chấp đất đai với ông Trần Văn Thìn – chồng cũ của bà Hằng, bà Hằng đi kiện ông Minh Diện vì ‘cố tình xâm phạm đời sống riêng tư và bịa đặt nhằm làm nhục người khác’… Thậm chí, ông Dũng từng treo thưởng 100 tỷ đồng trên báo Lao Động, cho những ai có bằng chứng vợ ông vay nợ 2.000 tỷ đồng từ các ngân hàng khác.


Hay vào tháng 3/2019, ông Dũng “lò vôi” đã quyết định mang máy móc – nhân lực quay trở về Bình Dương, dù trước đó đã đồng ý hỗ trợ Đà Nẵng triển khai dự án làm sạch nước hồ Vĩnh Trung.

Nguyên nhân thế này: ông Dũng “lò vôi” đã huy động máy móc, nhân công từ Bình Dương ra Đà Nẵng để chuẩn bị triển khai dự án làm sạch nước hồ Vĩnh Trung. Tuy nhiên trong quá trình này, một số ý kiến cũng đề nghị ông Dũng thay vì xử lý tại hồ Vĩnh Trung hiện cơ bản ổn định thì chuyển qua hồ Bàu Trảng vì ở đây ô nhiễm nặng hơn. Vì lẽ này, ông Dũng cho rằng thành phố không muốn nhận dự án, từ chối tấm lòng của ông nên lập tức đưa máy móc, con người trở về.


Một lý do khác khiến ông Dũng “lò vôi” chọn hồ Vĩnh Trung để triển khai dự án hỗ trợ miễn phí Đà Nẵng xử lý nước thải ô nhiễm bằng việc nuôi vi sinh là vì từ đây xử lý liên hoàn được cả hồ Thạc Gián và hồ Công viên 29 tháng 3 do những hồ này có hệ thống thoát lưu thông với nhau. Làm xong chỗ này sẽ tặng lại công nghệ cho thành phố tiếp quản xử lý ở các hồ khác trong nội thành. Mặt khác, ở hồ Bàu Trảng nguồn ô nhiễm quá nặng, hồ lớn và ông chưa thể nghiên cứu để áp dụng, chưa đảm bảo thành công.


Khác với những doanh nhân 6x khác, ông Dũng “lò vôi” dường như không sợ thị phi hoặc nói cách khác là không quan tâm nhiều lắm đến cảm nghĩ của người khác về bản thân. Nếu ông thích – muốn – nghĩ điều đó là đúng đắn, ông sẽ làm và sẵn sàng gánh chịu mọi hậu quả, không chùn bước – không trốn tránh, cho dù là thành công hay thất bại.


“Tôi kém may mắn trong con đường học hành, sinh ra ở miền Trung, 18 tuổi đi bộ đội, chưa học qua trung học, mọi sự biết của tôi đều nhờ suy ngẫm, sửa đổi, thực hành bản thân”, ông Huỳnh Uy Dũng kết luận.