Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vừa được "kích hoạt" trở lại khi nhiều địa phương bắt đầu gấp rút chuẩn bị mặt bằng, đồng thời xuất hiện các đề xuất đầu tư từ khu vực tư nhân. Trong đó, gây chú ý nhất là đề xuất của Liên minh Mekolor – Great USA (Hoa Kỳ) với tuyên bố sẵn sàng đầu tư lên tới 395 tỷ USD để phát triển hạ tầng đường sắt, năng lượng và đô thị.

Tuyên bố “rót” 100 tỷ USD từ doanh nghiệp vốn điều lệ 1 tỷ đồng

Ban đầu, liên minh này công bố sẽ tự bỏ ra 100 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt. Tuy nhiên, dư luận nhanh chóng quan tâm đến năng lực thật sự khi phát hiện doanh nghiệp đứng đầu là Công ty Mekolor, có vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng và đặt trụ sở tại một con hẻm nhỏ ở TP. Cần Thơ.

Trên trang cá nhân, ông Võ Xuân Trường (Philipvo) đại diện của liên minh đã công bố báo cáo tiền khả thi, hé lộ kế hoạch tham vọng hơn nhiều so với con số ban đầu.

doanh-nghiep-chi-co-1-ty-dong-den-giac-mo-thu-lai-620-ty-usd-tu-lien-minh-mekolor-gay-xon-xao-1751688060.png

Đề xuất 395 tỷ USD: Không chỉ là đường sắt

Liên minh Mekolor – Great USA cho biết tổng mức đầu tư có thể đạt đến 395 tỷ USD, chia làm 4 hạng mục chính:

🔥Đường sắt tốc độ cao: 100 tỷ USD

🔥Nhà máy điện hạt nhân: 12 tỷ USD

🔥Giải phóng mặt bằng & tái định cư: 16 tỷ USD

🔥Phát triển đô thị TOD dọc tuyến: 268 tỷ USD

Ông Trường khẳng định liên minh đang có tài khoản ủy thác hơn 78.715 tỷ euro tại Deutsche Bank và đã chuyển 30.000 tỷ euro về Việt Nam làm bảo chứng tài chính. Tuy vậy, các con số này chưa được kiểm chứng độc lập và chưa có phản hồi chính thức từ các cơ quan chức năng.

Kỳ vọng thu hồi 295–620 tỷ USD trong 40 năm

Liên minh dự tính dự án sẽ thu về khoảng 295 – 620 tỷ USD trong 15 – 40 năm, thông qua 4 dòng doanh thu chính:

➡️Bán vé: 45–180 tỷ USD

➡️Phát triển TOD: 100–150 tỷ USD

➡️Hệ sinh thái dịch vụ ngành: 50–90 tỷ USD

➡️IPO/Blockchain: 100–200 tỷ USD

Thành lập “siêu công ty” 400 tỷ USD, kỳ vọng tốc độ 500km/h

Một điểm đáng chú ý khác là kế hoạch thành lập Công ty cổ phần Great Rail, với vốn điều lệ 400 tỷ USD, chịu trách nhiệm triển khai và điều hành toàn bộ dự án. Theo báo cáo, dự án sẽ chia làm 3 giai đoạn:

2025–2030: Khởi công tuyến chính Hà Nội – TP.HCM (1.541km), triển khai 10 khu đô thị TOD.

2030–2035: Hoàn thiện toàn tuyến và mở rộng một số nhánh.

2035–2045: Mở rộng đến Hòn Khoai, nâng tốc độ vận hành lên 500 km/h, hoàn thiện hệ thống TOD.

Cam kết nội địa hóa, nhưng chưa có nền tảng công nghệ

Dù thừa nhận chưa có kinh nghiệm và nền tảng công nghệ, liên minh vẫn cam kết sẵn sàng chi trả để chuyển giao công nghệ lõi, đặt mục tiêu nội địa hóa 70% trong vòng 10 năm, đồng thời triển khai chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư Việt Nam chất lượng cao. Dự án dự kiến tạo ra 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,5 triệu việc làm gián tiếp.

Đề xuất từ Mekolor – Great USA mở ra một phương án tài chính tiềm năng cho siêu dự án đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, các yếu tố quan trọng như năng lực kỹ thuật, nguồn vốn thực tế và tư cách pháp lý của nhà đầu tư vẫn còn bỏ ngỏ, cần được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định kỹ lưỡng.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện báo cáo khả thi để trình Chính phủ, làm cơ sở triển khai chính thức tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.