Ngồi không thu về bạc tỷ

CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset) được thành lập năm 2007. Đến năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty cổ phần. 

Mục tiêu đầu tư của Công ty là tối ưu hóa lợi nhuận. Danh mục đầu tư của Công ty và các hạn chế đầu tư phải phù hợp với mục tiêu và chính sách đầu tư đã được quy định rõ trong Điều lệ hoạt động của Công ty và pháp luật chứng khoán hiện hành.

Hoạt động chính của công ty là tự doanh chứng khoán, môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán.

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, Công ty có 1 trụ sở chính và 9 chi nhánh trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Mirae Asset có vốn điều lệ là 6.590,5 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu là gần 9.193 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 18.825 tỷ đồng. Công ty có 523 nhân viên.

Trong báo cáo tài chính quý 4 của công ty cho thấy, tiền và các khoản tương đương tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng của công ty chứng khoán và các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày mua, có tính thanh khoản cao, có thể chuyển đổi dễ dàng thành các lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền đạt 2.484 tỷ đồng, tăng gần 69% so với năm 2021. 

Trong năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động là 2.640 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 8% so với 2021. Mảng đem lại nguồn thu lớn nhất cho công ty là lãu từ các khoản cho vay và phải thu, đạt hơn 1.431 tỷ đồng.

Doanh thu môi giới chứng khoán cũng đem lại gần 715 tỷ đồng, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 205 tỷ đồng lãi từ bán tài sản tài chính FVTPL đạt gần 191 tỷ đồng... Trong năm không ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính nhưng chi phí tài chính đạt 2,9 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, Mirae Asset đạt lợi nhuận sau thuế là 772 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 746 tỷ đồng của năm 2021.
Tại ngày 31/12/2022, tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của Mirae Asset ghi nhận giá gốc 262,9 tỷ đồng, giá trị hợp lý đạt 290,9 tỷ đồng.

Trong số đó, Chứng chỉ quỹ là 198 tỷ đồng, cổ phiếu chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch Mirae Asset đạt 75,9 tỷ đồng, trong khi giá gốc là 64,7 tỷ đồng. Mirae Asset mua cổ phiếu của CTCP Tôn Đông Á với giá gốc là 54,2 tỷ đồng và giá trị thị trường là 58,8 tỷ đồng. Cổ phiếu CTCP Seoul Metal Việt Nam (SMV) cũng đem lại 62,5% lại so với giá gốc, từ mức 10,5 tỷ đồng lên 17,1 tỷ đồng.

Mirae Asset cũng đầu tư 572,8 triệu đồng vào Công ty TNHH Mirae Asset Realty Việt Nam.

Tính đến hết năm 2022, tiền gửi ngân hàng của công ty là 1.970 tỷ đồng, 205,4 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn đến ngày đáo hạn, 20 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp dài hạn đến ngày đáo hạn.

Các khoản vay và trái phiếu phát hành của công ty đạt 9.105 tỷ đồng, trong đó là vay ngắn hạn ngân hàng.

CTCP Seoul Metal Việt Nam là doanh nghiệp nào, kinh doanh ra sao?

Mirae Asset rót vốn vào CTCP Seoul Metal Việt Nam - SMV từ tháng 11/2016 khi đầu tư 7,8 tỷ đồng để sở hữu 300.000 cổ phần của công ty này, chiếm 2,66% vốn điều lệ. Trong năm 2017, Mirae Asset rót thêm 2,7 tye đồng vào SMV, nâng giá gốc của khoản đầu tư lên 10,5 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020, SMV có quy mô vốn điều lệ 167,7 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Mirae Asset duy trì ở mức 2,87% vốn điều lệ, tương đương 481.701 cổ phần.

SMV được thành lập năm 2008, tiền thân là dự án nhà máy sản xuất đinh, ốc vít chính xác và các linh kiện điện tử với 100% vốn đầu tư thuộc Tập đoàn Seoul Metal Tech (Hàn Quốc).

Theo thông tin đăng tải trên website thì đây là doanh nghiệp "sản xuất các sản phẩm có độ chính xác cao có liên quan chặt chẽ hơn với cuộc sống hàng ngày của bạn. Đặc biệt, Seoul Metal Việt Nam đã thành  công trong việc phát triển ốc vít 0,4mm siêu mỏng đầu tiên trên thế giới và đã đảm bảo vị thế của nó như là một công ty công nghệ". Công ty đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với năng lực sản xuất 2,4 tỷ sản phẩm/năm.

Theo thông tin đăng tải trên website của SMV, đối tác của công ty đa dạng, có một số tên tuổi mổi tiếng không thể không nhắc đến như Samsung, Panasonic, Lioa, Haier Sanyo, LG...

Một số sản phẩm của CTCP Seoul Metal Việt Nam

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2016, Seoul Metal Việt Nam ghi nhận hơn 2,56 tỷ sản phẩm, tăng 37% so với năm 2015. Trong đó, sản phẩm chủ đạo chiếm hơn 74% là các loại đinh, ốc vít và trục chính xác. Trong nawnm, đơn vị đạt 347 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 31% so với năm trước. Khoản lợi nhuận sau thuế công ty ghi nhận 60 tỷ đồng, tăng tới 40% so với năm trước. Đối tác lớn nhất của Seoul Metal Việt Nam chính là Samsung với hơn 76% tổng doanh thu.

Năm 2017, 2018 và 2019 doanh thu công ty tăng cao, lần lượt đạt 341,2 tỷ đồng, 392,6 tỷ đồng và 448,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại trồi sụt từ mức 67 tỷ đồng giảm xuống còn 55 tỷ đồng rồi lại lên 61 tỷ đồng.

Năm 2020 công ty ghi nhận doanh thu sụt giảm, còn 428,7 tỷ đồng, lợi nhuận rơi xuống mức 45,7 tỷ đồng. Đến năm 2021, SMV đạt doanh thu cao kỷ lục lên mức 586,2 tỷ đồng, lợi nhuận tăng vọt hơn 93% lên mốc 88,3 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SMV lần lượt đạt 499,7 tỷ đồng và 75,2 tỷ đồng.

Trong vòng 3 năm qua, SMV đã thực hiện ít nhất 8 đợt chia cổ tức, trong đó có tới 6 đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ lên tới 59%.

Lần gần đây nhất là ngày 20/5/2022, Đại hội đồng Cổ đông của Công ty đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 20% bằng tiền (trong đó đã thanh toán tạm ứng 5% trong tháng 12/2021 theo quyết định của Đại hội đồng Cổ đông ngày 22/11/2021, tương đương với 8.386.873.000 đồng). Năm 2022 Công ty thanh toán 15% cổ tức còn lại bằng tiền (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu phổ thông được nhận 1.500 đồng) tương đương với 25.160.619.000 đồng (2021 là 16.773.746.000 đồng).