DealStreetAsia, một trang chuyên về review thông tin mua bán sáp nhập khu vực châu Á vừa cho biết, nguồn tin từ một trong những người liên quan tiết lộ, hai trang thương mại điện tử Tiki và Sendo đã đồng ý sáp nhập. 
Một số bình luận cho rằng nếu Tiki và Sendo sáp nhập thì có thể tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ nhằm đối trọng với 2 doanh nghiệp ngoại là Lazada và Shopee.
Tuy nhiên, cũng có một số khác cho rằng, hiện Tiki vận hành khá tốt và không cần phải rước thêm 'gánh nặng' khi sáp nhập với Sendo. Bởi ngành thương mại điện tử Việt Nam cạnh tranh khốc liệt nên các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực… nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường.
Chỉ 2 tuần cuối năm 2019, lần lượt Adayroi và Lotte.vn khép lại cuộc chơi thương mại điện tử, dù đã từng có những mục tiêu rất tham vọng khi ra mắt. Trước đó, cũng trong năm 2019, sàn Robins.vn và VuiVui dừng bước.
Tiki được thành lập và điều hành bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki. Hiện, Công ty Cổ phần VNG đang nắm giữ 24,6% cổ phần của Tiki. Ngoài ra, Tiki còn được rót vốn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI, VNG, JD.com, đến các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; đến từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo… Đây là các quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ trên thế giới cũng như khu vực châu Á.
Còn Sendo được thành lập bởi tập đoàn FPT. Tại thời điểm tháng 6/2019, có 9 cổ đông nước ngoài nắm 57,31% vốn tại Sendo. Trong 9 cổ đông nói trên, SBI E-Vietnam Pte. Ltd (Singapore) sở hữu nhiều nhất, với 20,65% cổ phần và theo sau đó là Econtext Asia Ltd (Trung Quốc) với 10,57%.
Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice Group, Tiki và Sendo là 2 sàn thương mại điện tử nội địa thuộc top 4 website thương mại điện tử tại Việt Nam xét theo lượng truy cập. Danh sách này bao gồm: Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.
Mặc dù có sự tăng trưởng về lượng người sử dụng nhưng top 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo vẫn liên tục lỗ. Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Tiki là gần 1.400 tỷ đồng còn Sendo lỗ gần 1.300 tỷ.
Trong khi lỗ luỹ kế của Shopee đã vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Riêng Lazada, tính đến 31/3/2019, lỗ của đơn vị này đã lên đến 7.111 tỷ đồng. Mặc dù vậy, hai đơn vị này có lợi thế cực kỳ mạnh về vốn từ mẹ là Alibaba và SEA. Chỉ trong năm 2019, Shopee đã được SEA rót thêm gần 2.500 tỷ đồng.
Về phía Tiki và Sendo cũng liên tục gọi vốn để tiếp tục duy trì. Cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa… Tiki cũng có 2 lần tăng vốn trong năm 2019 vào tháng 6 và tháng 12 hiện 2 cổ đông chính hiện vẫn là VNG (24,6%) và JD.com (21,9%).
Mặt khác, tính đến quý 3/2019, các trang thương mại điện tử Việt Nam đã chứng kiến một loạt thay đổi ngoạn mục, trong đó nổi bật là Sendo leo lên vị trí thứ 2 toàn quốc về lượng truy cập website, theo thống kê từ iPrice. Trong đó, lượng truy cập vào website của Sendo trong quý 3 đã cán mức 30,9 triệu lượt/tháng. Kết quả này đánh dấu quý thứ 2 liên tiếp website của Sendo đạt mức tăng trưởng về truy cập trên 10% so với quý trước.
Phía Tiki sau một thời gian dài đứng ở vị trí thứ 2 toàn quốc thì nay đã nhường lại cho Sendo, với lượng truy cập website giảm từ 33,7 triệu/tháng xuống 27,1 triệu/tháng. Tuy nhiên, ứng dụng di động của Tiki ngược lại tăng từ hạng 4 về số lượt tải về lên hạng 3, vượt qua Lazada.
Riêng vị trí thứ 1 vẫn thuộc về Shopee, ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp đứng đầu các trang thương mại điện tử Việt Nam với 34,5 triệu lượt truy cập/tháng. Thêm vào đó, ứng dụng mua sắm của Shopee cũng đứng đầu bảng cả về số lượt tải về số lượng người sử dụng hàng tháng.

“Bước sang năm 2020, dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ chứng kiến một bước ngoặc quan trọng khi thị trường dần đề cao hơn hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời thay cho các chỉ số tăng trưởng ngắn hạn”, iPrice dự báo.
Do đó, việc trường vốn là yếu tố sống còn của các trang thương mại điện tử, trong lúc tất cả đều liên tục báo lỗ và dự báo còn lỗ nhiều hơn nữa những năm tiếp theo.