- Khi mình mở thêm điểm trong cùng khu vực, mình có kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hay không? hay doanh thu từ các điểm cũ sẽ san sẻ ra cho điểm mới?

Có, mình có kỳ vọng doanh thu sẽ tăng. Vì số điểm bán của mình nhiều hơn, tức là cơ hội bán hàng của mình cao hơn đối thủ. Mình giành một phần khách hàng từ đối thủ bên cạnh một số khách hàng từ điểm cũ chuyển sang mua ở điểm mới, khi mình mở điểm mới ở gần họ hơn.

Động thái này ổn khi kinh tế phát triển ổn định, sức mua tăng dần, nhờ vậy doanh thu các điểm tuy bị pha loãng, nhưng được tăng dần lên theo sức mua thị trường.

- Vậy sao khi giảm điểm bán mình không kỳ vọng sẽ bị giảm doanh thu, mà cho là doanh thu sẽ gộp vào cửa hàng của mình ở gần đó (như phát biểu của anh Tài trong bài)?

Thực ra là doanh thu từ cửa hàng bị đóng sẽ chuyển sang cửa hàng của mình một phần (và của cả cửa hàng của đối thủ ở gần chỗ bị đóng).

Vậy là giảm điểm có làm giảm doanh thu hay không? Theo tôi là có!

Trên đây chỉ mới là kịch bản các đối thủ của MWG ngồi im, không tranh thủ cơ hội để hốt khách hàng của MWG.

- Một yếu tố quan trọng cần cân nhắc: Tình hình kinh tế 2024 sẽ ra sao?

Nếu kinh tế phục hồi, sức mua thị trường tăng trở lại, thì hành động ăn kiêng, cắt giảm bớt mỡ thừa này sẽ giúp TGDĐ vượt qua được thách thức.

Nếu tiếp tục giảm sâu hơn, sức mua thị trường tiếp tục giảm, thì lại phải căt giảm mỡ thừa tiếp. Áp lực fixed cost đè nặng lên vai của những cửa hàng còn lại. Liệu có tiếp tục gồng nỗi không?

Chưa hết, lúc ấy giá cp của MWG sẽ bị ảnh hưởng, sẽ tiếp tục giảm sâu hơn, áp lực tài chính (giảm lợi nhuận tài chính, tăng chi phí tài chính) sẽ là một áp lực khác cần phải cân nhắc.

Khi tình hình tốt ta tính lãi kép, thì khi tình hình xấu ta cũng phải cân nhắc sẵn sàng cho "lỗ kép" chứ?

Động thái này của MWG rơi vào Q4 2023, theo tôi chủ yếu là để giữ cho BCTC năm 2023 không quá xấu, ảnh hưởng đến giá CP.

-------------------------------------------------------------

Trích nguyên văn nội dung bài trên báo để theo dõi.

"Trong cuộc họp nhà đầu tư quý 3/2023 vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động đã đề cập đến việc có tới 2 cửa hàng của công ty nằm trên cùng một con phố Phan Đăng Lưu.

Trong đó, cửa hàng số 26 Phan Đăng Lưu là một trong số những cửa hàng kỳ cựu, thuộc nhóm mở đầu tiên trong số các cửa hàng của Thế Giới Di Động.

Cách đây khoảng 8 năm, ông Nguyễn Đức Tài từng cho biết, cửa hàng này thường xuyên bị quá tải, doanh thu khi đó lên tới 10-11 tỷ đồng/tháng. Với việc quá tải, Thế Giới Di Động ghi nhận tình trạng "lost sale" xảy ra tại đây, có nghĩa là nhân viên không kịp phục vụ một số khách hàng và để những khách hàng này phải đi nơi khác mua điện thoại.

Trước tình trạng này, Thế Giới Di Động đã quyết định mở thêm một cửa hàng ở gần đó để chia tải. Nhờ đó, tổng doanh thu 2 cửa hàng này lúc bấy giờ lên tới khoảng 16 tỷ đồng/tháng. Đây là 2 cửa hàng tồn tại đồng thời để đáp ứng nhu cầu tăng của khách hàng.

Thế nhưng, điều đáng buồn là thời điểm hiện tại cửa hàng kỳ cựu tại số 26 Phan Đăng Lưu đã bị Thế Giới Di Động đóng cửa. Theo ông Nguyễn Đức Tài, ban đầu, Thế Giới Di Động cũng nghĩ như phần lớn mọi người, là sức mua sẽ phục hồi sau Covid-19. Tuy nhiên, giờ đây công ty nhận định rằng tình hình lình xình sẽ kéo dài, và khi kéo dài thì không thể duy trì những gì kém hiệu quả được.

Trước đây, có những cửa hàng chỉ cần đạt doanh thu 3 tỷ đồng/tháng là đã có lợi nhuận, thì giờ đây đã có những cửa hàng chỉ có doanh thu khoảng 1,5-2 tỷ đồng/tháng, và chạm vào ngưỡng hòa vốn EBITDA. Đứng trước tình hình đó, Thế Giới Di Động quyết định sẽ xử lý những cửa hàng không còn đem tiền về.

"Những gì kém hiệu quả là chúng tôi cắt! Khi cắt có nghĩa là cắt những cái lỗ, những cái ăn bám. Các bạn tưởng tượng nhà có 10 đứa con mà 2 đứa ăn bám làm ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, thì chúng tôi cắt 2 đứa đó. 8 đứa còn lại chỉ ở vị trí đem tiền về thôi. Đó là hình ảnh ở mọi nơi, tái cấu trúc mọi nơi, tinh thần là năm sau chúng tôi chỉ giữ lại những thứ hiệu quả", Chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ.

Một câu hỏi được đặt ra là khi đóng cửa các cửa hàng như vậy, doanh thu công ty sẽ sụt giảm mạnh. Nói về việc này, ông Tài cho rằng doanh thu sẽ chỉ di chuyển, chứ không sụt giảm nhiều.

Theo ông Tài, cửa hàng 26 Phan Đăng Lưu sau khi đóng có thể khiến Thế Giới Di Động mất đi khoảng 4 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, 4 tỷ đồng này sẽ không mất toàn bộ mà chuyển dịch sang cửa hàng rất lớn, rất đẹp ở ngã tư Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long gần đó. Ông Tài tính toán, chỉ cần chuyển dịch được khoảng 3 tỷ trong tổng số 4 tỷ thôi, thì lợi ích sẽ rất lớn bởi 3 tỷ đó sẽ được nhân với 10-20% lợi nhuận gộp, nhưng lại nhân với rất ít chi phí vì công ty không phải trả thêm lương cho nhân viên, không phải trả thêm tiền mặt bằng, mà chỉ phải trả thêm thưởng.

Ông Tài thừa nhận rằng trong bối cảnh sức mua bị ảnh hưởng, lẽ ra Thế Giới Di Động phải cắt rất nhanh, giảm nhanh mọi chi phí bao gồm chi phí vận hành, chi phí con người, chi phí điện đóm v.v... nhưng lần này Thế Giới Di Động đã đóng hơi chậm chạp.

"Như vậy, năm sau chỉ có những thứ đem lại hiệu quả mới tiếp tục được đầu tư, tập trung và dồn nguồn lực để đem lại nhiều hơn. Những gì thuộc hệ kém hiệu quả, ăn bám sẽ được di dời ra khỏi tập đoàn này", ông Tài kết luận.

Theo kế hoạch, Thế Giới Di Động sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng trong quý 4/2023. Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận."

Theo Ha My - Cafebiz 27/11/2023