trang-web-kinh-doanhquang-cao-nha-hang-mau-xanh-la-va-do-ruou-2-1625050570.jpg

Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, đội ngũ tuyến đầu chống dịch dường như căng thẳng hơn bao giờ hết! Hiểu được điều đó, mà không ít các nghệ sĩ đã sẵn sàng góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch này. Cùng nghe Mai Phương Thúy chia sẻ một chút về công tác tình nguyện của mình.

Vì sao chị quyết định trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM?

- Đợt bùng phát Covid lần này Thúy cảm nhận được độ bùng phát nghiêm trọng hơn, nó diễn tiến rất là nhanh, đòi hỏi lực lượng y tế tuyến đầu sẽ gồng mình làm rất nhiều công việc trong một thời gian rất ngắn. Chính vì vậy, trong trái tim mình có cảm nhận là mình muốn làm một cái gì đó để giúp đỡ mọi người để mọi người cảm thấy đỡ vất vả hơn. Theo cảm tính, mình cảm thấy như thế nên mình mới đi làm tình nguyện. Thực sự nghĩ lại, Thúy không nghĩ đây là một hành động khôn ngoan bởi vì bản thân mình sức lực thì không phải là khỏe lắm mà kinh nghiệm đi làm những công việc tình nguyện thì cũng không nhiều nên không biết là có giúp gì được không, nhỡ lại thành gánh nặng của mọi người thì lại khổ.

Công việc của chị khi làm tình nguyện viên là gì?
- Nhóm tình nguyện mà Thúy đăng ký vào thì có rất là nhiều công việc. Có những hôm mình sẽ mặc đồ bảo hộ để xịt sát khuẩn rồi sẽ giúp các bên thu dọn ký túc xá để những người thuộc diện cách ly vào ở. Có những hôm phân luồng, lấy mẫu đối với những đối tượng cần xét nghiệm. Thì công việc hằng ngày nó thay đổi tùy theo bây giờ đang thiếu người làm ở đâu. Trong nhóm thì có khoảng 30 người mọi người ai có thể sắp xếp được công việc, thời gian để tham gia thì tham gia.

Công việc này nó mang đến cho chị những trải nghiệm gì?
- Thực sự đi làm tình nguyện thì rất là vui, bởi vì mình góp chút công sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ các y, bác sĩ, những bạn tình nguyện viên, những ai mà đang ở trên tuyến đầu chống dịch bởi vì mọi người đang phải căng sức rất là nhiều. Mọi người đọc báo thì sẽ thấy TP.HCM ngày nào cũng rất là nhiều ca mà đang phải điều tra dịch tễ. Thì công việc của những người giải quyết phân luồng cách ly, thử covid cho những người dân cần xét nghiệm thì rất là nhiều và nhân lên trong thời gian ngắn. Chính vì vậy mà Thúy mới cảm nhận là các y bác sĩ cũng như là các bạn tình nguyện viên ở trên tuyến đầu rất là mệt.

trang-web-kinh-doanhquang-cao-nha-hang-mau-xanh-la-va-do-ruou-1-1625049768.jpg
Mai Phương Thúy rạng rỡ khi làm tình nguyện

Dịch bệnh rất là phức tạp cũng như gặp rất nhiều người lạ vậy thì cảm xúc của chị như thế nào cũng như là chị làm cách nào để bảo vệ an toàn cho bản thân?
- Bản thân Thúy cũng đã đi thử covid theo xét nghiệm PCR - xét nghiệm chính xác nhất cũng đã 2 lần rồi. Trước khi đi làm tình nguyện thì có mấy lần an toàn, trong khi đi làm tình nguyện thì mình cũng rất tuân thủ những quy định chung về khoảng cách cũng như đảm bảo an toàn. Đấy là việc mình cảm thấy là việc tốt nhất mình có thể làm. Tuy nhiên mình cũng không thể chắc chắn được là có sai sót gì diễn ra hay không, mình chỉ có thể cố gắng hết sức mình. Thì đấy cũng là cái rủi ro khi mà đi làm tình nguyện. Tại vì thời gian vừa qua mọi người cũng đã thấy là ở trên tuyến đầu chống dịch cũng đã xảy ra hiện tượng điều dưỡng mắc bệnh cho nên là không dám chủ quan cũng như không dám nói trước được điều gì.

Thúy cũng có chia sẻ là sức khỏe của chị không tốt, vậy tại sao chị lại tham gia tình nguyện mà không ủng hộ từ xa bằng hiện vật, hiện kim?
- Khi mà bạn đọc một tin tức nào đấy và tư dưng bạn cảm thấy rất cảm thông cho một trường hợp cụ thể thì nó thôi thúc bạn phải làm một cái gì đấy không chỉ đơn giản là từ xa hay ủng hộ bằng hiện vật. Trong nhiều năm trở lại đây, khi tham gia công tác làm từ thiện, công tác xã hội thì đa số đều chọn cách làm từ xa bằng tiền, hiện vật,.. Không hiểu sao lần này lại có động lực mạnh mẽ như vậy để tham gia góp sức mình

Chị là một trong những người đẹp làm từ thiện rất sớm ngay từ những ngày mới đăng quang Hoa Hậu Việt Nam. Vậy thì sau 15 năm, cái quan điểm giúp đỡ người khác, quan điểm từ thiện, quan điểm cho đi của chị có gì thay đổi không.
- Ngày xưa lúc mình mới đăng quang hoa hậu thì mình là đương kim và với khả năng của mình lúc đấy là một cô gái trẻ, có nhiều thời gian, mình có thể làm thiện nguyện bằng cách gắn hình ảnh hoa hậu của mình để làm các công tác thiện nguyện, càng nhiều người biết đến càng tốt thì sẽ kêu gọi được nhiều mạnh thường quân. Lúc mình 18,20 tuổi, mình là đương kim hoa hậu, mình xuất hiện nhiều, tham gia tình nguyện nhiều, góp sức của mình thì là một việc rất là phù hợp với độ tuổi của mình lúc đấy. Nhưng mà sau này khi lớn lên, Thúy cảm thấy công tác đấy có thể nhường lại cho các bạn hoa hậu trẻ hơn, các bạn đang là đương kim hoa hậu, các bạn đang hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thì cái sức kêu gọi của các bạn ấy sẽ lan tỏa được nhiều hơn. Còn mình thì đến độ tuổi nào đấy mình phát triển chuyên môn, mình đi làm, mình muốn xây dựng một công ty, một đế chế cho riêng mình thì mình có thể đóng góp thông qua quỹ từ thiện. Khi khả năng làm kinh tế cũng như khả năng đóng góp vật chất của mình càng cao lên thì mình đóng góp bằng hiện vật, bằng của cải vật chất nó hợp lý hơn với độ tuổi, công việc và danh hiệu của mình bây giờ. Đấy là cái thay đổi lớn nhất trong công tác làm thiện nguyện của Thúy. Cho nên là trong 10 năm trở lại  đây thì mọi người không thấy Thúy xuất hiện nhiều trong những công tác thiện nguyện đi vùng sâu vùng xa hay những công tác thiện nguyện quá là mạnh mẽ nữa.

4901-mai-phuong-thuy-h-hen-nie-mac-do-bao-ho-kin-mit-di-tinh-nguyen-chong-dich-2-1625050679.jpg

Thúy cảm thấy như thế nào về tình thân hỗ trợ lẫn nhau, tinh thần tương thân tương ái của người Sài Gòn trong những ngày này?
- Thúy cảm thấy về một mặt nào đấy thì SG rất giống thời chiến ngày xưa. Mình cứ nghĩ mình sinh ra vào thời bình thì mình sẽ không hiểu được cái cảm giác thời chiến tranh nó như thế nào mà bố mẹ ông bà mình hay nói là ngày xưa đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi thì mình không hiểu cái đấy lắm. Nhưng mà bây giờ khi mà dịch covid hoành hành thì không phải bom đạn chiến tranh như ngày xưa nhưng mình cũng đoàn kết hơn để cùng nhau chống dịch chung. Tinh thần đoàn kết được đẩy lên rất là cao. Đọc được những lời chia sẻ, những lời động viên, mọi người nói “ rất là thương SG, SG cố lên” thì mình cảm thấy rất là ấm áp. Thúy đi đi lại lại giữa SG và Hà Nội cũng 10 năm trở lại đây. Đối với Thúy HN là một tình yêu không thể thay thế, nó là một tình yêu đầu, tình yêu đầu lúc nào cũng ở trong tim. Còn SG chắc là tình yêu cuối. Một bên tình đầu một bên tình cuối, Thúy nghĩ là công bằng.

Chị nhớ điều gì nhất ở thành phố sôi động này?
- Thúy nhớ các quán ăn vặt. Ở trước cửa nhà Thúy có rất nhiều quán mì mở đêm rất là tấp nập. Cảm thấy một ngày đi làm về muộn quá giờ cơm, 9-10h tối thì những người sống 1 mình cũng như xa quê hương như Thúy đến những cái khu phố bán mì đêm như thế thì cảm thấy rất là ấm áp, cảm thấy những ánh đèn rực rỡ nó xoa dịu sự cô đơn khi  mình làm việc một mình và mình về muộn. Bây giờ đến điều đó cũng cảm thấy rất là xa xỉ thì mình cũng những người con xa quê khác cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo đến mức nào. Thực sự Thúy cảm thấy thành phố cũng như một con người, có lúc vui vẻ sôi động lại có lúc yên tĩnh trầm mặc. Cái nào cũng có cái vẻ đẹp riêng của nó. Cái đáng lo ở đây là các cơ sở kinh doanh, các hoạt động vui chơi giải trí cũng như các hoạt động khác của người dân SG bị đình trệ lại. Ba tuần rồi và có thể kéo dài nhiều hơn nữa thì Thúy cảm thấy được thiệt hại về kinh tế cũng như tinh thần của doanh nghiệp và người dân nhiều đến mức nào và Thúy cảm thấy rất là xót xa.

Chị đã ở nhà trong bao lâu và đã làm gì trong thời gian rảnh rỗi này?
- Thúy đã ở nhà hơn cả tháng rồi và gần như rất ít khi đi ra ngoài. Thật ra cũng không có việc gì, chỉ hơn sốt thôi cũng lên bệnh viện tự bỏ 3tr ra test PCR xem có bị covid hay không, cũng rảnh lắm. Hằng ngày thì công việc nghiên cứu đầu tư thì vẫn nghiên cứu đầu tư thôi xong rồi làm sinh tố, làm nước ép để đầy tủ lạnh. Xong rồi mua sắm online, cảm thấy mình mua sắm cũng đóng góp vào nền kinh tế, cũng tạo doanh thu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác nên cảm thấy mình cũng đóng góp một phần nhỏ cho xã hội. Dạo này vì có Euro nên thỉnh thoảng hay thức khuya để xem bóng đá cùng mọi người. Còn bình thường thì tầm 6,7h dậy Thúy sẽ xem tin tức xong rồi tắm rửa, làm việc nhà. Thực ra Thúy thích nhất cái cảm giác làm việc nhà luôn chân luôn tay mà không hiểu sao trong lúc làm việc nhà như quét nhà hay rửa bát lại suy nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay. Có lẽ đấy chính là lý do Bill Gate thích rửa bát.

Tâm lý của chị thay đổi như thế nào khi mình đã bước sang mùa dịch thứ 4 rồi?
- Thúy không cảm thấy thế nào cả. Bản thân Thúy làm nghề liên quan đến nghiên cứu đầu tư cũng như là nghiên cứu khoa học cho nên rất là hiểu sự nhàm chán, sự chờ đợi. Thực ra đấy là kim chỉ nam trong thành công trong công việc của mình. Kiên nhẫn chờ đợi rồi lại kiên trì rồi lại kiên nhẫn chờ đợi vì bất kỳ cái gì trong cuộc sống cũng có thời điểm của nó. Với lại một người làm nghiên cứu, phân tích thì họ rất cố gắng dùng lý trí giải quyết vấn đề. Phân tích tình huống xong rồi mình có nên buồn không, mình có nên lo lắng không, nếu không cần thiết thì không nên lo lắng. Bản thân Thúy là một người rất là tính toán, ngày trẻ lúc nào cũng chuẩn bị một khoản tiền mặt sẵn để mình và gia đình có thể sống khoảng 3,4 năm thoải mái: chi tiêu, mua sắm, đi du lịch, thuốc men, bệnh viện. Kể cả trong 3,4 năm đấy mình không làm ra đồng doanh thu nào thì mình vẫn có cuộc sống ổn định cho nên nếu dịch bệnh còn kéo dài tầm 2 năm nữa cơ thì Thúy mới phải suy nghĩ.

trang-web-kinh-doanhquang-cao-nha-hang-mau-xanh-la-va-do-ruou-1625049440.jpg

*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền.

Nguyên Thảo

Vietnam Business Insider