CTCP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (tên viết tắt Đại Dũng Corp) - doanh nghiệp trúng gói thầu thi công kết cấu thép cho 2 sân vận động Lusail và sân vận động Ras Abu vừa công bố hình ảnh tiến độ dự án.
Trong hai sân vận động này, sân vận động Lusail sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc và chung kết World Cup 2022 với sức chứa hơn 80.000 khán giả. Sau World Cup, sân vận động này sẽ trở thành khu phức hợp trường học, bệnh viện, khu thể thao, thương mại... Điểm đặc biệt của sân Lusail là sẽ được xây dựng trên mặt nước và được làm mát bằng các tấm pin mặt trời.
Trước đó vào năm 2019, Đại Dũng Corp đã nhận được nhiều sự quan tâm khi là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trúng thầu dự án trị giá 80 triệu USD cho hai sân vận động Lusail và Ras Abu. Thời điểm ấy, chia sẻ với cơ quan truyền thông, ông Trịnh Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Đại Dũng Corp cho biết: "Chúng tôi rất tự hào vì đã đấu thầu thành công gói thầu này. Đây không chỉ là niềm tự hào vì sự lớn mạnh của doanh nghiệp, mà còn là niềm tự hào của thương hiệu Việt Nam đã được thị trường thế giới công nhận”.
Ngoài việc trúng gói thầu thiết bị kết cấu thép, tham gia làm sân vận động World Cup 2022, đến nay sản phẩm của công ty này đã xuất khẩu, phục vụ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Các dự án trúng thầu phần lớn đều là các dự án trọng điểm xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện và nhà máy công nghiệp nặng như Phễu chứa Than tại Long Phú; Dự án nhà máy Jabil - Lay Việt Nam; Cao su Bình Dương – Casumina; Nhà máy nhiệt điện Foca; Sản xuất linh kiện máy tính Finecs; Nhà máy tuyển tro bay Hoàng Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Takehara; Nhà máy Nhiệt điện Linkou và Talin (Đài Loan);…
Bên cạnh đó, công ty này còn vận hành cho thuê tòa nhà văn phòng tại 123 Bạch Đằng, phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM.
Trên trang chủ công ty này tự giới thiệu là tập đoàn kết cấu thép hàng đầu Việt Nam, gồm “8 nhà máy quy mô lớn trong đó có 6 xưởng chuyên sản xuất kết cấu thép, đội ngũ cán bộ công nhân viên lên đến 2.800 người”.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Đại Dũng Corp có lịch sử hoạt động từ năm 1995, trụ sở đặt tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp này gắn liền với vai trò của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trịnh Tiến Dũng.
Tại ngày 25/12/2017, số vốn của Đại Dũng Corp đạt 669,68 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Công ty TNHH Nam Phát Long (68,75%), ông Trịnh Mạnh Hùng (7,86%), Nguyễn Thị Hồng Liên (4,54%) và Trịnh Tiến Dũng (12,6%). Qua 4 lần điều chỉnh tăng, số vốn của Đại Dũng đến ngày 18/12/2019 ở mức 1.086 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ đông lớn Nam Phát Long cũng là đơn vị thuộc hệ sinh thái của doanh nhân sinh năm 1969 Trịnh Tiến Dũng.
Công ty này ra đời vào tháng 12/2009, số vốn hiện tại ở mức 741,6 tỷ đồng, thuộc sở hữu của hai cá nhân Nguyễn Thị Hồng Liên và Trịnh Tiến Dũng với tỷ lệ lần lượt là 45,66% và 54,34%. Tại đây bà Hồng Liên là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Trước đó vào tháng 9/2007, Đại Dũng Corp cùng hai cá nhân trên còn góp vốn thành lập CTCP Kết cấu Thép Đại Dũng miền Trung. Tại ngày 21/10/2016, số vốn công ty này đạt 89,7 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông như sau: Đại Dũng Corp (99,99%), và Nguyễn Thị Hồng Liên; Trịnh Tiến Dũng mỗi người 0,002%.
Đến tháng 2/2016, nhóm này lại tiếp tục thành lập CTCP Cơ khí Đại Dũng VI (viết tắt DDC VI) hoạt động chính trong lĩnh vực gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại. DDC VI có số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, cổ đông gồm: Đại Dũng Corp (40%), và Nguyễn Thị Hồng Liên (20%); Trịnh Tiến Dũng (40%).
4 tháng sau đó (tháng 6/2016), hệ sinh thái các doanh nghiệp của doanh nhân họ Trịnh xuất hiện thêm CTCP Vật liệu Xanh Đại Dũng (viết tắt DDG). DDG hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung với số vốn điều lệ ban đầu là 40 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Nam Phát Long (11%), Đại Dũng Corp (49%), CTCP Thiết bị Công nghệ Thành Nguyên (30%) và Công ty TNHH Sản xuất Trung Hậu (10%). Tháng 1/2017, Công ty Trung Hậu thoái vốn khỏi DDG.
Bên cạnh DDG, Trịnh Nhiên cũng là nhân tố quan trọng tại CTCP Phúc Thành Việt Nam quy mô vốn 60 tỷ đồng do ông Trịnh Đại (SN 1971) làm Tổng giám đốc.
Về phần mình, ông Trịnh Mạnh Hùng – cổ đông lớn của Đại Dũng Corp còn là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty Bất động sản Mạnh Cường. Công ty này được thành lập vào tháng 7/2017 với số vốn điều lệ đạt 30 tỷ đồng, cổ đông gồm Trịnh Mạnh Cường (30%) và Trịnh Mạnh Hùng (70%). Ông Hùng cũng là Giám đốc CTCP Kinh doanh thiết bị Công Nghiệp (quy mô vốn 32 tỷ đồng).
Thông tin tới Nhadautu.vn, đại diện DDG cho biết năm 2017 doanh nghiệp này đã quyết định tăng vốn từ 40 tỷ đồng lên 63 tỷ đồng. Việc tăng vốn này đã được thực hiện các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của pháp luật với Sở KHĐT TP.HCM. Toàn bộ hồ sơ tăng vốn đã được Sở KHĐT TP.HCM thẩm định và đánh giá tính đúng đắn cũng như tính hợp pháp.
Việc tăng vốn nằm trong chiến lược kinh doanh của DDG đã được xác lập từ trước và được các cổ đông đồng thuận cùng chung tay phát triển công ty. Theo Nghị định 108/2018, chi tiết cổ đông không thuộc trường hợp phải thông báo cho Sở KHĐT, do đó thông tin này không được hiện thị trên trang thông tin doanh nghiệp quốc gia.