Lo tiêu hoang rồi khánh kiệt, hai thợ hồ tại Quảng Bình, Khánh Hòa vẫn muốn giữ thói quen, lối sống cũ dù có trong tay hàng chục tỷ đồng.
21/6/2018 cũng là một ngày nóng đổ lửa như năm nay của Quảng Bình. Ngồi một mình trước hiên sau cả ngày đi công trình, Thành (tên nhân vật đã đổi) - chàng thợ hồ 25 tuổi ở huyện Quảng Trạch bâng quơ lấy trong túi ra tờ vé số. Khi thấy trúng ba số, anh đã run lẩy bẩy. Một luồng điện chạy dọc sống lưng khiến cơ thể anh gần như cứng đờ khi cả dãy sáu số trùng với giải Jackpot.
Thành chạy vào nói với mẹ "con trúng 44 tỷ rồi" nhưng bà một mực không tin. Bà không biết Vietlott là công ty nào, cũng không nghĩ làm sao có giải độc đắc lớn đến thế nên dặn Thành đừng mừng vội, cẩn thận bị xã hội đen vòi vĩnh.
Thành cất tấm vé số vào hộc tủ, cố gắng giữ bình tĩnh sang tiệc cưới nhà hàng xóm như lời hẹn và hiểu mình đã trở thành "người trúng số".
Một thợ xây khác ở Khánh Hòa là ông Lê Văn Hiểu cũng có cảm xúc "không dám tin" như Thành vào tháng 10/2019. Ông Hiểu mua sáu tờ vé Vietlott trong một chuyến công tác ở TP HCM. Khi biết một trong đó trùng với dãy số trên bảng điện tử, ông hết nhìn mặt trước, lật ra mặt sau đọc tất cả chữ in trên đó.
Hôm sau có người điện thoại xưng là nhân viên của đại lý, ông Hiểu mới nghĩ: "Vậy là trúng 23 tỷ thật rồi". Sau đó, một mình ông đến chi nhánh báo trúng thưởng và rành rọt nói về kế hoạch tiêu tiền. Ông cũng là một trong số ít người đồng ý công bố danh tính lúc nhận giải, bởi cho rằng vận may đến thì chẳng có lý do gì phải giấu giếm.
Thành thì khác, anh phải nhờ người thân dẫn đi lĩnh thưởng. Chàng thợ hồ nắn nót viết tên tuổi, số chứng minh vào mặt sau tấm vé để khẳng định chủ quyền và cất gọn trong chiếc túi giữ chặt bên người suốt chuyến bay từ Đồng Hới vào TP HCM. Ngày nhận tiền, Thành chọn một chiếc áo sơ mi phẳng phiu, đeo mặt nạ trắng.
Nỗi lo của người trúng số
Qua phút lâng lâng ban đầu, cả hai cùng trở lại cuộc sống thường nhật với một nỗi lo chung, là tiêu hoang rồi khánh kiệt như những chuyện thường thấy trên mặt báo. Sau trúng giải, hai người thợ xây không có nhiều thay đổi ngoài việc có đường hướng lập nghiệp rõ ràng hơn.
Giữa trưa nắng tháng 7, ông Hiểu vẫn tất tả chạy xe máy từ công trình đến quán cà phê, sau lại ngược về coi sóc căn nhà tặng mẹ vợ đang thi công dang dở.
Khoản tiền lớn giúp ông mạnh dạn tính kế làm ăn cho tiền sinh ra tiền. Đầu năm, vợ chồng ông rong ruổi khắp Nha Trang để mua đất đầu tư nhưng bất thành. Cả hai dạt về huyện, chọn mảnh đất 4 tỷ đồng cuối đường Võ Nguyên Giáp, nối liền huyện với trung tâm thành phố Nha Trang.
Ông dành thêm 2 tỷ đồng để mở quán cà phê sân vườn, kết hợp điểm bán vé số Vietlott. Cửa hàng nằm ngay mặt tiền quốc lộ 1 nên khách vào ra liên tục, mỗi ca trực hơn chục nhân viên. Trong căn phòng máy lạnh dành cho khách chơi vé số, tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc nhận giải độc đắc được ông treo ở vị trí trang trọng.
Guồng quay công việc mỗi ngày thêm gấp bội khi lấn sân mảng mới. Chưa ngơi việc ở quán cà phê, ông Hiểu đội nắng đi tiếp công trình, có khi ở lại đôi ba ngày mới về nhà một lần. Công trình mới nhận vài tháng, chưa được chủ đầu tư giải ngân vốn nên người đàn ông này phải tạm ứng hơn 3 tỷ từ tiền trúng số.
Ông phân trần, nghề xây dựng dầm mưa dãi nắng nhưng mình theo đuổi từ trẻ, ăn vào máu rồi nên không bỏ được. Bây giờ có vốn cũng đỡ hơn, thợ thầy thiếu tiền có thể chủ động xoay rồi quyết toán sau.
"Giờ cũng không mong ước gì nhiều nữa, chỉ muốn có một chiếc ôtô để thuận tiện đi lại nhưng chưa được vì phải chờ bằng lái", ông Hiểu nói. Khoản tiền trúng thưởng vì thế được gửi ngân hàng một phần chờ ngày sắm xe, còn lại một ít ông tặng anh em và làm từ thiện cho người nghèo.
Còn Thành, sau hai năm được nhiều người gọi là "tỷ phú", chàng trai 25 tuổi đã lập gia đình, thôi lo ăn từng bữa và biết tính toán cho tương lai. Anh vẫn đi dép lê, mặc áo phông và dùng điện thoại phím bấm như thời làm công nhân theo diện xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Che mặt, giấu tên lúc nhận giải nhưng hàng xóm trong thôn, thậm chí người dân cách nhà Thành gần 40 km cũng biết thông tin anh trúng độc đắc. Nhiều hội nhóm, bạn bè và cả người không quen biết kéo vào xin hỗ trợ, vay tiền khiến nhịp sống những ngày đầu đảo lộn. Người thân khuyên Thành chuyển đi nơi khác tạm lánh, chờ yên ắng rồi trở về nhưng anh đều từ chối. "Mình trúng số chứ có làm gì phạm pháp đâu mà phải trốn", Thành chia sẻ.
Thỉnh thoảng Thành vẫn mở lại tờ báo từng đưa tin trúng thưởng, lướt xem bình luận và cười sảng khoái với câu trêu đùa "chàng thợ xây có bàn tay đẹp nhất Việt Nam". Chỉ vào những nốt sần trên bàn tay, anh nói từ lúc trúng thưởng đã bỏ nghề xây dựng vì vất vả. Anh cũng không định nhận thầu vì trước đây chỉ làm công ăn lương, chưa thạo nghề.
Nghe lời mẹ, Thành góp toàn bộ chi phí xây đình làng còn thiếu và lo hương khói hàng năm ngót nghét một tỷ. Anh chia 15 tỷ cho các anh chị xây nhà riêng, thậm chí dư dả sắm thêm ôtô.
Trong khi đó, anh chỉ thay ngói và sơn lại căn nhà cấp bốn của gia đình để ở cùng mẹ và vợ con. Phía trước căn nhà đặt tấm phản gỗ mới, bên cạnh là chiếc Ford Everest mua cách đây không lâu. Căn nhà cách quốc lộ khoảng 300 mét, không bề thế nhưng vì thế cũng đủ nổi bật so với xung quanh. Thành giải thích, cất nhà là chuyện trọng đại, chưa hợp tuổi nên chưa làm được.
Khoản tiền còn lại Thành ưu tiên cho kinh doanh. Để không bị thách giá, anh nhờ người quen đứng ra mua khu đất 860 m2 cạnh quốc lộ vào đầu năm ngoái với giá hơn 3,5 tỷ đồng. Anh rót thêm 4 tỷ đồng để xây dựng nơi đây thành trung tâm vui chơi cho trẻ em. Bên trong chia làm hai phân khu. Một bên là tiệm trà sữa với khoảng chục bộ bàn ghế, bên còn lại bày biện nhà hơi và cầu trượt.
"Thỉnh thoảng mình vẫn mua vé số. Cách đây mấy hôm còn mơ thấy lên nhận giải 25 tỷ, nếu thật chắc không đeo mặt nạ nữa", nói xong, anh vội quay sang vỗ về cô con gái chưa tròn tuổi.
Thiên Ngân - Xuân Ngọc/VNE