Sở GDCK TP.HCM vừa có thông báo về việc đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS – Mã: ORS).

Theo đó, Chứng khoán Tiên Phong sẽ đăng ký niêm yết 200 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán ORS, tương ứng với mức vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. 

Cổ phiếu ORS đăng ký giao dịch trên UPCoM từ giữa tháng 4/2019 và hiện đang đứng tại mức giá 27.300 đồng/CP (giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/8).

Ai đang sở hữu TPS?

Công ty Chứng khoán Tiên Phong có tiền thân là CTCP Chứng khoán Phương Đông, được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu là 60 tỉ đồng. Chứng khoán Phương Đông từng niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2010 và bị hủy niêm yết vào ngày 10/4/2019 do lợi nhuận sau thuế bị âm 3 năm liên tiếp. 

Ngày 17/4/2019, công ty chuyển sang giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị đăng ký giao dịch 240 tỷ đồng. Ngay sau đó, công ty chính thức đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong (TPS) từ ngày 18/4/2019 với vốn điều lệ tăng lên 400 tỉ đồng. 

Đáng chú ý, chỉ một tuần sau khi đổi tên, TPS đã tiến hành đổi logo với bộ thương hiệu tím cam đặc trưng của TPBank. Cùng với việc đổi nhận diện thương hiệu, TPS cho biết công ty này đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của TPBank từ tháng 4/2019. Đồng thời, ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch TPBank) được bầu làm làm Phó Chủ tịch của công ty chứng khoán TPS, sau đó là Chủ tịch HĐQT vào tháng 10/2019. 

img1597-15571118512942090629766-crop-1557111879476317093481-1629272874.jpg

Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch TPBank , Chủ tịch TPS (bên trái) đứng cạnh anh trai, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank.

Những thay đổi trên diễn ra sau khi TPBank thông báo đã mua 4 triệu cổ phiếu của TPS nhằm sở hữu hơn 9% vốn điều lệ của công ty này.

Theo cơ cấu cổ đông chốt ngày 17/2/2021, TPS có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn là bà Vũ Lê Thùy Linh (9,3%), TPBank (9%) và bà Nguyễn Thị Minh Loan (8%). Ngày 13/4/2021, bà Linh đã bán 4,6 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,7 triệu cổ , tương đương 4,7% vốn điều lệ TPS. Qua đó, đưa TPBank trở thành cổ đông lớn nhất của TPS.

Mặt khác, TPBank cũng liên tục rót thêm vốn vào công ty chứng khoán này trong các đợt tăng vốn gần đầy nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu.

Mới nhất, TPBank đã mua thêm hơn 9 triệu cổ phiếu TPS thông qua việc TPS phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 vào tháng 7 vừa qua. Sau đợt phát hành này, vốn điều lện của TPS tăng từ 1.000 tỷ lên 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào giữa tháng 10, TPBank đã hoàn tất mua 5,05 triệu cổ phần của TPS để duy trì tỉ lệ sở hữu 9,01% vốn điều lệ. Ước tính theo giá chào bán 10.000 đồng/cp, TPBank đã chi ra hơn 50 tỉ đồng để thực hiện giao dịch

z2692447562864-dd4045bd569f99615402ecb25952fec1-1629271937.jpg
Cơ cấu cổ đông TPS tại thời điểm 17/2. (Nguồn: BC thường niên 2020).

Nhìn về quá khứ, trước khi tham gia vào TPS vào năm 2019, TPBank cũng có quan hệ với khá gần gũi với TPS khi đó còn là Chứng khoán Phương Đông và cả hai đều là đơn vị liên quan trong vụ án của cựu nhân viên VietinBank Huỳnh Thị Huyền Như.

Cụ thể, vào thời điểm năm 2011, TPBank đã ủy thác 380 tỷ đồng cho Chứng khoán Phương Đông để thực hiện các hợp đồng môi giới chứng khoán, TPS gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Tổng số tiền gửi ngân hàng của TPS tại thời điểm cuối năm 2011 lên đến hơn 1.100 tỷ đồng. Khi sự việc của Huyền Như tại Vietinbank bị vỡ lở, khoản tiền gửi của các đơn vị tại Vietinbank bị ngưng giao dịch, TPS đã phải "treo" khoản tiền gửi quá hạn tại Vietinbank cho đến năm 2018. 

Vào tháng 5/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử tuyên án phúc thẩm buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho chứng khoán Phương Đông 380 tỷ đồng. Công ty chứng khoán này đã hạch toán trên báo cáo tài chính 2018 khoản phải thu Huyền Như 380 tỷ đồng, giảm số dư tiền và tương đương tiền 380 tỷ đồng, hạch toán khoản phải trả TPBank giảm 380 tỷ sau khi TPBank đã bán khoản này cho CTCP mua bán nợ Thế Hệ Mới. TPS đã quyết định sử dụng Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ hơn 1 tỷ để bù đắp khoản thiệt hại của khoản tiền gửi 380 tỷ, số tiền còn lại 378,9 tỷ đã được trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho khoản phải thu của Huyền Như.

Kết quả là đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TPS giảm từ 453 tỷ xuống còn 71,6 tỷ, công ty lỗ lũy kế 233 tỷ trên vốn điều lệ 240 tỷ, tiền và tương đương tiền còn chưa đến 20 tỷ, các hoạt động đều kiệt quệ. 

TPS đang kinh doanh như thế nào?

Sau giai đoạn điêu đứng vì vụ án ‘’Huyền Như’’, hoạt động kinh doanh TPS đã bắt đầu hồi phục mạnh mẽ trong hai năm 2019 và 2020 khi có sự tham gia của TPBank.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2020, doanh thu của công ty chứng khoán này tăng trưởng bình quân 430%/năm từ 21 tỷ đồng vào năm 2018 lên 390 tỷ trong năm 2020. Lợi nhuận chuyển từ mức lỗ gần 11 tỷ vào năm 2018 lên hơn 89 tỷ vào năm 2020.

z2692881122202-5185c4c47b0d40e88f57c48501231fe7-1629271935.jpg
 

Cũng trong thời gian trên, quy mô tài sản của TPS mở rộng gấp 30 lần lên 3.532. Về phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu tăng từ 57 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên 961 tỷ vào thời điểm 31/12/2020.

Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu TPS đạt 551,19 tỷ đồng, tăng tới 396,85 tỷ đồng, tương ứng tăng 257,11% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 150,61 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ 2020. Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 tăng vọt, Chứng khoán Tiên Phong cho biết, do trong kỳ doanh thu và chi phí đều tăng mạnh, đến từ các nghiệp vụ tự doanh, môi giới, lưu ký và hoạt động tư vấn tài chính.

z2692937169083-e0803bfe42131b26d4ff7e66934a28e4-1629272055.jpg
 

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản TPS là hơn 3.532 tỷ đồng, tăng 60,65% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, công ty có hơn 1.056 tỷ tiền gửi tại các ngân hàng với 300 tỷ gửi kỳ hạn 6 tháng ở TPBank.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm tỷ trọng 68,54% tổng nguồn vốn, đạt gần 2.421 tỷ đồng, tăng tới 95,55% so với thời điểm đầu năm, với chủ yếu là trái phiếu phát hành dài hạn là 2.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6 đạt hơn 1.111 tỷ đồng, tăng gần 16%.