Mới đây, Coteccons thông báo đã nhận được Thông báo thụ lý Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons. 

"Ngày 24/07/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đã nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 04/07/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons. Chúng tôi xin cam kết các thông tin công bố trên đây là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung các thông tin đã công bố", thông báo của CTD cho biết.

Ngay sau khi công bố thông tin này, Website của Coteccons cũng đã đang thông tin chính thức liên quan đến việc này, nguyên văn như sau:

Coteccons hiện đang là Công ty xây dựng xây dựng đầu ngành có mức tăng trưởng doanh thu ổn định và bền vững, hiện tại tổng tài sản của Coteccons là 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Do đó Coteccons được Nhà đầu tư, Cổ đông tin tưởng và đánh giá là một Công ty xây dựng có nền tảng tài chính rất vững mạnh.

Thời gian gần đây có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch. Kể từ 2017, rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn tiếp tục tăng trong khi nguồn việc lại sụt giảm rất mạnh. Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Và một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực.

Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons, Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai Công ty.

Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 07 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai Công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: dự án Newtaco, Dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, Dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai Công ty. Coteccons đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons ko cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.

Coteccons là nhà thầu xây dựng hiện đang thúc đẩy những cam kết về phòng chống tham nhũng, chống hối lộ và thực hiện minh bạch thông tin tới công chúng, nhà đầu tư, cổ đông, thúc đẩy các cam kết thực hành ESG trong hoạt động hằng ngày… Coteccons khẳng định làm kinh doanh phải đặt tôn chỉ “Tạo ra tác động tích cực cho xã hội” với yếu tố “Nhân Văn” lên hàng đầu, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Khi các bên liên quan đã thực hiện giao dịch phát sinh công nợ thì phải trả nhưng phải tuân thủ đúng quy định của các Hợp đồng đã ký và đúng quy định của Pháp luật. Cũng chính bằng việc thực hiện những nguyên tắc này, Coteccons được Chủ đầu tư lớn tin tưởng giao phó vai trò là Tổng thầu tại các dự án Mega.

Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.

19 năm hoạt động, 02 năm tái cấu trúc, chúng tôi đã chọn cho mình một con đường rất khác, bước ra khỏi các thủ thuật cạnh tranh bằng “tin đồn” và cuộc chiến về giá, quyết định đó khiến chúng tôi trăn trở về ngành Xây dựng và quyết liệt thay đổi.

Do đó, Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons.

Một lần nữa, Coteccons khẳng định sự sẵn sàng hợp tác để giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons và Công ty Đầu tư Xây dựng Ricons. Đây chính là cách để Coteccons thể hiện sự minh bạch, sẵn sàng trong công cuộc đẩy mạnh những cam kết về phòng chống tham nhũng, chống hội lộ, bảo vệ quyền lợi của Cổ đông và Nhà đầu tư.

Chân dung Ricons - doanh nghiệp từng bị phủ quyết sáp nhập vào Coteccons

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) là một nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam. Trong cơ cấu đầu tư của mình, CTD đã đầu tư vào không ít doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons.

Được biết, Ricons từng là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái Coteccons", được thành lập dưới khi ông Nguyễn Bá Dương còn là Chủ tịch Coteccons.

Ricons được thành lập năm 2004. Khi đó, cổ đông sáng lập Coteccons với tỷ lệ sở hữu 20%. Sau đó, Ricons trở thành nhà thầu phụ cho Coteccons.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của Coteccons, công ty đang sở hữu 14,3% vốn cổ phần của Ricons.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia, lĩnh vực kinh doanh chính về đầu tư kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp này hiện là một trong những nhà thầu xây dựng lớn tại Việt Nam. Công ty hiện đang dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Sỹ Công.

Hoạt động chính của công ty là cung cấp dịch vụ thiết kế và xây dựng, lắp đặt thiết bị, trang trí nội thất, cho thuê văn phòng và kinh doanh bất động sản, xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư cung cấp dịch vụ quản lý chung cư và cao ốc văn phòng, mua bán và cho thuê nhà ở, kiến trúc và tư vấn kỹ thuật, cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu ích khác. Hiện tại, Ricons chọn xây lắp là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Các dự án Ricons xây dựng trải dài khắp cả nước từ các công trình cao tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đến nhà xưởng công nghiệp và hạ tầng. 

Năm 2018, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã lên phương án sáp nhập công ty Ricons. Phương án hoán đổi bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2019 - 2020. Sau khi hoán đổi, Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons và chuyển đổi Ricons thành công ty TNHH một thành viên.

Tuy nhiên, tại Đại Hội đồng cổ đông năm 2019, Kustocem, cổ đông nước ngoài đang sở hữu 18% vốn tại CTD đã tuyên bố không bỏ phiếu bỏ phiếu cho thương vụ sáp nhập Ricons hoặc ủy quyền thông qua vụ sáp nhập cho HĐQT.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Bá Dương tuyên bố: “Ricons không phải mang ra để soi mói. Chúng ta sẽ biểu quyết dừng lại việc sáp nhập này”. Sau đề nghị của ông Nguyễn Bá Dương, 100% cổ đông thống nhất không đưa tờ trình chủ trương sáp nhập Ricons vào chương trình biểu quyết tại Đại Hội đồng cổ đông 2019. Sau cuộc chiến thượng tầng tại Coteccons, ông Dương từ nhiệm, Ricons cũng tuyên bố độc lập, xây dựng hệ sinh thái riêng.

Cũng trong năm 2019, công ty tăng vốn điều lệ lên 317,2 tỷ đồng và vinh dự xếp hạng thứ 3 trong Top 500 nhà thầu xây dựng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Theo Báo cáo hợp nhất quý 1/2023, Riconscó 945 nhân viên, giảm 90 người so với cuối năm 2022. 

Trong quý 1/2023, doanh thu thuần của Ricons là 1.719 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 15%. Chi phí tài chính tăng cao lên mức 15 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ) đã khiến lãi ròng của công ty giảm 24%, xuống còn 16 tỷ đồng. Tính tại thời điểm cuối quý 1, tổng tài sản Ricons là 7.177 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã giảm 12% vì tài sản ngắn hạn giảm mạnh.

Kết thúc quý 1/2023, Xây dựng Ricons ghi nhận tài sản ngắn hạn giảm tới 15% so với hồi đầu năm, xuống còn 6.182 tỷ đồng. Nguyên nhân là do, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 808 tỷ đồng xuống còn 336 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của công ty cũng giảm từ 922 tỷ đồng hồi đầu năm, xuống còn 650 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2023. Cụ thể, Công ty cho biết chi phí xây dựng dở dang giảm là nguyên nhân chính giúp cho hàng tồn kho của Công ty giảm.

Tại ngày 31/3/2023, Xây dựng Ricons ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại Công trình SLP Park Xuyên Á (111,6 tỷ đồng), Công trình Kim Chung Di Trạch (77,6 tỷ đồng), Công trình Imperia Smartcity P5, 6, 7 (73,5 tỷ đồng) và các công trình khác là hơn 387 tỷ đồng.

Phải thu ngắn hạn của khách hàng (giảm từ 4.259 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 3.755 tỷ đồng ở thời điểm kết thúc quý 1/2023). Trong quý 1/2023, dòng tiền kinh doanh của Xây dựng Ricons âm gần 126 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả. Dòng tiền cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 251 tỷ đồng.

Cùng với đó, Xây dựng Ricons vẫn đẩy mạnh việc chi trả nợ gốc vay (gấp 3 lần cùng kỳ), khiến lưu chuyển tiền và tương đương tiền trong kỳ âm 471 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2022 là dương hơn 110 tỷ đồng.

Theo kế hoạch kinh doanh của năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần là 6.000 tỷ đồng cùng 50 tỷ đồng lãi ròng, so với kết quả đạt được của năm 2022 đã lần lượt giảm 47% và 45%. 

Trên thị trường, Ricons liên tiếp được ghi nhận thông qua hàng loạt giải thưởng như: Top 3 nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam, Top 3 nhà thầu xây dựng tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 100 môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam,...