dien-gia-lai-1690865806.jpg
 

Kết quả Xếp hạng Tín nhiệm của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (“GEG”) ở mức điểm “A-” và triển vọng xếp hạng “Ổn định” phản ánh kết quả đánh giá của FiinRatings về hồ sơ năng lực kinh doanh ở mức “Tốt” và rủi ro tài chính ở mức “Trung bình” của Công ty.

Năng lực kinh doanh của GEG được đánh giá ở mức “Tốt”. Công ty hiện nằm trong top 10 doanh nghiệp điện tái tạo có quy mô lớn nhất cả nước với tổng công suất phát điện 665 MWp tại đầu quý 3 năm 2023, trong đó bao gồm 81 MW thủy điện, 292 MWp điện mặt trời, và 230 MW điện gió. Các nhà máy điện mặt trời và điện gió đều nhận được mức giá ưu đãi (“FiT”) từ 8,38-9,80 US cents/kWh do đi vào vận hành trước thời hạn tháng 11 năm 2021 ngoại trừ dự án điện gió Tân Phú Đông 1 sẽ đi vào vận hành thương mại trong quý 3 năm 2023 với mức giá bán điện tạm thời bằng 50% mức giá trần khung giá phát điện từ các dự án chuyển tiếp do hoàn thành sau thời gian khuyến khích.

Các nhà máy điện của GEG cũng được đặt ở nhiều tỉnh hoặc vùng địa lý khác nhau và điều này góp phần đáng kể trong việc hạn chế rủi ro cắt giảm sản lượng do quá tải lưới điện và từ các vấn đề như biến động thủy văn. Nhờ đó, tỷ suất EBITDA/Doanh thu của GEG đạt 71,8% trong năm 2022, có phần nhỉnh hơn so với mức trung bình ngành ở mức 70,1%. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của GEG cũng được đánh giá khá hơn so với mức trung bình ngành, thể hiện qua suất đầu tư điện tái tạo trung bình của Công ty đạt 32,6 tỷ VNĐ/MW, thấp hơn so với trung bình ngành ở khoảng 34,2 tỷ VNĐ/MW và hệ số tải trung bình của GEG đạt mức 31,7% cả năm 2022, cao hơn mức trung bình ngành 30,3%.

Rủi ro tài chính của GEG được đánh giá ở mức “Trung bình”. Tỷ lệ đòn Nợ vay/Vốn chủ của Công ty ở mức khoảng 1,8 lần vào cuối tháng 6 năm 2023 và chúng tôi dự báo hệ số này của GEG có thể giảm nhẹ xuống mức 1,6 lần khi Công ty tiếp tục thực hiện thanh toán các khoản nợ gốc đến hạn mà chưa tính đến các hoạt động đầu tư dự án mới dự kiến. Trong kế hoạch 2 năm tới đây, Công ty dự kiến tiếp tục đầu tư một số dự án điện tái tạo như điện gió V.P.L 2 với công suất 30 MW đặt tại tỉnh Bến Tre và điện mặt trời Đức Huệ 2 với công suất 49 MWp đặt tại tỉnh Long An khi có các chính sách hướng dẫn cụ thể về cơ chế giá bán điện mới. Khi đó, mức độ đòn bảy tài chính của Công ty được dự báo sẽ tăng trở lại nhưng chúng tôi kỳ vọng mức độ đòn bẩy Nợ vay/Vốn chủ sở hữu của GEG sẽ được duy trì ở dưới ngưỡng 2,3 lần.

Thời gian đáo hạn nợ bình quân của GEG khoảng 9 năm, được đánh giá phù hợp với khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, thể hiện qua mức Nợ vay/EBITDA dự phóng năm 2023 ở mức 5,6 lần. Với cấu trúc khoản nợ vay được phân bổ đều qua các năm, GEG hạn chế được rủi ro mất cân đối thanh khoản do áp lực nợ vay tới hạn được Công ty kiểm soát một cách hợp lý.

Theo ước tính của FiinRatings, trong giai đoạn 2023-2024, bình quân mỗi năm các khoản nợ gốc và lãi vay tới hạn của Công ty khoảng xấp xỉ 1.500 tỷ VNĐ, sẽ được chi trả chủ yếu bằng các nguồn thu từ các dự án hiện tại với EBITDA dự phóng của GEG bình quân mỗi năm đạt khoảng 1.900 tỷ VNĐ. FiinRatings cũng đánh giá GEG có vị thế và khả năng thanh khoản tốt trong vòng 12 tháng tới với hệ số nguồn cung thanh khoản so với mức độ sử dụng thanh khoản của doanh nghiệp ước đạt 1,2 lần. Triển vọng xếp hạng tín nhiệm “Ổn định” thể hiện quan điểm của chúng tôi về việc mức điểm xếp hạng tín nhiệm hiện tại với GEG sẽ duy trì trong 24 tháng tới.

Chúng tôi kỳ vọng GEG sẽ duy trì hiệu quả hoạt động cũng như bổ sung đáng kể vào nguồn thu của GEG khi dự án Tân Phú Đông 1 có công suất 100 MW đặt tại tỉnh Tiền Giang đi vào hoạt động từ quý 3 năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng ổn định ở Việt Nam. Bên cạnh đó, FiinRatings kỳ vọng Công ty sẽ tiếp tục duy trì chính sách tài chính và khẩu vị rủi ro ở mức phù hợp với việc tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lỗi là năng lượng tái tạo và duy trì mức độ đòn bẩy ở mức hợp lý kể cả trong kịch bản đầu tư thêm cho các dự án mới.

ĐIỂM NHẤN VỀ CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG

Điểm mạnh tín dụng:

• GEG là đơn vị top 10 trong ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam với lịch sử 30 năm kinh nghiệm hoạt động và ban lãnh đạo với tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thể hiện qua khả năng mở rộng quy mô từ thủy điện sang đón đầu xu hướng điện mặt trời và điện gió kịp thời và hưởng lợi từ khung giá FiT ưu đãi.

• Công ty có quy chế quản trị doanh nghiệp rõ ràng và hiệu quả nhất là đối với việc giám sát các giao dịch giữa các bên liên quan với Công ty.

• Cơ cấu nguồn thu của Công ty có sự đa dạng, bao gồm từ thủy điện, điện mặt trời, và điện gió chiếm lần lượt 22%, 39%, và 33% cơ cấu doanh thu GEG năm 2022. Các nhà máy điện của GEG được đặt ở nhiều tỉnh khác nhau và qua đó giúp hạn chế rủi ro tập trung khi xảy ra các biến động về tình hình thủy văn hoặc tình trạng cắt giảm do quá tải lưới điện.

Điểm yếu tín dụng:

• Dự án Tân Phú Đông 1 vừa được đưa vào vận hành trong quý 3 năm 2023 nằm trong danh sách dự án chuyển tiếp và dẫn đến việc giá bán điện từ dự án này bị trì hoãn với mức giá phát điện tạm thống nhất thấp hơn mức giá FiT ưu đãi 50-60%. Trong khi đó, suất đầu tư của dự án này ước tính tương đương các dự án điện gió hưởng giá FiT đầy đủ của GEG ở khoảng 45 tỷ VNĐ/MW và điều này làm cho hiệu quả của dự án giảm đi và góp phần làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của GEG.

• Công ty có kế hoạch đầu tư điện mặt trời áp mái và điện gió nhưng chưa có các kế hoạch triển khai và phương án kinh doanh cụ thể do vẫn trong quá trình đợi các chính sách và hướng dẫn liên quan. KỊCH BẢN NÂNG ĐIỂM VÀ HẠ ĐIỂM Kịch bản nâng điểm xếp hạng:

• Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của GEG tốt hơn mức dự kiến so với kịch bản dự phóng cơ sở của FiinRatings, đến từ các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2023-2025, bao gồm dự án điện gió Tân Phú Đông 1 với công suất 100 MW và dự án 100 MWp điện mặt trời áp mái.

• Mức độ rủi ro tài chính của Công ty được giảm thiểu và duy trì bền vững với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu và tỷ lệ bao phủ lãi vay lần lượt được cải thiện đáng kể so với mức 1,8 lần và 2,6 lần tại thời điểm cuối năm 2022. Kịch bản hạ điểm xếp hạng:

• Dòng tiền hoạt động của GEG từ dự án Tân Phú Đông 1 thấp hơn kỳ vọng do các vấn đề như hệ số tải hoặc/và giá thực hiện hồi tố thấp hơn mức dự phóng.

• Yếu tố về môi trường lãi suất hoặc vĩ mô khiến chi phí lãi vay của Công ty tăng mạnh.

• Mức độ sử dụng đòn bẩy và áp lực trả nợ của GEG tăng mạnh, thể hiện qua mức nợ vay/vốn chủ sở hữu vượt xa ngưỡng 2,3 lần, đến từ các khoản đầu tư mới của Công ty vào các dự án chưa có cơ chế giá hoặc gặp vấn đề về pháp lý, chưa mang lại dòng tiền về.

PHƯƠNG PHÁP LUẬN XẾP HẠNG TÍN NHIỆM

Phương pháp luận xếp hạng tín nhiệm giải thích cách tiếp cận của FiinRatings để đánh giá rủi ro tín dụng của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Phương pháp luận này nhằm mục đích giúp các Công ty, nhà đầu tư và những thành viên thị trường khác hiểu cách thức và các tiêu chí định lượng cũng như định tính quan trọng mà chúng tôi xem xét trong việc giải thích kết quả xếp hạng tín nhiệm nói chung, và đối với từng ngành cụ thể mà chúng tôi thực hiện. Ngoài ra, một số thuật ngữ được sử dụng trong báo cáo này, đặc biệt là một số từ chuyên ngành được sử dụng để thể hiện quan điểm của chúng tôi về xếp hạng các yếu tố liên quan, có ý nghĩa cụ thể được nêu trong các tiêu chí của chúng tôi, do đó nên được đọc cùng với các tiêu chí đó.

 

Chi tiết về công bố XHTN này được trình bày TẠI ĐÂY

Lưu ý: Nội dung Công bố là các tuyên bố về ý kiến và quan điểm của FiinRatings trong thời điểm thực hiện Xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành. Các ý kiến, phân tích và quyết định xác nhận xếp hạng của FiinRatings không phải là khuyến nghị để mua, nắm giữ hoặc bán bất kỳ chứng khoán nào hoặc để đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào.