CTCP Chứng khoán Tiên Phong – TPS (HOSE: ORS) vừa thông báo chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, TPS dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động thêm 1.000 tỷ đồng. Thời gian nhận đăng ký mua: Từ ngày 05/02/2024 đến ngày 11/03/2024.
Số tiền thu được từ việc chảo bán thêm cổ phiếu dự kiến là 1.000 tỷ đồng được sử dụng cho mục đích:
- Nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn của Tổ chức phát hành để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán và/hoặc các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh hợp pháp của Tổ chức phát hành;
- Huy động vốn nhằm thực hiện hoạt động đầu tư của Tổ chức phát hành, bao gồm thực hiện các chương trình, kế hoạch đầu tư, góp vốn đầu tư, mua cổ phần/phần vốn góp hoặc thực hiện đầu tư vốn dưới hình thức khác để phát triển quy mô hoạt động của Tổ chức phát hành; và/hoặc
- Cơ cấu nợ của Tổ chức phát hành.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ TPS sẽ nâng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS), đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 04/2019. TPS định hướng phát triển lĩnh vực: Ngân hàng đầu tư, Dịch vụ Môi giới và Quản lý tài sản chuyên nghiệp.
Trong lĩnh vực Ngân hàng đầu tư, TPS đẩy mạnh các hoạt động Tư vấn phát hành trái phiếu, Tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp và các Hoạt động mua bán sáp nhập. Đối với Mảng môi giới và dịch vụ quản lý tài sản, TPS phục vụ trọn gói các nhu cầu đầu tư, tiết kiệm và các nhu cầu tài chính khác của Khách hàng cá nhân thông qua việc kết nối và sử dụng các ứng dụng công nghệ.
Ông Đỗ Anh Tú là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty. Theo thông tin trên website của công ty chứng khoán này, ông Tú đã bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hòa Séc.
Năm 2013, ông Tú đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho những thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”; Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “đã có thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành nhiệm vụ Ngân hàng năm 2014 - 2015”.
Tháng 10/2019, ông Đỗ Anh Tú được bầu vào chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị thương hiệu và marketing. Hiện ông Tú là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong (TPBank); Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Diana thuộc Tập đoàn Unicharm, Nhật Bản.
Theo bản cáo bạch chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, ông Tú không sở hữu trực tiếp cổ phần nào của công ty chứng khoán trên. Tuy nhiên, ông lại là người có liên quan đến cổ đông lớn nhất của công ty. Cụ thể, ông Tú là người liên quan đến số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của người đại diện theo ủy quyền và người có liên quan tại Tổ Chức Phát Hành thì Ngân Hàng TMCP Tiên Phong sở hữu 18.020.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 9,01% vốn điều lệ của Công Ty. Công Ty TNHH Đầu Tư TP Việt Nam sở hữu 7.497.200 cổ phần, chiếm tỷ lệ 3,75% vốn điều lệ của Công Ty.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, năm 2023, TPS đặt kế hoạch doanh thu 2.831 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng, tăng trưởng 35,62% so với mức đã thực hiện năm 2022. Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của TPS đạt hơn 208 tỷ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Vốn chủ sở hữu tại cuối tháng 9/2023 đạt hơn 2.477 tỷ đồng, tăng 2,4% so với quý II/2023, tổng tài sản của TPS ghi nhận 7.054 tỷ đồng. Doanh thu các dịch vụ liên quan đến trái phiếu như lưu ký chứng khoán tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho TPS và trong 9 tháng, hoạt động này đóng góp 39% tổng doanh thu hoạt động, đạt gần 881 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tài sản tài chính FVTPL của TPS đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 47,7% so với thời điểm cuối quý II. Dư nợ margin cuối quý 3 đạt 842 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng sau 3 tháng nhờ đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ và các hoạt động môi giới chứng khoán khi thị trường chứng khoán phục hồi tích cực.
Trong quý 3/2023, TPS tiếp tục nâng cao năng lực huy động vốn thông qua việc phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, duy trì tổng số dư nợ trái phiếu tại 30/9/2023 là 3.000 tỷ đồng. Trên thị trường, chốt phiên 5/1, thị giá cổ phiếu ORS đạt 17.250 đồng/cổ phiếu.
Đầu tháng 10 vừa qua, TPS công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm lần đầu ở mức “ BBB- ” với “ Triển vọng Ổn định”. Mức xếp hạng tín nhiệm BBB- phản ánh khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ vay ở mức “tương đối tốt” của TPS theo thang điểm xếp hạng tín nhiệm nội địa.