Phát biểu đáng đọc của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ J.Sullivan về AI tại Học viện Quân sự Quốc gia. Học viện là lò đào tạo giới diều hâu nước Mỹ.

Bài phát biểu như Tuyên ngôn chiến lược phát triển AI của Mỹ nhằm duy trì vị thế đi đầu trong AI để bảo vệ an ninh quốc gia và vị thế thống soái của Mỹ thông qua kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển AI vượt trội từ bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. (Dịch 100%. Số, tên đề mục tôi tự đặt).

sullivan3-1730697746.jpg
 

——-

1. Triết lý trong việc đào tạo elite cho nước Mỹ.

Hơn 75 năm trước, chỉ vài tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai (WW2) kết thúc, Tướng Dwight Eisenhower đã viết một lá thư cho các nhà lãnh đạo quân sự đồng ngũ của mình. Xung quanh họ thế giới đang thay đổi. Đức Quốc xã đã sụp đổ. Các quốc gia đang tái thiết. Chiến tranh Lạnh mới chỉ bắt đầu. Và mọi người ở khắp mọi nơi đang tính toán lại nỗi kinh hoàng của cuộc diệt chủng Holocaust. Đó là một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên đòi hỏi chiến lược mới, tư duy mới và phương thức lãnh đạo mới.

Vì vậy, Tướng Eisenhower đã nêu sáng kiến xây dựng một Học viện Quân sự Quốc gia. Ông không biết nó sẽ ở đâu hoặc chính xác nó sẽ trông như thế nào, nhưng ông biết rằng nước Mỹ cần một ngôi trường có chức năng chính là, như ông viết: “Xây dựng học thuyết (mới) thay vì chấp nhận và tuân theo các học thuyết đã được quy định". Phát triển mới, không phải chấp nhận và tuân theo.

Ý tưởng đó đã định hướng cho Học viện kể từ đó.

Sau WW2, ý tưởng ấy đã dẫn dắt những người đi trước của các bạn tư duy lại bộ máy ra quyết định của chúng ta, bao gồm cả việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Cảm ơn vì điều đó.

Trong Chiến tranh Lạnh, ý tưởng này đã dẫn dắt họ phát triển các chiến lược mới để tăng cường an ninh quốc gia của chúng ta, bao gồm cả việc thực hiện kiềm chế, hòa hoãn và hơn thế nữa.

Và trong suốt cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, những người tiền nhiệm của các bạn đã tiên phong trong tư duy mới và chiến thuật mới giúp giữ cho quốc gia của chúng ta an toàn. Bây giờ đến lượt các bạn.

2. Đánh giá về bối cảnh địa chính trị hiện tại.

Chúng ta đang ở trong thời đại cạnh tranh chiến lược trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, nơi chúng ta phải cạnh tranh mạnh mẽ và cũng phải tìm kiếm các đối tác để giải quyết những thách thức lớn lao mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được.

Trong thời đại này, trên thế giới này, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ định hình tương lai.

Và đất nước chúng ta một lần nữa phải phát triển các năng lực mới, các công cụ mới và, như Tướng Eisenhower đã nói, học thuyết mới, nếu chúng ta muốn đảm bảo rằng AI hoạt động vì chúng ta, vì các đối tác của chúng ta, vì lợi ích của chúng ta và vì các giá trị của chúng ta, chứ không phải chống lại chúng ta.

Đó là lý do tại sao tôi tự hào thông báo rằng Tổng thống Biden đã ký Bản Ghi nhớ An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo. Đây là văn bản chiến lược đầu tiên của đất nước chúng ta nhằm khai thác sức mạnh và quản lý rủi ro của AI để tăng cường an ninh quốc gia. Vì vậy, hôm nay tôi muốn nói với các bạn về những gì đã đưa chúng ta đến thời điểm này và đất nước chúng ta cần tất cả các bạn giúp đạt được điều đó như thế nào.

Giống như nhiều người trong số các bạn ở đây tại Học viện Quân sự Quốc gia, tôi đã phải vật lộn với AI và những tác động của nó đối với an ninh quốc gia kể từ khi tôi trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia — về những gì khiến nó (AI) có khả năng thay đổi và về những gì khiến nó khác biệt so với những bước nhảy vọt về công nghệ khác mà đất nước chúng ta đã từng trải qua trước đây, từ điện khí hóa đến vũ khí hạt nhân, đến du hành vũ trụ, đến Internet.

3. Ba đặc thù trọng yếu trong sự phát triển của AI: phát triển nhanh; hướng đi khôn lường; và bởi tư nhân.

Và tôi đã thấy ba điều khác biệt quan trọng.

a. Tốc độ phát triển nhanh hơn bất kỳ công nghệ nào.

Đầu tiên, tốc độ phát triển nhanh kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo.

Mức độ tiên tiến về kỹ thuật của AI tiếp tục phát triển nhanh chóng — nhanh hơn những gì chúng ta thấy với tất cả các công nghệ khác. Hãy lấy quá trình phân tích protein làm ví dụ. Việc khám phá ra cấu trúc protein hoặc cách protein cuộn gập là cần thiết để hiểu cách protein tương tác với các phân tử khác thế nào, từ đó có thể giải quyết các thách thức cơ bản trong y học và đẩy nhanh quá trình phát triển các phương pháp điều trị và chữa bệnh. Cho đến năm 2018, nhân loại đã cùng nhau khám phá ra cấu trúc của khoảng 150.000 protein, chủ yếu thông qua nỗ lực thủ công, đôi khi sau nhiều năm làm việc miệt mài bằng kính hiển vi và tia X tiên tiến. Sau đó, Google DeepMind đã chứng minh rằng AI có thể dự đoán cấu trúc của protein mà không cần bất kỳ công việc nào tại phòng thí nghiệm. Đến năm 2022, bốn năm sau, cũng nhóm đó đã công bố các cấu trúc dự đoán cho hầu hết mọi loại protein mà khoa học biết đến, tổng cộng là hàng trăm triệu loại.

Chỉ vài tuần trước, nhà khoa học liên quan đến công trình này đã giành được giải Nobel.

Bây giờ, hãy tưởng tượng tốc độ thay đổi tương tự trong lĩnh vực khoa học tác động đến công việc hàng ngày của các bạn với vai trò là những nhà lãnh đạo an ninh quốc gia.

Hãy tưởng tượng AI sẽ tác động như thế nào đến các lĩnh vực mà chúng ta đã thấy sự chuyển dịch mẫu hình, từ vật lý hạt nhân đến tên lửa đến máy bay tàng hình, hoặc cách nó có thể tác động đến các lĩnh vực cạnh tranh có thể vẫn chưa ngã ngũ, mà chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được, giống như những người lính thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh không thể tưởng tượng ra các hoạt động mạng Internet ngày nay. Nói một cách đơn giản, ngày hôm nay một ứng dụng AI cụ thể mà chúng ta đang cố gắng dùng để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực tình báo, quân sự hoặc thương mại có thể có những khác biệt cơ bản sau sáu tuần nữa, chứ đừng nói đến sáu tháng, hoặc một năm, hoặc sáu năm nữa. Tốc độ thay đổi trong lĩnh vực AI thật ngoạn mục.

b. Tính khôn lường trong viêc dự báo quỹ đạo phát triển.

Điều này phức tạp hơn bởi sự không lường trước được rất lớn xung quanh quỹ đạo tăng trưởng của AI, đây là đặc điểm khác biệt thứ hai. Trong bốn năm qua, tôi đã gặp gỡ rất nhiều các nhà khoa học và doanh nhân, các giám đốc điều hành phòng thí nghiệm và các công ty quy mô siêu lớn, các nhà nghiên cứu và kỹ sư, và những người ủng hộ xã hội dân sự. Và trong tất cả những cuộc trò chuyện đó, có sự đồng thuận rõ ràng rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đang có tác động sâu sắc đến thế giới của chúng ta. Nhưng ý kiến ​​lại khác nhau khi tôi hỏi họ: "Chúng ta chính xác có thể mong đợi điều gì tiếp theo?"

Có một loạt các quan điểm.

Ở một khía cạnh nào đó, một số chuyên gia tin rằng chúng ta vừa mới khởi động cuộc cách mạng AI, rằng khả năng AI sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân, tự xây dựng để mở ra những con đường mà chúng ta không biết là chúng đang tồn tại, và rằng điều này có thể xảy ra nhanh chóng, trong thập kỷ này. Và nếu họ đúng, chúng ta có thể đang ở trên bờ vực của một trong những thay đổi công nghệ quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.

Ở phía khác là quan điểm cho rằng AI không phải là cái gì đó tăng trưởng bùng nổ, nó đã hoặc sẽ sớm đạt đến đỉnh điểm, hoặc ít nhất là tốc độ thay đổi sẽ chậm lại đáng kể và những đột phá mạnh mẽ hơn sẽ ở phía trước. Các chuyên gia tin tưởng điều này không bảo rằng điều này không có nghĩa là AI sẽ không có hậu quả. Nhưng họ lập luận rằng phần việc cuối cùng chính là ứng dụng AI, là điều đang diễn ra — các năng lực đang có sẵn— mới là vấn đề quan trọng nhất, không chỉ bây giờ mà còn trong tương lai gần cũng vậy.

Những quan điểm này rất khác nhau, với những hàm ý ứng dụng rất khác nhau.

Đổi mới sáng tạo chưa bao giờ có thể dự đoán trước được, nhưng mức độ không dự báo đươc trong quá trình phát triển AI là chưa từng có.

Quy mô của các câu hỏi tạo ra sự khác biệt AI với nhiều thách thức công nghệ khác buộc chính phủ của chúng ta phải đối mặt và ban hành các chính sách phù hợp. Và đó là trách nhiệm của chúng ta.

Với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia, tôi phải đảm bảo rằng chính phủ của chúng ta đã sẵn sàng cho mọi kịch bản. Chúng ta phải xây dựng một chính sách an ninh quốc gia nhằm bảo vệ người dân Mỹ và hệ sinh thái đổi mới của Mỹ. Điều này rất quan trọng đối với vị thế đi đầu của chúng ta, ngay cả khi các cơ hội và thách thức mà chúng ta phải đối mặt có thể xuất hiện theo những cách cơ bản khác nhau. Chúng ta phải chuẩn bị cho tất cả các khả năng mà AI sẽ hướng đến vào năm 2025, 2027, 2030 và xa hơn thế nữa.

c. Các công ty tư nhân dẫn dắt sự phát triển AI.

Bây giờ, thứ khiến điều này trở nên khó khăn hơn là các công ty tư nhân đang dẫn dắt sự phát triển của AI chứ không phải chính phủ. Đây là đặc điểm khác biệt thứ ba. Nhiều bước nhảy vọt về công nghệ trong 80 năm qua xuất phát từ nghiên cứu công, tài trợ công, mua sắm công. Chính phủ chúng ta đã đóng vai trò sớm và quan trọng trong việc định hình sự phát triển, từ vật lý hạt nhân và thám hiểm không gian đến máy tính cá nhân đến Internet. Điều đó không xảy ra với hầu hết các cuộc cách mạng AI gần đây. Trong khi Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác tài trợ cho phần lớn công việc AI trong thế kỷ 20, thì khu vực tư nhân đã thúc đẩy phần lớn sự tiến bộ của AI trong thập kỷ qua. Và theo cách nào đó, đây là điều đáng mừng. Đó là minh chứng cho sự thiên tài của người Mỹ, cho hệ thống đổi mới sáng tạo của nước Mỹ khi các công ty Mỹ dẫn đầu thế giới về AI tiên tiến. Đó là tính cách đặc thù của nước Mỹ. Và thật tốt khi người nộp thuế không phải trả toàn bộ chi phí đào tạo AI vốn có thể rất cao. Nhưng những người làm trong bộ máy chính phủ như chúng ta phải sáng suốt về những tác động của động lực này với tư cách là người quản lý và triển khai công nghệ AI.

Ở đây, có thể có hai điều đúng cùng một lúc.

Một mặt, các công ty công nghệ lớn phát triển và triển khai các hệ thống AI với tư cách là công ty Mỹ đã mang lại cho nước Mỹ một lợi thế an ninh quốc gia thực sự, một lợi thế mà chúng ta muốn mở rộng. Và họ cũng đang cạnh tranh trực tiếp với các công ty của Trung Quốc như Huawei để cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho mọi người trên toàn thế giới. Chúng tôi đang hỗ trợ những nỗ lực đó, vì chúng tôi muốn Mỹ trở thành đối tác công nghệ được các quốc gia trên toàn thế giới lựa chọn.

Mặt khác, chúng ta cần thực hiện các hành động một cách có trách nhiệm để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và thị trường mở; bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người, quyền công dân, quyền tự do dân sự; đảm bảo rằng các hệ thống AI tiên tiến an toàn và đáng tin cậy; triển khai các biện pháp bảo vệ để AI không bị sử dụng để làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta. Chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng quản lý quá trình cạnh tranh lành mạnh này, miễn là chúng ta trung thực và sáng suốt về vấn đề này. Và chúng ta phải làm đúng, vì có lẽ không có công nghệ nào khác quan trọng hơn đối với an ninh quốc gia của chúng ta trong những năm tới.

4. Vị thế đi đầu trong AI của Mỹ và đe doạ.

Bây giờ, khi nói đến AI và an ninh quốc gia, tôi có cả tin tốt và tin xấu.

Tin tốt là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris, nước Mỹ đang tiếp tục nắm giữ các lợi thế AI đáng kể.

Ngay tại nhà, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp về phát triển và sử dụng AI, hành động toàn diện nhất mà chưa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới từng thực hiện đối với AI.

Chúng ta đã nỗ lực để tăng cường nhân tài, phần cứng, cơ sở hạ tầng và năng lực quản trị AI của mình. Chúng ta đã thu hút các nhà nghiên cứu và doanh nhân hàng đầu chuyển đến và ở lại Mỹ. Chúng ta đã giải ngân hàng chục tỷ USD ưu đãi để thúc đẩy sản xuất chip tiên tiến trong nước. Chúng ta đã đi đầu trên thế giới trong việc ban hành hướng dẫn để đảm bảo rằng việc phát triển và sử dụng AI là an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.

Và khi chúng ta thực hiện tất cả những điều này, chúng ta đã xem xét kỹ lưỡng các xu hướng AI, không chỉ AI tiên tiến mà còn cả các mô hình AI sẽ phát triển rộng rãi và nhanh chóng nhất trên toàn thế giới. Và chúng ta đang nỗ lực để tăng cường lợi thế của Mỹ trên mọi phương diện.

Còn đây là tin xấu: Không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ luôn dẫn đầu. Nó (sự dẫn đầu) không được mặc định sẵn. Và bảo vệ những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được là không đủ, nó chỉ mang tính lịch sử. Chúng ta phải triển khai AI trong hệ thống an ninh quốc gia của mình nhanh hơn các đối thủ của Mỹ trong hệ thống của họ. Đối thủ đang nỗ lực liên tục để vượt qua năng lực quân sự và tình báo của chúng ta. Và thách thức thậm chí còn cấp bách hơn vì họ không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc, trách nhiệm và giá trị như chúng ta.

Rủi ro rất cao. Nếu chúng ta không hành động có chủ đích hơn để nắm bắt lợi thế của mình, nếu chúng ta không triển khai AI nhanh hơn và toàn diện hơn để củng cố an ninh quốc gia của mình, chúng ta có nguy cơ lãng phí lợi thế đạt được một cách khó khăn của mình. Ngay cả khi chúng ta có các mô hình AI tốt nhất nhưng đối thủ cạnh tranh của chúng ta triển khai nhanh hơn, chúng ta vẫn có thể thấy họ có lợi lợi thế hơn khi sử dụng năng lực của AI để chống lại người dân, quân lực của chúng ta, các đối tác và đồng minh của chúng ta. Chúng ta có thể có đội hình tốt nhất nhưng có thể thua nếu chúng ta không đưa đội hình ấy vào chiến trường. Chúng ta có thể thấy những lợi thế mà chúng ta đã xây dựng trong nhiều thập kỷ trong các lĩnh vực khác, như hoạt động trên không gian và dưới mặt nước, bị giảm hoặc bị xói mòn hoàn toàn bởi công nghệ được AI hỗ trợ. Và đối với tất cả các điểm mạnh của chúng ta, vẫn có nguy cơ bất ngờ về mặt chiến lược.

Chúng ta phải cảnh giác với điều đó — đó là lý do tại sao tôi ở đây hôm nay.

Bản ghi nhớ An ninh Quốc gia mới của chúng ta về AI nhằm giải quyết chính xác tập hợp các thách thức này. Và với tư cách là những nhà lãnh đạo an ninh quốc gia tương lai, các bạn sẽ được giao nhiệm vụ triển khai nó mà không được lãng phí thời gian.

5. Công thức duy trì vị thế đi đầu: 3 trụ cột là Thu hút nhân tài- Phần cứng và năng lượng- Tài chính; Tăng cường sử dụng AI; và Tăng cường hợp tác quốc tế.

Vì vậy, trong phần tiếp theo của bài phát biểu, tôi muốn dành một vài phút để giải thích ba hướng nỗ lực chính của Bản Ghi nhớ: đảm bảo vị thế lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực AI, khai thác AI cho an ninh quốc gia và tăng cường quan hệ đối tác AI quốc tế.

a. Trụ cột 1: Đảm bảo vị thế lãnh đạo của Mỹ trong AI qua Thu hút nhân tài về nước Mỹ - Phát triển phần cứng (Chip) tiên tiến và tăng sản xuất năng lượng - Tài chính mạnh cho đổi mới sáng tạo;

i. Mỹ phải thành Hub thu hút nhân tài lĩnh vực AI.

Đầu tiên, chúng ta phải đảm bảo rằng Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc phát triển AI. Các đối thủ cạnh tranh của chúng ta cũng biết tầm quan trọng của vị thế người đi đầu trong AI ở thời đại cạnh tranh địa chính trị ngày nay và họ đang đầu tư nguồn lực khổng lồ để giành lấy nó cho chính họ. Vì vậy, chúng ta phải bắt đầu nâng cao năng lực dẫn dắt cuộc chơi của mình và điều đó bắt đầu từ con người.

Mỹ phải tiếp tục là nam châm thu hút nhân tài, khoa học và công nghệ toàn cầu. Như tôi đã lưu ý, chúng ta đã thực hiện các bước lớn để tạo điều kiện dễ dàng và nhanh chóng hơn cho các nhà khoa học, kỹ sư và doanh nhân AI hàng đầu đến Mỹ, bao gồm cả việc xóa bỏ các cản trở trong quy tắc cấp thị thực của chúng ta để thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Và thông qua bản ghi nhớ mới này, chúng ta đang thực hiện nhiều bước hơn, hợp lý hóa quy trình xử lý thị thực ở bất kỳ nơi nào có thể cho những người nộp đơn làm việc với các công nghệ mới nổi. Và chúng tôi kêu gọi Quốc hội tham gia cùng chúng tôi, cấp thêm thẻ xanh cho những người có bằng STEM, như Tổng thống Biden đã thúc đẩy trong nhiều năm.

Đó chính là yếu tố con người.

ii. Phát triển Chip tiên tiến, tăng sản xuất năng lượng xanh.

Tiếp theo là phần cứng và năng lượng. Phát triển các hệ thống AI tiên tiến đòi hỏi khối lượng lớn chip tiên tiến và để duy trì hoạt động của các hệ thống AI đó đòi hỏi lượng điện năng lớn.

- Về chip, chúng ta đã có những bước tiến thực sự đáng kể. Chúng ta đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, đầu tư mạnh mẽ dài hạn vào ngành sản xuất chất bán dẫn của mình, bao gồm chip logic tiên tiến và chip nhớ băng thông cao cần thiết cho AI. Chúng ta cũng đã có hành động quyết định để hạn chế các đối thủ cạnh tranh chiến lược có thể tiếp cận vào các hệ chip tiên tiến nhất cần thiết để đào tạo và sử dụng các hệ thống AI tiên tiến có ý nghĩa an ninh quốc gia, cũng như các công cụ cần thiết để tạo ra những con chip đó. Bản Ghi nhớ xây dựng dựa trên tiến trình này bằng cách chỉ đạo tất cả các cơ quan an ninh quốc gia của chúng ta phải đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng chip quan trọng đó được an toàn và không bị can thiệp từ nước ngoài.

- Về năng lượng, Bản Ghi nhớ ghi nhận tầm quan trọng của việc thiết kế, cấp phép và xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng sạch có thể phục vụ các trung tâm dữ liệu AI để các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng AI hàng đầu thế giới xây dựng càng nhiều càng tốt tại Mỹ theo cách phù hợp với các mục tiêu về khí hậu của chúng ta. Một điều chắc chắn là: Nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng trong vài năm tới, bổ sung hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm gigawatt điện sạch vào lưới điện, chúng ta sẽ có nguy cơ tụt hậu.

iii. Tăng đầu tư tài chính cho đổi mới sáng tạo AI.

Cuối cùng, cần có nguồn tài trợ cho đổi mới sáng tạo. Năm tài chính này, nguồn tài trợ liên bang cho R&D phi quốc phòng đã giảm đáng kể. Và Quốc hội vẫn chưa phân bổ phần ngân sách của Đạo luật CHIPS và Khoa học. Trong khi đó Trung Quốc đang tăng ngân sách khoa học và công nghệ 10% mỗi năm. Điều đó có nghĩa là đang có những khoảng cách nghiêm trọng trong Nghiên cứu và Phát triển AI. Chúng tôi muốn làm việc với Quốc hội để đảm bảo rằng nhu cầu này và các nhu cầu khác trong Bản Ghi nhớ AI sẽ được tài trợ. Và chúng tôi đã nhận được tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng cho điều này từ Đồi Capitol. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cùng nhau xắn tay áo lên trên cơ sở lưỡng viện, lưỡng đảng và thực hiện điều này.

Và chúng ta cũng phải nhận thức rằng các đối thủ cạnh tranh đang theo dõi chặt chẽ các bước đi của chúng ta, bởi vì họ rất muốn lật đổ vị thế dẫn đầu về AI của chúng ta. Một trong các chiến thuật mà chúng ta thấy họ triển khai hết lần này đến lần khác là trộm cắp và gián điệp. Vì vậy, Bản Ghi nhớ đã ghi nhận vấn đề này. Bản Ghi nhớ xác định việc giải quyết các mối đe dọa của đối thủ đối với lĩnh vực AI của chúng ta là ưu tiên tình báo hàng đầu, một động thái có nghĩa là sẽ có nhiều nguồn vật lực và nhân sự hơn được dành cho việc chống lại mối đe dọa ấy. Bản Ghi nhớ cũng chỉ đạo bộ máy nhân lực trong chính phủ, giống như rất nhiều người trong số các bạn, phải làm việc chặt chẽ hơn với các nhà phát triển AI của khu vực tư nhân để cung cấp cho họ thông tin an ninh mạng và phản gián kịp thời để giữ cho công nghệ của họ được an toàn, giống như chúng ta đã làm việc để bảo vệ các yếu tố khác của khu vực tư nhân Mỹ khỏi các mối đe dọa đối với họ và an ninh quốc gia của chúng ta.

b. Tăng cường dùng AI trong bảo vệ an ninh quốc gia.

Trụ cột thứ hai tập trung vào cách chúng ta khai thác lợi thế lâu dài của mình để tăng cường an ninh quốc gia.

i. Với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia, tôi thấy AI đã sẵn sàng để chuyển đổi bối cảnh an ninh quốc gia. Và tại nơi các bạn đang làm việc, với tư cách là người lính, nhà ngoại giao, sĩ quan tình báo, tôi chắc rằng các bạn cũng đang thấy điều đó. Một số thay đổi đã diễn ra. AI đang định hình lại hậu cần, phát hiện lỗ hổng mạng, cách chúng ta phân tích và tổng hợp thông tin tình báo. Một số thay đổi mà chúng ta thấy đang lờ mờ hiện ra, bao gồm các ứng dụng được AI hỗ trợ, sẽ chuyển đổi cách quân đội của chúng ta huấn luyện và chiến đấu. Nhưng có một số thay đổi, như tôi đã nói trước đó, chúng ta thực sự không thể dự đoán được cả về hình thức và tốc độ diễn ra.

Tóm lại: Cơ hội đã ở trong tầm tay và sẽ sớm có thêm nhiều cơ hội hơn nữa, vì vậy chúng ta phải nắm bắt chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả, nếu không các đối thủ cạnh tranh của chúng ta sẽ làm điều ấy trước.

ii. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người nằm trong hệ thống an ninh quốc gia phải trở thành những người sử dụng AI thành thạo. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cần thực hiện những thay đổi đáng kể về mặt kỹ thuật, tổ chức và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác với các bên đang thúc đẩy sự phát triển này. Và Bản Ghi nhớ An ninh Quốc gia yêu cầu thực hiện chính xác điều đó. Bản Ghi nhớ yêu cầu các cơ quan đề xuất các phương pháp cho phép hợp tác hiệu quả hơn với các nhà cung cấp (dịch vụ cho ngành an ninh) phi truyền thống, chẳng hạn như các công ty AI hàng đầu và các nhà cung cấp điện toán đám mây. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là nhanh chóng đưa các hệ thống AI tiên tiến nhất vào sử dụng trong hệ thống an ninh quốc gia của chúng ta ngay sau khi chúng được phát triển, giống như nhiều công ty trong ngành tư nhân đang làm. Chúng ta cần nhanh chóng áp dụng các hệ thống này, chúng đang tái sinh và tiến bộ, như chúng ta thấy sau mỗi vài tháng.

iii. Tiếp theo, các hệ thống AI ngày nay nói chung có khả năng hơn các công cụ chuyên biệt và hẹp đã thống trị AI trước đây. Và khả năng chung này là một lợi thế rất lớn. Nhưng mặt trái là chúng tốn kém hơn nhiều để đào tạo và vận hành. Vì vậy, chúng ta đang thúc đẩy các cơ quan sử dụng các tài nguyên điện toán được chia sẻ để đẩy nhanh quá trình áp dụng AI, giảm chi phí và học hỏi lẫn nhau khi họ giải quyết một cách có trách nhiệm nhiều mối đe dọa, từ an ninh hạt nhân đến an ninh sinh học đến an ninh mạng. Và tôi nhấn mạnh từ đó, "có trách nhiệm".

iv. Phát triển và triển khai AI một cách an toàn, bảo mật và, vâng, có trách nhiệm, là xương sống của chiến lược của chúng ta. Điều đó bao gồm đảm bảo rằng các hệ thống AI không bị thiên vị và phân biệt đối xử. Điều này hoàn toàn vì lợi ích của chúng ta. Một lý do là ngay cả khi chúng ta có thể thu hút nhân tài AI hoặc thúc đẩy sự phát triển AI tại Mỹ, chúng ta sẽ không thể dẫn đầu thế giới nếu mọi người không tin tưởng vào hệ thống của chúng ta. Và điều đó có nghĩa là cần phát triển các tiêu chuẩn đánh giá AI, bao gồm cả những gì khiến các hệ thống đó hoạt động và cách chúng có thể thất bại trong thế giới thực. Điều đó có nghĩa là phải chạy thử nghiệm trên các hệ thống AI tiên tiến nhất thế giới trước khi chúng được công bố ra công chúng. Và điều đó có nghĩa là phải dẫn đầu trong các lĩnh vực như xác thực nội dung và đánh dấu để mọi người biết khi nào họ đang tương tác với AI, khi nào đang tương tác với con người thực sự.

v. Để làm được tất cả những điều đó, chúng ta phải trao quyền và học hỏi từ nhiều công ty, chuyên gia và doanh nhân AI, mà Viện An toàn AI của chúng ta hiện đang thực hiện hàng ngày.

Một lý do khác khiến chúng ta cần tập trung nhiều vào trách nhiệm, sự an toàn và độ tin cậy là một chút phi trực giác. Đảm bảo an ninh và độ tin cậy thực sự sẽ cho phép chúng ta đi nhanh hơn, chứ không phải làm chậm chúng ta lại. Nói một cách đơn giản, sự không chắc chắn tạo ra sự thận trọng. Khi chúng ta thiếu tự tin về tính an toàn và độ tin cậy, chúng ta sẽ chậm hơn trong việc thử nghiệm, áp dụng, sử dụng các tính năng mới và chúng ta không được phép để điều đó xảy ra trong bối cảnh chiến lược hiện nay.

vi. Đó là lý do tại sao Bản Ghi nhớ của chúng ta chỉ ra các khuôn khổ đầu tiên liên cơ quan của toàn chính phủ về các cam kết quản lý rủi ro AI trong không gian an ninh quốc gia, các cam kết như kiềm chế việc sử dụng không phù hợp với các giá trị cốt lõi của quốc gia, tránh thiên vị và phân biệt đối xử có hại, tối đa hóa trách nhiệm giải trình, đảm bảo giám sát hiệu quả và phù hợp với con người.

Như tôi đã nói, việc ngăn chặn việc sử dụng AI sai mục đích và đảm bảo các tiêu chuẩn trách nhiệm giải trình cao sẽ không làm chậm chúng ta; thực tế là nó sẽ làm ngược lại. Và chúng ta đã thấy điều này trước đây với sự thay đổi công nghệ. Ví dụ, trong những ngày đầu của ngành đường sắt, việc thiết lập các tiêu chuẩn an toàn đã giúp tàu hỏa chạy nhanh hơn nhờ sự chắc chắn, tự tin và khả năng tương thích được tăng lên. Và tôi cũng muốn lưu ý rằng chúng tôi sẽ cập nhật khuôn khổ này thường xuyên. Điều này quay trở lại với sự không chắc chắn mà tôi đã đề cập trước đó. Có thể có những khả năng hoặc vấn đề pháp lý mới lạ vẫn chưa xuất hiện. Chúng ta phải và sẽ đảm bảo rằng hệ thống quản lý và các biện pháp bảo vệ của chúng ta có thể thích ứng để đáp ứng mọi thời điểm, bất kể thời điểm đó sẽ như thế nào hoặc đến nhanh như thế nào.

c. Tăng cường hợp tác quốc tế quản lý ứng dụng AI.

Cuối cùng, chúng ta cần thực hiện tất cả những điều này một cách đồng bộ với các đối tác của mình, đây là trụ cột thứ ba trong Bản Ghi nhớ của chúng ta. Tổng thống Biden thường nói rằng chúng ta sẽ chứng kiến ​​nhiều thay đổi về công nghệ hơn trong 10 năm tới so với 50 năm qua. Ông nói đúng. Và điều đó không chỉ áp dụng cho đất nước chúng ta mà còn cho tất cả các quốc gia. Và khi nói đến AI nói riêng, chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người trên khắp thế giới có thể nắm bắt được lợi ích và giảm thiểu rủi ro. Điều đó có nghĩa là cần xây dựng các chuẩn mực và quan hệ hợp tác quốc tế xung quanh AI. Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris, chúng tôi đã đặt nền móng đó. Chúng tôi đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử quốc tế đầu tiên về AI với các đối tác G7 của mình. Chúng tôi đã tham gia cùng hơn hai chục quốc gia tại các hội nghị thượng đỉnh AI ở Bletchley và Seoul để phác thảo rõ ràng các nguyên tắc sử dụng AI. Chúng tôi đã công bố Tuyên bố chính trị về việc sử dụng AI trong quân sự, được hơn 50 quốc gia tán thành, để phác thảo những gì cấu thành các hoạt động có trách nhiệm khi sử dụng AI trong lĩnh vực quân sự. Và chúng tôi đã tài trợ cho Nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về AI, được thông qua nhất trí, bao gồm cả PRC, tôi xin nói thêm, với tư cách là đồng tài trợ. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng, như tôi đã nói, chúng ta có thể cùng nhau nắm bắt lợi ích của AI cho thế giới và thúc đẩy sự an toàn của AI.

6. Trung Quốc: đối thủ đáng gờm nhất trong lĩnh vực AI.

Tôi xin dành một chút thời gian để nói riêng về PRC.

a. Mỹ và Trung Quốc có các cuộc đối thoại về AI.

Gần một năm trước, khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập gặp nhau tại San Francisco, họ đã nhất trí đối thoại giữa hai nước về rủi ro và an toàn của AI. Và vào tháng 5 vừa qua, một số chuyên gia AI hàng đầu của chính phủ chúng ta đã gặp các quan chức PRC tại Geneva để có cuộc trò chuyện ban đầu thẳng thắn và mang tính xây dựng. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta nên luôn sẵn sàng tham gia đối thoại về công nghệ này với PRC và với những bên khác để hiểu rõ hơn về rủi ro và chống lại những nhận thức sai lầm.

Nhưng những cuộc họp đó không làm giảm bớt mối quan ngại sâu sắc của chúng ta về cách PRC tiếp tục sử dụng AI để đàn áp người dân, phát tán thông tin sai lệch và phá hoại an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta.

b. Quảng cáo cho cách làm chính sách AI của của Mỹ.

AI nên được sử dụng để giải phóng tiềm năng con người và trao quyền cho con người. Và các quốc gia trên khắp thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, muốn biết cách thực hiện điều đó. Họ không muốn bị bỏ lại phía sau, và chúng ta cũng không muốn điều đó. An ninh quốc gia của chúng ta luôn mạnh mẽ hơn khi chúng ta dang tay giúp đỡ các đối tác trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng ta cần cân bằng đúng cách. Chúng ta cần cân bằng giữa việc bảo vệ các công nghệ AI tiên tiến một mặt, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng công nghệ AI trên toàn thế giới. Bảo vệ và thúc đẩy. Chúng ta có thể, phải và đang làm cả hai.

Vì vậy, hãy để tôi giới thiệu sơ lược cho bạn một cách tiếp cận toàn cầu mới đối với sự lan truyền AI, cách AI có thể lan rộng trên toàn thế giới theo cách có trách nhiệm cho phép AI phát triển theo hướng tốt trong khi vẫn bảo vệ chống lại rủi ro giảm giá. Cách tiếp cận toàn cầu mới này bổ sung cho Bản Ghi nhớ đã được công bố và xuất phát từ các cuộc thảo luận kéo dài tại Phòng Tình huống (Nhà Trắng) và với các đồng minh, ngành công nghiệp và đối tác trong năm qua. Các chi tiết cụ thể hơn sẽ được công bố sau, nhưng tôi có thể nói ngay rằng nó sẽ mang lại cho khu vực tư nhân sự rõ ràng và khả năng dự đoán cao hơn khi họ xây dựng kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đô la trên toàn cầu (vào AI). Điều này bao gồm cách chính phủ của chúng ta sẽ quản lý việc xuất khẩu các chip tiên tiến nhất cần thiết để phát triển các mô hình AI tiên tiến; cách chúng ta sẽ đảm bảo quyền truy cập rộng rãi vào sức mạnh tính toán AI đáng kể nằm sau công nghệ tiên tiến nhất giúp có thể chuyển đổi hoạt động y tế, nông nghiệp và sản xuất trên toàn thế giới; cách chúng ta sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác giữa các công ty AI hàng đầu của Mỹ và các quốc gia trên khắp thế giới muốn trở thành một phần của cuộc cách mạng AI; và cách chúng ta sẽ thiết lập các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật cho các quan hệ đối tác này để đảm bảo chúng ta có thể bảo vệ hiệu quả trước các rủi ro trong khi mở ra các cơ hội mới. Các quan hệ đối tác này rất quan trọng. Chúng là nền tảng cho sự lãnh đạo của chúng ta.

c. Cạnh tranh chống lại bành trướng của Trung Quốc trong AI.

Chúng ta biết rằng Trung Quốc đang xây dựng hệ sinh thái công nghệ của riêng mình với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không bảo vệ được dữ liệu nhạy cảm, có thể cho phép giám sát và kiểm duyệt hàng loạt, có thể phát tán thông tin sai lệch và có thể khiến các quốc gia trở nên dễ bị bị ép buộc (lệ thuộc). Vì vậy, chúng ta phải cạnh tranh để cung cấp con đường đi hấp dẫn hơn, lý tưởng nhất là trước khi các quốc gia đi quá xa trên một con đường không đáng tin cậy, có thể rất tốn kém và khó có thể quay lại. Và đó là những gì chúng ta đang làm. Chúng ta đã phát triển các quan hệ đối tác mới sẽ hỗ trợ tiến bộ kinh tế, đổi mới công nghệ và hệ sinh thái AI bản địa, từ Châu Phi đến Châu Á đến Trung Đông và xa hơn nữa. Và chúng ta sẽ tiếp tục, với cách tiếp cận rõ ràng và nghiêm ngặt đối với việc phổ biến AI.

Bây giờ, tôi muốn dành thời gian cho việc trao đổi giữa chúng ta, vì vậy hãy để tôi kết thúc bằng điều này: Mọi thứ tôi vừa nêu ra đều là kế hoạch, nhưng chúng tôi cần tất cả các bạn biến nó thành hiện thực. Chúng tôi cần bạn và các nhà lãnh đạo trên khắp mọi tiểu bang và mọi lĩnh vực áp dụng công nghệ này để tăng cường an ninh quốc gia và thực hiện triển khai thật nhanh chóng. Chúng tôi cần các bạn đảm bảo rằng công việc của chúng ta phù hợp với các giá trị cốt lõi luôn là nền tảng cho vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Và như Tổng thống Eisenhower đã nói, chúng tôi cần các bạn liên tục cập nhật và phát triển học thuyết AI của chúng ta trong những năm tới. Sẽ rất khó khăn. Nó sẽ đòi hỏi phải tuw duy liên tục, tái tư duy liên tục, đổi mới liên tục, hợp tác liên tục và đi đầu liên tục. Nhưng với lịch sử là bằng chứng, tôi biết rằng mọi người trong căn phòng này và trên khắp đất nước chúng ta đều sẵn sàng. Và cùng nhau, chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cho thế kỷ 21.

(Bản tiếng Anh bài phát biểu: xem link ở phần comment).

——

Một số nhận xét cá nhân về bài phát biểu này:

1. Mỹ xác định thế giới đang đứng trước những thay đổi địa chính trị mang tính bước ngoặt như sau WW2.

2. Mỹ cho rằng AI có vai trò quyết định thắng thua trong thời đại mới: “Việc ứng dụng AI sẽ định hình tương lai” và “Không có công nghệ nào khác quan trọng hơn đối với an ninh quốc gia của chúng ta trong những năm tới”.

Sứ mệnh của chiến lược phát triển AI là: “Mỹ trở thành đối tác công nghệ được các quốc gia trên toàn thế giới lựa chọn”:

3. 3 đặc thù:

Mỹ chấp nhận đặc thù 3: Do tư nhân dẫn dắt. Tiếp tục tạo môi trường cho AI phát triển theo đặc thù đó mà không bẻ lái hay hướng nó đi dưới sự lãnh đạo của bất cứ cơ quan ban ngành nào, kể cả chính phủ. Chỉ hợp tác và giám sát phạm vi ứng dụng. Sẵn sàng thay đổi kỹ thuật, tổ chức và chính sách rộng đường cho AI phát triển theo đặc thù 3 ấy. Chính phủ, quân đội, an ninh… thảy đều là khách hàng.

Nhà nước là vườn ươm… tạo môi trường, cấp tài chính, mở bung cơ chế cho hoạt động đổi mới, sáng tạo. Mỹ đã cấp phép Microsoft, Google, Amazon xây dựng nhà máy điện hạt nhân riêng cho các Trung tâm Dữ liệu phục vụ AI của mình. “Thức ăn” nuôi dạy AI là năng lượng và Data mà! Cơ chế như trong mơ.

Nhìn rộng hơn có Elon Musk với các doanh nghiệp khủng.

Tóm lại khối tư nhân cứ phát triển AI thoải mái. Và Chính phủ Mỹ bảo vệ họ. Doanh nghiệp Mỹ là sức mạnh của nước Mỹ.

4. 3 trụ cột duy trì vị thế đi đầu của Mỹ

i. Trụ cột Nhân lực - Phần cứng (Chip) và năng lượng - Tài chính. Trong đó Sullivan nhấn đi nhấn lại: là năng lượng sạch cho AI.

Áp đặt sử dụng năng lượng sạch quá gấp gáp, khi công nghệ chưa hoàn chỉnh đồng bộ, giá cao và đầu tư lớn… là một trong các loại rào cản hạn chế những nền kinh tế nghèo hơn phát triển, không chỉ AI. Và, quan trọng là, công nghệ hiện do Mỹ và đồng minh cùng Trung Quốc nắm giữ. Chả khác gì nhà nghèo phải áp dụng tiêu chuẩn sống nhà giàu.

ii. Trụ cột chính sách: Có lẽ nên đưa ra khái niệm An ninh AI. Mỹ có hẳn 1 Viện An toàn AI.

- Đầu tư mạnh, đi thật nhanh để không ai đuổi kịp.

- Ngăn cản đối thủ tiếp cận các nguồn lực cốt lõi của AI bằng các rào cản hành chính và kỹ thuật, bao gồm thông qua hợp tác quốc tế.

- Quyết tâm sử dụng AI rộng rãi trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh, coi đó là vũ khí chiến lược duy trì an ninh quốc gia, an ninh AI và vị thế dẫn đầu của Mỹ.

iii. Trụ cột hợp tác quốc tế:

- “… chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người trên khắp thế giới có thể nắm bắt được lợi ích và giảm thiểu rủi ro. Điều đó có nghĩa là xây dựng các chuẩn mực và quan hệ đối tác quốc tế xung quanh AI”. Nghe đánh giá về rủi ro AI như nói về năng lượng hạt nhân những ngày đầu vậy!!! Để thấy Mỹ đánh giá cao nguy cơ của AI.

- Mỹ khẳng định đã tạo ra không gian pháp lý tốt nhất thế giới cho AI, tức cả luật chơi lẫn hạ tầng lẫn người chơi, và hiện đang nỗ lực mở rộng các nguyên tắc của mình sang các nước đồng minh, tức áp đặt luật chơi, để xác lập một môi trường kiểm soát cạnh tranh tốt hơn cho vị thế lãnh đạo của Mỹ. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong AI và khuyến khích các quốc gia sử dụng AI của Mỹ, tức là chịu sự kiểm soát của Mỹ.

- Việc xây dựng các bộ quy tắc quốc tế về AI chắc chắn sẽ là các rào cản phát triển sâu AI tiên tiến ở các nước khác. Như nguyên tắc Không phổ biến vũ khí hạt nhân và Tên lửa tầm xa. Như giai đoạn đầu của vũ khí nguyên tử: Chậm chân là mất cơ hội ngồi chung mâm tại Câu lạc bộ AI.

5. Thấy rõ tham vọng nước Mỹ:

Họ muốn mọi thứ mà thế giới có thể cung cấp hoặc làm trong lĩnh vực AI nên do Mỹ kiểm soát không chỉ trên lãnh thổ Mỹ mà còn trên lãnh thổ quốc gia khác, không còn lựa chọn và phải phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty Mỹ tức là nước Mỹ.

Qua đó thấy vị thế, tham vọng quyền lực, phạm vi… nước Mỹ muốn kiểm soát trong các lĩnh vực cốt lõi. Làm được hay không là chuyện khác không bàn ở đây.

6. Cuối cùng: câu nói của Tướng Dwight Eisenhower thực sự ấn tượng: “Cần nơi xây dựng học thuyết (mới) thay vì chấp nhận và tuân theo các học thuyết đã được quy định".

------------------

Nguồn tiếng anh: Remarks by APNSA Jake Sullivan on AI and National Security | The White House