Đầu tiên là tôi xác nhận, việc dao mổ cắt không đứt da là việc có thật. Thậm chí, có khi thay lưỡi dao đến 3 lần mới rạch da được. Ngoài dao thì găng tay phẫu thuật cũng có những loại mang, lột, mang, lột nhiều lần mới có thể mang vô tay được, cho dù có lẽ không ai rành mang găng tay bằng các phẫu thuật viên.
Việc này không chỉ có ở các bệnh viện công. Ngay ở chỗ chúng tôi, sau khi quyết liệt lắm, chúng tôi mới tìm mua được loại găng tay có thể gọi là tốt. Nhưng chỉ một thời gian là đứt hàng. Nhiều nhà cung cấp bảo, cái gì qua thầu được thì mới bán được, nên những thứ không qua thầu được trở nên rất hiếm hoi.
Tôi không rành lắm về đấu thầu. Tôi chưa bao giờ giữ chức vụ gì để có quyền tham gia duyệt thầu hay đấu thầu, nên không biết nó tiến hành ra sao, khúc mắc chỗ nào. Tôi cũng nghỉ bệnh viện công quá lâu rồi, khi ra tư nhân, tôi cũng không làm chức vụ gì trong những bệnh viện lớn có liên quan đến BHYT, nên không liên quan đến đấu thầu.
Tuy nhiên, khi tôi còn làm ở bệnh viện công, thì việc đấu thầu đôi khi cho kết quả rất mắc cười, mà cười không nổi. Nẹp vít mổ cột sống là những hệ thống liên hoàn, từ dụng cụ hỗ trợ như kìm, khoan, tuộc vít, cây vít, mũ vít, thanh dọc... tất cả đều phải tương thích với nhau theo từng hệ thống của từng hãng. Không thể có chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia được. Vậy mà chúng tôi trúng thầu vít của hãng A, mũ vít của hãng B, thanh dọc của hãng C.
Đúng là kiểu mặt trận, hoa thơm mỗi người ngửi một chút. Hậu quả là bệnh nhân gánh chịu. Mà cũng chẳng phải chỉ có mỗi bệnh nhân gánh chịu đâu. Nghe nói các hãng để được trúng thầu, dù là kiểu mặt trận, cũng tốn kém không ít. Nhưng nếu chiếu theo kết quả trúng thầu thì sẽ chẳng có hãng nào bán được hàng, vì các dụng cụ đó không đồng bộ, thì làm sao mà mổ được.
Nhưng, theo tinh thần "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu", nên cả bệnh nhân, bác sĩ, và hãng dụng cụ nghĩ ra nhiều chiêu thức rất hay. Trên thực tế thì nhiều người nhà bệnh nhân khi vô bệnh viện đã phải tự mua các dụng cụ y tế, và trả tiền trực tiếp cho những người bán, ở trong bệnh viện, ngay trước cửa phòng mổ hoặc tại khoa điều trị, hoặc ngoài cổng bệnh viện, tùy theo chính sách của từng bệnh viện.
Cứ nhìn thấy họ dấm dúi với nhau thì tôi lại nhớ cái cảnh đi mua thuốc tây chợ đen hồi bao cấp. Người mua người bán ra vỉa hè Lê Lợi, hay chợ An Đông, hoặc sau chợ Tân Định... dấm dấm dúi dúi. Nhiều khi đang mua mua bán bán, công an ập đến. Người bán túm miếng nilon gói đồ chạy mất. Người mua ở lại chịu kiếp rau răm.
Nếu không đưa mọi chuyện vô qui củ, thì chắc chắn, bệnh viện nào rồi thì cũng trở thành cái chợ. Nếu không phải chợ ở trong bệnh viện, thì là chợ ở ngay ngoài hàng rào bệnh viện, để phục vụ cho những nhu cầu bên trong bệnh viện. Bác sĩ, y tá dù muốn hay không thì cũng phải hoặc là tham gia trực tiếp làm con buôn, hoặc buộc phải làm ngơ nếu là người biết nghĩ đến người bệnh. Cả bác sĩ, y tá và bệnh nhân đều cần phải có thuốc men, dụng cụ để chữa bệnh và được chữa bệnh.
Mà nếu bệnh viện trở thành cái chợ, bác sĩ, y tá tham gia vào nhóm con buôn, thì chuyện gì xảy ra chắc chúng ta cũng không khó để hình dung. Nhưng nếu dẹp hết chợ trong bệnh viện, để cho anh "giá rẻ" độc chiếm, hoặc chuyển cái chợ lên cấp cao hơn, thì hoặc là người bệnh lãnh đủ, bác sĩ y tá thì bó cả tay lẫn chân, các hãng dụng cụ không thuộc nhóm "buôn có bạn, bán có phường" sẽ dẹp tiệm. Hoặc bệnh nhân và thầy thuốc sẽ "quẫy đạp" để được chữa bệnh và chữa bệnh cho đàng hoàng, và cái chợ trời ngày xưa trên lề đường Lê Lợi hay chợ An Đông, chợ Tân Định... sẽ lại hình thành đâu đó, có khi là ngay trong phòng bệnh.
Mà tôi để chữ "giá rẻ" trong ngoặc, có nghĩa là thực ra mà nói thì nó cũng chẳng hẳn là rẻ đâu. Nó chỉ là rẻ nhất trong nhóm những công ty tham gia bỏ giá mà thôi.