ne1bb8bnh-se1babfp-1-1636608503.jpg
Nịnh thối. Ảnh: internet

Gần đây trên mạng ảo tiếng Việt ồn ào nhiều chuyện về các ông sếp.  Có chuyện thị phi do các phát biểu ấn tượng từ các ông sếp đầu đàn của các thành phố lớn.  Có những chuyện cười đứt ruột như chuyện ông sếp “mất chim”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, hòa với không khí chung, cũng đóng góp một câu nói khá thú vị “Người Mỹ lên sếp thì gầy, người Việt lên sếp thì béo”.

Câu nói rất ngắn nhưng súc tích, đã tóm gọn được sự khác biệt rất căn bản giữa sếp Tây, sếp Ta – một đề tài mà Thông Reo tâm đắc từ lâu. Thông Reo xin được mạnh dạn viết vài hàng, dựa trên kinh nghiệm bản thân, để chia xẻ với các cụ.

Xin được thưa với mọi người trước, rằng kinh nghiệm làm việc của tôi ở Việt nam không nhiều, chỉ vỏn vẹn hai năm đi làm Nhà nước, trong môi trường giáo dục.  Kinh nghiệm chăn bò, cắt cỏ, vào rừng kiếm củi hay làm vườn giúp cha mẹ như mọi đứa trẻ nông thôn thời ấy thì thâm niên dài dằng dặc, nhưng có lẽ không giúp ích gì cho việc bình luận về sếp Tây hay sếp Ta! 

Tuy nhiên, người thân và bạn bè của Thông Reo đã và đang làm việc trong mọi ngành nghề trên khắp mọi miền đất nước thường xuyên bổ túc kiến thức cho, nên cũng biết được ít nhiều.  Nếu có điều gì sai hoặc không đầy đủ, xin các cụ thương tình chỉ dẫn.

Như trên đã thưa, Thông Reo chỉ làm việc cho Nhà nước Việt nam hai năm vỏn vẹn. Vừa hết thời gian tập sự sau Đại học là chuồn ngay ra nước ngoài.

Lúc đó chẳng biết mình sang Mỹ sẽ làm gì, mà vẫn cứ nhắm mắt ra đi, vì chỉ có hai năm chung sống với ông Nhà nước, mà đã thấy quá thất vọng, duyên nợ xem như đã cạn kiệt.

Đặt chân xuống đất nước Huê Kỳ, chưa kịp hết choáng ngợp vì sự hùng mạnh và hiện đại của quốc gia siêu cường, đã tá hỏa nhận ra rằng kiến thức, bằng cấp của mình quá lạc hậu, rồi chẳng lâu sau, ngậm ngùi chấp nhận con đường lao động phổ thông … rồi kiếm đường đi học lại.

Ấy vậy mà cái công việc phổ thông đầu tiên, lương chỉ hơn mức tối thiểu tí ti, lại dạy cho mình khối chuyện hay về nước Mỹ.  Đầu tiên là chuyện cậu Vince, một COCC tiêu biểu xứ Hoa kỳ.

Lúc đó Thông Reo đang làm trong một kho hàng rất lớn, nhiệm vụ rất vinh quang từ quét dọn kho hàng, lau chùi toilet đến lái xe cẩu (forklift), xếp hàng, dỡ hàng vẹo cả xương sống.

Bố mẹ Vince giữ cổ phần lớn trong công ty, tức là ông bà chủ, là sếp tối cao của kho hàng.  Vince đang học lớp 11, mùa hè rảnh rỗi, cậu ấy vào công ty làm việc kiếm thêm tiền bỏ túi.

Dáng công tử, mặt hoa da phấn, hắn chỉ làm trong văn phòng, nên lương kém hơn tụi này khoảng 1 – 2 đô-la/giờ.  Làm bao nhiêu giờ tính bấy nhiêu, thành thử đến kỳ trả lương, thằng con ông chủ thu nhập kém hơn bọn công nhân kho hàng.

Vince thường là mục tiêu cho mấy chú nhóc ngoài kho hàng khích bác, trêu ghẹo.  Không ít lần, chúng nhại tên Vince thành Vinny (Vince bé tý) làm cậu ấy nổi điên.  Tôi chẳng thể nào quên được cảnh Vince vừa khóc vừa rượt bọn kia chạy khắp kho hàng, còn mấy chú kia vừa chạy vừa cười ha hả! Vince rất thích được lái forklift, thường ra nằn nì xin chúng tôi cho hắn thử, rồi lại làm trò cười cho bọn con nít trong kho.

Thông Reo lúc ấy chẳng còn là con nít, nhưng bị choáng nặng vì hết sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.  Con ông chủ, con sếp mà vậy ư?  Thì ra ở Mỹ làm cháu ông chủ hay con bà sếp chẳng có ý nghĩa gì.  Chúng nó cũng là “người” bình thường, không có việc gì phải sợ chúng cả.

Tình thực thì Vince là đứa dễ thương, tử tế.  Tiếng Anh của tôi khi ấy phải nói là khá cùn, mà cậu ấy vẫn chịu lắng nghe, nói chuyện và rất tôn trọng mình.

Nịnh có bài. Ảnh: Internet

Lúc ấy, nhớ lại ông sếp mình ở Việt nam, thì chuyện có khác.  Ông là chủ nhiệm bộ môn của một khoa chủ chốt trong một trường Đại học hàng đầu của thành phố to nhất nước, tức là cũng khá oai.

Ông có thằng con be bé đang học cấp một.  Mỗi lần chú nhóc kinh lý vào nơi bố làm việc, thì các cô, các chú, nếu không cưng nó ra mặt thì cũng đố dám chọc.  Nó có nghịch ngợm hay nói hỗn tí thì các cô chú cũng cười xòa thông cảm mà thôi!

Ở ta, nhân viên cần sếp hơn là ngược lại.  Trong khi đó, sếp Tây cần nhân viên hơn là nhân viên cần sếp.  Bởi thế, bên ta thì nhân viên phải cầu cạnh, biếu xén sếp.  Sếp nhỏ biếu xén sếp vừa, sếp vừa cống nạp sếp to.

Ở Mỹ, cái trật tự đó đảo lộn hết.  Sếp Mỹ muốn chạy việc để cấp trên khen mình, thì phải o bế, chiêu đãi mấy đứa nhân viên để chúng làm việc cho tốt.

Đối xử tệ với chúng ư? Dạn thì nó phê bình thẳng mặt sếp, nhát thì nó báo cáo lên cấp cao hơn, rồi bỏ qua nhóm khác làm cho thằng sếp khác, có khi bỏ luôn công ty kiếm việc làm khác.  Nhất là mấy đứa nhân viên giỏi, chúng mà bỏ qua làm cho công ty đối thủ (competitor) thì thôi rồi em Lượm ơi!

Thông Reo có người thân làm giám đốc một cơ quan kinh doanh ở Việt nam.  Ngày Tết cậu ấy được biếu rượu ngoại nhiều đến độ bà xã cậu nảy ra sáng kiến thiết lập một chương trình có một không hai “đổi rượu, lấy sữa”.  Tức là, thiết lập mối quan hệ hợp tác với mấy bà buôn bán hàng xa xỉ cao cấp: đổi rượu ngoại của bố để lấy sữa ngoại cho con nhỏ dùng.

Bố bớt uống rượu, khỏi đau gan.  Con có sữa ngoại uống đều đều, ăn ngoan chóng lớn.  Nhờ vào bố làm sếp.

Thông Reo có bà chị buôn bán hàng tạp hóa, mùa Tết chị bán hàng quà biếu không kịp đếm tiền, đủ biết cái không khí cống nạp sếp ở nước ta nó nhộn nhịp đến cỡ nào.

Lại nhớ về các sếp Tây, đúng ra là sếp Mỹ, của mình.  Từ lúc làm công việc chân tay đến khi làm việc trí thức, đa phần khi đi ăn chung, tôi đều được sếp bao.  Chưa một lần, chưa lần nào mình phải bỏ tiền ra bao sếp.

Có khi các bác ấy cũng lấy lại được tiền của công ty, nếu bữa ăn đó có liên quan đến hoạt động hay công việc trong công ty.  Tuy vậy, tôi biết chắc nhiều lần sếp của mình bỏ tiền túi ra mời nhân viên ăn, để tỏ lòng biết ơn (appreciation) họ đã làm việc tốt, đẹp mặt cho sếp.

Thông Reo có một người sếp tên John, nhiều lần mời cả nhóm đi ăn nhà hàng khá sang để lấy thiện cảm.  Đi du lịch ở Alaska, anh ấy mua quà cho mọi người trong nhóm.  Tôi còn nhớ mỗi người được tặng một cái áo T-Shirt của Alaska và một con dao Ulu truyền thống của người Eskimo (nhưng có lẽ được Made in China, như hầu hết mọi thứ khác :-)).

Ngược lại, chẳng bao giờ thấy đồng nghiệp nào đi du lịch về mà mua quà tặng cho sếp. Một lần tôi được mục kích John năn nỉ một anh kỹ sư đang có ý định bỏ đi qua công ty khác.  Lúc tuyệt vọng rồi John còn hỏi “Do you want me to dance for you on the table?” (Chẳng lẽ cậu còn muốn tôi leo lên bàn múa cho cậu coi mới chịu hay sao?)

Tóm lại, sếp Tây giỏi phải biết chiều, biết giúp đỡ, hỗ trợ nhân viên để họ làm việc cho tốt.

Tác giả: Thông Reo. (còn tiếp)