Chuyện của Thanh
17Aug2024
Khởi sự Kinh doanh hay Khởi sự bất cứ một sự nghiệp nào, suy cho cùng cũng là hành trình đi tìm một con đường mới để thực hiện những khát vọng của mình. Dù đầy thách thức gian nan, nhưng đáng để chúng ta dấn bước.
Bí quyết mở con đường mới, nhiều khi lại có thể tìm được khi chúng ta nhìn vào quá khứ!
Bạn bè đám thế hệ tôi, luôn cãi nhau ỏm tỏi. HCM là bậc kỳ tài về dựng nước, nhưng liệu Cụ có năng lực kiến thiết đất nước? Đa số cho rằng Cụ xuất thân nhà nho, lại hành tẩu giang hồ sớm, kiến thức kinh tế thiếu nền tảng, chỉ phù hợp cho việc dựng, ko phù hợp cho việc xây. Còn tôi, qua những trải nghiệm cá nhân mình, cho rằng: có lẽ đất nước ta đã không gặp may, không có đủ thời gian hòa bình để HCM thi thố tài năng kiến thiết.
Tôi được gặp Cụ qua 2 kỷ niệm sâu sắc.
1/ Năm đầu học cấp 3, cách đây cũng đã hơn 40 năm. Ko hiểu ai đã dạy tôi 1 bài hát. Rồi tôi đã dạy lại cả lớp tôi bài hát đó. Và bài hát đó đã đi theo chúng tôi đến tận bây giờ mỗi khi lũ chúng tôi gặp nhau, hay mỗi khi tôi đứng trước những thử thách mới. Đó là bài: Nhớ ơn Cụ Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ:
Mong dẹp tan được phường phát xít. Xua sạch tan cuộc đời đói rét/Đem cho ta những ngày tự do. Đầy hạnh phúc cuộc đời ấm no.
2/ Đầu năm 2002, tôi khi đó đang phụ trách FPTSoftware, sang Mỹ tìm khách hàng thất bại. Cô đơn/bất lực. Tôi lang thang hiệu sách và mua 1 cuốn sách. Đó là cuốn “HoChiMinh A life – HCM Một cuộc đời” của nhà sử học Mỹ William Duiker. Đây là cuốn sách đầu tiên và đầy đủ nhất cho đến bây giờ mô tả lại cuộc đời của HCM. Duiker không phủ nhận cảm tình của mình với HCM, nhưng ông là một nhà khoa học lịch sử. Ông luôn rõ ràng đâu là sự kiện, đâu là ý kiến của mình, đâu là ý kiến của người khác. Hơn 200 trang của cuốn sách được dành cho các dẫn chứng nguồn. Từ VNDCCH, Liên xô, Trung quốc, Mỹ, Pháp, VNCH... Hồi ký của các vĩ nhân, phỏng vấn những người còn sống. Các tác phẩm văn học có tính lịch sử cao như “Đêm giữa ban ngày” cũng được sử dụng.
Tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách hơn 600 trang đó. Khi các sự kiện được sắp xếp liên tục và đầy đủ, thì logic của hành động tự nhiên hiện ra rõ mồn một. Cảm giác như HCM và các đồng chí của Cụ sống lại để truyền cho chúng tôi những bài học vượt khó. Hoàn cảnh của chúng tôi tuy bi đát, nhưng chẳng là gì so với các bậc tiền bối, ít nhất là cũng không nguy hiểm.
Tôi đã dịch cuốn sách đó ra tiếng Việt để chia sẻ với anh em. Chúng tôi đã cùng nhau học và áp dụng rất nhiều bài học từ cuốn sách đó vào hành trình “thắp sáng tên Việt nam trên bản đồ trí tuệ thế giới” ở FPTSoftware. Và tuy, nói theo kiểu con nhà võ, chỉ mới luyện được 1/1000 thành công lực mà cũng có thể có được 1 số thành tựu đáng kể.
Ngày 19/8/2020, như có “tiền định”, tôi và mấy chị em FUNiX sang thăm Đại học VinUni. Chúng tôi được chủ tịch Mai Lan, cùng với hiệu trưởng Rohid tiếp đón nồng nhiệt. Sẵn tinh thần cách mạng, tôi đã hát bài 19/8, cũng là bài hát truyền thống của FUNiX và nói chuyện về HCM ngay trong buổi gặp mặt đó. Ra về, Lan bảo tôi: “Em muốn anh tham gia giảng dạy môn Tư tưởng HCM ở trường em. Mục đích của em là làm sao các sinh viên sau khi học thấy yêu và muốn đóng góp cho đất nước mình hơn.”
Thật khó từ chối một lời đề nghị như vậy.
Ảnh: Chuyện của Thanh đã bắt đầu như thế này
Tôi cùng với đồng nghiệp là anh Đinh Tiến Dũng đã thiết kế lịch sử Việt nam cận đại như một sân khấu lớn, nơi diễn các sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam trong giai đoạn này xung quanh nhân vật trung tâm là Hồ Chí Minh cùng các cộng sự, sư phụ, đệ tử và các đối thủ của ông.
Mỗi buổi học sẽ là một chương của lịch sử được trình bày như một series các event cùng các nhân vật chọn lọc. Mỗi một chương Lịch sử sẽ là một “kho báu” và sinh viên sẽ phải đi tìm được chìa khóa để mở các cánh cửa dẫn đến kho báu này bằng cách trả lời các câu hỏi “Tại sao” đôi khí khá tréo ngoe. Điều này sẽ khiến việc học của sinh viên trở nên chủ động, giúp sinh viên có cái nhìn rộng mở và lưu giữ được kiến thức lâu hơn.
Trong buổi học đầu tiên, chúng tôi hỏi: các em mong chờ gì ở môn này? Và đây là một phần của các câu trả lời:
- Vững tin trong tranh luận
- Muốn yêu lịch sử hơn
- Không bị “nhồi sọ”
- Chỉ muốn qua môn
- Muốn bỏ được nỗi “sợ” lịch sử!
- Muốn hiểu tại sao thắng, tại sao thua?
- Khai phá tiềm năng ôn lịch sử 5 ngày thi được 8 điểm
- Lần đầu tiên ra nước ngoài đi Tàu nên thích tìm hiểu sử Ta
- Hiểu các vĩ nhân Việt Nam
- Muốn được nghe kể chuyện
- Muốn hiểu được chữ “phản động” mà bố gán cho em
- Muốn môn này hay như môn lịch sử nghệ thuật
- Muốn hiểu và trở thành chính trị gia
- Muốn thay đổi quan điểm của các bạn nước ngoài Việt Nam chỉ là đồng lúa và cộng sản!
- Em không giỏi nhớ số ạ
- Em đã an tâm hơn phần nào
- Bố em bảo phải biết lịch sử mới đi café được với bạn
- Em muốn được thức trong tiết học lịch sử
- Em muốn học debate aka cãi nhau
- Em muốn thấy sử Ta hay hơn sử Tàu
- Em muốn đi đến tận cùng những thắc mắc của em
- Em muốn thấy những “góc khuất” đằng sau “vẻ vang”
- Em Muốn gặp chú Xuân Bắc:-)
Các bạn có thể hình dung được những thách thức mà các em đặt ra cho chúng tôi.
Bốn năm qua, thầy trò chúng tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức. Hôm nào cũng trình bày và tranh luận. Buổi học 120’ hiếm khi kết thúc sau 3 tiếng. Chúng tôi gần như “kiệt sức” nhưng hầu như không ai bỏ cuộc, để đến cuối môn học, mới chợt nhận ra là mình đã trưởng thành rất nhiều.
Nên tôi đã quyết định viết cuốn sách này. Để tặng các em sinh viên của tôi, những người mới bước vào đời đã bị nhồi cho những câu hỏi hóc búa
Kiểu hoài cổ như
Tại sao lại phải dùng chữ quốc ngữ?
Tại sao Nguyễn Tất Thành lại lên tàu La Touche Trevilles với tư cách là đầu bếp? Có thực sự là anh đi tìm đường cứu nước?
Hay thời sự và “phản động” hơn như
Tại sao lại có hiện tượng “thuyền nhân”?
Tại sao phải dốc hết nguồn lực để xây dựng đường dây 500KV, khi mà Mỹ còn chưa bỏ cấm vận?
Các em là động lực nhưng cũng là đồng tác giả của cuốn sách này, nhờ những khám phá và tìm tòi bất ngờ. Tôi luôn nói với các em: Đừng sợ, hãy đưa ra chính kiến của mình. Không ai có câu trả lời chính xác cả. Ngay cả em bây giờ và em 10 năm nữa sẽ có những câu trả lời khác nhau. Nhưng hành trình đi tìm câu trả lời cho những vấn đề lớn của đất nước trong bối cảnh thế giới phức tạp, chính là sự trưởng thành của bọn em. Bọn em sẽ thấy những bài học mà lịch sử để lại vẫn còn nguyên giá trị.
Cuốn sách được viết ra như một cuộc đối thoại giữa Thanh, một sinh viên đại học, bị bắt buộc phải học môn mà em cho là nhàm chán. Ở phổ thông em cũng không thích Sử nên đăng ký học cho qua môn và thầy giáo Thành, một nhà Toán học bị “xô đẩy” làm doanh nhân, được trường mời về dạy.
Chắc chắn các vấn đề được đề cập sẽ gây ra “mổ bò”, và khó có thể đi đến thống nhất. Để không sa đà vào tranh luận và giữ nguyên mục đích của cuốn sách là tìm lại những bài học từ lịch sử mà còn giá trị đến ngày nay, chúng tôi chỉ sử dụng các sự kiện và số liệu được Duiker nhắc đến trong cuốn sách của mình (cùng với các dẫn nguồn của ông), và nguồn được kiểm chứng công khai là wikipedia. Các nhận định là của cá nhân tôi sau khi đã thẩm thấu ý kiến của các em học sinh!
Ngay cả Duiker trong cuốn tiểu sử đồ sộ của mình cũng đã viết: “Bao giờ cũng có những yếu tố huyền thoại bao quanh những con người nổi tiếng. Từ vị trí trong đền thờ của những vị thánh cách mạng, Hồ Chí Minh chắc sẽ rất vui lòng được biết rằng, hương khói huyền thoại bao quanh ông vẫn còn nguyên trong cuốn tiểu sử này.”
Nên cuốn sách này đương nhiên không có mục đích xua tan các huyền thoại xung quanh HCM!
Cuốn sách có tên là “Chuyện của Thanh” và được chia thành 5 phần. Mỗi phần lý giải một triết lý của HCM và sẽ có vài câu chuyện nhỏ, được gọi là chương.
Phần 1: Không có gì quý hơn Độc lập Tự do
Phần này lý giải tại sao câu khẩu hiệu của HCM không chỉ là khẩu hiệu suông với nhân dân VN. Nó thực sự đã trở thành một bản sắc của dân tộc, thông qua lịch sử đấu tranh dành độc lập. Độc lập, đó chính là tư tưởng xuyên suốt cuộc đời HCM. Dự kiến sẽ có các chương
Chữ quốc ngữ
Con rồng nhỏ
Nguyễn Trường Tộ
Nam đàn tứ hổ
Phần 2: Du nhi tri để Chạm vào tâm hồn
Phần này miêu tả quãng đường mà cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chu du thiên hạ. học và giao tiếp với được tất cả các vĩ nhân, lãnh tụ lẫn nhân dân cần lao trên thế giới. Để sau này nhà sử học Mỹ Hamberstand phải nhấn mạnh: “Ho can touch the soul of his enemy – Hồ biết chạm vào tâm hồn của kẻ thù”
Phần này sẽ có các chương
Phụ bếp
Mười ngày rung chuyển thế giới
Tam dân
NAQ
Paris của Phương Đông
Phần 3: Dĩ bất biến! Ứng vạn biến
Phần này tìm hiểu cách thức hành xử và ra quyết định của HCM trong bối cảnh WW2, cách ông liên minh, liên kết tận dụng thời cơ để giành chính quyền. Trước khi lên đường sang Pháp năm 1946, ông dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng “ Dĩ bất biến, ứng vạn biến.” Chỉ có độc lập dân tộc là bất biến. Khi mục tiêu đã xác định, chúng ta sẽ biết cách ứng phó với tất cả các tình huống. Dự kiến sẽ có các chương
Con Nai hay Con Mèo?
Tháng Tám
Trở lại Paris
Hiến pháp
Phần 4: Lấy thế thắng lực
Đó là lời HCM luôn dặn các đồng chí, và đặc biệt Quân đội nhân dân VN. Muốn tạo thế, phải nắm được bối cảnh chung và liên tục vận động. Phần này lý giải vai trò của HCM và các đồng chí trong cuộc đối đầu Pháp và sau này với Mỹ và chính quyền VCCH cực kỳ hùng mạnh, để cuối cùng thống nhất được đất nước. Các chương dự kiến
Ai có súng dùng súng
Nhà sàn
Đường mòn
Cuộc chiến giờ đã kết thúc
Phần kết: Sánh vai các cường quốc năm châu
Phần này bàn về các vấn đề hậu chiến. Cách các đồng chí/kẻ thù diễn giải những di sản mà HCM để lại trong thời đại hòa bình và xây dựng kinh tế? Phần này dự kiến sẽ có các chương:
Cô lập
Quả đấm thép
WTO
Ai sẽ sánh vai cường quốc năm châu?
-------------------------------
Nguồn: Nguyễn Thành Nam - Nhà sáng lập, Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX
https://www.facebook.com/nguyen.nam.54/posts/pfbid02rHz48mbV5WRxhxmYW1mCVtnKw7eqvrCthpY6JyxyoiXKic3JSWTo9TyYZpyc9isLl