Dân gian Việt có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, ý nói vận mệnh luôn thay đổi, không ai giàu mãi mà cũng chẳng ai mãi nghèo.
Nó nhắc nhở người đã giàu không nên ỷ lại và người chưa giàu thì đừng lo, một ngày nào đó mình hay con cháu mình sẽ giàu!
Câu này trong bối cảnh thời đại mới có cái hại về mặt tư duy, vì giàu ba họ, ba thế hệ tại sao lại không - nếu người trong cuộc biết cách suy nghĩ và biết cách tổ chức, sắp xếp. Còn người chưa giàu mà nếu cứ tàng tàng thì có khi bốn năm đời cũng không ngóc đầu lên nổi.
Gia đình tập đoàn khách sạn Marriott của Mỹ đã chứng minh là họ có thể giàu ba đời, và theo đà này thì có thể giàu bốn năm đời như chơi.
Mới đây vị Chủ tịch tập đoàn này là Bill Marriott (đời thứ hai) vừa công bố về hưu ở tuổi 90 để trao chức lãnh đạo cơ ngơi 8.000 khách sạn (dưới 30 thương hiệu khác nhau) cho người con trai là David Marriott ở tuổi 48.
Đoạn vidéo clip chiếu David trực tiếp phỏng vấn cha mình là Bill Marriott ở ngày cuối cùng trước khi Bill về hưu cũng thật ấn tượng và nói lên nhiều điều.
Ngoài những lời dặn dò con mình phải làm việc và hành xử như thế nào với công việc, gia đình, đồng sự, nhân viên để tiếp tục duy trì cơ nghiệp từ các thế hệ cha ông, người xem không thể không cảm nhận sự chững chạc, lễ phép và kính trọng đặc biệt của người con David dành cho cha mình.
Nhất là sự chú tâm, trân quý đối với những kinh nghiệm và trải nghiệm của cha xuyên suốt 58 năm điều hành tập đoàn. Và đây chính là một trong những chìa khoá thành công đối với câu chuyện kế nghiệp của gia đình Marriott nói riêng hay của các đế chế gia đình nói chung trên toàn thế giới.
Có RESPECT, có trân trọng những kiến thức và kinh nghiệm, thậm chí những vấp ngã của các thế hệ lãnh đạo đi trước thì người đi sau mới hội tụ được tinh hoa và tránh né được những khuyết điểm, lỗi lầm không đáng có của người đi trước.
Tránh được lỗi lầm là đã thành công hết một nửa! Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy sự thiếu chuẩn bị của thế hệ đi trước và sự thiếu học hỏi của thế hệ đi sau là sát thủ phổ biến của đa số các doanh nghiệp lớn phá sản ở đời thứ hai. Và trên thực tế thì đa số là phá sản ở đời thứ hai!
Nói cách khác, những tham vọng đổi mới, sáng tạo của thế hệ trẻ cần phải được hoà quyện với những kinh nghiệm xương máu của thế hệ đi trước mới thực sự phát huy tác dụng.
Và trong những kinh nghiệm xương máu này chắc hẳn phải có bài học về tính chịu đựng, chịu đòn, biết cách tồn tại, lèo lái qua các thời điểm sóng gió, khó khăn nhất. Tiếng Anh chỉ có một từ là RESILIENCE. Ai lại có lúc sẽ không gặp khó khăn, doanh nghiệp nào lại không có lúc gặp sóng gió. Giữ được cơ nghiệp hay không là ở chỗ này.
Còn nhiều yếu tố khác nữa không thể trình bày hết trong khuôn khổ một bài viết ngắn, nhưng tựu trung, duy trì cơ đồ qua nhiều thế hệ, qua hàng trăm năm là điều hoàn toàn có thể, nếu người lãnh đạo của các thế hệ đi trước có tư duy và tầm nhìn đúng đắn, dẫn đến một sự chuẩn bị từ xa một cách bài bản, có kế hoạch, tính toán.
Thế hệ tiếp nối cũng vậy, phải biết khiêm tốn học hỏi và rút kinh nghiệm từ thế hệ cha ông đi trước. Nói vậy chứ không phải dễ, vì không ít người trẻ dư quá nhiều sự tự tin dễ dẫn đến sự tự cao, quên đi các lời khuyên và bài học của người đi trước.
Thiết nghĩ ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chuyển giao cho thế hệ thứ hai và vô số doanh nghiệp khác đang nằm ở ngưỡng chuẩn bị chuyển giao. Đề tài kế nghiệp nghiễm nhiên sẽ trở thành một đề tài quan trọng cần thêm nhiều sự đầu tư từ cả các tổ chức đào tạo giáo dục, truyền thông, và từ chính các chủ doanh nghiệp liên quan.