Trong kinh doanh, sự thành công là do con người quyết định 90%, còn chiến lược chỉ chiếm 10%. Vì thế khi khủng hoảng xảy ra việc cắt giảm và xây dựng chế độ cho người ở lại hay kẻ ra đi đều không thể “qua cầu rút ván”. Đó là cái Nhân và cái Nghĩa của đạo lãnh đạo.
Ngay cả trong thời thế hiện tại, vấn đề cốt lõi vẫn là con người - con người trong doanh nghiệp (nhân viên) và con người ngoài doanh nghiệp (khách hàng và hiệu ứng từ xã hội để tạo nên thương hiệu). Đây là điểm then chốt để doanh nghiệp đứng vững, bởi chỉ cần một trong hai con người lung lay, doanh nghiệp cũng khó lòng duy trì.

Trong thời kỳ khó khăn, nhiều lãnh đạo có xu hướng cắt giảm chi phí và nhân công, nhưng cần phải có cách để xử lý ổn thỏa. Cắt giảm ai để không mất người tài để khi tình hình khả quan hơn, vẫn còn một bệ phóng tốt cho doanh nghiệp tiến xa.
Cắt giảm và xây dựng chế độ cho người ở lại hay kẻ ra đi đều không thể “qua cầu rút ván”. Đó là cái Nhân và cái Nghĩa của đạo lãnh đạo.
Người tài (“Tướng”) ở lại cần được đãi ngộ để gánh vác khó khăn cùng doanh nghiệp, nhưng người ra đi cũng phải thấy vui vẻ, hài lòng. Bởi một điều quan trọng là khi cần nhân sự thì sự gia nhập lại của người cũ có giá trị gấp nhiều lần việc tuyển dụng người mới, nhờ họ đã hiểu và chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, đồng thời cảm kích cơ hội có lại việc làm. Độ gắn kết sẽ cao và bền vững hơn.
Đối với con người ngoài doanh nghiệp, câu chuyện thị phần quyết định tất cả trong kinh doanh. Trong thời kỳ khó khăn, bản thân doanh nghiệp và các bạn hàng đều lao đao. Thái độ chia sẻ, cảm thông vào thời điểm khó khăn sẽ là phương cách để “giữ mối” về lâu về dài, khiến đối tác, khách hàng luôn nhớ đến những hình ảnh tốt đẹp về doanh nghiệp trước tiên khi hợp tác hậu khủng hoảng.
Yếu tố tình cảm trong kinh doanh không phải là chuyện ngoài lề, cần tạo điều kiện để hành vi của mình không chỉ làm tốt mà còn làm lợi cho người đồng hợp tác. Đó là cái “Pháp” đối nhân xử thế trong và ngoài doanh nghiệp, yếu tố tạo nên thương hiệu - hình ảnh công ty rất thuận lợi để phát triển sau này.

Tác giả: Trần Sĩ Chương