Nón Sơn là một thương hiệu khá thân quen với nhiều người dù có thể họ chưa từng bước chân vào cửa hàng, bởi vì thương hiệu nón mũ này sở hữu hàng trăm cửa hàng với tông màu hồng bắt mắt, hầu hết tọa lạc tại những vị trí đặc địa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nón Sơn khởi đầu từ một cửa hàng chuyên kinh doanh nón thời trang ngoại nhập ở TPHCM năm 1996. Hiện thương hiệu này sở hữu 193 cửa hàng trên khắp cả nước, trong đó có 20 cửa hàng tại Hà Nội và 57 cửa hàng tại Tp. Hồ Chí Minh. Nón Sơn hiện có khoảng 300 công nhân.
Hệ thống này liên tục mở rộng mặc dù kinh doanh sản phẩm không còn thời thượng, mà cũng không đông khách – theo quan sát của người tiêu dùng. Bởi vậy, mạng xã hội nói vui rằng, Nón Sơn như một địa điểm bí mật tương tự trong bộ phim "Mật vụ Kingsman" – nơi các điệp viên bí mật sẽ gặp nhau tại trụ sở là một tiệm may vắng vẻ.
Được biết, tổng tài sản của công ty trách nhiệm hữu hạn Thời Trang Nón Sơn vào cuối năm 2019 đạt hơn 320 tỷ đồng. Vào tháng 2/2020, vốn điều lệ của Nón Sơn được tăng từ 150 tỷ lên 200 tỷ đồng với 2 thành viên góp vốn là ông Trần Anh Sơn – sở hữu 79,09% vốn và bà Nguyễn Thị Thu Hà, sở hữu 20,91% vốn còn lại.
Vợ chồng ông Trần Anh Sơn - Bà Nguyễn Thị Thu Hà
Trong khi bà vợ ông Sơn từng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khi ra mắt dòng sản phẩm túi xách handmade với thương hiệu Ahanaba thì ông Sơn lại rất bí ẩn. Mọi công việc điều hành hay làm việc với truyền thông ông Sơn đều giao cho ông Nguyễn Ngọc Tý - giám đốc điều hành thực hiện.
Ông Trần Anh Sơn từng cho biết: "Bất kỳ sản phẩm nào cũng có nhiều phân khúc thị trường, đó là những đối tượng khách hàng khác nhau. Nếu thị trường mang tính đại trà giảm đi thì Nón Sơn sẽ xâm nhập sâu hơn vào những thị trường ngách. Chúng tôi sẽ đi sâu vào những khách hàng mục tiêu như trẻ em, người chơi thể thao (golf, tennis...), nón đi biển, dã ngoại, dạo phố, nón chuyên dành cho những buổi dạ hội, hóa trang".
Theo chia sẽ của một nhân viên cũ, ông Sơn rất có gu mỹ thuật và không thỏa hiệp với vấn đề chất lượng. Những sản phẩm của Nón Sơn đều được làm bài bản, chuẩn từng cái, chất từng chiếc.
Về phía người vợ, bà Nguyễn Thị Thu Hà từng làm tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines, rẽ ngang cùng chồng Trần Anh Sơn gây dựng thương hiệu nón Sơn.
Sau khi nón Sơn đã được biết đến, bà Thu Hà chuyển sang làm túi xách handmade với thương hiệu Ahanaba.
Đây là loại túi đan móc cầu kỳ và tinh xảo mà bà cho rằng “hoàn toàn xứng đáng xuất hiện trong các event sang trọng”. Bà tiết lộ mình có nguồn nguyên liệu đặc biệt, ví dụ như sợi vỏ cây Nam Phi, hiện nay chưa ai có.
Về phía khách hàng, bà Hà cho biết, một phần nhỏ khách hàng Việt Nam rất thích nhưng lại cho là giá quá cao. Một số cũng nói giá cao nhưng vẫn mua. Riêng khách hàng người nước ngoài không chỉ mua 1 mà nhiều cái. Họ chia sẻ rằng chưa từng thấy chiếc túi handmade nào tinh xảo đến vậy.
Vợ chồng ông Trần Anh Sơn - Bà Nguyễn Thị Thu Hà tặng quà cho những nhân viên gắn bó trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Nón Sơn
Được biết, năm 2018, doanh thu của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn đạt 123 tỷ đồng – tăng 84% so với năm trước đó. Lợi nhuận cũng tăng tương ứng nhưng mức tuyệt đối khá thấp, từ 1,5 tỷ lên 2,71 tỷ đồng.
Sang năm 2019, doanh thu chững lãi khi chỉ tăng nhẹ lên 126 tỷ đồng trong khi lãi gộp giảm 20% xuống 47 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế vẫn tương đương năm trước, đạt 2,73 tỷ đồng.
Bình quân mỗi cửa hàng đạt doanh thu khoảng 650 triệu đồng/năm tức khoảng 54 triệu/tháng. Mức doanh thu bình quân này có thể không đủ bù đắp được chi phí mặt bằng tại một số vị trí đắc địa.
Theo chia sẽ của lãnh đạo Nón Sơn, doanh thu chủ yếu của công ty là từ nón vải. Nón bảo hiểm là mặt hàng mới phát triển sau này nhưng không cạnh tranh nổi vì hàng giả nhiều quá.