Vừa qua, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) đã công bố thông tin bất thường về việc giảm nợ của doanh nghiệp.
Theo đó, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai – một công ty con của HAG, đã thanh toán đủ số tiền 750 tỷ đồng (gồm toàn bộ nợ gốc hơn 586 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) để tất toán khoản vay vào năm 2014.
Giao dịch trên nhằm tất toán khoản vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký với Eximbank AMC trong tháng 8-9/2014. Theo đó, tổng số tiền lãi được miễn giảm là gần 1.425 tỷ đồng (bao gồm một phần lãi trong hạn, toàn bộ lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi).
Đáng chú ý, thông tin Eximbank “chơi lớn” xóa gần 1.425 tỷ đồng tiền lãi cho công ty của bầu Đức là vụ việc “vô tiền, khoáng hậu” từ trước tới nay tại thị trường tài chính nước ta.
Về tình hình kinh doanh, Eximbank ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong quý 3/2023 và 9 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, quý 3/2023, thu nhập lãi từ cho vay khách hàng đem về cho Eximbank 3.507 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí trả lãi vay huy động từ khách hàng lại tăng gần 59% so với cùng kỳ, lên 2.639 tỷ đồng.
Do đó, khiến thu nhập lãi thuần - mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng Eximbank trong quý 3/2023 chỉ đạt 868 tỷ đồng, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý, Hoạt động dịch vụ đem về cho Eximbank 115 tỷ đồng (tăng 9,7%); Hoạt động khác đem về 31,6 tỷ đồng (tăng 42,7%); Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đem về 141 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 19,5 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về 77,1 tỷ đồng (giảm 2,3%); Thu nhập về góp vốn mua cổ phần đem về 278 triệu đồng (giảm 94,3%).
Trong quý, Eximbank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 170 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022, nhà băng này hoàn nhập rủi ro tín dụng 296 tỷ đồng).
Kết quả lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2023 của Eximbank chỉ đạt 241 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 76,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.360 tỷ đồng, giảm 46,5% so với cùng kỳ năm 2022 (2.542 tỷ đồng).
Bên cạnh tình hình kinh doanh ảm đạm, chất lượng nợ vay của Eximbank lại có chiều hướng đi lùi, khi tỷ tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng mạnh từ mức 1,8% hồi đầu năm lên 2,64% vào cuối tháng 9/2023.
Cụ thể, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng nợ xấu của Eximbank tăng gần 54% so với đầu năm, lên 3.592 tỷ đồng.
Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 2,5 lần so với đầu năm, lên 675 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gần 3,2 lần so với đầu năm, lên 1.438 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) bất ngờ giảm gần 9,4% so với đầu năm, còn 1.478 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 440 tỷ đồng. Nâng tổng dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank vào thời điểm cuối tháng 9/2023 lên 1.388 tỷ đồng (tăng nhẹ 1,75% so với cùng kỳ).
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là “số dư dự phòng rủi ro cho vay/nợ xấu“, được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu.
Theo thông tư 11/2021/TT-NHNN về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng. Theo đó, nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích lập dự phòng rủi ro, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới tiêu chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn phải trích lập 100%.
Như vậy, tổng số nợ cần trích lập dự phòng rủi ro cho vay của Eximbank là 2.361 tỷ đồng. Với tổng trích lập dự phòng của Eximbank vào cuối quý 3/2023 ở mức 1.388 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Eximbank chỉ ở mức 65,7%.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Eximbank là 191.336 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tăng 3,6% so với đầu năm lên 153.967 tỷ đồng. Trong khi, cho vay khách hàng tăng gần 4,2% lên 135.966 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch 13/12, cổ phiếu EIB giao dịch ở mức giá 19.000 đồng/cổ phiếu, đây phiên đứng giá thứ 2 liên tiếp của mã cổ phiếu này, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 25 triệu đơn vị.
Nguồn: MẠNH ĐẠI/Theo markettimes.vn