Tập đoàn Vingroup vừa công bố tài liệu phục vụ cuộc họp Đại hồi đồng cổ đông thường niên 2021.

Năm 2021, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng 53,8% doanh thu và giảm 1% lợi nhuận so với thực hiện 2020.

Vingroup cho biết năm 2021, tập đoàn sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính: Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ, tạo thế “kiềng ba chân”.

Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, tập đoàn này sẽ đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành dọc, qua đó đa dạng hóa các nguồn thu và khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong hệ sinh thái; áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động; mở rộng hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài.

Theo đó, trong lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp, VinFast dự kiến ra mắt 5 mẫu xe máy điện và 3 mẫu xe ô tô thông minh VFe34, VF35 và VF36. Các mẫu xe mới được kỳ vọng sẽ giúp VinFast giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế.

Đối với mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ tập trung phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm 3 mũi nhọn: thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh.

Trong lĩnh vực Bất động sản nhà ở, Vinhomes sẽ tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án Đại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống, đồng thời ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp, hỗ trợ người mua nhà.

Trong lĩnh vực Bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 100.000 m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2, giữ vững vị thế số một về số lượng trung tâm thương mại.

Ở lĩnh vực Du lịch - Vui chơi giải trí, Vinpearl đặt kỳ vọng duy trì và phát triển thị trường nội địa với mũi nhọn là kênh bán hàng trực tuyến và kênh doanh nghiệp, đồng thời phát triển, mở rộng các thị trường trọng điểm nước ngoài thông qua việc triển khai hoạt động marketing, truyền thông mạnh mẽ để chuẩn bị đón đầu cơ hội ngay khi mở lại các đường bay quốc tế.

Về nguồn vốn và đầu tư, Vingroup sẽ triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều công cụ tài chính, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của tập đoàn.

z2491672440994-9be854ccc1e45ac6cb2013c5a7f5aeda-1621051808.jpg
Lợi nhuận sau thuế của Vingroup. (Nguồn: Diệu Quang tổng hợp)

Về phương án phân phối lợi nhuận 2020, Vingroup sẽ trình cổ đông thông qua việc trích 5.000 tỷ đồng vào quỹ dự trữ và kế hoạch chia cổ tức 12,5% bằng cổ phiếu. Thời gian chia dự kiến diễn ra vào quý III và quý IV/2021.

Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cũng xin ý kiến cổ đông về mức thù lao của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát.

Cụ thể, năm 2020, Vingroup đã chi trả 12,4 tỷ đồng thù lao cho thành viên trong HĐQT, tương đương 0,27% lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm. Với quy mô HĐQT là 9 thành viên gồm Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, 5 Phó Chủ tịch và ba ủy viên, trung bình mỗi người nhận gần 1,38 tỷ đồng/năm hay 115 triệu đồng/tháng.

Thù lao của Ban kiểm soát năm 2020 là 2,1 tỷ đồng, tương ứng 0,05% lãi sau thuế.

Trong năm 2021, Vingroup sẽ trình cổ đông thông qua mức thù lao tối đa cho HĐQT và Ban Kiểm soát lần lượt là 0,4% và 0,1% lợi nhuận sau thuế.