imrs-1628947223.jpg
Peter Tuchman

 

Nhìn mặt là bắt hình dong

Ðể biết thị trường chứng khoán Mỹ hôm nay tăng hay giảm, mọi người không nhất thiết phải nhìn vào bảng điện tử với đầy những con số dày đặc như một ma trận. Thay vào đó, họ chỉ cần xem hôm nay báo chí phố Wall chụp biểu cảm nào trên gương mặt nhà môi giới kỳ cựu Peter Tuchman. Ông cười khi chứng khoán lên giá, và ôm đầu tiếc nuối nếu nhìn thấy mầu đỏ bao trùm thị trường.

Ở tuổi 63, Tuchman là một “ngôi sao sáng muộn” trong giới những người nổi tiếng trên thị trường chứng khoán. Cái duyên xuất hiện trên bìa những tờ thời báo hàng đầu của ông cũng đến một cách rất tình cờ. Lần đầu tiên khuôn mặt Tuchman được dùng để minh họa chiều xanh đỏ của cổ phiếu diễn ra vào năm 2007, khi ông đã có hơn 20 năm trong nghề. 

Một ngày như bao ngày khác, Tuchman rời nhà đến phố Wall để làm công việc của một nhà môi giới chứng khoán: Tiếp nhận thông tin mới được cập nhật, trao đổi với nhà đầu tư để đưa ra lời khuyên nên bỏ tiền vào đâu cho dễ sinh lời, hay rút khỏi một mã cổ phiếu nào đó. Sự hoang mang bắt đầu ập tới khi Tuchman biết tin bong bóng nhà đất Mỹ đã vỡ cùng tốc độ không thể phục hồi.

“Tình hình sao rồi, Tucky?”, một nhà đầu tư hỏi. “Tệ lắm, tất cả đều xuống giá”, Tuchman trả lời. Không giống như những chuyên viên môi giới khác luôn giữ được vẻ điềm tĩnh, Tuchman thuộc kiểu người luôn thể hiện hết cảm xúc qua lời nói và hành động. Một phóng viên chụp được cảnh ông ôm đầu, nhìn thẳng lên trần nhà đầy ngao ngán khi chứng kiến thị trường giảm sâu. Kể từ đó ông trở thành người nổi tiếng.

Không ít lần công việc của Tuchman bị ảnh hưởng khi những phóng viên theo sát ông mọi lúc mọi nơi. Ai cũng có công việc của riêng mình, ông hiểu điều đó, nhưng làm sao Tuchman có thể tập trung và đưa ra lời khuyên chính xác cho những chủ đầu tư, nếu như luôn có vài ba người cầm ống kính chĩa vào ông? Mỗi khi khó chịu, ông sẽ đưa ra lời cảnh báo. Chỉ cần Tuchman giận, các phóng viên sẽ không còn hình để đăng báo nữa.

Khuôn mặt đại diện phố Wall -0
 

Những nguyên tắc vàng

Có hơn 35 năm kinh nghiệm làm việc trên sàn chứng khoán, Tuchman đã chứng kiến đủ vinh quang lẫn tủi nhục của nghề môi giới. Mọi thứ dần thay đổi khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, nơi máy móc dần thay thế con người. Không cần đến điện thoại hay người môi giới, ai cũng có thể theo dõi biến động của thị trường qua một chiếc smartphone.

Trong thời buổi của công nghệ và dữ liệu ấy, Tuchman vẫn tự hào khẳng định: Nếu các môi giới viên dần biến mất, ông sẽ là người cuối cùng còn trụ lại. Phương châm làm việc của ông rất đơn giản: Không bao giờ vượt qua những nguyên tắc bất di bất dịch.

Tuchman từng nhận không ít câu hỏi từ các phóng viên về việc phán đoán xu hướng tăng giảm của cổ phiếu. Ông lảng tránh tất cả, vì biết chỉ một nhận định chủ quan của bản thân cũng có thể khiến thị trường dao động khác với thực tế vốn có. Tuchman còn khắt khe với bản thân đến mức không bao giờ dùng tiền cá nhân tham gia đầu tư chứng khoán. Ðiều này nghe có vẻ hơi ngược đời với một người luôn nắm giữ nguồn tin sớm về sự tăng giảm cổ phiếu như Tuchman.

“Nếu tôi tơ hào dù chỉ một đồng, chắc chắn tôi sẽ mất vị trí khách quan để nhìn nhận vấn đề. Ngoài ra tôi cũng không thích mạo hiểm dùng tiền của mình chơi cổ phiếu, quá nhiều rủi ro”, Tuchman chia sẻ. Ông còn thẳng thừng từ chối làm việc với nhiều nhà đầu tư thể hiện tâm lý thiếu nghiêm túc, hoặc chọn Tuchman để giao dịch đơn giản vì ông có khuôn mặt nổi tiếng. Chính vì thế, mọi người làm việc cùng Tuchman đều rất tôn trọng ông.

15-1-1624622236330-1628947223.jpg
 

Một điểm khác khiến những nhà đầu tư thích làm việc với Tuchman là ông luôn suy nghĩ và hành động như một con người, chứ không tự biến mình thành máy móc. Bắt đầu một ngày mới, ông sẽ hỏi thăm họ trước khi bắt tay vào làm việc. Trước cảnh giá cổ phiếu lên xuống ngoài tầm kiểm soát, Tuchman không bao giờ quên hỏi nhà đầu tư: “Anh cảm thấy thế nào?”. Cảm giác có được những khi ấy là nhân tố chính khiến không ít nhà đầu tư gắn bó “trung thành” với ông.

Người của một thời

Ðến thời điểm hiện tại, số nhân viên môi giới làm việc tại sàn chứng khoán New York chỉ còn chưa đến 400. Trước bối cảnh ấy, khuôn mặt đầy biểu cảm được Tuchman thể hiện hằng ngày chính là một trong những lý do giúp những người còn lại tiếp tục theo nghề. Ðồng nghiệp có chút ít niềm vui nho nhỏ khi thấy mặt Tuchman, còn nhà đầu tư cũng thích thú hơn nhờ làm việc với một người môi giới mang tính cách ruột để ngoài da.

“Bí quyết hạnh phúc của tôi rất đơn giản, đó là làm công việc mình yêu thích. Với tôi, đó là vị trí của một nhà môi giới chứng khoán”, Tuchman vui vẻ giãi bày. Cha Tuchman là bác sĩ, nhưng ông lại không thích không khí lặng lẽ của phòng bệnh. Thay vào đó, ông thích những nơi huyên náo và có phần nào hỗn loạn. Ðó là lý do Tuchman tìm đến sàn chứng khoán New York (NYSE), một “cái chợ” đích thực.

peter-tuchman-1628947223.jpg
 

Ông bắt đầu làm việc trên NYSE vào năm 1985 ở cương vị nhân viên đánh máy. Nhờ ham học hỏi và chú ý quan sát cách thức sàn chứng khoán hoạt động, ông dần tích lũy kinh nghiệm để trở thành một chuyên viên môi giới độc lập. Không ai chăm chỉ và mang tinh thần cầu thị nhiều hơn ông, một người có cha mẹ là người Do Thái sống sót sau thảm họa diệt chủng thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Mỗi khi nhắc lại về gia đình, Tuchman thường không giấu vẻ giận dữ lúc đề cập đến công việc của cha mẹ ở trại tập trung khét tiếng Auschwitz. Cha của ông ngày đó phải làm việc khổ sai ở nhà máy trực thuộc Siemens, và đến bây giờ nó vẫn là một công ty đại chúng phát hành cổ phiếu rộng rãi. Không ít người trong gia đình ông từng bị quân phát-xít sát hại hồi thập niên 40 của thế kỷ trước.

Với Tuchman, không có tấm gương nào trong gia đình tốt hơn cha mình. Cha ông, Marcel Tuchman chỉ chịu nghỉ hưu khi đã 93 tuổi. Vài ngày trước khi qua đời vào năm 2018, ở tuổi 97, cha ông gọi ông đến bên giường bệnh dặn dò: “Khi cha qua đời, hãy khóc rồi quay lại làm việc ngay”. Tuchman đã làm đúng như thế. Ông có thể mang khuôn mặt hài hước, nhưng luôn nghiêm túc với công việc của mình.