UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan chính thức đưa vào hoạt động dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố từ ngày 24/08/2023.
Trước đó, dịch vụ xe đạp công cộng cũng được CTCP Tập đoàn Trí Nam đưa vào thử nghiệm tại Hà Nội (từ ngày 16 đến 22/8). Kết quả tích cực khi có 16.452 tài khoản mới được kích hoạt với 7.454 chuyến đi, tương đương 46.894 km đã đi (trung bình 6,3km/chuyến đi).
Việc đưa vào hoạt động chính thức xe đạp điện, xe đạp công cộng được triển khai thực hiện giai đoạn đầu tại 79 điểm trạm, với 1.000 phương tiện xe trong đó 500 xe đạp điện và 500 xe đạp công cộng được bố trí trên địa bàn TP Hà Nội. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch đảm bảo cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.
Theo đó, khách hàng chỉ cần bỏ ra mức phí 5.000 đồng cho thời gian 30 phút để có thể sử dụng xe đạp cơ bình thường. Đối với xe đạp điện thì áp dụng mức phí 10.000 đồng/30 phút.
Ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng có tên là TNGo, được vận hành bởi Công ty Dịch Vụ Vận tải số Trí Nam. Đây là ứng dụng giúp người sử dụng dịch vụ này nạp tiền trước vào tài khoản để trả tiền thuê. Ngay cả khi đang sử dụng mà không còn đủ tiền trong tài khoản để trừ theo thời gian thực, người dân vẫn có thể sử dụng tiếp và trả bù vào lần sau.
Các địa điểm được chọn làm trạm cho thuê xe đạp đều có thể dễ dàng kết nối giao thông công cộng, xe buýt, tàu điện, đặc biệt tại những nơi có trường học, khu vui chơi, các khu du lịch, tham quan thắng cảnh và nơi đông dân cư để dễ dàng sử dụng dịch vụ.
Tập đoàn Trí Nam cũng từng triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại nhiều tỉnh thành phố, như: TP. HCM (500 xe), Vũng Tàu (100 xe), Quy Nhơn, Đà Nẵng (300 xe) và Hải Phòng (500 xe). Trong đó, dịch vụ này đã gây nhiều chú ý ở TP.HCM và được hưởng ứng mạnh mẽ.
Giai đoạn 2, Tập đoàn Trí Nam cũng mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm vớ quy mô đầu tư lên đến 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
Tập đoàn Trí Nam đang làm ăn thế nào, phát triển ra sao?
Dịch vụ xe đạp công cộng được Tập đoàn Trí Nam bắt đầu thực hiện từ năm 2021, hiện nay đã trải dài từ Nam ra Bắc.
Theo thông tin từ Tập đoàn này, mảng phát triển các giải pháp công nghệ thông tin là mảng kinh doanh cốt lõi. Trong đó bao gồm giải pháp như: Giao thông thông minh, Thu phí không dừng, Hệ thống thông tin quản lý và CSDL Quốc Gia, Đào tạo trực tuyến, Chính phủ điện tử...
Được thành lập vào tháng 3/2021, Công ty Vận tải số Trí Nam có Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1977). Với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của Tập đoàn là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.
Vào tháng 3/2023, Trí Nam cũng vừa tăng vốn từ 12 tỷ lên 15 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2023 vừa qua, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ lên 23 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn thứ 2 của Vận tải số Trí Nam trong năm nay tính đến hiện tại.
Vốn điều lệ của Vận tải số Trí Nam khi mới thành lập là 100 tỷ đồng, trong đó, CTCP Tập đoàn Trí Nam góp 97 tỷ, chiếm 97% vốn, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch công ty góp 2 tỷ, chiếm 2% vốn và ông Nguyễn Văn Toàn góp 1 tỷ, chiếm 1% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, công ty đã hạ vốn điều lệ xuống 12 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu khi đó gồm Tập đoàn Trí Nam chiếm 60%, ông Đỗ Bá Quân chiếm 11,5% và ông Nguyễn Văn Toàn chiếm 3%.
Tập đoàn Trí Nam cũng có quan hệ kinh tế với Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Meey Land. Nhiều hệ thống đào tạo trực tuyến cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính, Tập Đoàn SunGroup, Viettel, Cục Hàng Không Việt Nam, VIB Bank, MB Bank, PVComBank... cũng do tập đoàn Trí Nam phát triển.
Năm 2009, Tập đoàn Trí Nam được thành lập và bắt đầu xây dựng bằng việc hợp tác với Viện Công Nghệ Thông Tin Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên qua sự phát triển nhanh chóng, chỉ 2 năm sau đó, Trí Nam trở thành đối tác triển khai các cổng thông tin và dịch vụ công cho rất nhiều cơ quan nhà nước. Đến nay đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ là đối tác của tập đoàn.
Đến giai đoạn năm 2011 - 2014, Trí Nam đã tiếp tục triển khai mảng giải pháp giao thông thông minh và đào tạo trực tuyến.
Đặc biệt, Tập đoàn Trí Nam chính là đơn vị tư vấn hệ thống giám sát ATGT đường bộ bằng hình ảnh trên QL5, QL70. Công ty này cũng triển khai lắp đặt các phân hệ cho dự án Long Thanh Dầu Giây CCTV, VDS, WIM, WOS, hệ thống bộ đàm, hệ thống tổng đài nội bộ, hệ thống truyền dẫn...
Tại các công trình nổi bật như: ETC Pháp Vân - Cầu Giẽ, ETC Hà Nội - Hải Phòng, Trạm Băng Dương tại QL14, BOT Đèo Cả Khánh Hòa tại QL1, Trạm Cái Chanh và trạm ĐăkSong tại QL14, Trạm thu phí Bàn Thạch, Trạm Mỹ Lộc, Trạm Tân Đệ,... Tập đoàn Trí Nam đã triển khai hệ thống giám sát thu phí quy mô toàn quốc.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Trí Nam còn là đối tác của nhiều trường đại học lớn trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến như Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc Gia, Đại học Vinh, Đại học Y Hà Nội, Đại học Nông nghiệp, Đại học Thăng Long...
Mới đây, Tập đoàn Trí Nam trượt gói thầu trị giá hơn 7 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình dù là đơn vị duy nhất dự thầu. Mặc dù theo lịch sử đấu thầu từ năm 2014 tới nay, với vai trò độc lập và liên danh, Tập đoàn Trí Nam đã tham gia 182 gói thầu. Trong đó, Tập đoàn Trí Nam trúng trúng 90 gói, trượt 75 gói, 10 chưa có kết quả, 7 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu của đơn vị này lên tới hơn 969 tỷ đồng, hơn 50% số gói thầu, Trí Nam trúng với vai trò liên danh (531 tỷ đồng). Tính từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp này dự thầu 9 gói, trúng và được chỉ định thầu 7 gói.