Ông Nguyễn Trọng Hiền sinh năm 1976, ông Hiền ngoài bằng cử nhân kinh tế ngoại thương, ông còn có thêm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, cũng như ở trong và ngoài nước tham gia nhiều khóa học về quản lý. Ông Hiền đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong những lĩnh vực về quản lý, đầu tư tài chính doanh nghiệp, cũng như đưa ra những chiến lược hoạch định và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ông Hiền từng đảm nhiệm nhiều chức vụ vị trí cấp cao tại Công ty cổ phần cơ điện lạnh - REE; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC và những công ty khác đã từng lên sàn niêm yết. Sau đó, ông gia nhập Tập đoàn GELEX, đến tháng 8/2020 ông được chọn làm Phó chủ tịch HĐQT. Ông Hiền được đồng nghiệp đánh giá là một lãnh đạo có tầm nhìn xa, đưa ra những chiến lược mới mang tính đột phá tạo ra hiệu quả kinh doanh cao, là một lãnh đạo nhiệt huyết và uy tín.
Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện là tiền thân của GELEX hiện nay, được thành lập vào năm 1990 dưới sự cho phép của Bộ Công nghiệp nặng hay hiện nay là Bộ công thương, với số vốn điều lệ ban đầu là 177 tỷ đồng. Công ty chuyên về sản xuất, nghiên cứu kỹ thuật, các dịch vụ thương mại liên quan đến kỹ thuật điện do Bộ công nghiệp nặng quản lý.
Sau 33 năm phát triển, GELEX đã trở thành công ty đa ngành với giá trị vốn hóa hơn 9.000 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình Holdings (công ty mẹ - công ty con), theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững với hai mảng kinh doanh chính là hoạt động bao gồm sản xuất công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Năm 2006, theo quyết định của Bộ công nghiệp nặng Tổng công ty thiết bị điện kỹ thuật chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty mẹ - Công ty con, nâng tổng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.
Đến năm 2010, GELEX đã thực hiện cổ phần hóa theo quyết định phê duyệt Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Khi đó, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đổi tên thành Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam, trong đó Bộ công thương là cổ đông Nhà nước nắm giữ gần 80% vốn cổ phần. Tổng vốn cổ phần tăng lên 1.400 tỷ đồng.
Năm 2015, GELEX thay đổi cơ cấu sở hữu, với tổng doanh thu đạt 8.382 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 574 tỷ đồng. Vốn điều lệ được tăng lên 1.550 tỷ đồng. Tháng 10/2015, cổ phiếu của GELEX chính thức giao dịch trên sàn UPCOM - HNX. Trong phiên giao dịch ngày 25/12/2015, hơn 122 triệu cổ phiếu GEX được Bộ Công Thương bán chỉ trong vòng 30 phút, với tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng, tương đương 78,74% vốn đăng ký.
Sau khi thoái hết cổ đông Nhà nước, GELEX đã tiến hành tái cấu trúc để phục vụ cho kế hoạch phát triển. Trong đó, các công ty không thuộc ngành nghề cơ bản đều nằm trong kế hoạch thoái vốn của GEX gồm: Công ty cổ phần chế tạo bơm Hải Dương (mã CTB-HNX); Công ty cổ phần khí cụ điện 1 - Vinakip; Công ty CP VLXD Hà Nội (HMCC)... để tập trung thế mạnh phát triển DN trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Bên cạnh đó, Tập đoàn GELEX bắt đầu thực hiện lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu và đưa thêm vốn vào các doanh nghiệp chủ lực và tiềm năng của mảng thiết bị điện như: CTCP dây cáp điện Việt Nam (CADIVI); CTCP thiết bị điện (THIBIDI); Công ty cổ phần chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM); Công ty dây đồng Việt Nam (CFT); Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh (MEE)…
Năm 2017, GELEX bắt đầu mở rộng mô hình hoạt động với việc thành lập các công ty con, bao gồm: lĩnh vực năng lượng - lập Công ty TNHH MTV năng lượng Gelex; lĩnh vực logistics - lập Công ty cổ phần kho vận Miền Nam - Sotrans; lĩnh vực nước sạch - lập Công ty cổ phần đầu tư nước sạch M&A Sông Đà. Doanh thu năm này Gelex đạt được 11.984 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.658 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng lên 2.668 tỷ đồng.
Năm 2018, GELEX cơ cấu lại hoạt động theo mô hình tập đoàn, tập trung vào 02 lĩnh vực là sản xuất công nghiệp (thiết bị điện) và hạ tầng (điện - nước - logistics - bất động sản), niêm yết trên HoSE từ ngày 18/01/2018 với mã GEX. Doanh thu đạt 13,699 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.533 tỷ đồng. Vốn cổ phần được tăng lên 4.065,6 tỷ đồng.
Năm 2019, GELEX tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp (sản xuất kinh doanh thiết bị điện); và cơ sở hạ tầng (sản xuất điện, nước uống và cao ốc văn phòng cho thuê). Doanh thu đạt được 15.315 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.102 tỷ đồng. Vốn cổ phần tăng lên 4.882 tỷ đồng.
Năm 2020, GELEX đặt mục tiêu doanh số là 19.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 975 tỷ đồng. GELEX tiếp tục tập trung phát triển các lĩnh vực chính như sản xuất công nghiệp (thiết bị điện và vật liệu xây dựng); cơ sở hạ tầng (phát điện, nước sinh hoạt, đầu tư phát triển khu công nghiệp và hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp).
Năm 2021, vốn cổ phần của Tập đoàn GELEX là 8.515 tỷ đồng, tổng tài sản tăng rất mạnh lên 61.189 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm 2020. Tính đến 31/12/2021 nợ ngắn hạn là 22.974 tỷ đồng (đầu năm 2020 là 10.831 tỷ đồng), nợ dài hạn là 17.717 tỷ đồng (đầu năm 2020 là 8.106 tỷ đồng). Tổng doanh thu năm 2021 của GELEX đạt 28.763 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế khiêm tốn chỉ 1.666 tỷ đồng.
Báo cáo trước đại hội đồng cổ đông sáng 26/4/2023, ông Nguyễn Trọng Tiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Gelex cho biết, năm 2022, doanh thu thuần của GEX đạt 32.089 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021, đạt 89% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.081 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2021, đạt 79% kế hoạch.
Mặc dù doanh thu không đạt kế hoạch nhưng tổng doanh thu thuần hợp nhất của GEX vẫn tăng 12% so với năm 2021. Lợi nhuận gộp năm 2022 tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 6.458 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn GEX đạt 52.385 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn chủ sở hữu đạt 21.043 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; nợ phải trả 31.342 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021.
Ban lãnh đạo GEX đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất năm 2023 phải đạt 37.457 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế phải đạt 1.272 tỷ đồng, giảm 39% so với kế hoạch thực hiện năm 2022.
Tập đoàn cũng xác định mức chi trả cổ tức 15% cho năm 2023. Hội đồng quản trị được cổ đông ủy quyền quyết định các vấn đề liên quan đến tạm ứng cổ tức bằng tiền nếu phù hợp với tình hình hoạt động của công ty.