Theo quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy mô dự án sẽ bao gồm 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m). Mục đích nhằm tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn.

Ngoài ra, còn có 1 bến sà lan có chiều rộng 100m, tiếp nhận tàu, sức chở 160 Teus và các công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện. Quy mô sử dụng đất khoảng 58,4ha (chưa bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng).

Mục tiêu của dự án là nhằm từng bước xây dựng khu bến cảng container hiện đại theo quy hoạch được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Đồng thời khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (hệ thống cảng biển, logistics và khu công nghiệp sau cảng) thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.

hateco1-1645072896.PNG
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng

Về vốn đầu tư của dự án này được điều chỉnh từ mức 6.425,2 tỷ đồng lên 8.951,185 tỷ đồng, nghĩa là tăng khoảng 2.500 tỷ đồng so với mức cũ. Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2025 là 8.339,717 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2030 là 611,468 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác chiếm 85% tổng vốn đầu tư. Được biết, nhà đầu tư của dự án này là CTCP tập đoàn Hateco của đại gia Trần Văn Kỳ.

Chân dung đại gia Trần Văn Kỳ và tiềm lực khủng của Hateco

Ông Trần Văn Kỳ sinh năm 1964 tại Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990, ông công tác tại tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ năm 1990 đến năm 2009, ông làm việc tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam. Giai đoạn 2008 – 2013, ông Kỳ là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS).

tran-van-ky-1-1645072901.jpg
Ông Trần Văn Kỳ - chủ tịch HĐQT Hateco Group

Về CTCP Tập đoàn Hateco (Hateco Group) tiền thân là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội được thành lập vào tháng 11/2004. Tính đến cuối năm 2016, Hateco có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Kỳ nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 97,76% vốn điều lệ. Cổ đông cá nhân còn lại là bà Hoàng Thị Xuân, nắm giữ 1,518% vốn điều lệ. Đến cuối tháng 10/2020, vốn điều lệ của công ty này là 6.900 tỷ đồng, tuy nhiên cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.

Theo giới thiệu Hateco gồm có 7 công ty thành viên gồm: CTCP Hateco Hà Nội, CTCP Hateco Thăng Long, CTCP Hateco Long Biên, CTCP Hateco Kinh Bắc, CTCP Hateco Logistics, CTCP ĐTHT & XD Thái Bình, CTCP TMDV Đông Anh. Lĩnh vực hoạt động của Hateco bao gồm: bất động sản, logistics và cảng biển.

Trong đó, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, then chốt Hateco với đa dạng các lĩnh vực như: bất động sản nhà ở, văn phòng, thương mại; bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp. Hiện nay, Hateco đang sở hữu phong phú các quỹ dự án không chỉ tại Hà Nội mà còn tại các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Lào Cai…

Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến là: Khu đô thị Trần Lãm tại TP. Thái Bình (diện tích gần 12ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng), Hateco Laroma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (quy mô 3.153m2, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng), Hateco Apollo tại mặt đường 70, Trần Hữu Dực kéo dài, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (quy mô 4,5ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng), Hateco Green Park, Hateco Green City, Hateco Hoàng Mai…

Về lĩnh vực logistics, Hateco Group có công ty thành viên là CTCP Hateco Logistics được thành lập vào tháng 11/2017 với vốn điều lệ ban đầu 135 tỷ đồng. Công ty này gồm có 3 cổ đông: ông Trần Văn Kỳ (80% vốn), ông Nguyễn Hồng Ngọc (10% vốn) và bà Trần Thị Lệ Nga (10% vốn). Công ty tọa lạc tại KCN Sài Đồng B, Long Biên, Hà Nội có tổng diện tích 120.000m2, hệ thống kho bãi 50.000m2.

Năm 2020, Hateco Logistics chính thức ra mắt cảng cạn Long Biên có năng lực thông quan 135.000 Teus/năm. ICD Long Biên được đánh giá là cánh tay nối dài của cảng biển Hải Phòng, là nơi huyết mạch giao thông kết nối giữa cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu biên giới phía bắc/ miền trung với các tỉnh/thành phố thuộc khu vực kinh tế đông nam Hà Nội. Sau đó, cảng cạn Long Biên cũng được công nhận là địa điểm làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hoá.

hateco-1-1645081902.jpg
Năm 2020, Hateco Logistics chính thức ra mắt cảng cạn Long Biên có năng lực thông quan 135.000 Teus/năm

Cùng với việc ra đời cảng cạn Long Biên, tập đoàn Hateco đang khẩn trương hợp tác cùng các tập đoàn lớn của châu Âu để hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng cảng bến số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện Hải Phòng và trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây đều là những dự án đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Trong đó, dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ có diện tích khoảng 1.763ha, bao gồm: trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984,24ha); diện tích mặt nước (455,77ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125,34ha). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án này bao gồm: Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Geleximco và Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế-ITC (liên danh Geleximco-ITC); liên danh Việt Nam-EU giữa Besix-Boskalis-Hateco; Công ty CP IMG Innovations; Công ty CP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương; Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).

Trước đó, vào tháng 04/2019, tập đoàn Hateco và tập đoàn Besix - Bỉ, Boskalis - Hà Lan chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Dự án Trung tâm Logistics thông minh tại Cá Mép Hạ, Bà Rịa Vũng Tàu”. Đây được đánh giá là dự án triển khai sẽ thực hiện hoá dịch vụ logistics hiện đại, thông minh theo tiêu chuẩn mới nhất tại Châu Âu, cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistic tại chỗ (on-site), sản xuất và kho ngại quan, bãi container và khu văn phòng & nhà ở.

Xuất phát nhu cầu hợp tác, phù hợp với chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển cảng biển Việt Nam, Hateco Group cam kết hỗ trợ trong nước về quy trình cấp phép đầu tư, lập quy hoạch tổng thể và vận hành phát triển cảng biển trong tương lai. Phía Besix và Boskalis cam kết sẽ cung cấp, hỗ trợ công nghệ tối ưu, thân thiện môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

cang-1-1645082360.jpg

Toàn cảnh dự án logistics Cái Mép Hạ nhìn từ cảng TCIT. (Ảnh: Báo Bà Rịa Vũng Tàu)

Về việc lựa chọn các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Bỉ, Hà Lan và Đại sứ hai nước đã có nhiều công hàm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị giao cho Liên danh các Nhà đầu tư Việt Nam - EU thực hiện dự án. Với liên danh Việt Nam - EU giữa Besix – Boskalis – Hateco, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có Công văn số 2556 ngày 6/5/2021 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Đại sứ Hà Lan và Bỉ hỗ trợ các nhà đầu tư cập nhật các thông tin về dự án để tham gia vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Hateco Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.927 tỷ đồng, báo lãi thuần ở mức 391 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 20%. Trước đó, năm 2017 và 2018, Hateco Group phát sinh doanh thu không đáng kể, báo lỗ thuần lần lượt ở mức 17,4 tỷ đồng và 276,5 tỷ đồng, theo VietTimes.

Hiện nay, Hateco Group sở hữu 7 đơn vị thành viên, với số vốn điều lệ liên tục tăng qua các năm đến nay đạt gần 7.000 tỷ đồng, giá trị tài sản đạt 9.929 tỷ đồng, mỗi năm đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.