Trước khi làm việc cho PepsiCo, CEO Phạm Phú Ngọc Trai (sinh năm 1955) từng là Giám đốc của FoodexCo (thuộc sở hữu của Công ty Nước giải khát Tribeco - công ty 100% vốn Nhà nước).
Năm 1980, trong một chuyến thăm Singapore khi ông Ngọc Trai đang giữ cương vị Giám đốc Foodexco, ông đã nhận ra được khoảng cách giữa những công ty Việt Nam và công ty Quốc tế là rất xa về mặt kinh tế, dù công ty ông đang làm vẫn thu về doanh thu và lợi nhuận ổn định.
Dù đã trở nên thông thoáng hơn nhưng các công ty đại chúng vẫn đang bị hạn chế, ràng buộc từ các cơ chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng hay công nghệ sản xuất. Trong khi những hãng lớn như PepsiCola hay Coca - Cola đã xuất hiện và có lịch sử lâu đời trên thế giới.
Lúc này, ông Ngọc Trai đã nghĩ một hãng nước ngọt quốc dân như công ty ông đang làm đến bao giờ mới có thể đuổi kịp những hãng trên.
Năm 1987, khi Việt Nam ra Luật đầu tư nước ngoài, nhưng Luật công ty (tư nhân) thì vẫn chưa có. Từ chuyến Singapore về ông Ngọc Trai bắt đầu nghiên cứu kỹ về Luật đầu tư nước ngoài vì ông muốn đuổi kịp những công ty nước ngoài đó và thoát khỏi ràng buộc từ môi trường kinh doanh còn sơ khai của Việt Nam, mà cách nhanh nhất chính là hợp tác với nước ngoài. Như vậy, sẽ thoát được sự chi phối quá nhiều từ cơ chế nhà nước và có quyền chủ động trong nhiều quyết định hơn.
Năm 1991, Tribeco (cùng với SJC và Saigon Co.op) trở thành công ty Việt Nam đầu tiên liên doanh với nước ngoài khi chính thức hợp tác với Macondray Company Inc của Singapore, trở thành Công ty Nước giải khát Quốc tế IBC - International Beverages Company. Ông Ngọc Trai trở thành đại diện phần vốn của Nhà nước trong liên doanh này. Vốn được dùng để ký trong liên doanh này không phải là tiền mặt mà là đất vì lúc đó ông không có tiền. Nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Hóc Môn.
Khi liên doanh IBC được thành lập, ông Lý Quang Diệu đã đến Việt Nam thăm nhà máy. Những sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Schweppes (Anh) được sản xuất và phân phối tại Việt Nam. Đến 3/2/1994, sau khi Hoa Kỳ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, PepsiCo mới có thể thâm nhập thị trường Việt Nam và tham gia liên doanh này.
Cũng trong ngày Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận, những lon “nước trái cây” đầu tiên đã được đối tác đưa từ sân bay Bangkok về TP.HCM, để đến nhà máy Hóc Môn, để sản xuất nước uống đóng chai. Những lon nước này được phát miễn phí cho hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất và người dân khu vực Nhà hát Lớn. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của một công ty Mỹ, sản xuất tại Việt Nam, do công nhân Việt Nam làm ra, sau nhiều năm bị bao vây, cấm vận. Đối với ông Ngọc Trai, đó là một giấc mơ thành hiện thực…
Sau đó, Việt Nam rút khỏi liên doanh. Còn ông Ngọc Trai cũng rời nhà nước và trở thành lãnh đạo của PepsiCo Đông Dương.
Ông Ngọc Trai đã được học nhiều nhất từ môi trường liên doanh và môi trường FDI là cách đào tạo nguồn nhân lực, cách nhìn nhận kinh tế thị trường. Những công ty Quốc tế luôn coi chất lượng nguồn nhân lực là tài sản quý giá.
CEO Phạm Phú Ngọc Trai tự nhận ông không có nền tảng quản lý, tuy ông xuất thân từ khoa học tự nhiên, sau đó ông lại học cử nhân tiếng Anh và nghiên cứu văn học Anh và Mỹ. Nhưng thời điểm đó nước ta chưa có khái niệm về marketing, chuyên ngành quản trị kinh doanh chỉ mới xuất hiện muộn và còn rất sơ khai.
Nhưng làm việc trong một công ty đa quốc gia, ông được họ đào tạo các kỹ năng quản lý theo một chương trình bài bản áp dụng khắp nơi trên thế giới: Đó là các khóa học dành riêng cho các nhà lãnh đạo, các bài học về marketing, về thị trường, về quản lý nhân sự… Đây là cách bạn học từng chút một, bạn trở thành người quản lý, bạn trở thành người lãnh đạo khu vực - ông Ngọc Trai chia sẻ.
Sau IBC, ông đã có 18 năm gắn liền tại Pepsico, Pepsico Việt Nam đã 4 lần đạt giải thưởng DMK (danh hiệu cao quý nhất của tập đoàn Pepsico). Nhưng cái giải lần đầu tiên vẫn làm ông nhớ nhất vì đây là giải thưởng đầu tiên do Pepsico Việt Nam giành được. Hôm đó, khi nghe hai từ “Việt Nam” được hô vang trong buổi dạ tiệc của Tập đoàn, ông Ngọc Trai đã cảm thấy hãnh diện và tự hào.
Nhiều năm cống hiến cho công việc, ông dành thời gian trên máy bay nhiều hơn ở nhà nên lúc đó ông muốn làm gì đó cho riêng mình. Ông bắt đầu kinh doanh tư vấn nhỏ, với doanh thu hàng năm thấp hơn lương CEO Pepsico. Năm 2010, khi ở độ tuổi 55 CEO Phạm Phú Ngọc Trai quyết định nghỉ việc và tự kinh doanh riêng.
Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về việc chuyện kiếm tiền có vẻ không phải là mục đích của ông hay sao, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho hay có lần ông thấy báo chí viết về một ông CEO có lương hưu cao nhất Việt Nam (gần 120 triệu/tháng), "tôi nghĩ họ nói về tôi đó. Nhưng chị nói đúng, tôi không giàu nếu như so sánh với nhiều doanh nhân khác nếu như chị định nghĩa sự giàu có chỉ bằng tiền. Còn nếu để đánh giá dựa trên những giá trị đóng góp được, tôi nghĩ mình đủ "giàu", ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của PepsiCo đưa ra, doanh thu thuần đạt 86,39 tỷ USD, tăng 8,7%; lợi nhuận hoạt động cốt lõi 11,51 tỷ USD, tăng 7%.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2022, nhưng gã khổng lồ trong lĩnh vực F&B vẫn tự tin sẽ tăng 6% trong năm 2023.
Hiện tại, ông Phạm Phú Ngọc Trai là Chủ tịch của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organization Vietnam – PRO Vietnam). Công ty này được được thành lập vào ngày 21/06/2019, là một tổ chức bao gồm các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước có uy tín, nhiều kinh nghiệm, và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao với môi trường và người tiêu dùng Việt Nam trong ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, bao bì, bán lẻ và nhập khẩu.
Pro Việt Nam bao gồm các thành viên trong liên minh như Ajinomoto Vietnam, An Nam Fine Food, Coca-Cola, Duy Tan Plastic, Frieslandcampina Vietnam, La Vie, Modelez Kinh Do Vietnam, Nestlé Vietnam, Ngoc Nghia, Pepsico Foods Vietnam, RKW Vietnam, Saigon Co.op, SIG Vietnam, Suntory Pepsico Vietnam Beverage, Tetrapak Vietnam, TH Group, Thanh Thanh Cong – Bien Hoa, URC Vietnam. Ngày 27/3 vừa qua, liên minh này còn kết nạp thêm 3 thành viên mới, bao gồm Perfetti Van Melle, Vinaauslabels và Commercial Plastics Holding (CPH). Như vậy Pro Việt Nam hiện nay có tổng cộng 21 thành viên là các công ty FDI và Việt Nam hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu.
Hiện ông là chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu GIBC và Bên cạnh đó, ông Phạm Phú Ngọc Trai còn cố vấn cho nhiều doanh nghiệp khác như:
- Chủ tịch, Rolex Việt Nam.
- Nhà sáng lập & Chủ tịch, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam)
- Nhà sáng lập & Chủ tịch, Nhóm Xúc tiến nhanh cơ hội Kinh doanh & Đầu tư tại Việt Nam (VBI Fast Track)
- Chủ tịch, Hội đồng tư vấn chiến lược, VinaCapital.
- Nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, PepsiCo Indochina.
- Chủ tịch, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu - Leading Business Club (LBC).
- Hơn 30 năm kinh nghiệm ở cương vị CEO trong lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam cũng như thị trường quốc tế.
- Kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực tư vấn chiến lược kinh doanh, hoạt động M&A và đào tạo.
Các cương vị khác:
- Chủ tịch Hiệp hội Golf Sài Gòn (SGGA)
- Phó Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam
- Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM
- Chủ tịch Quỹ từ thiện Saigon Times Foundation
- Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM
- Đồng sáng lập Hội đồng trọng tài quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (PIAC)
- Chủ tịch, SIFE (Students In Free Enterprise) Vietnam
- Chủ nhiệm chương trình “Doanh nghiệp và xã hội” trên kênh truyền hình FBNC (Financial Business News Channel)