Hành trình trở về kế nghiệp tại tập đoàn Mường Thanh
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tài chính, đại học Brimingham và có 7 năm tu nghiệp tại Anh, Hoàng Yến đã quyết định trở về Việt Nam nối nghiệp kinh doanh của gia đình.
"Trở về Việt Nam không chỉ là mong ước của bản thân tôi mà còn là định hướng của gia đình. Ban đầu, tôi chưa có kế hoạch sẽ kinh doanh khách sạn. Nhưng với sự quyết tâm phát triển ngành khách sạn của bố tôi, tôi mạnh dạn thử sức với lĩnh vực đầy thách thức này", đó chính là những chia sẻ của bà Hoàng Yến khi quyết định kế nghiệp bố mình.
Ngay sau khi về nước, công việc đầu tiên tại Mường Thanh của Hoàng Yến là thực tập quản lý tại Khách sạn Mường Thanh Hà Nội - khách sạn tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên của Tập đoàn lúc bấy giờ.
Bản chất của ngành khách sạn nằm ở sự phục vụ và làm hài lòng khách hàng thông qua rất nhiều khâu. Từ những việc nhỏ như check-in, check-out cho khách, phục vụ khách những ngày lưu trú… cho đến quy trình quản lý bộ máy nhân viên với nhiều phòng ban chức năng khác nhau. Tất cả những việc đó, mới nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại vô cùng phức tạp. Vì thế, dù được đào tạo cơ bản ở một đất nước tiên tiến, ở giai đoạn đầu khi tiếp quản công việc Hoàng Yến vẫn gặp nhiều khó khăn và thử thách.
Đến năm 2013, Hoàng Yến chính thức được bố mình tin tưởng giao cho vị trí Tổng giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh. Khi chưa đầy 30 tuổi, Hoàng Yến đã đảm nhận toàn bộ việc quản lý và vận hành chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Từ việc lựa chọn vị trí, lên kế hoạch đầu tư đến thiết kế, hoàn thiện nội thất, bố trí phòng, xây dựng các khách sạn Hoàng Yến đều tham gia chỉ đạo.
Với kiến thức và tư duy đổi mới, chỉ 3 năm sau ngày nhận chức Tổng Giám Đốc, Hoàng Yến đã đem thương hiệu Mường Thanh mở rộng tới nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở trong nước, nâng tổng số khách sạn của tập đoàn từ 13 vào năm 2012 lên con số 38 vào năm 2015.
Đặc biệt vào năm 2016, Mường Thanh đã chính thức đánh dấu mốc cho công cuộc mở rộng ở thị trường quốc tế với sự kiện đưa vào hoạt động Mường Thanh Luxury Vientiane (Lào) - khách sạn đầu tiên của tập đoàn Mường Thanh ở nước ngoài. Theo chia sẻ từ tập đoàn, sau Lào, nếu có cơ hội thuận lợi thì Campuchia, Myanmar, Australia và Mỹ sẽ là những thị trường tiếp theo mà tập đoàn Mường Thanh cân nhắc lựa chọn khi mở rộng phạm vi hoạt động.
"Mường Thanh đang làm tốt mục tiêu trở thành chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi muốn thử thách và khẳng định thương hiệu của mình trong môi trường quốc tế. Bởi vậy, hoạt động tại các thị trường du lịch sôi động thuộc nhiều quốc gia khác nhau, vượt ra khỏi ‘sân nhà’ là mục tiêu tiếp theo mà Mường Thanh sẽ hướng đến”, bà Hoàng Yến chia sẻ tại lễ khai trương Mường Thanh Luxury Vientiane.
Đến năm 2018, dưới sự nỗ lực không ngừng, Hoàng Yến cùng các cộng sự của mình đã liên tiếp mở rộng thương hiệu, nâng tổng số khách sạn Mường Thanh lên hơn 50 khách sạn cao cấp đạt chuẩn quốc tế, phủ sóng khắp các tỉnh thành tại Việt Nam đến nước bạn Lào.
Với sự phát triển nhanh chóng hệ thống khách sạn của Mường Thanh, không thể phủ nhận Hoàng Yến đã hoàn thành xuất sắc vai trò khi kế nghiệp từ cha của mình trong công cuộc khẳng định – nâng tầm thương hiệu của tập đoàn.
"Hệ thống quản trị tại Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh rất rõ ràng. Hiện tại, tôi đang điều hành toàn bộ và chịu trách nhiệm về những quyết sách cao nhất của công ty. Cha tôi, Chủ tịch Tập đoàn, hầu như ít tham gia và can thiệp vào việc điều hành”, CEO Hoàng Yến chia sẻ
So với ba mình từ ngày mở khách sạn đầu tiên của Mường Thanh ở Điện Biên vào năm 1997 và phải mất đến 13 năm sau để nâng tổng số khách sạn lên con số 10, thì Hoàng Yến thật sự giỏi giang: khi trong vòng 6 năm đã đưa 40 khách sạn mới của hệ thống Mường Thanh vào vận hành và phủ khắp Việt Nam.
Bí quyết thành công của Mường Thanh giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt
Về mặt quản lý nhân sự, ngay từ khi bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh của Mường Thanh, Hoàng Yến đã bắt tay thành lập Văn phòng Điều hành Tập đoàn bằng cách vận dụng mô hình quản lý của các tập đoàn nước ngoài và điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm, văn hóa ở Việt Nam.
Hệ thống khách sạn Mường Thanh được quản lý theo mô hình dọc – chéo - trao quyền. Nghĩa là mỗi khách sạn sẽ có một bộ máy quản lý độc lập, trong khi tại văn phòng tập đoàn có giám đốc từng bộ phận như lễ tân, buồng phòng… để giám sát quản lý chung, đảm bảo toàn hệ thống phát triển theo tiêu chuẩn thống nhất.
Chia sẻ với truyền thông về bí quyết thành công của Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Hoàng Yến tiết lộ rằng: “Để có bộ máy tốt, tập đoàn thực hiện chính sách “cầu hiền” đối với những người Việt đã có kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn quản lý khách sạn nước ngoài như: Accor Hotels, InterContinental Hotels Group (IHG), Melia Hotels International… với mức lương cao hơn so với mức lương họ được hưởng khi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vậy, nhiều nhân sự cấp cao đã về đầu quân cho Mường Thanh”.
Thay vì chọn tập đoàn nước ngoài để hợp tác quản lý, Mường Thanh vẫn kiên trì xây dựng thương hiệu Mường Thanh là thương hiệu thuần Việt với mong muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt. Đồng thời, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế địa phương thông qua việc mở rộng đầu tư với quy mô lớn tại nhiều vùng kinh tế đang phát triển.
"Về giá cả, tiêu chí làm khách sạn của chúng tôi là “lấy giá rẻ, nhưng dịch vụ tốt để cạnh tranh”. Cùng là 5 sao nhưng giá phòng khách sạn của Mường Thanh chỉ bằng một nửa khách sạn của Tây. Ví dụ, khách sạn của các hãng nước ngoài giá 150 USD/đêm, thì khách sạn của Mường Thanh chỉ 60-80 USD/đêm”, Hoàng Yến chia sẻ.
Đặc biệt, tập đoàn Mường Thanh cũng chia hệ thống khách sạn thành 4 phân khúc khác nhau gồm: Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh; nhằm đáp ứng phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn vị trí khách sạn để đầu tư cũng là một điểm sáng của tập đoàn Mường Thanh. Thay vì chỉ chọn những địa điểm thuận lợi như các thành phố lớn hay những điểm du lịch nổi tiếng, Mường Thanh còn xuất hiện ở những nơi kinh tế còn khó khăn, hải đảo, miền núi như: Điện Biên, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, đảo Lý Sơn…
Điều này đồng nghĩa với việc nếu khách đi du lịch hoặc công tác ở các tỉnh - nếu không phải thành phố lớn, thì việc lưu trú khách sạn Mường Thanh có thể sẽ là lựa chọn được ưu tiên. Đây cũng chính là lý do làm cho hệ thống khách sạn Mường Thanh đạt công suất sử dụng phòng ở tỷ lệ cao.
Theo VietnamFinance, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, từ khi bà Hoàng Yến nắm quyền, thì quy mô tài sản của Tập đoàn Mường Thanh ghi nhận đà tăng trưởng đột biến. Cụ thể, từ mức vốn điều lệ sáng lập vỏn vẹn 200 tỷ đồng, đến cuối năm 2019 con số này đã tăng gấp hàng chục lần, lên 3.270 tỷ đồng.
Năm 2019 cũng là năm tập đoàn Mường Thanh đạt kết quả tích cực nhất trong vài năm gần đây với báo lãi đạt 33 tỷ đồng và doanh thu cao gấp 2 lần so với năm 2018, đạt trên 1.570 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2020, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát với quy mô chuỗi khách sạn lớn như vậy, Mường Thanh không tránh khỏi thiệt hại nặng nề.
Mường Thanh liên tục phát triển về quy mô nhưng lại gặp vô số những tai tiếng
Dưới sự điều hành của Hoàng Yến, không thể phủ nhận tốc độ phát triển nhanh chóng của Mường Thanh về số lượng khách sạn, nhưng bên cạnh đó chuỗi cũng gặp vô số những tai tiếng.
Chỉ trong vòng 5 năm qua, đã có tới 7 dự án khách sạn Mường Thanh xây dựng sai phép bị cơ quan chức năng phát hiện. Các lỗi phổ biến mà tập đoàn này mắc phải là: xây dựng khi chưa có giấy phép, xây vượt tầng, vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy...
Điển hình, tại công trình Mường Thanh Khánh Hòa (TP. Nha Trang), doanh nghiệp đã xây vượt tầng 43 trong khi chỉ được phép xây 40 tầng. Hay với Mường Thanh Cần Thơ, chủ đầu tư đã đưa công trình vào hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy của cơ quan thẩm quyền.