Chiều 23.3, trận “siêu kinh điển” vòng 2 giải vô địch quốc gia Futsal 2023 giữa đương kim vô địch Sahako và á quân Thái Sơn Nam diễn ra ở sân vận động Lãnh Binh Thăng (quận 11, TP.HCM). Lần đầu tiên trong lịch sử giải futsal, đội chủ nhà Sahako mở bán vé VIP giá 100 ngàn đồng/vé và vé thường 30 ngàn đồng.

Tổng cộng, hơn 500 vé các loại được bán ra trong hai ngàn ghế hiện có tại nhà thi đấu này. Sau 16 năm, giải vô địch quốc gia Futsal 2023 lần đầu tiên áp dụng thể thức mới: các đội thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm trên sân nhà và sân khách, khán giả vào sân phải mua vé.

“Đó là cuộc ‘đại cách mạng’ ở giải futsal mà chúng tôi mất hai, ba năm để thuyết phục, thậm chí đến phút cuối vẫn có người bàn ra,” ông Trần Anh Tú, người đang đảm nhận cả ba vai trò phó chủ tịch phụ trách chuyên môn liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và là chủ tịch liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) nói với Forbes Việt Nam vào một trưa thứ bảy ở văn phòng công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam tại TP.HCM.

Ông Tú hiện là chủ tịch hội đồng thành viên doanh nghiệp chuyên phân phối thiết bị điện trung và hạ thế của hãng LS từ Hàn Quốc và là chủ tịch đội bóng futsal Thái Sơn Nam. Phòng làm việc của ông Tú tầm 30 m2, trang bị vật dụng cơ bản nhưng đầy ắp huy chương, cúp, bằng khen, áo đấu và hình ảnh ông trên sân bóng cùng cầu thủ. Bàn làm việc đối diện chiếc tivi màn hình lớn, bốn chiếc điện thoại khá cũ xếp ngay ngắn. Ông Tú bảo, thường dùng hai cái làm việc nhưng cần tới bốn điện thoại theo dõi các trận đấu diễn ra cùng giờ.

“Nuôi” hai đội futsal nam, một đội nữ, hai đội trẻ và đỡ đầu, hỗ trợ cho vài đội khác, ông Tú là “ông trùm” của môn bóng đá trong nhà. Sự nghiệp làm bầu của ông Tú cũng gắn với hành trình phát triển của phong trào futsal tại Việt Nam, môn thể thao mà đội tuyển quốc gia hai lần vào chơi ở vòng chung kết thế giới và hầu hết các thành viên đều từ “lò” Thái Sơn Nam.

Ông Tú chính thức lập đội bóng futsal Thái Sơn Nam, cùng tên với công ty do mình và bạn bè góp vốn thành lập, từ năm 2007 khi Việt Nam lần đầu có giải vô địch quốc gia bóng đá trong nhà. Hạt giống của đội futsal lúc đó là các cầu thủ trong đội bóng 11 người chơi nghiệp dư ông Tú tổ chức từ 1999 – 2000, khi có trường dạy phần mềm nhượng quyền của Ấn Độ.

Khi công ty Thái Sơn Nam chính thức tách ra từ một bộ phận kinh doanh của công ty TNHH Thương mại An Cường năm 2003, các cầu thủ, người vừa tốt nghiệp, người làm nghề tự do đã theo “thầy Tú” đá bóng nhiều năm, được tuyển vào làm việc, trong tuần đi làm, cuối tuần “quần đùi áo số”.

Mỗi tuần đội đá một trận ở sân 367 trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chi phí quần áo, thuê sân, thầy Tú lo, cuối trận có ít tiền bồi dưỡng. Câu lạc bộ Thái Sơn Bắc thành lập đội Thái Sơn Nam sau đó ba tháng, lấy theo tên công ty ở thị trường phía Bắc mà ông Tú tham gia.

Ông Trần Anh Tú theo đội tuyển futsal quốc gia tại giải vô địch futsal thế giới năm 2021

“Dấu mốc là chúng tôi chính thức tách riêng các bạn chơi sân cỏ với các bạn chơi sân trong nhà, thành lập đội futsal khoảng 20 người với định hướng chuyên nghiệp. Các cầu thủ bắt đầu được trả lương đủ sống để luyện tập mà không còn phải đi làm,” ông Tú kể.

Đội bóng Thái Sơn Nam trước đây là một phòng ban được hạch toán chi phí vào công ty. Số chi mỗi năm, theo ông Tú bằng 5% doanh thu, “gần như không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh”. Từ 20 người nay lên xấp xỉ 150 người, gồm ban huấn luyện, cầu thủ đến bác sĩ, đội ngũ hậu cần…

Tỉ lệ chi cố định nhưng con số tuyệt đối tăng nhanh theo tốc độ tăng trưởng của công ty chủ quản. Doanh thu của Thái Sơn Nam những năm trước 2019, theo ông Tú, vượt mốc 1.000 tỉ đồng/năm nhưng chững lại ba năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch và thị trường bất động sản khó khăn khiến doanh số bán hàng giảm.

Sau 16 năm thành lập, đội nam Thái Sơn Nam đã 11 lần vô địch quốc gia, trong đó có sáu lần liên tục từ năm 2016 – 2021; năm lần vô địch Cúp Quốc gia và nhiều lần vô địch giải TP.HCM mở rộng – cúp LS. Thái Sơn Nam cũng sáu lần tham dự AFC Futsal Club Championship, ba lần giành huy chương đồng và một lần giành ngôi á quân (2018). Năm 2020, với cú “ăn ba” gồm chức vô địch quốc gia, Cúp Quốc gia, TP.HCM mở rộng, Thái Sơn Nam vào tốp 10 câu lạc bộ futsal xuất sắc nhất thế giới do Futsalplanet.com bình chọn.

Ông Tống Đức Thuận – chủ tịch HĐQT Midomax, cho biết năm 2018, trong vai trò nhà phân phối độc quyền thương hiệu đồ thể thao Mizuno của Nhật tại Việt Nam, ông tìm đến các đội bóng để tài trợ trang phục. Lúc đó Thái Sơn Nam là đội futsal lớn nhất và có thành tích nổi bật khi thi đấu ở giải trong nước và châu Á, rất được truyền thông chú ý, nhờ vậy thương hiệu Mizuno lan tỏa trong cộng đồng futsal. Mizuno tài trợ trang phục cho đội futsal Thái Sơn Nam từ năm 2018 đến hiện tại.

Ông Tú, sinh năm 1963 tại Hà Nội, quê gốc Nghệ An, có mười năm phục vụ trong quân đội, sau khi giải ngũ ông làm nhiều nghề trước khi trở thành doanh nhân. Khi thành ông bầu đội bóng, một “nghề” chưa có mô hình tương tự ở Việt Nam, ông nói mình phải vừa làm vừa nghĩ cách.

Nguyên tắc là không được nóng vội, dựa vào kết quả kinh doanh để đầu tư, tính toán quy mô đội bóng, mức lương cho cầu thủ và huấn luyện viên. Lúc đầu thuê huấn luyện viên nội rồi sau gọi huấn luyện viên ngoại, khi có điều kiện hơn thì có cả huấn luyện viên thể lực, huấn luyện viên riêng cho thủ môn… Ban đầu thuê sân tập sau tự xây dựng; từ một căng tin nhỏ sau đó tổ chức bếp để cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho cầu thủ.

“Nặng nhất là chi phí xây nhà thi đấu ở quận 8, TP.HCM, tổng đầu tư vào thời điểm năm 2012 là 15 tỉ đồng,” ông Tú kể về cơ sở vật chất có giá trị đầu tiên đầu tư cho đội bóng Thái Sơn Nam, chấm dứt năm năm tập ở nhà kho “nóng như cái lò” vào mùa hè ở trung tâm Thể thao Thành Long (Bình Chánh). Nhà thi đấu này sau đó cũng trở thành trung tâm futsal Việt Nam, cho cả đội bóng khác sử dụng miễn phí.

Ông Tú cho biết, hiện mức lương cho các cầu thủ futsal đủ trang trải cho một gia đình gồm vợ và một con. Hầu hết cầu thủ futsal vẫn chưa có thu nhập khác từ hợp đồng quảng cáo hay đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng như các cầu thủ sân cỏ. Ngoài đội bóng nam, câu lạc bộ Thái Sơn Nam còn có đội bóng nữ thành lập năm 2012.

Bầu Tú hiện vẫn lo chi phí ăn ở cho khoảng 120 cầu thủ không có nhà ở TP.HCM, bao gồm cả đội bóng rổ Hochiminh City Wings do ông đầu tư. Theo ông Tú, mỗi cầu thủ trẻ vào đội từ năm 13 tuổi, việc lo ăn ở, tập luyện, học văn hóa, mỗi năm chi khoảng 300 triệu đồng. Con số này được “ông bầu” tính toán ra mỗi khi có ai đó vi phạm kỷ luật phải đền bù hợp đồng nhưng rồi “cũng không lấy vì nhà đứa nào cũng nghèo”.

Đội tuyển futsal quốc gia Việt Nam tại WC futsal năm 2021, có 8 thành viên từ Thái Sơn Nam.

Khi bắt đầu tập trung cho futsal năm 2007, ông Tú sang Thái Lan, nơi có nền bóng đá trong nhà phát triển để học hỏi, mời huấn luyện viên về cho đội. Những năm tiếp theo ông mời huấn luyện viên từ Tây Ban Nha, Brazil… dù mức lương cho huấn luyện viên ngoại khi tính đủ các khoản như nhà ở, bảo hiểm, chi phí học hành cho con cái (khi họ mang cả gia đình theo) thường gấp 10-15 lần nhưng “không cao ngất ngưởng vì không mời bằng mọi giá.”

“Mọi quyết định đều tính toán cẩn thận, ngay cả khi mời ông Diego Giustozzi, huấn luyện viên của đội vô địch thế giới 2016, đàm phán tới sáu tháng. Mời được ông ấy, thương hiệu futsal Việt Nam cũng như uy tín của tôi đều tăng lên,” ông Tú kể.

Năm 2021, ở giải FIFA Futsal World Cup tại Lithuania, đội tuyển futsal Việt Nam dừng bước ở vòng 1/8 sau khi thua đội tuyển Nga với tỉ số 2-3. Thái Sơn Nam đóng góp 8/14 cầu thủ cho đội. Ở Futsal World Cup 2016 tại Colombia, đội tuyển Việt Nam có 12 cầu thủ từ Thái Sơn Nam cũng thất bại 0-7 trước đối thủ Nga ở vòng đấu loại trực tiếp tám đội. Từ năm 2014, đội tuyển futsal quốc gia luôn nằm trong tốp ba khu vực và tốp tám châu Á.

Những cái tên đáng chú ý như thủ môn Hồ Văn Ý, huấn luyện trưởng Phạm Minh Giang… đều từ lò Thái Sơn Nam. Ông Giang là huấn luyện viên nội đầu tiên dẫn dắt đội tuyển quốc gia, lập kỳ tích đưa đội đến vòng chung kết thế giới,  xuất thân là cầu thủ Thái Sơn Nam, từng được cho mượn và bốn lần giành chức vô địch cùng đội.

Ông Tú nói, dấu mốc cho sự nghiệp làm bầu của mình chính là hai lần đội tuyển “đi WC”, minh chứng cho việc ông đã định hướng đúng, đầu tư một cách bài bản, đặt nền móng để đội phát triển. “Đi một lần có thể cho là may mắn, nhưng hai lần thì phải là nền tảng,” ông Tú khẳng định những lần mời huấn luyện viên trưởng từ các nền bóng đá phát triển là “đầu tư đáng giá”. Nhiều năm qua, công ty đều dành khoản ngân sách hỗ trợ để liên đoàn trả lương cho huấn luyện viên và tài trợ các giải đấu bóng đá U15, U17.

Ông Tú nói có nhiều niềm vui nhờ làm “ông bầu”, được chứng kiến sự thành danh của nhiều cầu thủ; những “đứa con” trưởng thành có cuộc sống gia đình tốt đẹp… cùng những lần lấy tiền túi cho cầu thủ mượn trả nợ xã hội đen vì thua độ, bài bạc.

Chẳng hạn một thành viên vào đội từ lúc 15 tuổi bỗng một ngày nghỉ tập, thầy Tú cho người đi tìm về rồi cho mượn 50 triệu đồng trả nợ với cam kết chấm dứt cờ bạc, cách đây vài năm đã mua được nhà cho mẹ. “Thực ra đẩy người ta đi thì dễ nhưng cố gắng cứu và cho cơ hội để họ làm lại,” ông Tú  nói.

Giải vô địch quốc gia futsal năm nay chỉ còn tám đội tham gia, giảm khá nhiều so với những năm hoàng kim, mỗi địa phương có đến vài câu lạc bộ. Những cái tên từng gây chú ý ở các mùa giải trước như Hiếu Hoa Đà Nẵng, Đăk Lăk hay Sài Gòn FC – đội vô địch Cúp Quốc gia 2022 sau 12 năm thành lập, đã ngừng hoạt động.

Nguyên nhân chung là không có nguồn tài chính duy trì khi các ông bầu, nhà đầu tư không thể rót tiền vì chính họ gặp khó khăn trong kinh doanh. Khác với sân cỏ, các đội bóng 11 người thuộc địa phương không dễ giải thể, đội bóng futsal lại thuộc doanh nghiệp, không bị ràng buộc, có tiền thì chơi, hết tiền thì nghỉ.

Bầu Tú chia sẻ, nhiều đội cùng thời Thái Sơn Nam đã rơi rụng dần. Họ cũng từng mất cầu thủ vì nhiều đội trả lương cao hơn để chiêu mộ. Có nhiều ông bầu treo thưởng 200 triệu, 500 triệu cho mỗi trận thắng. “Tôi chưa gặp tình cảnh khó khăn phải lựa chọn giữ hay bỏ đội bóng.

Đội bóng nữ Thái Sơn Nam thành lập năm 2012

Futsal không tốn nhiều tiền nếu biết kiểm soát tài chính, tính toán căn cơ, đường dài,” ông Tú nói và khẳng định mình làm được điều này nhờ theo sát đội bóng. Dù giao quyền cho giám đốc điều hành ông vẫn là người ra quyết định các khoản đầu tư, đồng ý  hoặc không ký hợp đồng với từng cầu thủ.

Quản trị đội bóng trăm người khó gấp vạn lần doanh nghiệp ngàn người, theo ông Tú. Mỗi cầu thủ, huấn luyện viên là mỗi cá tính không thể áp đặt quy trình hay chỉ tiêu máy móc mà phải “rất con người.” Thị trường chuyển nhượng cầu thủ futsal cũng chưa phát triển như bóng đá sân cỏ, cũng chưa có nhiều đội bóng nên việc đền hợp đồng để đến với đội bóng khác chưa phổ biến. Nhiều cầu thủ Thái Sơn Nam chơi từ những năm đầu thành lập nay trở thành huấn luyện viên, nhưng bầu Tú thừa nhận “cũng là cái dở vì cầu thủ có thể thiếu động lực và khát khao như thuở ban đầu.”

Ông Tống Đức Thuận cho biết, nhiều người nói ông Tú “thâu tóm futsal” vì rất nhiều đội futsal tại Việt Nam có liên quan đến hệ sinh thái của bầu Tú. Nhưng phải nhìn vào thực tế, không nhiều người đầu tư cho môn thể thao này. “Việc ông Tú sở hữu nhiều đội cũng là một cách để duy trì bộ môn này tại Việt Nam. Tôi chưa hình dung được nếu ông Tú bỏ futsal thì chuyện gì sẽ xảy ra,” ông Thuận nói và đánh giá “ông Tú giữ được futsal như vậy là kỳ tích vì nhờ có đam mê.”

Ở góc độ đầu tư, ông Tú cho biết cái được lớn nhất của công ty là thương hiệu được biết đến rộng rãi, điều hồi đầu ông không nghĩ đến. Sau 16 năm, nghe về Thái Sơn Nam là nghĩ đến LS, thương hiệu công ty phân phối; nhắc đến futsal là nghĩ ngay đến đội Thái Sơn Nam. Đại lý thích bán sản phẩm LS vì khách hàng vào cửa hàng là hỏi mua, nhân viên đi đàm phán thường thuận lợi do “khách hàng yên tâm vì ông Thái Sơn Nam làm ăn đàng hoàng.”

20 năm công ty hoạt động, ông Tú cho biết việc quảng cáo tiếp thị, truyền thông đều thông qua đội bóng và tài trợ các giải đấu. Từ nhiều năm nay ông Tú không điều hành trực tiếp công ty nhưng theo sát tài chính và giữ quan điểm “doanh nghiệp kiếm tiền tốt thì mới nuôi được đội bóng, niềm đam mê của mình.”

Ông đang cùng lúc đảm nhận các vị trí quan trọng ở VFF, VPF, HFF. Việc có mặt trong liên đoàn giúp ông có thể đề xuất những quan điểm điều hành thể thao với cơ quan quản lý, đồng thời giúp ông nâng tầm tư duy, nhìn ra những thiếu sót ở câu lạc bộ để điều chỉnh. Theo ông Tú, chưa bao giờ nghĩ đội bóng có thể tự nuôi vì Việt Nam chưa có thị trường thể thao chuyên nghiệp và tư duy bao cấp còn hằn sâu. Bóng đá vẫn phải sống bằng tài trợ và quảng cáo.

Năm 2023, các đội futsal được bán vé đã là một thành công nhưng theo ông Tú, không thể trông chờ vì số chỗ ngồi của sân futsal sức chứa nhỏ, khác với sân cỏ có thể thu được vài trăm triệu từ bán vé mỗi trận. Từ năm nay, câu lạc bộ chính thức hoạt động độc lập và lấy tên mới Thái Sơn Nam – TP.HCM để mở đường cho việc thu hút tài trợ.

“Điều tôi mong muốn là câu lạc bộ hoạt động theo đúng mô hình kinh doanh nhưng còn gian truân lắm. Lâu nay công tác truyền thông tiếp thị chưa được đầu tư đúng mức nhưng muốn có khán giả đến sân thì vẫn phải đá tốt trước đã, chứ thu hút tài trợ hay truyền thông cách mấy mà cứ đá thua thì cũng phản truyền thông,” bầu Tú kết luận.

Nguồn: Forbes Việt nam

Bản in đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 117, phát hành tháng 5.2023 chuyên đề “Đầu tư vào thể thao”.

Bầu Tú: Từ Thái Sơn Nam đến 'ông trùm' futsal Việt Nam - Forbes Việt Nam