457369626-10161438386068744-2536075263105777871-n-1724911773.jpg
 

Hiện tôi không còn làm toàn thời gian tại Đại học Fulbright Việt Nam (gọi tắt là Fulbright) mà chỉ là giảng viên thỉnh giảng, tham gia một vài hoạt động. Tuy nhiên, tôi luôn coi mình là một người của Fulbright, một cựu học viên và gần 20 năm làm việc toàn thời gian, và đương nhiên, mãi mãi là một Fulbrighter.

Ở Fulbright, tôi đã học được những điều mới mẻ để hiểu bản chất vận hành của xã hội, nhìn cuộc sống tốt đẹp, nhân văn và lạc quan hơn. Ở Fulbright tôi đã được làm những việc có ý nghĩa với ước muốn vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với Fulbright, tôi càng thấy yêu mảnh đất hình chữ S của mình hơn. Dù đi đâu và làm gì thì tôi cũng cố gắng làm những gì có thể để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tôi trân trọng những người thầy, những người bạn, những đồng nghiệp của mình đang gắn bó với Fulbright, luôn đau đáu tìm ra những điều mới mẻ, những tri thức mới để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Họ đã cho tôi hiểu thế nào là cống hiến, phụng sự cho sự phát triển của đất nước thông qua những công việc và hành động cụ thể. Tôi tin rằng rất nhiều người, đặc biệt là đội ngũ cựu học viên rất chia sẻ với tôi điều này.

Với những thông tin không đúng sự thật đang nhắm vào Fulbright, tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng không chỉ bảo vệ ngôi trường tạo ra những giá trị nhân văn cho xã hội mà là trách nhiệm của một người vì sự phát triển và thịnh vượng của đất nước Việt Nam.

Tôi đặt câu chuyện trong một bức tranh rộng lớn hơn về sự cần thiết có một xã hội cởi mở, tôn trọng sự khác biệt để tất cả người dân có cuộc sống ngày một hạnh phúc hơn và đất nước ngày một phát triển hơn. Bài viết gồm bốn phần: Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phát triển của Việt Nam, những đóng góp của Fulbright cho sự phát triển của Việt Nam, một bức tranh lớn hơn, và lời kết.

Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phát triển của Việt Nam

Nhìn vào lịch sử phát triển của Việt Nam với kết quả đạt được, đánh giá của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 'Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay' là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, kết quả này chưa như kỳ vọng của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 (hiểu đơn giản là trở thành nước có thu nhập cao sau một thế hệ) mà Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra đã không đạt được.

Hơn thế, mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước thu nhập cao (phải mất thêm một thế hệ nữa) đang rất thách thức nếu Việt Nam không tìm được hướng đi hợp lý. Con đường để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của Việt Nam là rất khó khăn.

Nghiên cứu về sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với các nước khác và nhìn qua lăng kính của lựa chọn tập thể tôi thấy tính duy lý và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được duy trì một cách xuyên suốt, đặc biệt là ở những thời điểm cam go, phải đưa ra những quyết định có tính sống còn, hoặc phải sửa sai. Sự thông thái tập thể được thể hiện rất rõ.

Việc thành lập Đảng vào năm 1930 là một quyết định sáng suốt, một bước đi mang tính chiến lược để tập hợp lực lượng đem lại độc lập tự do cho dân tộc.

Việc điều chỉnh hoạt động của Đảng Cộng sản và thành lập mặt trận Việt Minh để tạo ra một liên minh bao trùm và có được sự ủng hộ của các nước, đặc biệt là Liên Xô và Mỹ là rất sáng suốt. Đây là một bước đi có tính chiến lược để Việt Nam giành được độc lập để ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong giai đoạn 1945-1975, Việt Nam đã khéo léo tận dụng sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc - hai quốc gia luôn tranh giành sự ảnh hưởng trong khối XHCN, sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ ở các quốc gia mang quân xâm lược Việt Nam và toàn thế giới để dành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến.

Dân tộc Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự chia cắt. Đất nước Việt Nam phải là một, dân tộc Việt Nam phải một. Do vậy, trong giai đoạn 1954-1975, quan tâm và nỗ lực chính của chính quyền ở cả hai miền là thống nhất đất nước. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hiểu rõ nguyện vọng và hiệu triệu được lòng nhân dân và tranh thủ được sự ủng hộ của bên ngoài để thống nhất đất nước.

Nồi da, xáo thịt là nỗi đau của dân tộc Việt Nam. Vui sao nước mắt lại trào khi đất nước được thống nhất. Tuy nhiên, thời khắc đó, nói như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: “hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn”. Chúng ta đều là người Việt, đều là anh em một nhà. Sự trớ trêu của lịch sử mà nhiều gia đình đã rơi phải cảnh buồn đau.

Trong men say chiến thắng, Việt Nam chúng ta đã phải trả do lựa chọn mô hình phát triển duy ý chí và sự kiêu ngạo cộng sản. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã thẳng thắng chỉ ra điều này khi bắt đầu Đổi mới và 30 năm sau nguyên thường trực ban bí thư Phan Diễn đã nhắc lại: “Sau 1975, tâm lý kiêu ngạo của người chiến thắng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều khủng hoảng khiến Việt Nam "phải đau đớn trả giá””.

Khi Việt Nam lựa chọn mô hình kinh tế kế hoạch để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH thì mô hình này đã bộc lộ khiếm khuyết và nền kinh tế đã bị tê liệt ở tất cả các nước áp dụng mô hình này. Khi đó, chúng ta đã không có đủ thông tin và hiểu biết để có một lựa chọn sáng suốt hơn như tranh thủ sự ủng hộ của các nước XHCN, cân bằng trong mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc và làm lành với Mỹ để có thể phát triển. Đáng tiếc, lịch sử không có từ nếu.

Đất nước rơi vào khủng hoảng cùng với giai đoạn cuối cùng của hệ thống XHCN. “Sự phản tỉnh của Trường Chinh” đã dẫn đến Đổi mới vào năm 1986. Đây là một lựa chọn chiến lược và đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự đúng đắn của Đổi mới đã được minh chứng bằng kết quả cụ thể. Việt Nam đã có gần 4 thập niên hết sức thành công về phát triển kinh tế, thuộc nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới với những kết quả ấn tượng về giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2023 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới) đạt 4.180 USD, tiệm cận ngưỡng thấp của nhóm nước có thu nhập trung bình cao (4.516 USD). Nếu không có gì thay đổi, ở thời điểm đánh dấu 40 năm đổi mới thì Việt Nam sẽ thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Đóng góp của Fulbright cho sự phát triển của Việt Nam

Đổi mới của Việt Nam, đơn giản là áp dụng cơ chế thị trường cho việc phân bổ nguồn lực và tạo ra của cải cho xã hội song song với việc kết nối, bang giao với các nước khác, nhất là với Mỹ và các nước phát triển. Vai trò của nhà nước đã thu hẹp đáng kể và tập trung nhiều vào những vấn đề mà cơ chế thị trường không thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả (các thất bại của thị trường).

Để có thể làm được điều này, Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm thực tiễn học hỏi các mô hình phát triển trên thế giới và có những bước đi có tính chiến lược trong việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây.

Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nay là Đại học Fulbright Việt Nam (tôi gọi chung là Fulbright) đã có những đóng góp cụ thể thông qua thông qua hai vấn đề gồm: cầu nối của việc bình thường hoá và nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; và cung cấp tri thức thông qua giảng dạy, nghiên cứu và đối thoại chính sách.

Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đối tác chiến lược toàn diện đúng 50 năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết để Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và đất nước được thống nhất hai năm sau đó. Để đi đến được kết quả có lợi cho sự phát triển của Việt Nam ngày hôm nay, chúng ta đã phải vượt qua rất nhiều rào cả, trong đó khó khăn nhất là lực lượng phản đối hai nước bình thường hoá và nâng cấp quan hệ từ phía Mỹ.

Mỹ có vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn nhất (ít nhất là ở các nước phương Tây mà Việt Nam cần thiết lập mối quan hệ và gia nhập các tổ chức quốc tế). Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam được đánh dấu bằng những thời điểm quan trọng như bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1995, ký hiệp định thương mại song phương vào năm 2001, và Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006.

John Kerry, John McCain và Chuck Hagel là những cái tên phía Mỹ hay được nhắc tới mang tính biểu tượng cho việc kết nối quan hệ Việt - Mỹ. Tuy nhiên, những người hiểu chuyện đều biết rằng Thomas Vallely - Chủ tịch Hội đồng tín thác - lãnh đạo cao nhất và là cha đẻ của Đại học Fulbright Việt Nam, cha đẻ của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard là người đứng đằng sau thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong gần bốn thập niên qua. Ông là người đóng vai trò con thoi, cầu nối cùng với nhiều người khác đứng ra vận động cả hai bên, đặc biệt là phía Mỹ.

Fulbright đã thực hiện rất nhiều phân tích và đối thoại chính sách với những khuyến nghị cụ thể và rõ ràng. Khởi đầu là báo cáo phân tích có tiêu để “Theo hướng rồng bay”, và tổ chức những chuyến đi thực tế cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đến các nước trong khu vực vào đầu thập niên 1990. Những hoạt động trên cùng nhiều trao đổi và chia sẻ khác đã trở thành kinh nghiệm và tư liệu quý cho những nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đưa ra những chính sách tốt. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã chia sẻ: "Những kiến thức đó, tôi đã áp dụng thành công trong thời kỳ đương nhiệm, góp phần đưa đất nước phát triển".

Những phân tích về sự chênh lệch trong phát triển và thu hút đầu tư giữa vùng TP.HCM và vùng Hà Nội vào đầu thập niên 2000 có lẽ là một nguyên nhân tạo ra sự trỗi dậy của các tỉnh phía bắc và vùng Hà Nội trong những năm gần đây. Tôi biết có những lãnh đạo địa phương đã chia sẻ rằng, bài viết đã làm họ tự á, nhưng thấy được cơ hội và đã nắm bắt để thành công.

Những cảnh báo thẳng thắn trong “Lựa chọn thành công” cùng với những phân tích cụ thể như: ngành đóng tàu và chính sách công nghiệp ở nửa cuối thập niên 2000 có thể đã như những gáo nước lạnh dội vào ước mơ phát triển các tập đoàn kinh tế, các quả đấm thép của Việt Nam lúc đó. Điều đáng tiếc là mô hình tập đoàn kinh tế, nhất là ngành đóng tàu đã gặp phải trục trặc nghiêm trọng và một nguồn lực rất lớn của quốc gia đã bị lãng phí.

Những phân tích và cảnh báo về sở hữu chéo của các tổ chức tài chính và không khai thác được tác động lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã được đưa ra từ đầu thập niên 2010 và giờ đây đang là những vấn đề đau đầu mà Việt Nam vẫn đang loay hoay.

Những phân tích gần đây về Đồng bằng sông Cửu Long cũng là những cảnh báo thẳng thắn mà Việt Nam cần quan tâm để tránh những điều không hay trong tương lai.

Còn một danh sách rất dài những phân tích chính sách và khuyến nghị vừa cụ thể cho những vấn đề cần giải quyết trước mắt, vừa mang tầm chiến lược mà đến nay vẫn còn giá trị.

Tôi nêu ra những vấn đề trên để thấy những việc mà đáng lý Việt Nam có thể làm tốt hơn và có kết quả tốt hơn chứ không có ý nào khác. Những phân tích và khuyến nghị của Fulbright không phải lúc nào cũng đúng do những giới hạn về thông tin và cả sự hiểu biết trước những vấn đề hết sức phức tạp. Không tổ chức về nghiên cứu và học thuật nào có thể luôn đúng. Do vậy, các vấn đề cần phải được trao đổi, tranh luận trong những không gian mở. Đây là điều Việt Nam cần phải cải thiện rất nhiều.

Đối với đào tạo, Fulbright có hai chương trình chính gồm: các chương trình cao cấp ngắn hạn tại Mỹ (Đại học Harvard) và các chương trình đào tại Việt Nam (chủ yếu là sau đại học và đại học).

Tôi may mắn được có mặt trong hầu hết các chương trình đào tạo ngắn hạn cao cấp tại Mỹ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam bắt đầu từ năm 2008, cùng với một số chuyến làm việc của lãnh đạo cao cấp Việt Nam tại Đại học Harvard (như chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022).

Tôi đặc biệt chú ý đến góc nhìn và sự tham gia của những người làm trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng như Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (sau này là chủ tịch nước), Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (bây giờ đang là Tổng bí thư, Chủ tịch nước); và Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng (bây giờ là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông).

Tôi hết sức ngạc nhiên về sự cởi mở, thẳng thắn của những người này trong các chương trình mà tất cả các vấn đề đều có thể thảo luận được điều phối bởi những học giả hàng đầu thế giới. An ninh quốc phòng đương nhiên là quan tâm hàng đầu của những người thuộc nhóm cứng rắn, nhưng tiếp cận của những người có tầm nhìn này là vì sự phát triển đưa Việt Nam đi đến thịnh vượng.

Chương trình trong nước bắt đầu từ năm 1995 và vào năm 2025 sẽ là đúng 30 năm. Số sinh viên của Fulbright rất khiêm tốn. Tổng số cựu học viên của chương trình sau đại học chỉ khoảng vài nghìn và sinh viên đại học mới tốt nghiệp hai khóa với vỏn vẹn vài trăm. Những con số hết sức khiêm tốn so với mấy trăm nghìn du học sinh và mấy triệu người học đại học và sau đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, sinh viên của Fulbright được đánh giá cao là vì chất lượng và khả năng làm việc, giải quyết những vấn đề thực tiễn với tư duy phản biện.

Từ sự phát triển của một quốc gia đến cuộc sống của mỗi cá nhân, tất cả đều là tiến trình bước vào miền không biết. Do vậy, tư duy phản biện và khả năng thích ứng là những tố chất cần thiết đối với một cá nhân cũng như tập thể. Lật vấn đề ở những góc cạnh khác nhau là điều hết sức cần thiết. Muốn vậy cần phải tham khảo những phân tích, tài liệu từ những nguồn và góc nhìn khác nhau.

Ví dụ, muốn tìm hiểu về đường lưỡi bò sai trái của Trung Quốc và tìm giải pháp cho vấn đề này việc tham khảo những tài liệu từ phía Trung Quốc coi như là bắt buộc. Thêm vào đó, cuộc sống vốn đa dạng có nhiều góc nhìn khác nhau. Do vậy, những phát biểu và các thông tin cần được đặt trong các bối cảnh và không gian cụ thể.

Fulbright luôn tuân thủ các quy định về đào tạo của Việt Nam. Với các môn bắt buộc, như triết học và kinh tế chính trị học chẳng hạn, học viên của Fulbright có thể được tham gia vào các lớp được giảng bởi những người người vừa có lý luận vừa có thực tiễn như nguyên phó thường trực ban tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn hoặc tham gia vào các lớp như các sinh viên ở các trường khác của Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà cái tên Đại học Fulbright Việt Nam đã xuất hiện trong tất cả các tuyên bố giữa lãnh đạo hai nước bắt đầu là chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2013 khi hai nước thiết lập đối tác toàn diện và gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam. Trong hội đàm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực. Trong chuyến đi Mỹ lần đầu tiên vào năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chứng kiến việc trao giấy phép đầu tư cho Đại học Fulbright.

Đại học Fulbright là một biểu tượng của mối quan hệ Việt - Mỹ, một minh chứng cụ thể trong việc xây dựng lòng tin và hướng về phía trước của hai nước. Đó là một việc cụ thể trong chiến lược ngoại giao cây tre, xác lập lòng tin và chữ tín của Việt Nam.

Biết được vai trò và những giá trị mà Fulbright tạo ra nên các thế hệ lãnh đạo Việt Nam đã luôn tạo điều kiện và hỗ trợ Fulbright có thể phát triển. Ví dụ, trong tháng 12/2023 và tháng 7/2024 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Thomas Vallely. Giữa hai thời gian này, vào tháng 3/2024, Bộ trưởng Tô Lâm (nay là Tổng bí thư và Chủ tịch nước) cũng đã tiếp lãnh đạo cao nhất của Fulbright.

Một bức tranh rộng hơn

Vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể phủ nhận và những kết quả đạt được và sự phát triển của Việt Nam là rất đáng kể. Tuy nhiên, mục tiêu mà Đảng đặt ra và nguyện vọng trở thành một quốc gia phát triển của dân tộc Việt Nam vẫn chưa thành hiện thực. Thêm vào đó, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có những vấp váp khi áp dụng các mô hình bên ngoài vào thực tiễn Việt Nam như cải cách ruộng đất và áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vấp váp và kết quả không được như kỳ vọng.Trong đó, thiếu sự tìm hiểu và đánh giá một cách thấu đáo thực tiễn trong nước và kinh nghiệm từ bên ngoài là một nguyên nhân quan trọng. Những vấp váp trong thời chiến và khi mới thống nhất đất nước trong bối cảnh nhiều ràng buộc thiếu thốn và không biết bắt đầu từ đâu là có thể hiểu được. Tuy nhiên, cách thức huy động và tập hợp trí tuệ tập thể để có thể tìm ra con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam cần phải cải thiện rất nhiều. Nhiều bài học có thể rút ra trong thời kỳ Đổi mới.

Nếu những vấn đề về phát triển kinh tế, phát triển các địa phương được thảo luận thấu đáo và tìm ra những bài học quý để áp dụng thì có lẽ cả Việt Nam đã có thể phát triển như các tỉnh duyên hải của Trung Quốc. Nhỏ hơn, mở hơn thì đáng lý ra Việt Nam phải có kết ít nhất là bằng Trung Quốc. Đáng tiếc là xuất phát điểm của hai nước cách đây 4 thập kỷ là tương đương nhau, nhưng GDP/người của Việt Nam hiện nay chỉ bằng khoảng ⅓ Trung Quốc.

Nếu những vấn đề về xây dựng thể chế gắn với phòng và chống tham nhũng được thảo luận một cách thấu đáo và triển khai tốt hơn thì có lẽ Việt Nam đã không cần đến chiến dịch đốt lò của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nếu việc phát triển các tập đoàn kinh tế được tìm hiểu tốt và chắt lọc hơn thì có lẽ đã không có những đổ vỡ đáng tiếc như Vinashin, Vinalines và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác với những dự án đắp chiếu tiêu tốn hàng triệu tỷ đồng.

Nếu vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tài chính được nhận diện đúng mực và có giải pháp triệt để ngay từ đầu thập niên 2010 thì vụ án Vạn Thịnh Phát cũng như những đổ vỡ và rủi ro khác có lẽ đã không xảy ra.

Nếu những vấn đề nêu trên được làm tốt hơn thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 9-10%/năm trong giai đoạn từ khi đổi mới đến nay. Nếu điều này xảy ra thì bốn nguy cơ (tụt hậu về kinh tế, tham nhũng, chệch hướng xã hội chủ nghĩa và diễn biến hòa bình) đã không còn. Việt Nam giờ đây đã là một nước phát triển như nhiều nước đã làm được với điển hình trong khu vực Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và Singapore.

Đối với các cuộc cách mạng lật đổ, vấn đề diễn biến hòa bình, nguyên nhân sâu xa và chủ yếu của các chính quyền bị lật đổ là do không đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân. Họ thấy những chính quyền thối nát không đại diện cho người dân nên đã nổi dậy.

Lịch sử không có từ nếu và chúng ta không thể thay đổi được quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm và làm tốt hơn mọi thứ ngay từ bây giờ để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Để có thể chạm ngưỡng thấp nhất của nước có thu nhập cao (14.005 USD) vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam phải là 5,65%, trong khi giai đoạn 1986-2023 chỉ là 5% và 2001-2023 chỉ là 5,1%. Nếu không tìm được con đường phát triển phù hợp thì mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam cũng hết sức thách thức.

Bẫy thu nhập trung bình đang hiển hiện trước mắt. Giờ đây để lãnh đạo đất nước hiệu quả, Đảng Cộng sản Việt Nam cần tạo dựng một xã hội cởi mở và bao trùm để tất cả các tầng lớp nhân dân cùng suy nghĩ tìm ra con đường phát triển của đất nước và thực thi một cách đúng đắn.

Nhìn vào sự phát triển của các quốc gia đã thành công, những nhân tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tư duy phản biện, kết nối với thế giới bên ngoài, là cầu nối để đội ngũ du học sinh, người Việt khắp nơi trên thế giới chung sức cho sự phát triển của Việt Nam là hết sức quan trọng. Fulbright là một trong những nơi như vậy.

Nếu xem Fulbright là một nơi cho du học tại chỗ thì số lượng sinh viên ở đó là vô cùng nhỏ bé so với gần 150 nghìn du học sinh Việt Nam khắp thế giới hiện nay. Những gì được dạy, được học, được trao đổi và phân tích tại Fulbright đều minh bạch và ai muốn biết đều có thể biết được. Những điều gây tranh cãi là khó có thể tránh khỏi mà ngay cả trong nội bộ của Fulbright cũng có những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu và sứ mệnh của Fulbright là vì sự phát triển của Việt Nam.

Nếu nhìn ở khía cạnh tiêu cực, số nhỏ của cộng đồng Fulbright khó có thể nguy hiểm bằng hàng trăm nghìn du học sinh Việt Nam đặc biệt là những người học ở những quốc gia bị áp đặt và bóp méo lịch sử, bất lợi cho Việt Nam như Trung Quốc chẳng hạn. Theo số liệu từ Đại sứ quán Trung Quốc thì số du học sinh Việt Nam vào năm 2022 tại Trung Quốc là 27 nghìn người. Số đã học và về nước còn đông hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa là một số lượng bằng mấy chục lần số sinh viên của Fulbright (và con số đang tiếp tục tăng) du học tại Trung Quốc mà rất nhiều trong số đó đã phải học học và chấp nhận (trong khi học) những điều không đúng với sự thật và bất lợi cho Việt Nam.

Ví dụ, ở Trung Quốc, du học sinh Việt Nam phải học rằng cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979 của họ là chính nghĩa, đường lưỡi bò là của họ… Đối với Mỹ, những tài liệu chỉ ra sự sai lầm và phi chính nghĩa của chiến tranh Việt Nam là chủ yếu. Ví dụ, bộ phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns and Lynn Novick được sinh viên Fulbright tham khảo thì nội dung chính là chỉ ra sai lầm và tính phi nghĩa của Mỹ. Trong khảo sát gần nhất của PEW, 69% người Mỹ được hỏi trả lời cho rằng cuộc việc Mỹ đưa quân đến Việt Nam là sai lầm, chỉ có 24% là cho rằng không sai lầm, còn lại là không có ý kiến.

Tôi nêu các thông tin trên là để phản bác lại quan điểm chỉ trích cộng đồng Fulbright mà thôi chứ không ý nói là du học sinh Việt Nam khi phải học những điều không đúng về đất nước thì bị tẩy não, bị nhồi sọ. Tôi tin rằng, hầu hết du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cũng như khắp nơi trên thế giới đều vì sự phát triển của bản thân và muốn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Nếu nhìn hạn hẹp theo kiểu Fulbright thế này thế kia thì việc phải làm trước tiên là cấm việc đi du học của người Việt Nam.

Bước vào miền không biết qua quá trình thử và sai không thể tránh khỏi những vấp váp. Tôi biết rằng, việc chọn Bob Kerrey làm chủ tịch Hội đồng Tín thác đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam là một quá trình tranh cãi ngay trong nội bộ Fulbright từ ban đầu. Lập luận ủng hộ quyết định này cho rằng thời điểm đã đủ để hai bên gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Tuy nhiên, khi công chúng Việt Nam phản ứng, không đồng tình thì Bob đã thôi. Phía Mỹ không có ý chọc giận Việt Nam mà chỉ muốn hướng về phía trước.

Một điểm quan trọng nữa là Chính quyền Mỹ đã vượt qua rất nhiều phản đối bên trong để Tổng thống của họ tiếp Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2015 và cam kết rằng họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Sự tôn trọng này được khẳng định một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn khi Tổng thống Biden thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2023.

Lời kết

Muốn biết Fulbright làm gì và như thế nào cần nhìn vào những con người và việc làm cụ thể hơn là một vài sự kiện vấn đề có tính nhất thời hoặc là những mảnh thông tin bị cắt cúp. Lâu đời và có ảnh hưởng nhất là Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM). Tất cả các phân tích và trao đổi đã được đưa trên trang web của Trường và được truyền thông đăng tải. Không thể tìm được những phân tích hay nhận định ác ý đối với Việt Nam. Tất cả đều là trí tuệ và tâm huyết muốn đất nước phát triển.

Những người cụ thể gắn bó lâu dài và có nhiều ảnh hưởng trong trao đổi chính sách ở Việt Nam cũng là đội ngũ nòng cốt của FSPPM trong mấy thập niên qua. Họ có vị trí trong xã hội, thường xuyên được các cấp lãnh đạo trung ương và các địa phương tham vấn và trao đổi ý kiến là do năng lực và nhiệt huyết.

Tất cả các phân tích và khuyến nghị của giáo sư David Dapice, người có thể xem là bộ não của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard đều rất sâu sắc và thực tâm muốn Việt Nam tham khảo cho một tương lai tốt đẹp hơn. Rất khó có thể tìm ra những chi tiết ác ý trong phân tích của thầy ấy cho dù dưới con mắt nghi ngờ, thiếu thiện cảm.

Chương trình đại học mới định hình và đang tìm hướng đi nên có thể có những vấp váp. Tuy nhiên, ở đó là những người Việt có vị trí chủ chốt thực tâm muốn cho sự phát triển của Việt Nam họ đã gắn bó với Fulbright trên dưới hai thập kỷ. Thời gian đủ dài để họ có thể thấy được ý nghĩa của công việc và có động lực tiếp tục dấn thân.

Sứ mệnh của Đại học Fulbright Việt Nam - một đại học Việt Nam (cái hình kèm theo bài viết này là đưa tin của Trang Thông tin Chính phủ về Google tài trợ cho Đại học Fulbright Việt Nam 1,5 triệu USD để nghiên cứu về AI) - không gì khác là tạo dựng trí thức đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam để mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sớm trở thành hiện thực. Fulbright rất cầu thị.

Tôi hy vọng rằng những cái nhìn không tích cực và thiếu thiện cảm về hoạt động của Fulbright chỉ là thiểu số. Tôi tin rằng, lãnh đạo cao cấp với tầm nhìn dài hạn như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh chính cũng nhiều lãnh đạo cao cấp khác, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý về mặt chuyên môn, Lãnh đạo TP.HCM - cơ quan quản lý hoạt động trên địa bàn và những tư tưởng tiến bộ luôn ủng hộ mà mong muốn Fulbright phát triển và tiếp tục là một nhân tố tích cực cho sự phát triển của đất nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam: “Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023. Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, dư chấn của việc đưa tin không đúng sự thật vẫn còn.

Tôi mong rằng những người mà tôi trân quý đang làm việc ở Fulbright, đặc biệt là những người có vị trí chủ chốt không bị chi phối bởi những điều không hay, chân cứng, đá mềm tiếp tục con đường tạo dựng tri thức cho sự phát triển của đất nước. Vàng thật, tâm sáng với sự chính trực và tinh thần phụng sự thì cứ tiếp tục làm những công việc có ý nghĩa chứ không việc gì phải sợ lửa.

---------------------------------

Huỳnh Thế Du