Synapse, một startup fintech thành lập vào năm 2014, đã nổi tiếng với việc cung cấp giải pháp Banking as a Service (BaaS). Họ cung cấp API cho phép các doanh nghiệp toàn cầu triển khai sản phẩm từ phát hành thẻ, tiền gửi, cho vay, thanh toán, tín dụng đến đầu tư.

Dù tăng trưởng ấn tượng, Synapse gần đây đã phải nộp đơn xin phá sản theo Chương 11, và tài sản của họ đã được TabaPay, một công ty do SoftBank hậu thuẫn, mua lại.

Đau lòng cho một khởi nghiệp fintech đã từng được đánh giá rất cao:

- TechCrunch: Đánh giá cao việc Synapse giới thiệu các sản phẩm tín dụng có thương hiệu riêng, đã phát hành hơn một triệu tài khoản và cung cấp trên 40 triệu USD tín dụng.

- Medium: Brett Hales mô tả Synapse giúp các công ty triển khai dịch vụ tài chính nhanh chóng, trong vài tuần thay vì vài năm.

- CNBC và Statista: Xếp hạng Synapse là một trong những công ty fintech hàng đầu thế giới vào năm 2023.

Hãy cùng điểm lại lịch sử phát triển để nhặt ra từ đấy một vài bài học.

Bối cảnh và Thách thức

Trước khi Synapse ra đời, ngành ngân hàng truyền thống gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới, dẫn đến dịch vụ tài chính bị chậm và kém hiệu quả. Trong khi đó, các công ty fintech như Square, Stripe và PayPal đã cách mạng hóa cách thức kinh doanh tài chính bằng các dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Giải pháp và Mô hình Kinh doanh

Synapse phát triển nền tảng API giúp các doanh nghiệp dễ dàng tích hợp và triển khai nhanh chóng các dịch vụ tài chính. Điều này giúp giảm chi phí và thời gian phát triển, tăng khả năng tiếp cận thị trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ số.

Lý do Thành công

Synapse thành công nhờ cung cấp giải pháp linh hoạt cho các vấn đề mà ngành ngân hàng truyền thống không thể giải quyết. Họ đã tận dụng công nghệ tiên tiến như AI và máy học để cung cấp dịch vụ hiệu quả, an toàn, đồng thời mở rộng quy mô qua các hợp đồng chiến lược với các ngân hàng lớn và các công ty công nghệ.

Nguyên nhân Thất bại

Dù có sự tăng trưởng mạnh, Synapse đã gặp khó khăn trong việc duy trì một mô hình kinh doanh bền vững:

1. Thu không bù chi: Tăng trưởng nhanh chóng không đồng nghĩa với lợi nhuận. Chi phí hoạt động cao và đầu tư mạnh vào công nghệ có thể đã không được bù đắp bởi doanh thu.

2. Vị thế chiến lược ngày càng suy giảm: Khi xu hướng thị trường đã được xác nhận thì vị thế chiến lược của Synapse sẽ ngày càng bị suy giảm vì: (a) các fintech khác nhảy vào cạnh tranh do Synapse không hề và không thể sở hữu một công nghệ độc quyền hay lợi thế đi trước nào đáng kể và (b) các ngân hàng truyền thống đủ lớn sẽ trực tiếp đổi mới và cung cấp dịch vụ và tiện ích tương tự cho khách hàng. Quá trình này diễn ra càng nhanh thì khả năng đàm phán của Synapse càng yếu, dẫn đến giá thành dịch vụ tuột xuống rất thấp.

3. Những sai lầm chiến lược: Bị áp lực bởi (1) và (2) nên Synapse phải cố gắng vùng vẫy, cố gắng tăng thu nhập trên từng người dùng. Họ trực tiếp cung cấp dịch vụ thẻ, tín dụng và thanh toán. Điều này giúp họ có dòng tiền và doanh thu về nhưng lại biến họ trở thành kẻ cạnh tranh với chính khách hàng của mình là các ngân hàng. Do vậy, quá trình 2b lại càng diễn ra mạnh và nhanh.

Hậu quả là thay vì Synapse nên được hưởng lợi nhờ Covid thì lại phải chứng kiến những kết quả tệ hại. Kết hợp với những vấn đề nội bộ liên quan đến văn hoá doanh nghiệp và kiện tụng khác, họ nhanh chóng tan rã.

Bài học cho Start-up

Bây giờ nhìn lại thì Synapse đã sai từ khi chưa bắt đầu. Họ không thực sự có một bí quyết công nghệ khó bắt chước, lợi thế người dẫn đầu khó bù đắp, một mô hình kinh doanh hoặc đủ bền vững và win-win (hoặc họ nghĩ là win-win nhưng cái win của họ không đủ để bù chi phí) hoặc đủ huỷ diệt để những ngân hàng hiện hữu bị thay thế một cách thuyết phục.

Điều này làm cho sau vài năm, họ càng ngày càng giống ngân hàng hơn, còn ngân hàng càng ngày càng giống họ hơn. Nhưng khác biệt là ngân hàng có thể làm tất cả những gì họ có. Còn họ thì sẽ không bao giờ có thể có được tất cả các lợi thế của ngân hàng, nhiều thứ trong số đó mang tính luật định và bị kiểm soát chặt bởi các ngân hàng trung ương.

Thế thành ra NHANH là chưa đủ, CÔNG NGHỆ là chưa đủ, HIỂU KHÁCH HÀNG là chưa đủ, ĐỨNG TRÊN VAI NGƯỜI KHỔNG LỒ là chưa đủ, HÀO QUANG ĐỆ NHẤT là chưa đủ.

Đúng ra họ nên tập trung vào những nhu cầu của người tiêu dùng mà từng ngân hàng riêng lẻ không thể đáp ứng được thì khi đó mô hình sẽ bền vững hơn. Nhưng kể cả khi đó thì cũng chưa chắc doanh thu của họ đã đủ lớn để trang trải cho chi phí.

Lựa chọn quan trọng hơn Nỗ lực!