yếu tố cấu thành bài thuyết trình vtalk
Canh cua, cà pháo, thịt luộc - mâm cơm của ký ức

Canh cua, cà pháo, thịt luộc - mâm cơm của ký ức 

Vốn chẳng phải anh em ruột thịt, cũng chẳng có mực thước nào quy định chúng phải đứng cạnh nhau như thế nhưng khi sum vầy trong bữa cơm gia đình, chúng là một tổng hòa hoàn hảo, là một nét thiêng liêng mà nếu thiếu vắng đi bất cứ món nào, bữa cơm sẽ không thể trọn vẹn. Canh cua nhất định phải có cà pháo, mà cà pháo lại phải đi kèm với thịt luộc, đó dường như đã là quy tắc ngầm của tạo hóa.

Cái logic kết hợp ấy khiến người ta băn khoăn mãi. Nó hình thành từ đâu, bắt đầu từ lúc nào hay vì một nhân duyên nào mà hài hòa đến lạ. Người ta trăn trở nhiều nhưng lại chẳng tìm đâu ra một lời hồi đáp. Thế là đôi ba người sinh chuyện, thử đem lòng thay đổi chúng. Thay canh cua bằng món canh trứng, vốn cũng là truyền thống gần gũi của người Việt nhưng cuối cùng lại không đúng vị. Thay thịt luộc bằng món kho tàu sóng sánh thơm nức mũi nhưng hóa ra lại làm mất vị thơm lừng của cà phào. Thế là người ta bỏ cuộc, ba anh em nhà chúng nó, chẳng chung sổ hộ khẩu nhưng cũng không có một lý do hợp tình hợp lý nào để tách chúng ra được. Những thứ lý tính bề ngoài làm sao đủ sức mạnh để gắn kết chúng. Chúng nương dựa, đến với nhau bằng nét yêu chiều của chính tâm hồn. 

Nhắc về nồi canh quê nhà, nhất định phải là chén canh cua, thanh mát và nhưng không vội vàng, nấu canh cua cần thời gian, thưởng thức chúng cũng phải là nết điềm đạm vì hương vị cua đồng cứ quyến luyến mãi nơi đầu lưỡi. Vị thanh thanh của canh cua rau đay khi gặp cà pháo như hai kẻ chí cốt gặp gỡ sau cả thập kỷ xa cách. Không còn vồn vã cười nói, tình chí cốt là cái tình trong ưu tư, là chút nặng nợ trong lòng mà chỉ có ánh mắt, có giây phút trầm ngâm bên nhau mới đủ để mà giãi bày. Cái tình nặng nợ là cái tình không dễ dàng cất lên thành tiếng. Thế rồi hai gã ấy dắt díu nhau tìm anh thịt luộc. Anh thịt luộc tính ra lại là kẻ đỏm dáng nhất trong mâm. Hôm thì anh sắm thêm vài ba sợi hành ngò thơm phức. Hôm lại xếp mình thành đủ hình hài hấp dẫn trên chiếc đĩa màu trắng tinh. Ba kẻ chí cốt ấy lặng lẽ ngồi bên nhau, lắng nghe dăm ba câu chuyện đồng ruộng của người Việt rồi chầm chậm mà nghĩ về cuộc đời. 

Cái hay của ba anh là biết cách gieo vào lòng người ta sự thương nhớ mà chỉ cần nhìn thấy một anh, nhất định người ta lại phải luôn miệng nhớ về cả hai anh còn lại. Cứ như thể, giá trị của các anh chỉ hiện hữu khi đứng liền nhau, tổng hòa và sum vầy trong một mâm cơm chiều. 

Khi đứng một mình, người đời chỉ nhớ tới các anh như những món ăn quê nhà. Nhưng nếu có cả ba anh, nỗi nhớ ấy trở thành ký ức thiêng liêng, thành nỗi niềm in sâu trong trái tim của mỗi người con Việt. Có cả ba anh, mâm cơm đan hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa tình yêu thương và tín ngưỡng trong lòng, giữa những buồn vui cuộc đời và nghĩa tình chí cốt. Cái tình mà phải cả ba hội tụ mới có thể kết tinh trong câu chuyện của bữa cơm nhà.  

Cuộc sống luôn có những sự tổng hòa, những nét kết hợp hoàn hảo đến lạ lùng. Bữa cơm ngon nhất định phải là canh cua, cà pháo, thịt luộc. Người con gái đẹp phải từ nét tâm sâu thẳm đến nét mặt cười nói. Hay để có một bài thuyết trình hoàn hảo nhất định phải xây dựng từ kiến thức chuyên môn, lòng say mê và kỹ năng hình thể. Thiếu một món, bữa cơm chẳng còn đủ vị. Thiếu một yếu tố, bài thuyết trình bỗng lưng chừng, không thể trọn nghĩa. 

 Thuyết trình phải là sự tổng hòa 

Nhiều người bảo thuyết trình là kỹ năng trình diễn, anh nào giọng hay, nói duyên thì anh ấy đầy ưu thế. Nhưng nếu ta mặc định thuyết trình chỉ đơn giản là kỹ năng trình diễn sân khấu thì chính ta đang là kẻ “khi dễ” khán giả của mình rồi. “Giá trị của một bài thuyết trình phải bao gồm ba cấu thành quan trọng là Kiến thức chuyên môn, Sự say mê, và Kỹ năng hình thể” - ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK khẳng định. Mỗi yếu tố bản thân nó là một mắt xích mấu chốt, không thể tách rời, không thể thay thế. 

giá trị bài thuyết trình
Mai Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK khẳng định 

 

Kiến thức chuyên môn sẽ đóng vai trò là người anh cả mang trách nhiệm mở đường và nâng đỡ cho những đứa em thân yêu là lòng say mê và kỹ năng hình thể.

Con người vốn chỉ có thể nói tốt về những điều mà mình thực sự giỏi và am hiểu tường tận. Vì ít nhất, người diễn giả cũng cần phải có niềm tin vào những gì mình đang nói, tin vào khả năng và sự hiểu biết của bản thân, tránh những phần trình bày thao thao bất tuyệt, nghe thì trôi chảy nhưng khi giao lưu, họ lại không lý giải được bản chất vấn đề. 

Đó là lý do mà trước mỗi bài thuyết trình, một người diễn thuyết đỉnh cao như Steve Jobs vẫn tập hợp đội ngũ hàng chục con người trong suốt một tuần lễ để chuẩn bị chu đáo mọi thông tin và kiến thức cần thiết. 

Lòng say mê - người anh thổi lửa cho khán giả 

Sự say mê là một tình cảm mãnh liệt, bền vững và giành trọn mọi ưu thế so với các thôi thúc khác của con người. Sự say mê dẫn lối chúng ta đến khao khát mãnh liệt, đến việc tập trung mọi ham muốn và sức lực vào đối tượng mà mình say mê. Một diễn giả có lòng say mê nhất định sẽ tạo được ngọn lửa nhiệt huyết và sức cuốn hút cho bài nói của mình vì họ nói bằng tất cả những gì họ có. 

Chúng ta vẫn nhớ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một bài diễn văn bất hủ, ngắn gọn nhưng lưu giữ mọi khoảnh khắc lịch sử nhất của dân tộc. Dù bản Tuyên ngôn được xây dựng với từng câu từ ngắn gọn nhưng đằng sau đó là cả một hành trình dài dành trọn cuộc đời của Bác để tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc. Đằng sau đó là tất cả tình yêu, tâm huyết và sự quyết tâm đến cháy bỏng của Người đối với vận mệnh đất nước. 

Kỹ năng hình thể - người em thông minh và tinh tế 

Nếu gọi thuyết trình là một gia đình thì Kỹ năng hình thể hẳn sẽ là cậu út được che chở và yêu thương nhiều nhất. Cậu không phải tham gia nhiều vào giai đoạn chuẩn bị sơ khai đầu tiên, nhưng lại là người chịu trách nhiệm thể hiện tất cả thành quả của cả ba anh em. 

Kỹ năng hình thể sẽ quyết định, kiến thức chuyên môn có đang truyền tải được tới tâm trí khán giả, rằng ngọn lửa say mê của người anh thứ hai có đang chinh phục được trái tim người nghe. Ngôn ngữ cơ thể sẽ phải dẫn dắt tâm trí, ứng biến với những vấn đề phát sinh và biến bài thuyết trình trở nên trọn vẹn hơn. 

Không có kiến thức chuyên môn, thuyết trình chỉ là một bài nói sáo rỗng. Không có lòng say mê, phần trình bày sẽ không khác một bản thu băng kiến thức được phát đi phát lại là mấy. Và cuối cùng, nếu không có kỹ năng hình thể để trình bày, bài thuyết trình có thể mãi chỉ nằm trên trang giấy, không thể chạm tới được khán giả. 

Bản chất của thuyết trình luôn là sự tổng hòa và kết hợp. Càng nhuần nhuyễn, càng thuần thục thì ý nghĩa truyền tải càng trở nên thành công. 

Canh cua, cà pháo, thịt luộc cần nhau để lưu giữ ký ức thiêng liêng trong mâm cơm người Việt. Còn kiến thức, sự say mê và kỹ năng hình thể cần nhau để tạo nên sự kết tinh cho một bài thuyết trình hoàn hảo.