cach-nguoi-han-quoc-dao-tao-tuong-ta-trong-kinh-doanh-1720794697.jpg

Người Hàn có cỡ 200k người tại VN, cũng chừng ấy người VN tại Hàn. Nhưng khác biệt là người VN ở HQ chủ yếu là công nhân, cô dâu, du học sinh...còn người HQ ở VN chủ yếu là sếp, quản lý hoặc người nội trợ (theo chồng sang, chồng đi làm vợ ở nhà cà phê ngày 3 bữa chứ không đi làm). Cách người Hàn đào tạo đại bàng nằm ở thập niên 60 - 70- 80, khi trên tivi họ chỉ có 2 chương trình là dạy làm ăn và dạy làm người. Dân họ ý chí mạnh, học được là hiểu được và làm được, "rũ bùn đứng dậy sáng loà" (chứ xuất phát điểm cũng nông nghiệp nhỏ lẻ, cũng tiểu thương tiểu nông, có thời điểm họ đói xanh mặt như mình).

Một số cách làm của họ sẽ được biên tập lại để cho các bạn đọc, ai có tư chất và ý chí mạnh thì sẽ bật lên. Còn ai không bay được thì đành chịu, chứ tui cũng nỗ lực hết sức rồi. Gà hay chim gì đều có cánh nhưng gà thì do sức ì nặng quá nên không bay lên được.

Bài 1: Tổ chức đội nhóm, tố chất đầu tiên của tướng/tá:

Tổ chức đội nhóm là 1 khoa học và 1 nghệ thuật. Mình phải tập làm tiểu đội trưởng trước rồi mở rộng thành trung đội rồi đại đội, tiến tới sư đoàn...

Vận hành 1 team không khó, chỉ vất vả. Từ tuyển lựa đầu vào, đào tạo, cùng nhau làm, động viên vừa kiểm soát, khen ngợi và nhắc nhở, truyền động lực và đẩy cấp dưới. MỖI NGƯỜI MUỐN LÀM QUẢN LÝ, PHẢI TỰ GIỎI GIANG, CHÍNH TRỰC MINH BẠCH để người ở dưới nể phục. Cấp dưới họ thấy cấp trên có cái gì đó hơn họ thì họ mới theo, còn lại họ thấy mình dở òm hoặc ngang cơ là họ sẽ coi thường và bỏ đi.

Ngoài giỏi giang thì bản thân người quản lý phải tự kỷ luật cao độ thì nhân viên mới làm theo, mình ầu ơ hay dễ dãi với bản thân mình thì tự dưng mất uy, mất tín. Nợ lương nhân viên, không chịu trả tiền đối tác, nói gian nói dối, chim chuột trai gái yêu đương ở chỗ làm...thì nhân viên nào họ nể. Họ bật lại, sao anh chị kêu tui làm mà ông bà không làm được? Lúc đó mình cứng họng. Làm quản lý = làm gương.

Những công cụ như daily to-do list và weekly report, tưởng là rắc rối nhưng thực ra rất hữu ích, nó giúp con người không xao nhãng, không đi sai đường. Giống như học ngoại ngữ vậy, học với mục tiêu chỉ để giỏi hay nghe nói giao tiếp được thì mục tiêu này chưa ai thành công, vì không có tiêu chí để đo lường, bỏ cuộc nửa chừng hết. Phải có các kỳ thi, các đợt kiểm tra, các cột mốc, ví dụ như IELTS 6.0 hay HSK4 chẳng hạn, phải có cột mốc rõ ràng như thế.

Trước khi làm 1 cái gì đó, mỗi người cần trình ra và trình bày (presentation) một cái kế hoạch (plan hay proposal) rõ ràng, tiến độ theo dõi ra sao, trách nhiệm - quyền lợi - thưởng phạt. Dễ nhớ là vầy, con số 3/7, tức trong to-do list, nhân viên họ rặn ra được 3 cái là giỏi, mình PHẢI nghĩ ra thêm 7 cái để giao họ làm. 7 cái này thực chất là, lẽ ra là mình PHẢI làm, nhưng mình không có thời gian, nên giao cho người khác làm và trả tiền cho họ. Đơn giản chỉ là vậy, mỗi ngày họ nghĩ 3, mình nghĩ 7. Mình nghĩ không ra (việc giao cho người khác làm) là mình không có tố chất quản lý, tức không có đầu óc, thôi hãy chọn việc giản đơn mà làm, đừng bon chen mắc công thất bại rồi khóc.

* Doanh nghiệp là mô hình kinh tế của các nước phương Tây, mình dân châu Á, đa phần là từ gốc nông dân nông thôn đi lên hoặc tiểu thương chợ đi lên, nên không nhiều người có thể tổ chức đội nhóm tốt.

Tổ chức đội nhóm thành công khi kết quả kinh doanh thành công, con số sẽ nói lên tất cả. Thu nhập DN tốt thì thu nhập nhân viên sẽ tốt. Quan trọng nhất là người quản lý phải toát ra khí chất và cái uy để cấp dưới yêu mến, nể phục, kính trọng.