SeABank bổ nhiệm Tổng Giám đốc
Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank - mã chứng khoán: SSB) vừa có thông báo về việc Bổ nhiệm Tổng Giám đốc. Theo đó, ông Loic Faussier Marc được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc với thời hạn 2 năm kể từ ngày 3/1/2023.
Ông Loic Faussier sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổng Giám đốc theo quy định tại Điều lệ, quy định nội bộ khác của Ngân hàng, Hợp đồng lao động, và Luật các Tổ chức Tín dụng, Luật Doanh nghiệp, các quy định Pháp luật khác có liên quan; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công công việc, phân cấp thẩm quyền, ủy quyền, nghị quyết/quyết định/chỉ đạo của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; Báo cáo công việc định kỳ hàng tuần, tháng, quý tới Hội đồng quản trị hoặc khi Hội đồng quản trị có yêu cầu; Thực hiện các công việc theo quy định tại Điều này một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của Ngân hàng; phù hợp với định hướng, chiến lược của Ngân hàng trong từng thời kỳ.
Ghế Tổng Giám đốc của SeABank đã bỏ trống nửa năm, tính từ khi bà Lê Thu Thủy từ nhiệm vào tháng 7/2022. Trước khi được bổ nhiệm, ông Loic Faussier được cử làm Phó tổng giám đốc cao cấp phụ trách điều hành ngân hàng.
Ông Loic Faussier sinh năm 1972 tại Pháp, có hai bằng thạc sĩ: Thạc sĩ tài chính - Đại học Paris Dauphine và Thạc sĩ Luật kinh doanh – Học viện Chính trị Paris... Ông có hơn 25 năm làm việc tại các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn, quản trị rủi ro, tư vấn tài chính tại các tổ chức tài chính quốc tế như Citibank, HSBC… ở Pháp, Hong Kong, Nhật Bản.
Tại Việt Nam, ông từng là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) trước khi chuyển sang công tác tại SeABank. Ngoài vị trí phó tổng giám đốc, ông từng là thành viên độc lập Hội đồng quản trị SeABank nhiệm kỳ 2018-2023.
Ông Loic Faussier đang sở hữu 200.000 cổ phiếu SSB, tương ứng giá trị thị trường khoảng 6,6 tỷ đồng. Số cổ phiếu này được ông mua thông qua chương trình phát hành ưu đãi cho người lao động năm ngoái. Với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1 là 33.300 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phần tân tổng giám đốc nắm giữ có giá khoảng 6,6 tỷ đồng.
SeABank kinh doanh ra sao?
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) được thành lập năm 1994. SeABank được biết đến là một trong nhóm dẫn đầu các ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam về qui mô vốn điều lệ. Hiện nay, vốn điều lệ của SeABank là 19.809 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 230 nghìn tỷ đồng và một mạng lưới hoạt động trên khắp 3 miền đất nước với gần 180 chi nhánh và điểm giao dịch.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính của ngân hàng này, trong quý 3/2022, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ đạt hơn 929 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 964,7 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về biến động lợi nhuận sau thuế quý 3, phía SeABank cho hay, lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ việc chủ động và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh; mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa nguồn thu.
Bên cạnh đó, SeABank luôn chú trọng áp dụng nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí hoạt động, tăng năng suất lao động. Qua đó, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần (CIR) liên tục được cải thiện, cụ thể: CIR riêng lẻ ở mức 31,82% so với mức 33,70% cùng kỳ năm trước; CIR hợp nhất ở mức 33,09% so với mức 35,35% cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết ngày 30/9/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 4.016 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu thuần TOI đạt gần 7.282 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ sự tăng trưởng từ kinh doanh mảng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng trưởng các hoạt động doanh thu phí.
Đáng chú ý, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng đạt 2.205 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ lệ 30,28% trên tổng thu thuần của Ngân hàng. Tỷ lệ này thể hiện sự ổn định và đa dạng về doanh thu của SeABank và đang ở mức trên trung bình ngành.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 33,09% giảm so với mức 35,35% cùng kỳ năm 2021 nhờ việc tối ưu hóa chi phí trong vận hành thông qua công nghệ. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 1,65% tại thời điểm 31/12/2021 xuống còn 1,59% tại thời điểm 30/9/2022.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên gần 19.809 tỷ đồng; được Moody’s nâng đánh giá xếp hạng các đánh giá về Nhà phát hành và tiền gửi dài hạn nội tệ và ngoại tệ từ B1 lên Ba3, đồng thời đánh giá cao chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và nguồn vốn phù hợp để duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của Ngân hàng.
Bên cạnh đó, SeABank cũng đã nhận được các khoản huy động vốn trung và dài hạn trị giá lên đến 495 triệu USD từ các tổ chức tài chính uy tín thế giới như: Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) và các quỹ đầu tư nước ngoài như responsAbility, BlueOrchard, BRED, OPEC Fund, Kasikorn Bank để nâng cao năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn hỗ trợ DNNVV, phát triển kinh tế xanh.
Trong năm 2022, ngân hàng này được vinh danh nhiều giải thưởng ý nghĩa như: “Top 1000 Ngân hàng thế giới 2022” (Top 1000 World Banks 2022) do The Banker bình chọn, “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2022” (Best Companies to Work for in Asia 2022) do HR Asia - Tạp chí uy tín hàng đầu về nhân sự tại Châu Á bình chọn. Đây cũng là ngân hàng duy nhất của Việt Nam giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ASEAN Business Awards – ABA 2022) ở hạng mục đặc biệt Cambodia’s and Special Award.
Chiến lược phát triển của ngân hàng là xây dựng và phát triển SeABank trở thành ngân hàng bán lẻ tiêu biểu tại Việt Nam là chiến lược phát triển cốt lõi của SeABank trong thời gian tới. Trong chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, SeABank sẽ tập trung đặc biệt vào khách hàng cá nhân, đồng thời phát triển mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn. Các sản phẩm, dịch vụ của SeABank được thiết kế đa dạng phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của từng đối tượng và phân khúc khách hàng.