tap-doan-phuc-son-1-1663809870.jpg

Tập đoàn Phúc Sơn của đại gia Hậu "nổ" kinh doanh ra sao?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn ( tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn) được thành lập vào ngày 06/01/2004 tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực chính của công ty, ngoài ra còn có thể mảng xây lắp và thương mại. Hiện tại Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Văn Hậu - đại gia có tuổi thơ nghèo khổ phải đi chăn vịt. 

Ông Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1981 tại Vĩnh Phúc, sinh ra trong một gia đình khó khăn. Thuở nhỏ, để có tiền phụ giúp gia đình, ông phải đi chăn vịt và chạy xe ngựa để trang trải cuộc sống. Đến năm 23 tuổi, ông tích lũy vốn để thành lập công ty riêng cho mình. Chỉ sau một thời gian, ông trở nên nổi tiếng trong giới bất động sản với biệt danh Hậu “nổ” hay Hậu “pháo”. Theo thông tin vào ngày 23/10/2018, ông Nguyễn Văn Hậu nắm giữ lượng cổ phần “khủng” lên đến 99% trong tổng số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của Phúc Sơn. Còn 1% vốn điều lệ còn lại do bà Ngô Thị Thanh Nhàn sở hữu 0.75% và ông Nguyễn Thanh Tùng nắm giữ 0.25%. Từ một cậu bé chăn vịt, ông Hậu đã trở thành đại gia nắm khối tài sản nghìn tỷ, nhờ vào việc đưa Phúc Sơn từ một công ty nhỏ trở thành ông lớn trong thị trường bất động sản.

tap-doan-phuc-son-2-1663810073.jpgÔng Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch 8x của Phúc Sơn từng đi chăn vịt để trang trải cuộc sống

Dù chỉ là một công ty bất động sản “sinh sau đẻ muộn” trong thị trường, nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã sở hữu hàng loạt bất động sản đình đám tại tỉnh Vĩnh Phúc. Các dự án đáng chú ý như:  Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có quy mô 130ha, Khu nhà ở 15 tầng cho người có thu nhập thấp tại Vĩnh Yên, Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha,...Ngoài các dự án bất động sản, công ty của ông Hậu còn trúng thầu xây dựng một số công trình: Đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng với tổng số vốn hơn 1.500 tỷ đồng,...

Mới đây, vào đầu tháng 8/2022, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị Bàu Giang. Quy mô diện tích của dự án là 495.932 m2, bao gồm 294 căn nhà ở thương mại nằm trên trục đường chính với diện tích 46.089 m2, 274 căn nhà ở xã hội với diện tích 19.292 m2, 795 lô đất nền,...Tổng số tiền công ty của ông Hậu phải bỏ ra để đầu tư dự án này lên đến 3.318 tỷ đồng. Dù chỉ mới được cấp phép, nhưng Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu đã chuẩn bị cho dự án này từ rất lâu. Năm 2018, vị đại gia 8x đã thành lập Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang tại Quảng Ngãi. Vốn điều lệ ban đầu của công ty chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, dô ông Hoàng Văn làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Đến năm 2019, ông Hậu trở thành Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của công ty, đồng thời tăng vốn chủ sở hữu lên 250 tỷ đồng. Cả hai năm 2019 và 2020, công ty Bàu Giang không thu được đồng nào, báo lỗ lần lượt là 494 triệu đồng và 1 tỷ đồng. 

tap-doan-phuc-son-3-1663810338.jpgTình hình tài chính của Phúc Sơn trong giai đoạn 2016 - 2019 (Nguồn: VietTimes)

Ngoài ra, cũng trong năm 2022, Phúc Sơn đã trình đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An về dự án khu đô thị Hưng Hoà 1 và khu đô thị Hưng Hoà 2 tại xã Hưng Hoà, thành phố Vinh với quy mô hơn 200ha. Mặc dù liên tiếp sở hữu và triển khai nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Phúc liên tục giảm qua các năm, thậm chí ghi nhận con số âm. Năm 2016, doanh thu ghi nhận 514,6 tỷ đồng và lãi ròng 3,7 tỷ đồng, sang năm 2017, doanh thu sụt giảm còn 468,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại tăng vọt gấp 10 lần lên con số 37,58 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu chỉ bằng 65% so với 2018 khi đạt 84,7 tỷ đồng và lãi ròng giảm “khủng khiếp” khi chỉ còn 80 triệu đồng so với 214 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, kết quả kinh doanh năm 2020 của Phúc Sơn vô cùng tệ khi doanh thu tiếp tục giảm còn 61 tỷ đồng, và lợi nhuận lần đầu ghi nhận âm nhưng con số cũng rất lớn khi lỗ 17 tỷ đồng. 

Trái ngược với kết quả kinh doanh kém khả quan, tổng tài sản của CTCP Tập đoàn Phúc Sơn tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, cuối năm 2020, tổng tài sản đạt mức 7.800 tỷ đồng, nhưng trong đó vốn chủ sở hữu chỉ có 2.000 tỷ đồng. Gần 5.800 tỷ đồng còn lại là khoản nợ phải trả của công ty, cao gần gấp 3 lần so với vốn, đây là mức tỷ lệ đòn bẩy tài chính vô cùng lớn và tương đối rủi ro.

Những ngày gần đây, rủi ro của Tập đoàn Phúc Sơn ngày càng lớn khi vừa bị UBND tỉnh Khánh Hòa truy thu gần 12.000 tỷ đồng. Khoản tiền ngân sách khổng lồ này liên quan đến một “siêu dự án” của công ty đang triển khai từ năm 2016 đến nay.

Lùm xùm tại “đất vàng” Nha Trang

Ngày 20/9 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã gửi văn bản yêu cầu CTCP Tập đoàn Phúc Sơn nộp ngân sách Nhà nước số tiền 11.994 tỷ đồng. Đây là số tiền công ty phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang. Ngay lập tức công ty của ông Hậu gửi văn bản phản hồi trong buổi chiều cùng ngày. Đại diện của Phúc Sơn cho rằng công ty chỉ nộp đủ và đúng tiền, sau khi tính toán lại giá đất khu sân bay Nha Trang và giá trị nộp ngân sách của nhà đầu tư, theo quy định pháp luật hiện hành.

tap-doan-phuc-son-4-1663810490.jpg"Khu đất vàng" tại sân bay Nha Trang cũ được giao cho Phúc Sơn dính hàng loạt sai phạm (Nguồn: Zingnews.vn)

Đầu năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành thực hiện dự án Trung tâm Hành Chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Khi đó, 62,3ha đất sân bay Nha Trang cũ được tỉnh chọn làm vốn đối ứng cho dự án trên. Đến tháng 11/2015, dự án của Khánh Hòa phải hoãn lại do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính mới tại các tỉnh. Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, 62,3ha đất này vẫn được UBND tỉnh Khánh Hòa trao cho Tập đoàn Phúc Sơn, nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau khi giao đất nhưng không có dự án để hoàn vốn, giữa năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh bằng cách xin Chính phủ cho phép chỉ định thầu ba dự án BT về giao thông. Khi đó 62,3ha đất đã giao cho Phúc Sơn được xem như là hoàn vốn cho ba dự án này. Ba dự án BT có tổng mức đầu tư 3.562 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nút giao thông Ngọc Hội, dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội và dự án nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang. Tháng 6/2021, Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về một số tồn tại, sai sót, vi phạm như: giao đất khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất; chưa xác định được giá trị quỹ đất thanh toán theo nguyên tắc ngang giá theo quy định; chưa có quyết định phê duyệt giá đất.

Đặc biệt, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn từng bị phạt 275 triệu đồng vì vi phạm kinh doanh bất động sản. Thời điểm bị thanh tra, 3 dự án BT của Phúc Sơn chỉ thực hiện được 27% so với kế hoạch mặc dù đã gia hạn thêm 4 năm, thay vì như kế hoạch cũ là năm 2017 đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, diện tích đất tại sân bay Nha Trang cũ được UBND tỉnh Khánh Hòa giao công ty thì đã được phân lô, bán nền gần hết. 

tap-doan-phuc-son-5-1663810694.jpgChưa hoàn thành dự án BT nhưng Phúc Sơn đã phân lô, bán nền thu về hàng trăm tỷ đồng (Nguồn: Zingnews.vn)

Kết quả kinh doanh ấn tượng vào năm 2016 và 2017 của Tập đoàn Phúc Sơn là do ghi nhận doanh thu từ những lô đất bán được tại “khu đất vàng” được hoàn vốn để thực hiện ba dự án BT. Đến nay, 2 trong 3 dự án giao thông đã được đưa vào sử dụng, còn một dự án hoàn thành được 80% nhưng chưa có quỹ đất thanh toán.

 

Thông tin tham khảo:

Khánh Hòa truy thu 12.000 tỉ đồng dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn (laodong.vn)

Tập đoàn Phúc Sơn Hậu pháo: Khối tài sản 8.000 tỷ đồng chưa giỏi sinh lời (viettimes.vn)

CEO Tập đoàn Phúc Sơn: Từ cậu bé chăn vịt đến "đại gia" nghìn tỉ (kinhtemoitruong.vn)