Người dân thị trấn Sapa gần đây đang xôn xao về Silk Path Grand Resort & Spa Sapa, một khu nghỉ dưỡng đang dần hoàn thiện và cách bến ga cáp treo Fansipan 1,4km.
Công trình được cho là có quy mô lớn nhất tại Sapa từ trước đến nay, bao gồm khách sạn, resort, và các dịch vụ khác. Dự án mang thương hiệu Silk Path dự kiến sẽ khai trương vào tháng 11 năm nay với 155 phòng nghỉ toạ lạc trên sườn đồi hơn 11.000 m2 và tầm nhìn hướng ra dãy Hoàng Liên Sơn.
Với quy mô lớn như vậy, tổng vốn đầu tư của dự án có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, bất ngờ là chủ đầu tư đằng sau dự án khủng này là Bùi Tú Phương, một cô gái chỉ mới 29 tuổi và là con gái của Bùi Tố Minh, đại gia ngành nhựa có tiếng ở phía Bắc, chủ sở hữu của CTCP Hoá chất nhựa Plaschem.

Không phải là chủ nhân thực sự
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi ngày 31/10/2017, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path có vốn điều lệ 265 tỷ đồng. Trong đó giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Bùi Tú Phương, sinh năm 1992.
Tuy giữ chức vụ lãnh đạo quan trọng nhưng bà Phương không phải là chủ sở hữu thực sự khi chỉ nắm 1% cổ phần, tương đương 2,6 tỷ đồng vốn điều lệ của Silk Path.
Ngoài Silk Path, bà Phương còn đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc tại CTCP Du lịch Xanh – Huế Vneco, đơn vị có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch với Khách sạn Xanh (tiêu chuẩn 4 sao, 199 phòng), Khu biệt thự Cẩm Tú tại vườn quốc gia Bạch Mã.
Đáng nói là, tại doanh nghiệp này, ông Bùi Tố Minh lại giữ chức vụ chủ tịch HĐQT. Gia đình ông Minh đã mua lại phần lớn cổ phần của Du lịch Xanh từ Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam.
Vào năm 2018, Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,86% vốn nắm giữ tại CTCP Du lịch Xanh Huế - Vneco cho Silk Path và 2 cá nhân là bà Phương và ông Tạ Đàm Hưng với số lượng cổ phiếu lần luợt là 208.000 và 178.000. Sau giao dịch, Xây dựng điện Việt Nam đã thu về gần 280 tỷ đồng.
Ông Minh còn là người đại diện của Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Nghỉ dưỡng Pusamcap Sapa (chủ đầu tư xây dựng dự án Silk Path Grand Resort & Spa Sapa), CTCP Golf Silk Path, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Duy Tiên, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Plaschem.
Như vậy, “chủ nhân” thực sự của thương hiệu Silk Path nhiều khả năng chính là ông Minh. Theo trang Người Đưa Tin, tỷ lệ sở hữu ông đang nắm giữ là 99%.

Tham vọng mới ở miền Trung
Hồi tháng 2 năm nay, UBND tỉnh Bình Định vừa quyết định chấp thuận cho liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Bình Định, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân.
Theo đó, bà Phương tiếp tục đại diện Silk Path – công ty liên danh thứ hai để thực hiện dự án này.
Dự án có diện tích 130ha, trong đó khu đô thị 57,7ha; khu du lịch sinh thái 72,3ha. Quy mô dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và du lịch sinh thái bao gồm các hạng mục như: khu biệt thự, biệt thự du lịch, khách sạn, resort, bungalow, bến tàu, công viên, bảo tàng, giao thông, cây xanh...
Dự kiến tổng vốn đầu tư dự án 4.990 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2020 - quý IV/2025. Thời gian hoạt động là 50 năm.