1. Con gái hôm nay xong buổi intern về kể, ở lớp cao học hay trong công ty thực tập đa quốc gia, có đủ "anh tài" trong khu vực, toàn các anh/chị "tha hương" ở xứ người. Lúc rảnh trao đổi với nhau về phối hợp teamwork hay dự án chung, nhưng khi ăn trưa hay coffee, chuyện qua chuyện lại, thế nào nó lại quay trở về chuyện... bầu cử TT Mỹ, mãi giờ chưa có kết quả.
"Rách việc thật".
2. Nó chẳng mấy khi tham gia bàn luận, nhưng chỉ quan sát cũng thấy có nhiều cái thú vị và về nhà là kể ngay với Ba. Con gái thích thật, có gì vui, buồn chả mấy tâm sự với Mẹ, mà toàn chia sẻ với Ba. Câu chuyện của nó về khu vực này, nhưng cũng có thể cũng có thể hiểu các khu vực khác, các nơi khác cũng bị tác động như thế này chăng?
Thôi cứ nghe nó kể đến đâu thì cứ ghi lại ra đây cho khỏi quên, một căn bệnh thường gặp của người già. Nhìn Ba háo hức là nó "bật máy" liên hồi, kỳ trận:
3. Bầu cử Tổng thống ở nước Mỹ xa tít mù khơi, nhưng tác động của nó thì lại mang tính toàn cầu.

Tác động này không chỉ thể hiện ở việc người Mỹ lựa chọn ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và chính sách của ông ta tác động ra sao đối với một quốc gia hay một khu vực cụ thể trên thế giới.
Cái buồn cười là sự phân hóa của người Mỹ từ giới chính trị gia, giới tinh hoa, tầng lớp trung lưu, giới bình dân ngay tại chính nước Mỹ về 2 ƯCV, về tư tưởng CH hay DC đã đành, nhưng ở nhiều quốc gia khác trong khu vực (hầu như không có ngoại lệ) là cũng xảy ra tình trạng cãi lộn ùm xoẹ, chia rẽ tương tự cả đời thực và trên cõi mạng...
4. Trong giới học thuật, tầng lớp "tinh hoa", các giáo sư và khá nhiều trường đại học Mỹ, thậm chí nhiều nhân vật "tai to, mặt lớn" trong giới kinh doanh, cũng công khai bày tỏ xu hướng chính trị của mình thông qua việc ủng hộ cho ƯCV TT nào. Đây là điều rất hiếm gặp ở "kỷ nguyên trước Trump" vì thường họ giấu kỹ, không bộc lộ quan điểm chính trị của mình.
"Cái hay" là cũng nhờ vậy mà giờ đây nhiều ông bố bà mẹ trước khi quyết định gửi con cái đi du học có thể biết được tương đối rõ hơn môi trường học tập của con cái như thế nào, chứ không còn bị "mê sảng", "sính Tây" như trước.
Dù con lựa chọn học chuyên ngành khoa học chính trị, hay tài chính, quản trị kinh doanh... nhưng nhìn vào trường con học hoặc danh sách các giáo sư của con, các ông bố, bà mẹ có thể biết một số thông tin nhất định là sau này khi đón "ông/bà nhóc" trở về sẽ là một "đứa" ở một nơi bị ảnh hưởng bởi các quan điểm trung dung, thiên hữu hay thiên tả hoặc thậm chí là cả cực hữu hay cực tả.
Nó còn kể vui, cả Polpot và Iêng Sary đều là những du học sinh "thành đạt" ở Pháp, nhưng bị ảnh hưởng bởi xu hướng thiên tả, phát triển rất mạnh ở Pháp thời kỳ hậu chiến những năm cuối 1940s và 1950s.
5. Các cơ quan tuyển dụng trong nước, dù là trường đại học, doanh nghiệp tư nhân, hay cơ quan nhà nước ở bất kỳ nước nào trong khu vực... giờ đây khi tuyển dụng ngoài nhìn vào hồ sơ xin việc, còn nhìn vào hồ sơ "MXH" của du học sinh mới trở về từ nước ngoài.
Việc yêu cầu người nhận dự tuyển, xin việc phải cung cấp các tài khoản MXH khi xét tuyển việc giờ đây khá phổ biến ở khu vực.
Qua các "bình luận" của các bạn trẻ này trên MXH mà các nhà tuyển dụng có thể biết nhanh và tương đối chính xác xu hướng chính trị, cách lập luận logic hay phi logic của một chàng/nàng du hoc sinh trẻ tuổi mới trở về và sớm biết ngay đây có phải là người mình thực sự cần cho công ty/tổ chức của mình hay không.
6. Các nước khu vực giờ sẽ "dè chừng", thận trọng hơn hơn khi nhận đề nghị/yêu cầu để nghị "liên kết giáo dục" với các trường "mẹ" ở nước ngoài, bất kể là trường nào, tên tuổi đến đâu vì giờ đây có thể nắm bắt tương đối dễ dàng thiên hướng chính trị của họ để từ đó có cách tiếp cận/tương tác phù hợp.
Giới học thuật Mỹ và khu vực vừa rồi thực sự bị "sốc" trước "kiến nghị" cực tả, chưa từng có tiền lệ khi trên 1000 cựu sinh viên Harvard ký bản kiến nghị "cấm" các cựu quan chức của chính quyền Trump "bén mảng" đến khuôn viên của trường dù với vai trò giảng viên, nghiên cứu hay khách mời nói chuyện.
7. Không chỉ SV mới ra trường, ngay cả các "GS" phương Tây hay "GS" ngoại kiều khi "xin việc" ở khu vực hiện nay thì giờ các nhà tuyển dụng cũng chỉ cần nhìn xem trường các ông/bà ta từng dạy, quan điểm viết trên MXH về các ƯCV Tổng thống Mỹ, về quan điểm chính trị của họ...
Nhờ đó, các nhà tuyển dụng là các trường hoặc viện nghiên cứu của các nước trong khu vực có thể dễ dàng biết đây có đúng là "cục vàng" mình đang tìm kiếm bấy lâu nay, hay thực sự chỉ là "cục sắt".
Không cần quan tâm đến bằng cấp TS hay chức danh GS, PGS, vì ông nào chả có. Cái quan trọng là ngoài thiên hướng chính trị, có thể dễ dàng kiểm xem tư duy logic của họ theo mạch logic, hay "bốc đồng" và "cảm tính".
8. Trong quản lý, các "sếp" lớn, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, giờ đây định sắp xếp lại tổ chức, cân nhắc ai lên, ai xuống cũng có thể ngó, tham khảo qua các status, cách viết, góc nhìn nhận của cấp dưới qua việc đánh giá của họ về các ƯCV Trump hay Biden để từ đó xem năng lực tư duy, phân tích và dự báo của cán bộ mình, xem người đó có thiên hướng là cảm tính hay logic.

Cái này đối với con gái cũng khá lạ và mới, nhưng nó nói giờ "thời buổi Covid-19", công việc khó khăn, nên các nhà tuyển dụng cũng trở nên khắt khe và khó tính hơn.
9. Rồi nó kể chuyện này mới thấy "vui", "thủ vị" khi "xem" và "đọc" các Status của các nhân viên của "kha khá" cơ quan, tổ chức có yếu tố nước ngoài có trụ sở/chỉ nhánh ở khu vực.
Khi Sếp lớn hoặc cơ quan nơi họ làm việc có thiên hướng ủng hộ CH hay DC, thì hầu hết MXH của cấp dưới ít khi có ý kiến "ngược".
Theo con gái, có thể trong môi trường như vậy, họ tỏ thái độ "thuận" cho an toàn. Hoặc giả thiết là khi trong môi trường làm việc của họ bị "nhuốm màu" CH hoặc DC thì việc nghe, xem, trao đổi lâu dần chỉ một loại quan điểm khiến nhiều nhân viên thấy lâu dần thành quen, "mất" khả năng phản biện và tư duy độc lập, rồi dần thấy cách nhìn đó là "hợp lý".
Nhưng cũng có thể cái mà các nhân viên viết không phải để hướng tới người đọc bản địa, hoặc trao đổi để tìm ra "chân lý", mà chỉ đơn giản là chuyển "thông điệp" đến Sếp hoặc các "đồng nghiệp" nước ngoài của họ rằng chúng ta "cùng hội, cùng thuyền" đó nha. Và cái này cũng thuận cho họ hơn trong việc "cất nhắc" hoặc "nhảy việc" sau này..
Nó còn "thách đố" Ba kiểm chứng bằng việc xem MXH một số GS có các status thiên tả hoặc thiên hữu, xem có giống với thiên hướng chính trị của Khoa, hay trường nơi họ giảng dạy trước ở nước ngoài không để tìm xác suất.
10. Cái này cũng thú vị không kém, như con gái kể một số ít (không phải tất cả) những người ủng hộ Biden, chống Trump hoặc ngược lại ở một số nước trong khu vực còn có liên quan đến người thân... ở Mỹ nữa.
"Nó" thao thao bất tuyệt: nhiều anh bạn ở khu vực kêu oai oái trên Twitter, FB, phê phán chính quyền Trump không thương tiếc vì các lý do giời ơi, đât hỡi, nhưng kỳ thực là có người thân, do chính sách nhập cảnh khắt khe, rất cứng rắn của Trump, nên đang gặp khó khăn trong xin việc, gia hạn visa, làm giấy tờ định cư... Và rồi từng ngày, từng ngày họ cầu nguyện, mong cựu PTT Biden sớm quay trở lại nắm quyền và cũng quay trở lại chính sách nhập cư dễ dãi như trước.
Ông Ba nghe xong ù hết cả tai, nhưng cũng phải nói với nó là Ba chỉ ghi nhận mấy câu chuyện "bàn trà" của các cô, các cậu thôi. Khi nào đọc kỹ và bớt bận Ba sẽ trao đổi thêm sau.

____________________________________________

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

– Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phó Tổng thư ký ASEAN

Series bài cùng tác giả: 

Donald Trump và 5 cuộc chiến định vị lại nước Mỹ và thế giới

Bước tính tiếp theo của Biden và Trump: Đấu khẩu, đấu pháp và đấu trí (Phần 1)

Bước tính tiếp theo của Biden và Trump: Đấu khẩu, đấu pháp và đấu trí (Phần 2)

Bước tính tiếp theo của Biden và Trump: Đấu khẩu, đấu pháp và đấu trí (Phần cuối)