Từ con số 0 trở thành Tập đoàn nghìn tỷ
Tập đoàn Dabaco được thành lập ngày 29/03/1996 với tiền thân là Công ty Nông sản Hà Bắc. Theo Nghị định 388 khi đó về Quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp công ích, việc thành lập mới doanh nghiệp công ích bị hạn chế. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Bắc bổ nhiệm ông Nguyễn Như So làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc, đổi tên thành Công ty Nông sản Hà Bắc, chuyển sang mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống.
Chủ tịch HĐQT Dabaco - Ông Nguyễn Như So
Ông Nguyễn Như So từng là đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011-2016. Ông So đang là Bí thư đảng ủy; Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam; Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam khi lần đầu đăng ký ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 vào tháng 5 năm 2016.
Ông trúng cử đại biểu Quốc hội năm 2016 từ Đơn vị bầu cử số 3, tỉnh Bắc Ninh gồm các huyện Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành, được 170.594 phiếu bầu, đạt 70,21% số phiếu hợp lệ. Ông hiện là Bí thư đảng ủy; Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam; Phó chủ tịch hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam; Ủy viên Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Ông Nguyễn Như So sinh năm 1957 tại Huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Vị Chủ tịch này đã có 15 năm phục vụ trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, ông có bằng cử nhân kinh tế. Đến năm 1988, ông So được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc.
Năm 1996, ông được tỉnh điều động về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc - một công ty làm ăn thua lỗ và đang trong quá trình giải thể. Khi đó, Công ty dâu tằm tơ Hà Bắc đang bên bờ vực phá sản. Khi ông So về, tỉnh đổi tên công ty này thành Công ty Nông sản Bắc Ninh.
Theo ông So, lúc đó công ty không còn sản xuất, chỉ còn một số công nhân. Cơ sở vật chất gần như không có gì ngoài dàn máy hàn 2,5 triệu và khu đất mọc đầy cỏ xanh mướt. Tiếp quản một doanh nghiệp với tài sản gần như bằng không, ông So quyết tâm tìm hướng đi mới cho công ty.
Ông nhận thấy Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng 80% thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu từ bên ngoài. Sau đó, ông chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống. Theo kế hoạch ông đã lên trước đó cần dự chi tới 20 tỷ đồng (giá năm 1996) để xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và trại sản xuất giống. Nhưng tỉnh Bắc Ninh chỉ hỗ trợ đúng 1 tỷ đồng.
Ngay sau đó, ông So đã làm hồ sơ dự án để xin vay vốn ngân hàng nhưng ngân hàng cũng từ chối. Chỉ đến khi được UBND tỉnh bảo lãnh, ông mới được vay ngân hàng 500.000 USD để nhập dây chuyền, thiết bị sản xuất. Có tiền, ông So cùng nhóm kỹ thuật sang Thái Lan và một số nước có nền công nghệ nông nghiệp tiên tiến để tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Sau nhiều nỗ lực, cuối năm 1997, mẻ sản phẩm thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Công ty cũng đã hoàn thành. Nhưng thời gian đầu do công thức pha trộn chưa chuẩn nên sản phẩm không được như ý muốn. Khi nhìn thấy nguy cơ lỗ vốn, ông So lại phải một lần nữa lặn lội sang Thái Lan mời chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi về tư vấn kỹ thuật về Việt Nam hướng dẫn.
Sau khi nắm chuẩn được công thức pha trộn, công ty bước vào giai đoạn phát triển sản xuất và chỉ một năm sau sản lượng đã tăng gần gấp đôi. Dưới sự lãnh đạo của ông So, công ty nông sản Bắc Ninh từng bước phát triển. Năm 2008, Nông sản Bắc Ninh được đổi tên thành Công ty Cổ phần Dabaco Việt Nam, cổ phiếu của Công ty cũng chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Ngày 26/03/2011, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Đến nay, sau 27 năm, Dabaco là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín toàn bộ công, nông nghiệp và thực phẩm, 3F - sở hữu trang trại, nhà máy tại bàn, sở hữu hệ thống hơn 60 đơn vị thành viên.
Chủ tịch Nguyễn Như So cho biết, các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025 đơn vị này sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhất, để trở thành doanh nghiệp “tỷ đô” trong thời gian sớm nhất theo tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Kỷ niệm chặng đường 25 năm của Dabaco
Vào ngày 29/03/2021, Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã tổ chức “Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn”, trong buổi lễ kỷ niệm Tập đoàn Dabaco Việt Nam tự hào đã vượt qua mọi khó khăn, chuyển mình trước những thăng trầm của nền kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới, hiện đại hóa và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan trên người và vật nuôi (COVID-19 và dịch tả lợn Châu Phi), Dabaco Group nổi lên như một điểm sáng, đánh dấu thêm một cột mốc trong 25 năm trưởng thành với những con số ấn tượng với 60 đơn vị thành viên; tổng tài sản trên 10.500 tỷ đồng tăng gấp 2,3 lần; vốn đăng ký tăng lên 1.047,6 tỷ đồng tăng gấp 1,7 lần; vốn chủ sở hữu đạt 4.307 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần; doanh thu đạt hơn 16.500 tỷ đồng, tăng lên gấp 2 lần; lợi nhuận sau thuế bằng 1,4 lần vốn cổ phần, tức 1.400 tỷ đồng và gấp 6 lần năm 2015.
Kết quả kinh doanh quý I làm lãnh đạo Dabaco không thể ngồi yên
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023. Kết quả, doanh thu thuần của Công ty đạt hơn 2.313 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, bán thành phẩm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 94% tổng doanh thu, tiếp theo là doanh thu thương mại, siêu thị, khách sạn và nhà hàng. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động bất động sản Dabaco không còn ghi nhận, trong khi cùng kỳ năm 2022 Tập đoàn vẫn báo doanh thu mảng này đạt gần 19 tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy, vì kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp của Dabaco giảm từ 254 tỷ đồng (quý 1/2022) xuống âm 70,4 tỷ đồng (quý 1/2023). Kết thúc quý I/2023, Dabaco lỗ sau thuế gần 321 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 9 tỷ đồng. Con số này lập kỷ lục lỗ trong các lĩnh vực kinh doanh của Dabaco kể từ khi niêm yết đến nay.
Báo cáo tài chính quý I/2023
Năm 2023, Dabaco đặt kế hoạch doanh thu phải đạt 24.562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cần đạt là 569 tỷ đồng. Như vậy, với mức lỗ kỷ lục trong quý I/2023, Công ty không những không bắt tay vào thực hiện kế hoạch năm mà còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.
Tổng tài sản của DBC tính đến cuối tháng 3/2023 giảm hơn 6% so với đầu năm, đạt 12.137 tỷ đồng, bao gồm 150 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao nhất với 39% tổng tài sản, giá trị ghi nhận là 4.739 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả giảm còn 7.816 tỷ đồng, giảm xuống 6%, trong đó hơn 85% là nợ ngắn hạn. Các công ty có khoản vay ngắn hạn 4.290 tỷ đồng và vay dài hạn hơn 910 tỷ đồng.
Đóng cửa giao dịch ngày 28/4, giá cổ phiếu DBC giảm 5,18% xuống 14.650 đồng/cổ phiếu.