Câu chuyện về “bài toán đầu tư tài chính cá nhân” chẳng xa lạ gì đối với mỗi cá nhân chúng ta, khi mà có rất nhiều bài viết hướng dẫn cách đầu tư sinh lời từ tiền, tuy nhiên thì "bài toán về tiết kiệm” thì lại ít được đề cập tới, và cũng là một bài toán khó không kém.
Kiếm tiền thì khó nhưng tiêu thì dễ, tuy nhiên thì giờ đây ta nhắc đến một góc nhìn khác về "tiết kiệm”. Có thể thấy, kiếm tiền tuy khó một nhưng tiết kiệm thì khó mười. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của mỗi cá nhân. Chi tiêu như thế nào cho hợp lý trở thành bài toán được quan tâm hơn bao giờ hết. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc làm thế nào thì những mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp bạn cắt giảm chi phí và tiết kiệm tiền đúng cách.
Tập thói quen thống kê chi tiêu
Việc thống kê chi tiêu hàng tháng để giúp bạn hiểu rõ thói quen sinh hoạt tiền bạc của bản thân, biết được khoản nào là cần thiết và khoản nào là không cần thiết để có thể cắt giảm. Từ đó, đưa ra hướng kiểm soát chi tiêu phù hợp với bản thân mình hơn.
Nếu bạn duy trì được thói quen này trong thời gian dài, bạn có thể nhận ra có những khoản chi bất hợp lý của mình là vô cùng nhỏ, tuy nhiên “tích tiểu thành đại” khoản chi này lớn dần lên, vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn. Đôi khi, bạn sẽ tự hỏi bản thân mình rằng: “Tại sao mình có thể lãng phí một khoản tiền trong thời gian dài như vậy?”
Lên danh sách những đồ cần trước khi mua sắm
Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống khi đi mua sắm, bạn mua rất nhiều thứ không cần thiết trong khi những thứ mình cần lại quên mất không mua chưa? Có lẽ đây là tình huống không phải của riêng ai bởi hầu hết số đông đều rơi vào tình huống như vậy.
Do đó, bạn nên bạn cần chuẩn bị cho mình 1 list những đồ cần mua và chỉ mua những đồ trong list đó Hãy xác định những thứ thực sự cần thiết cho mình và chỉ chi tiền cho những món đồ đó. Đừng bị đánh lừa hay cám dỗ bởi những món đồ không cần thiết khác, những mặt hàng giảm giá, hay các chương trình khuyến mại. Hãy trở thành “người tiêu dùng thông minh”.
Ăn ở nhà thay vì ngoài hàng

Ngày nay, khi cuộc sống trở nên hối hả tấp nập hơn thì giới trẻ ngày càng có xu hướng tìm đến những bữa ăn hàng quán với tiêu chí nhanh - gọn - nhẹ. Trung bình mỗi bữa ăn thường phải chi trả 25.000-35.000 đồng cho một bữa ăn đơn giản, chưa kể đồ uống đi kèm. Với những bữa ăn "xa xỉ" như lẩu, nướng thường lên đến 200.000-300.000 đồng. Hoặc một buổi uống trà sữa cũng tiêu tốn 40.000-60.000 đồng. So với một bữa ăn bên ngoài, thì việc mua các nguyên liệu và nấu ăn tại nhà chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều.
Có thể thấy, việc thay đổi thói quen ăn uống vừa giúp bạn tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo các bữa ăn đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh.
Áp dụng phương pháp tiết kiệm tiền hiệu quả
Có rất nhiều phương pháp để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, tuy nhiên nếu bạn là người mới bắt đầu, hãy thử với phương pháp 50/20/30 để phân bổ nguồn lực tài chính cá nhân một cách hợp lý.
50/20/30 - với những con số này chắc bạn dễ dàng đoán ra đó là mức phân chia tỷ lệ, và ở đây là phân chia tỷ lệ thu nhập của cá nhân mình theo một tỷ lệ nhất định.
Vậy quy tắc 50/20/30 là như thế nào ?
50% - 50% thu nhập của bạn được dùng để chi tiêu thiết yếu cho cuộc sống.
Sau khi bạn nhận lượng, hãy dành 50% trích từ lương để chi trả cho các chi tiêu thiết yếu như: chi phí thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, chi phí đi lại, xăng dầu, các hóa đơn tiện ích như điện, nước, internet…Bỏ ra 50% không có nghĩa là bạn cần phải chi tiêu hết, tuy nhiên bạn cần chủ động chi tiêu hợp lý để không vượt quá 50%.
20% - 20% thu nhập sẽ dùng để tiết kiệm, trích lập dự phòng rủi ro, trả nợ
Sau khi đã trích 50% từ lương dùng để chi tiêu thiết yếu, tiếp theo bạn hãy dành 20% lương để đầu tư tài chính cá nhân thông qua các kênh như: gửi tiết kiệm ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu, giao dịch ngoại hối, giao dịch bất động sản hoặc đơn giản hơn là dùng để trả nợ.
Hãy nhớ rằng, bạn càng đầu tư tài chính càng sớm càng tốt !
30%- 30% thu nhập còn lại dùng cho chi tiêu cá nhân.
Cuối cùng, là 30% lương còn lại bạn có thể sử dụng để chi tiêu cá nhân, phục vụ sở thích của cá nhân mình như: mua sách, mua tài khoản netflix, spotify để xem phim, nghe nhạc, thư giãn sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, hoặc thưởng cho bản thân mình những chuyến du lịch vào những ngày nghỉ lễ dài ngày,...
Tuy nhiên, bạn cần đặc biệt lưu tâm đến khoản chi này bởi đó có thể là cạm bẫy khiến bạn chi tiêu quá đà vào những sở thích cá nhân. Do đó,hãy luôn đảm bảo khoản chi tiêu này của mình trong 30% lương.
Mặc dù phụ thuộc vào từng cá nhân, không phải ai cũng áp dụng phương pháp quản lý này đều thành công nhưng đây cũng là một phương pháp “khá hay ho” và đáng để thử phải không?
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để xây dựng kế hoạch chi tiêu hiệu quả, nếu cảm thấy không phù hợp với phương pháp này bạn hãy nghiên cứu và áp dụng các phương pháp khác phù hợp với bản thân mình nhất, với khả năng tài chính của mình.
Để ổn định cho cuộc sống hiện tại và xây dựng kế hoạch cho tương lai thì cần duy trì việc tiết kiệm và khiến nó trở thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống. Vậy tại sao bạn không bắt tay vào “tiết kiệm” ngay từ bây giờ?