BAF bị nghi ngờ "làm đẹp" báo cáo tài chính trước thềm niêm yết
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã nhận hồ sơ niêm yết 78 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2021 vừa qua, BAF tiến hành IPO. 28 triệu cổ phần được đưa ra chào bán với giá 20.000 đồng/cổ phần. Phiên IPO diễn ra thành công, BAF thu về 560 tỷ đồng.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Thương hiệu BAF (Feed – Farm – Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến. Theo kế hoạch đến năm 2024, tổng đàn nái của công ty sẽ nâng lên ở mức khoảng 45.300 con, đáp ứng nhu cầu con giống để nuôi lợn thịt với quy mô trên 1,1 triệu con.
Tính đến cuối năm 2020, vốn góp của BAF là 500 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông bao gồm bà Bùi Hương Giang nắm giữ 80% vốn, bà Vũ Thùy Dung 10% vốn và ông Nguyễn Anh Tuấn 10% vốn. Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, có sự biến động khi bà Giang giảm tỷ lệ sở hữu về còn 50%, bà Vũ Thùy Dung thoái hết toàn bộ vốn, ở chiều ngược lại có sự xuất hiện của ông Phan Ngọc Ấn nắm giữ 30% vốn và ông Lê Xuân Thọ 10%.
Doanh thu BAF trong 3 năm đầu mới thành lập bình quân trên 13.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trước thềm niêm yết, BAF bất ngờ báo lãi tăng gấp 10 lần khiến không ít nhà đầu tư nghi ngờ công ty “làm đẹp” báo cáo tài chính.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2021, 6 tháng đầu năm 2021 BAF ghi nhận doanh thu đạt 5.251 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm 24% về 4.975 tỷ đồng giúp lãi gộp doanh nghiệp đạt 276 tỷ đồng, tăng 160%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính dưới mức 1 tỷ đồng. Chi phí lãi vay giảm 95% về ngưỡng 4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 80%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 77%.
Kết quả, bất chấp doanh thu giảm, chi phí tăng, lãi ròng BAF trong nửa đầu năm 2021 thu về vẫn cao gấp 10 lần so với cùng kỳ, đạt 201 tỷ đồng.
Hai yếu tố giúp cải thiện lợi nhuận sau thuế của BAF chính là giá vốn bán hàng và chi phí lãi vay giảm sâu.
Giá vốn giảm sâu nhưng BaF không đưa ra giải trình cụ thể. Trong khi đó, chỉ tiêu phải trả người bán ngắn hạn ở mức rất cao, lên tới 5.798 tỷ đồng, tăng 1.260 tỷ đồng, tương đương 28% so với hồi đầu năm, chiếm tới 83,2% tổng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tại BAF giảm đến 95% bất chấp nợ vay tăng 38,9% so với cùng kỳ. Chính vì hai “nghịch lý” này mà BAF bị nghi ngờ “làm đẹp” báo cáo tài chính.
Ngoài ra, quan hệ của BAF với Tân Long Group của doanh nhân Trương Sỹ Bá - một tập đoàn nổi tiếng trong mảng nông nghiệp này cũng là "điểm nhấn" thú vị trong bức tranh tài chính của BAF.
Phần lớn tài sản lại nằm bên ngoài công ty
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Nông nghiệp BAF Việt Nam có gần 6.967 tỷ đồng, tăng 1.721 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng nói, phần lớn tài sản lại nằm bên ngoài công ty.
Theo đó, khoản mục phải thu ngắn hạn khách hàng lên đến 4.494 tỷ đồng, tăng 975 tỷ đồng, tương đương 27,7% so với hồi đầu năm và chiếm tới 64,5% tổng tài sản.
Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đứng đầu danh sách các khoản phải thu ngắn hạn tại BaF với số tiền lên đến 645 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 258 tỷ đồng hồi đầu năm; Công ty cổ phần Đầu tư Hoàn Kiếm 256 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tài chính của BAF giai đoạn 2018-2020 cho thấy, BAF ký hàng trăm hợp đồng mua bán hàng hoá với Tân Long cùng công ty con là CTCP Thăng Hoa, với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính đã kiếm toán năm 2019 của BAF cho biết rằng, gần như tất cả các hợp đồng thương mại này đều được thế chấp tại các chi nhánh của Ngân hàng SHB.
Đáng chú ý, Tổng giám đốc BAF hiện là bà Bùi Hương Giang (SN 1980). Bà Giang từng là chủ sở hữu của CTCP HUM, tuy nhiên hiện đã thoái vốn.
Trụ sở của HUM đặt tại số 62 đường Song Hành, xa lộ Hà Nội, phường An Phú, Quận 2, TP.HCM. Đây cũng chính là địa chỉ chi nhánh CTCP Tập đoàn Tân Long tại TP.HCM.
Trước đó, Tân Long cùng HUM cũng từng đồng hành với nhau tham gia thương vụ M&A Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không của nhóm T&T Group vào năm 2015.
Ngược lại, phần nguồn vốn của BAF có tới 5.798,5 tỷ đồng phải trả các nhà cung cấp khác, chiếm 83,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu phải trả CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát 954,4 tỷ đồng; CTCP CBOT Việt Nam 545,2 tỷ đồng..
Một điểm cần lưu tâm nữa, là những doanh nghiệp có giao dịch với BAF như Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàn Kiếm, Công ty Cổ phần CBOT Việt Nam, Công ty Cổ phần kinh doanh Thương mại Thịnh Phát đều là những doanh nghiệp có quy mô nhân viên dưới 20 người nhưng doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Cbot Việt Nam ghi nhận doanh thu năm 2016 đạt 4.870 tỷ đồng, nhảy vọt lên 16.317 tỷ đồng năm 2019, và giảm còn 15.761 tỷ đồng năm 2020. Doanh nghiệp lỗ ròng 8 tỷ năm 2016, lỗ 54 tỷ năm 2018 và ghi nhận lợi nhuận dương trở lại 3 tỷ đồng năm 2019, đạt hơn 4 tỷ đồng năm 2020.
Giai đoạn 2016 - 2019, Công ty Cổ phần kinh doanh Thương mại Thịnh Phát tăng phi mã từ gần 1.260 tỷ đồng lên 12.150 tỷ đồng năm 2019 và lên mức cao nhất là 15.525 tỷ đồng năm 2020. Trong khi đó, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ quanh quẩn ở mức 1 đến 6 tỷ đồng giai đoạn 2016-2019 và đạt đỉnh hơn 24 tỷ đồng năm 2020.
Đối với Đầu tư Hoàn Kiếm, doanh thu cao nhất trong những năm gần đây (2016 - 2020 ) là 15.850 tỷ đồng, thấp nhất là gần 2.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, lợi nhuận của doanh nghiệp dường như không biến động theo doanh số, vẫn chỉ đì đẹt ở mức 1 đến 5 tỷ đồng (2016-2019). Năm 2020, lãi sau thuế của Đầu tư Hoàn Kiếm tăng lên gần 26 tỷ đồng.
Một điểm chung nữa ở các doanh nghiệp nêu trên là đều có tổng tài sản ở ngưỡng 6.000 - 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu khá khiêm tốn chỉ chiếm hơn 200 -400 tỷ đồng, còn lại cấu thành từ các khoản nợ phải trả.