Gần 2.000 tỷ đồng chi cho Chủ tịch Hoàng Yến
Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 395,3 tỷ đồng, giảm 47,3% so với với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong quý của KBC giảm từ 251,3 tỷ đồng về 198 tỷ đồng, tương đương mức giảm 56% so với cùng kỳ.
Quý 2, công ty lại ghi nhận khoản thu nhập khác bất thường 1.918 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản thu nhập khác chỉ là 1,5 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, thu nhập khác là 2.417 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 2 tỷ đồng. Khoản thu nhập này được thuyết minh là chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá trị hợp nhất kinh doanh, phát sinh khi KBC tăng sở hữu tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng từ 19% lên 48% (chi thêm thêm 57 tỷ nâng vốn góp từ 39 tỷ lên 96 tỷ đồng).
Tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp này tụt giảm mạnh, từ mức hơn 230 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống còn hơn 20 tỷ đồng vào cuối quý 2/2022.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của Tân Tạo là khoản phải thu khác tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, từ mức 2.046 tỷ đồng vào cuối 2021 lên 3.381 tỷ đồng tính tới cuối quý 2/2022.
Chiếm tới 57% số tiền phải thu khác của Tân Tạo là đến từ tạm ứng cho bà Maya Dangelas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến, đang định cư tại Mỹ), Chủ tịch HĐQT công ty. Mục đích chi tạm ứng cho bà Hoàng Yến là nhằm tham gia các dự án đầu tư tại Mỹ.
Để có được sự lưu chuyển dòng vốn này ITA đã thu hồi vốn góp đầu tư vào các công ty khác để dịch chuyển dòng tiền tạm ứng trên cho bà Yến. Cụ thể, ITA đã giảm giá gốc khoản đầu tư vào Công ty Phát triển năng lượng Tân Tạo từ 1.752 tỷ đồng xuống 97 tỷ đồng nhưng không giảm tỉ lệ sở hữu (19%); giảm đầu tư Ngân hàng TMCP Quốc dân xuống còn gần 1.209 tỷ đồng, tương đương gần 121.000 cổ phiếu, giảm mạnh so với mức hơn 7.100 tỷ đồng (hơn 600.000 cổ phiếu) hồi cuối 2021.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến
Về khoản đầu tư tại nước ngoài này, tại Đại hội đồng cổ đông của Tân Tạo diễn ra vừa qua, bà Maya Dangelas - Đặng Thị Hoàng Yến cho biết bên cạnh hoạt động kinh doanh trong nước, công ty đã mở rộng đầu tư khu công nghệ cao tại Mỹ từ nhiều năm trước và năm nay bắt đầu thu kết quả. Mục tiêu của liên doanh là niêm yết trên thị trường chứng khoán New York trong vòng 2-3 năm tới.
Cụ thể, ITA đã ký hợp đồng 25 triệu USD với đối tác quốc tế, mở ra sự phát triển đa ngành từ khu công nghiệp, thành phố tri thức, phát triển các dự án mới tại Việt Nam và Mỹ. Đây là dự án đầu tiên thuộc loại này được cấp giấy phép của bang California để sản xuất tinh chất thuốc chữa bệnh, sản phẩm phục vụ sức khoẻ, ăn uống, giải khát, mỹ phẩm.
Trong năm 2022, ITA đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thuần 777,69 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 186,85 tỷ đồng. Đáng chú ý, Hội đồng Quản trị được quyết định giữ lại một phần hoặc hoàn toàn lợi nhuận của năm 2021 để bổ sung nguồn vốn lưu động và/hoặc nâng vốn điều lệ thay vì chi trả cổ tức. Tính đến cuối năm vừa qua, ITA còn gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Dính lùm xúm "4 năm có Quyết định phá sản nhưng không công bố"
Cuối tháng 6 vừa qua, loạt thông tin được cho rằng ITA đã bị TAND Tp.HCM ra Quyết định mở thủ tục phá sản số 56/2018/QĐ-MTTPS ngày 25/1/2018 theo Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh).
Tuy nhiên, ITA cho đến nay đã hơn 4 năm kể từ ngày cho là bị mở thủ tục phá sản vẫn không công khai Quyết định mở thủ tục phá sản này của Tòa án cho các chủ nợ, người mắc nợ, các đối tác. Ban lãnh đạo Công ty cũng không có bất kỳ báo cáo nào liên quan đến Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án tại cuộc họp ĐHĐCĐ.
Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA-HOSE) công bố thông tin liên quan đến vấn đề này. Đến ngày 7/7, trong công văn phúc đáp, ITA đề nghị: “Việc công bố thông tin về Quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản trong khi căn cứ mở thủ tục phá sản dựa vào Bản án có nhiều sai phạm, trái pháp luật sẽ gây bất lợi cho Công ty Tân Tạo, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Công ty Tân Tạo đã có đơn kêu cứu bị ép phá sản gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, hiện nay các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo giải quyết đơn kêu cứu của Công ty Tân Tạo. Do đó Công ty Tân Tạo đề nghị HOSE cho tạm hoãn công bố thông tin đến khi có kết luận của cấp có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, HOSE cho biết HOSE không có thẩm quyền tạm hoãn công bố thông tin của tổ chức niêm yết. HOSE đề nghị Công ty thực hiện theo quy định về công bố thông tin để đảm bảo nghĩa vụ của tổ chức niêm yết và quyền lợi của cổ đông.
Biến động giá cổ phiếu ITA trong 1 năm vừa qua. Nguồn: Cafef
Trong một diễn biến khác, trước khi thị trường chứng khoán trong nước giảm giá mạnh thì tháng 4 và tháng 5, cổ phiếu ITA cũng có nhiều phiên giảm điểm, mất 30% giá trị so với đầu năm. Sang đến tháng 6, cổ phiếu này đã có đến 8 phiên nằm sàn.
Đến ngày 17/6, ITA chính thức bay mốc 10.000 đồng/cổ phiếu và có nhiều phiên giảm mạnh xuống chỉ còn 6.800 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 7/7 và phục hồi nhẹ trong những ngày tiếp theo.
Hiện tại, kết thúc phiên giao dịch hôm nay, ngày 3/8, ITA đang ở mốc 8.200 đồng/cổ phiếu, giảm gần 52,5% so với hồi đầu năm.
ITA là một trong những doanh nghiệp tiên phong làm bất động sản KCN và đô thị tại Việt Nam từ đầu những năm 2000. Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp mới đây, SSI Research đã đánh giá ITA nằm trong nhóm các doanh nghiệp còn quỹ đất cho thuê và được kỳ vọng với sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp này nhanh chóng gia tăng diện tích đất cho thuê.