Theo dự kiến, dự án có diện tích khoảng 23 héc ta. Trong đó, giai đoạn đầu có vốn đầu tư khoảng 520 triệu đô la Mỹ và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, nhà máy sẽ được khởi công vào quý 1 năm tới, khi đi vào hoạt động sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết về đầu tư với tỉnh Bắc Ninh, ông Jongrip Ji, Chủ tịch Công ty Amkor cho biết, qua tìm hiểu môi trường đầu tư, ông ấn tượng với sự siêng năng và linh hoạt của con người Bắc Ninh, sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương cùng cơ sở vật chất hạ tầng, nguồn nhân lực dồi dào và những yếu tố này là nền tảng để công ty lựa chọn đầu tư tại đây. Amkor sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1 của nhà máy ở Bắc Ninh để có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2023.
Amkor là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại Mỹ. Thành lập vào năm 1968, Amkor hoạt động trong lĩnh vực gia công bao bì và thử nghiệm vi mạch, hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho các công ty bán dẫn, xưởng đúc và lắp ráp điện tử hàng đầu thế giới.
Việc chọn lựa Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn cũng khá dễ hiểu bởi Trung Quốc – nơi sản xuất chính loại sản phẩm này đang gặp nhiều trở ngại do khủng hoảng năng lượng. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nguồn cung chip trên thế giới đang rất hạn chế, khó có thể đáp ứng được nhu cầu vô cùng lớn của một loạt thiết bị công nghệ (nguyên nhân là do nhu cầu làm việc từ xa tăng lên do dịch bệnh).
Apple và Samsung Electronics trước đó cho biết sự thiếu hụt chip bán dẫn đang ảnh hưởng đến doanh số bán máy tính xách tay và máy tính để bàn của họ.
Bên cạnh đó, hồi cuối tháng 7, các nhà sản xuất ô tô của Đức như Daimler và BMW đã buộc phải tạm thời giảm sản lượng hoặc tạm dừng một số dây chuyền lắp ráp do thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn. Các nhà sản xuất ô tô ở những nơi khác cũng phải đối mặt với sự gián đoạn tương tự do khan hiếm nguồn chip. Nhiều nhà máy sản xuất ô tô vẫn chưa mở cửa trở lại và khách hàng phải đợi hàng tuần mới có xe.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này, theo nhiều chuyên gia, ngoài tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, còn đến từ dự đoán sai về nhu cầu thị trường chip vào năm ngoái khi Covid-19 bùng phát.
Glenn O’Donnell, Phó giám đốc nghiên cứu tại Forrester tin rằng tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài đến năm 2023. "Nhu cầu tiếp tục tăng trong khi nguồn cung không có nhiều cải thiện trong thời gian tới", ông O’Donnell nói.
Ông dự kiến nhu cầu của máy tính, vốn sử dụng một số chip tối tân nhất, sẽ giảm nhẹ một chút trong năm tới nhưng không đáng kể. Dù vậy, các trung tâm dữ liệu, nơi đặt hệ thống máy chủ, sẽ mua thêm chip trong năm 2021 sau năm ngoái "đầy ảm đạm".