Novaland mới đây đưa ra kế hoạch tăng vốn lên gần 50.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc Novaland đang được thực hiện nhằm đưa tập đoàn này trở lại vị thế nhà phát triển bất động sản hàng đầu.
Kế hoạch tăng vốn bao gồm hai thương vụ. Đầu tiên, NovaLand sẽ phát hành riêng lẻ 975 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/ cổ phiếu, tương đương quy mô tối thiểu 9.750 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư có thể góp vốn bằng tiền mặt, quyền sử dụng đất, tài sản khác.
Các nhà đầu tư mua cổ phiếu riêng lẻ của Novaland sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được đầu tư góp thêm vào công ty con để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản phải trả đến hạn. Đồng thời tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư, thanh toán các khoản phải nộp Nhà nước và bổ sung vốn lưu động.
Với nội dung và cấu trúc nêu trên, có thể dự đoán thương vụ trị giá gần 10.000 tỷ đồng kể trên là một giao dịch nhằm chuyển đổi nợ, trái phiếu doanh nghiệp thành vốn cổ phần của Novaland. Đây là cách làm thường thấy của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề thành khoản, cần tái cấu trúc lại các khoản nợ.
Cách thực hiện thông thường sẽ là các chủ nợ hay ngân hàng sẽ bán những khoản nợ của Novaland cho một công ty trung gian, theo hình thức trả chậm. Công ty này sau đó hoán đổi nợ thành cổ phiếu Novaland (với giá không thấp hơn 10.000 đồng), rồi thế chấp cổ phiếu này vào ngân hàng làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ trả chậm.
Trên thực tế, phương án này mang ý nghĩa tái cấu trúc và không có tiền thực chảy vào trong doanh nghiệp. Bên giãn nợ tăng thêm quyền kiểm soát tại Novaland để đảm bảo lợi ích và kiểm soát rủi ro.
Ngoài đợt phát hành giãn nợ kể trên, cũng trong năm nay, Novaland còn có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Với số cổ phiếu đang lưu hành hơn 1,95 tỷ cổ phiếu, Novaland dự kiến sẽ phát hành thêm 1,95 tỷ cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu. Quy mô của đợt phát hành này, nếu phát hành hết, vào khoảng 19.500 tỷ đồng.
Các cổ đông không muốn mua cổ phiếu này có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.
Nếu đợt phát hành trước mang ý nghĩa giãn nợ, thì đợt phát hành tiếp theo này thực sự mang lại dòng tiền chảy vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, ai lại muốn mua cổ phiếu Novaland trong đợt chào bán này?
Những nhà đầu tư mua trong đợt chào bán này sẽ phải chịu rủi ro thời gian lưu ký chứng khoán, thường kéo dài vài tháng. Trong quãng thời gian đó, giá cổ phiếu biến động thế nào cũng không thể làm gì được.
Điều bất hợp lý là ngay thời điểm hiện tại, ai cũng có thể mua cổ phiếu Novaland trên sàn chứng khoán với giá cũng chỉ 10.650 đồng/cổ phiếu. Sự chênh lệch giữa giá phát hành thêm và giá trên sàn là không đáng kể, trong khi những người mua trên sàn chỉ phải chịu rủi ro T+2,5, nghĩa là sau 2,5 ngày là đã có thể bán.
Có thể thấy, mức độ hấp dẫn của đợt phát hành trên không cao, rủi ro lại lớn, do đó khó thu hút nhà đầu tư phổ thông. Những người thực sự quan tâm tới đợt chào bán này, sẽ là những cổ đông lớn tại Novaland, đặc biệt là gia đình chủ tịch Bùi Thành Nhơn.
Từ cuối năm ngoái, gia đình ông Nhơn đã liên tục giảm tỷ lệ sở hữu tại Novaland. Trong công bố thông tin gần đây, hiện gia đình Chủ tịch Bùi Thành Nhơn chỉ còn nắm giữ 52% cổ phần của Novaland. Bao gồm 4 cá nhân và 2 pháp nhân liên quan là Novagroup và Công ty Diamond Properties.
Với tỷ lệ sở hữu hiện tại, ông Nhơn có thể mua thêm tối đa 52% đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu, tương đương khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Trường hợp đợt phát hành tăng vốn tới đây, gia đình ông Bùi Thành Nhơn không tham gia, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông tại Novaland tiếp tục giảm xuống chỉ còn hơn 20%, đồng nghĩa với việc gia đình ông không còn là "chủ" của Novaland.
Nguồn: Trần Anh/TheLeader