Trước thềm năm mới 2024 (ngày 29.12.2023) Hilton Saigon đã chính thức khai trương sau hơn 7 năm kể từ ngày khởi công.
Thì ra tiến độ hoàn thành dự án bị chậm là do mất nhiều thời gian điều chỉnh công năng, diện tích của một số tầng trong toà nhà. Tới nay thì công trình đã hoàn tất đầy đủ pháp lý, hoàn thiện công trình theo tiêu chuẩn của Hilton Worldwide và chào đón khách hàng.
Dự án Khách sạn Hilton Sài Gòn được cấp giấy phép xây dựng phần ngầm vào tháng 1/2017. Đầu tháng 12/2019, chủ đầu tư dự án Khách sạn Hilton Sài Gòn được cấp giấy phép xây dựng phần thân. Dự án cất nóc cuối tháng 4/2020. Đơn vị tổng thầu thi công dự án là Coteccons. Dự án này đã cất nóc và hoàn thiện từ năm 2021, nhưng ngay sau đó lại có thông tin dự án Khách sạn Hilton Sài Gòn chưa có giấy chứng nhận đầu tư.
Cụ thể, theo Sở KH-ĐT TPHCM, trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và hồ sơ lưu trữ thì Sở KH-ĐT không cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án này.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM cũng ra văn bản, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM phối hợp Sở Xây dựng (XD) để rà soát pháp lý.
Dự án khách sạn Hilton Sài Gòn tiêu chuẩn 5 sao, toạ lạc tại số 11 Công Trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM do Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Kinh doanh Sài Gòn Cửu Long (Công ty Sài Gòn Cửu Long) làm chủ đầu tư. Khách sạn Hilton Sài Gòn hiện là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM, sau Bitexco và The Landmark 81.
Khách sạn được xây dựng trên khu đất hơn 2.200m2, quy mô 5 tầng hầm và 34 tầng cao, với 312 phòng, vốn đầu tư dự kiến gần 3.000 tỷ đồng.
Khách sạn Hilton Sài Gòn tọa lạc ở một trong những vị trí đắc địa nhất TP.HCM - gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, cách nhà hát Thành phố, Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà khoảng hơn 1 km.
Theo thông tin từ báo Công An TPHCM, trước đó, ngày 22/9/2020, Hội đồng quản trị Công ty Sài Gòn Cửu Long đã có tờ trình gửi Đại Hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng Quản trị công ty lựa chọn ngân hàng để vay vốn phục vụ dự án. Trong đó, dự kiến hạn mức vay vốn từ 1.000 tỷ đến 1.500 tỷ đồng. Hạn mức bảo lãnh để đảm bảo cho khoản vay từ 1.000 tỷ đồng.
Khách sạn Hilton Sài Gòn được xây dựng trên khu “đất vàng” ngay Công Trường Mê Linh, có nguồn gốc của Tổng Công ty Công nghiệp In - Bao bì Liksin - TNHH MTV. Sau khi doanh nghiệp này cổ phần hoá, bằng hình thức mua bán cổ phần, cuối cùng khu đất này thuộc sở hữu của Công ty Sài Gòn Cửu Long.
Dấu ấn nhóm cựu lãnh đạo Quê Hương Liberty
Mặc dù là một dự án nổi bật nhưng thông tin về chủ đầu tư dự án này lại rất bí ẩn. Ông chủ của công ty này vẫn là một ẩn số khi thông tin cơ cấu cấu cổ đông của Sài Gòn Cửu Long vẫn chưa rò rỉ. Tuy nhiên trong tờ trình gửi Đại Hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 cho thấy, chủ tịch HĐQT Công ty Sài Gòn Cửu Long là ông Bùi Việt Dũng.
Ông Bùi Việt Dũng (ngoài cùng bên phải)
Ông Bùi Việt Dũng, sinh năm 1955 xuất thân là giáo viên trường đại học kinh tế. Trước năm 2017 ông Dũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quê Hương Liberty. Ông gia nhập khách sạn quê hương vào năm 1985 và làm việc hơn 30 năm tại đây. Tại TP.HCM, Quê hương Liberty nắm trong tay hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn chỉ sau Saigontourist, với 7 khách sạn cao cấp cùng 3 nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới, như Pullman Saigon Centre (5 sao), Novotel Saigon Central, Liberty Central Saigon Riverside, Liberty Central Saigon Point (4 sao)...
Vào đầu tháng 2/2017, giới đầu tư bất ngờ khi vợ chồng ông Dũng đồng loạt đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu Quê Hương Liberty. Cụ thể, vợ ông – bà Phạm Hồng Hạnh đăng ký bán hết gần 2,7 triệu cổ phiếu, chiếm 3,08% vốn điều lệ. Trong khi bản thân ông Dũng muốn bán 2,5 triệu cổ phiếu, qua đó dự kiến chỉ còn nắm 2,18 triệu cổ phiếu (2,49% vốn điều lệ).
Sau khi thoái vốn ông Bùi Việt Dũng cũng không còn nắm vị trí chủ tịch HĐQT CTCP Quê Hương Liberty, thay vào đó là ông Nguyễn Thanh Sử - một nhân vật quản lý cấp cao liên quan đến nhóm nhà đầu tư người Hoa. Hiện tại vị trí chủ tịch Quê Hương Liberty đã chuyển sang cho ông ông Kwok Hakman Oliver đảm nhiệm. Ông Kwok Hakman Oliver hiện đang đứng tên tại loạt pháp nhân có liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát – đại gia số má bậc nhất trong làng địa ốc phía Nam. Ngoài ông Kwok Hakman Oliver - tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, 2 cá nhân có liên hệ tới nhóm nhà đầu tư trên là các ông Chung Hán Lương và Đặng Thanh Hải đã được đề cử bầu vào HĐQT Quê hương Liberty khoá 2017-2022.
Dù cơ cấu cổ đông mới của CTCP Quê Hương Liberty không được tiết lộ, nhưng việc thay máu ban lãnh đạo phần nào cho thấy nhóm nhà đầu tư người Hoa đã M&A và chi phối thành công doanh nghiệp này. Theo thông tin từ Saigontourist - cổ đông sáng lập Quê Hương Liberty hiện họ vẫn còn nắm 14,44% vốn tại Quê Hương Liberty.
Quay lại công ty Sài Gòn Cửu Long, ngoài ông Bùi Việt Dũng đang nắm vai trò Chủ tịch HĐQT, thì các nhân sự thân tín của ông Dũng từ khi còn làm việc tại Quê Hương Liberty như: ông Trần Thanh A và ông Lê Vi Luân cũng lần lượt nắm giữ các chức vụ Tổng Giám đốc và Trưởng ban Kiểm soát tại Sài Gòn Cửu Long.
Ngoài nhóm nhóm cựu lãnh đạo Quê Hương Liberty, “cuộc chơi” tại Sài Gòn Cửu Long còn có sự góp mặt của nữ doanh nhân nổi tiếng Lưu Thị Tuyết Mai (bà Mai “Mesa").
Năm 2006, cuộc tranh giành quyền làm chủ Sajuco nhận được sự quan tâm lớn của giới truyền thông, các bên thậm chí đã phải nhờ tới cơ quan hữu trách phân xử. Trong đó xuất hiện nhóm cổ đông đã liên tục gom mua cổ phần từ các lãnh đạo và người lao động trong công ty, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức quá bán.
Chân dung bà Lưu Thị Tuyết Mai - Mai "Mesa" (Nguồn: Internet) |
Lần lại cấu trúc thượng tầng của Sài Gòn Cửu Long, người ta thấy nữ doanh nhân nổi tiếng Lưu Thị Tuyết Mai (bà Mai “Mesa") đã xuất hiện từ khá sớm, ít nhất là ở HĐQT từ nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đến nhiệm kỳ 2016 - 2021, bà Mai "Mesa" tiếp tục tại vị. Không những thế ở nhiệm kỳ đương nhiệm này, một nhân sự thân tín của nữ doanh nhân quê Bình Định này cũng được bổ sung vào Ban Kiểm soát công ty.
Thêm nữa, CTCP Cổng Đầu tư Toàn Cầu và Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Mesa – những thành viên trong hệ sinh thái của bà Mai “Mesa”, đều là những đối tác quen mặt của Sài Gòn Cửu Long.
Sài Gòn Cửu Long có gì?
Sài Gòn Cửu Long tiền thân là Nhà máy Đay Sài Gòn, được phê duyệt phương án cổ phần hoá từ tháng 8/2001, theo quyết định số 1173/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy được chuyển đổi thành CTCP Sản xuất – Dịch vụ - Thương mại Đay Sài Gòn với quy mô vốn điều lệ 16 tỉ đồng. Đến năm 2012, Sajuco đổi tên thành Sài Gòn Cửu Long.
Cập nhật tại thời điểm 31/12/2016, vốn điều lệ của Sài Gòn Cửu Long vẫn ở mức 16 tỉ đồng. Với mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần - thay vì 10.000 đồng/cp như thường thấy, số lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này không nhiều.
Trong đó, Tổng Cty Công nghiệp – In – Bao bì Liksin (Liksin) nắm giữ 9.500 cổ phần, tương đương 5,94% vốn điều lệ. Đến tháng 2/2018, Liksin bán đấu giá thành công toàn bộ số cổ phiếu này cho 1 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng lên tới 2,76 triệu đồng/cổ phần.
Ít lâu sau khi cổ phần hoá, Sài Gòn Cửu Long chuyển hướng đầu tư, lấn sân sang lĩnh vực bất động sản nhằm tận dụng quỹ đất khủng trên nền nhà máy cũ.
Từ năm 2005, công ty này đã đưa vào sử dụng 3 lốc chung cư 15 tầng, với quy mô khoảng 700 căn hộ. Dự án địa ốc này được xây dựng trên khu đất rộng 10.000 m2, trong tổng số 24.764 m2 mà công ty này sở hữu trên đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4, Tp. HCM.
Còn khu đất rộng 2.200 m2 tại số 11 Công trường Mê Linh – trụ sở cũ của Sajuco – sau này chính là nơi phát triển dự án Saigon Hilton. Trên một số trang tin bất động sản, dự án số 11 Công trường Mê Linh từng được rao bán với giá 1.550 tỉ đồng.
Xen giữa việc phát triển các dự án địa ốc là quá trình chuyển hướng kinh doanh.
Năm 2014, công ty này chuyển hướng sản xuất sang may mặc, bán hầu hết máy móc thiết bị ngành đay, và thành lập Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Kinh doanh May Mặc Hoàn Mỹ.
Tuy nhiên, công ty con hoạt động không mấy hiệu quả, nên đã ngừng hoạt động vào năm 2016. Kể từ đó, lĩnh vực bất động sản dần lên ngôi trong cơ cấu doanh thu của Sài Gòn Cửu Long.
Trong 4 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Sài Gòn Cửu Long biến động mạnh. Cụ thể, năm 2017, doanh thu thuần của Sài Gòn Cửu Long đạt 607,8 tỉ đồng, cao gấp hơn 5 lần so với năm trước; lãi thuần ở mức 137,6 tỉ đồng, trong khi năm 2016 lỗ 16 tỉ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Sài Gòn Cửu Long đạt 176 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 123,3 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 70%.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Sài Gòn Cửu Long đạt 1.506 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng 10% lên mức 1.346,8 tỉ đồng.