Công ty Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) ) - Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tủ trung thế, tủ hạ thế, trạm kios hợp bộ, thang máng cáp, thi công các công trình điện công bố mới đây đã mua lại 49% cổ phần của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204MWac từ Tập đoàn Trung Nam.

Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc được khởi công vào tháng 7/2018, vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Sau gần 12 tháng thi công, nhà máy đi vào hoạt động, được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Nhà máy có công suất 204 MWac, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin, một phần pin được trang bị hệ thống giá đỡ xoay 120 độ.

img-5609-1618986830.jpg
 

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 49% số cổ phần, Trung Nam Group cũng đã chuyển giao chức vụ quan trọng là Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa – PTGĐ Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu. Từ ngày 1/1/2021, Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu có đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan đến số cổ phần trên tại dự án.  Hiện Trung Nam Group vẫn giữ cổ phần đa số tại Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc.

Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu với thương hiệu ACIT có giấy phép đăng ký kinh doanh số 0102073536, đăng ký lần đầu ngày 21/11/2006 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, đăng ký thay đổi lần thứ 16 ngày 25/01/2021 với tổng vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng.

Công ty được thành lập với mục tiêu xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cung cấp những dòng sản phẩm công nghệ chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế, mang tới các giải pháp tối ưu cho hệ thống điện trong các lĩnh vực: Building, Công nghiệp, Cơ sở hạ tầng, EVN và Năng lượng tái tạo.

Trụ sở chính của công ty được đặt tại tầng 3, 4, 5, 6 tháp A, tòa nhà Mandarin Garden 2, 99 phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.  Công ty có 03 nhà máy sản xuất thiết bị điện được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, áp dụng mô hình quản lý 5S, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, ISO 14001:2015. Đó là Nhà máy Quất Động số 1 và Nhà máy Quất Động số 2 đặt tại cụm Công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội và Nhà máy Hòa Lạc được đặt tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Trước đó, Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu cũng đã đánh dấu việc tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách ấn tượng khi trở thành chủ đầu tư, đưa Nhà máy Điện mặt trời Bầu Zôn vào chính thức vận hành ngày 5/8/2020. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 29ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tổng công suất nhà máy là 25,031 MWp, cung cấp sản lượng điện vào lưới điện quốc gia khoảng 45 triệu kWh/năm.

Như vậy, Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204MWac là nhà máy điện mặt trời thứ hai của ACIT trên mảnh đất Ninh Thuận và là nhà máy thứ 5 của công ty nếu tính cả 3 nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Quất Động và Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Có thể thấy, ACIT đang ngày càng vươn mình ra chiếm lĩnh thị phần ở nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo - lĩnh vực đang rất được Chính phủ khuyến khích đầu tư và phát triển.

dji-0008-1618986862.jpg
Nhà máy Điện mặt trời Bầu Zôn 

Theo thông tin tự giới thiệu của ACIT  trong năm 2020, doanh thu của công ty đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Các sản phẩm mang thương hiệu ACIT đã ghi dấu ấn tại hàng nghìn công trình, dự án lớn, trọng điểm Quốc gia như: trụ sở Bộ Ngoại giao, tòa nhà Quốc hội, trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hầm đường bộ Hải Vân 2, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Cù Mông, cảng quốc tế Lạch Huyện, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, tòa nhà Landmark 81, Nhà máy Sản xuất Động cơ máy bay Hanwha Aero Engines, các dự án của Tập đoàn Vingroup, dự án trạm 500kV Trung Nam Thuận Nam, Nhà máy Điện mặt trời Bầu Zôn, Nhà máy Điện gió Trung Nam Trà Vinh, Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam,…và rất nhiều các công trình tiêu biểu khác.

Về phía Trung Nam, ngoài nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc, tập đoàn này cũng đang sở hữu dự án điện mặt trời khác công suất 450 MW tại Ninh Thuận và một dự án tại tỉnh Trà Vinh công suất 140 MW. Sau thời gian đầu tư vào điện mặt trời, Trung Nam đang chuyển hướng đầu tư lớn hơn vào điện gió tại Trà Vinh, Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận...

Thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại nhà máy điện mặt trời 204 MW này diễn ra trong bối cảnh nhiều dự án điện mặt trời buộc phải cắt giảm công suất phát điện lên hệ thống điện quốc gia nhằm đảm bảo an toàn cho vận hành hệ thống điện. Hồi đầu năm, chính Tập đoàn Trung Nam cũng có văn bản gửi Chính phủ, kêu những khó khăn quanh việc giảm phát tại nhà máy điện mặt trời công suất 204 MW này.

Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, năm nay có thể phải cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) do cung đang dư thừa và để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.