Từ trước tới nay, kim cương luôn được đánh giá là loại đá quý tuyệt hảo thể hiện đẳng cấp của tầng lớp quý tộc. Không phải ngẫu nhiên mà kim cương trở thành loại đá quý đắt nhất thế giới, là nguồn cơn của nhiều cuộc xung đột. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao kim cương lại quý giá đến như vậy!
Những yếu tố làm nên giá trị của kim cương
Kim cương là khoáng vật được hình thành dưới nhiệt độ và áp suất rất cao, với 99,95% thành phần là nguyên tố Cacbon và 0,05% là những nguyên tố khác như Boron và Nitrogen. Loại đá quý này là anh em của than chì, hình thành trong lòng đất, ở độ sâu khoảng 140-220 km, tầm nhiệt dao động từ 1150-1200 độ C và áp suất vào khoảng 50-70 kilobars. Việc hình thành kim cương cần rất nhiều thời gian, hàng triệu thậm chí hàng tỉ năm. Điều này góp phần tác động đến giá trị của loại “khoáng sản quý giá” này.
Sau khi xác định được khu vực khai thác thì công nhân phải liên tục sàng lọc đất, đá để có thể tìm ra kim cương. Phải xử lý hàng nghìn tấn đất đá mới có thể thu được khoảng 1 carat (hay cara- đơn vị đo khối lượng sử dụng trong ngành đá quý, tương đương với 0.2 gr) kim cương tự nhiên. Kim cương sau khi được sàng lọc vẫn chỉ đang ở dạng thô; phải được trải qua các quá trình khác như làm sạch, phân loại, phân tích, đánh dấu, cắt mặt, đánh bóng… nhiều lần thì mới có thể định giá được.
Chính bởi điều kiện khai thác khó khăn và sàng lọc nhiều lần, nên giá kim cương rất cao, vì không phải ai cũng có thể khai thác và chế tác được loại đá quý này.
Thị trường kim cương trên thế giới hiện nay
Khoảng 150 triệu carat (30 tấn) kim cương được khai thác mỗi năm với tổng giá trị là 10 tỉ USD. Ngoài ra khoảng 100 tấn kim cương hàng năm được điều chế nhân tạo.
Khoảng 49% kim cương được khai thác ở khu vực Trung Phi và Nam Phi, bên cạnh đó còn ở Canada, Ấn Độ, Nga, Brasil, Australia. Những nước có trữ lượng kim cương lớn như Nga (650 triệu carat), Cộng hòa Dân chủ Congo (150 triệu carat), Australia (120 triệu carat), Botswana (90 triệu carat), Nam Phi (70 triệu carat).
Chỉ khoảng 20% sản lượng kim cương trên thế giới được dùng làm trang sức. 80% kim cương kém phẩm chất hơn được sử dụng trong công nghiệp và các ứng dụng nghiên cứu. Theo Báo cáo thị trường kim cương công nghiệp do hãng nghiên cứu thị trường Merchant Research and Consulting (Anh) thực hiện, kim cương tổng hợp chiếm tới 88% lượng kim cương được sử dụng trong công nghiệp. Kim cương nhân tạo có thể được sản xuất trên quy mô lớn và tính chất của sản phẩm tổng hợp này mang lại nhiều ứng dụng.
Nhu cầu kim cương nhân tạo ở những thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng nhanh nhất thế giới, với tốc độ 10-15% mỗi năm. Trung Quốc được kỳ vọng sẽ duy trì vị trí nhà sản xuất kim cương tổng hợp công nghiệp hàng đầu thế giới, với sản lượng hàng năm đạt hơn 4 tỷ carat. Mĩ rất có thể sẽ vẫn là nhà sản xuất và xuất khẩu kim cương chủ chốt trong thập kỷ tới.
Sự độc quyền trong ngành công nghiệp khai thác kim cương
Kim cương tự nhiên và hợp pháp được khai thác bởi các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp có giấy phép. Trên thế giới hiện nay chỉ có một số công ty được quyền khai thác kim cương, trong đó phải kể đến những cái tên như Debswana, BHP Billiton, De Beer… Việc độc quyền trong khai thác, cung cấp kim cương của các ông lớn phần nào điều khiển giá cả của thị trường, đẩy giá trị của loại đá quý này lên cao.
Theo thống kê của trang The Diamond Registry, giá của kim cương không màu dao động từ 6.650 USD đến 254.625 USD/carat, tùy thuộc vào kích cỡ từ 1 đến hơn 10 carat. Đây là chưa tính tới những viên kim cương lớn, quý hiếm và có màu sắc đặc biệt, được bán đấu giá hàng chục triệu USD. Top những viên kim cương đắt nhất thế giới bao gồm The Pink Star với giá kỷ lục 71.2 triệu USD (năm 2017), viên kim cương xanh 14.62 carat có tên “Oppenheimer Blue”- 57.6 triệu USD (năm 2016), viên Pink Legacy nặng gần 19 carat- 50 triệu USD (năm 2018), hay viên kim cương màu cam lớn nhất thế giới The Orange đã được bán với giá 35.54 triệu USD trong phiên đấu giá năm 2013 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Tại Việt Nam, kim cương là một thú chơi “tao nhã” của giới siêu giàu, doanh nhân và showbiz. Những tay chơi kim cương thứ thiệt liên tục khoe những viên kim cương lấp lánh, có những viên to bằng “hạt mít”. Nhiều nhân vật từng tuyên bố mỗi lần xuất hiện sẽ có một bộ trang sức khác nhau. Điều đó có thể khẳng định được sự quyền lực và giàu có của các “đại gia”, khi số lượng kim cương phải đong bằng lon, lên đến hàng ký, và luôn là VIP của các cửa hàng kim cương nổi tiếng ở nước ngoài. Vậy nên, 1 viên kim cương to đẹp để đổi lấy 96 tỉ đồng (khoảng 4.2 triệu USD) thì có lẽ là một cái giá ‘chấp nhận được”!
Từ trước tới nay, kim cương luôn được đánh giá là loại đá quý tuyệt hảo thể hiện đẳng cấp của tầng lớp quý tộc. Không phải ngẫu nhiên mà kim cương trở thành loại đá quý đắt nhất thế giới, là nguồn cơn của nhiều cuộc xung đột. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao kim cương lại quý giá đến như vậy!