Dưới đây là bốn lỗi sai tiêu biểu nhất khiến bài thuyết trình đi vào “ngõ cụt”.
Nói kiểu trung lập, nước đôi
Không có gì khó chịu hơn khi phải ngồi 20 phút chỉ để nghe một ai đó thao thao bất tuyệt về những con số, dữ liệu mà không đưa ra được bất cứ quan điểm cá nhân nào của mình. Khán giả luôn cần những quan điểm, cần lý lẽ và cần cơ hội để họ được lắng nghe và phản biện về chính những quan điểm và ý tưởng ấy. Một quan điểm rõ ràng, không cần xét về mặt đúng - sai, cũng đã là điểm cộng rất lớn trong ấn tượng của người nghe dành cho bài thuyết trình.
Chúng ta có thể cảm nhận điều này rất mạnh mẽ ở các bài thuyết trình của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Là một người kiên định và quyết liệt nên trong hầu hết những lần xuất hiện, Trump luôn bộc lộ quan điểm rất rõ ràng của mình trước mọi vấn đề. Có những quan điểm không thuận lòng đại đa số công chúng, nhưng người ta vẫn bị ấn tượng bởi sự rõ ràng và quyết liệt của ông. Đây là biểu hiện của một người có năng lực, dám nghĩ, dám làm và cũng nhờ thế, ông tạo được độ tin cậy rất lớn đối với quần chúng nhân dân.
Đánh mất bản thân
Chúng ta luôn cố gắng gây ấn tượng tốt với khán giả hoặc đơn giản là luôn cố gắng làm sao để được họ chú ý. Vì thế, chúng ta hay nỗ lực để chạy theo khán giả hoặc bắt chước một người nổi tiếng nào đó. Nhưng không phải lúc nào cách làm này cũng đạt được hiệu quả. Với người nghe, họ không cần cái tôi được vuốt ve quá nhiều. Điều họ thật sự muốn chính là thông điệp của bài thuyết trình, là những giải pháp cho các vấn đề, hoặc chí ít là muốn đánh giá được con người thật diễn giả. Vì thế, đừng bao giờ đánh mất bản thân, đánh mất quan điểm và chính kiến của mình trong các bài thuyết trình.
Chạy theo khán giả hay cố gắng bắt chước phong thái của người khác đều không mang lại hiệu quả thực sự cho phần trình bày của mình. Đừng để người nghe chỉ nhớ đến một vài con số, dẫn chứng trong bài thuyết trình hay nhớ về hình ảnh của một diễn giả nổi tiếng nào đó. Họ phải nhớ đến chúng ta, đến người đã đứng trên sân khấu và trình bày quan điểm cho họ nghe. Chỉ khi họ nhớ thì họ mới tìm hiểu về diễn giả, về sản phẩm dịch vụ của bạn. Rồi với những giá trị chúng ta thể hiện trong buổi thuyết trình, họ sẽ quyết định có đặt lòng tin vào chúng ta hay không.
Chỉ chăm chăm trình bày kiến thức thô
Hầu hết mọi người không có thời gian, sự tập trung và khả năng kiên nhẫn để nghe ai đó độc thoại quá dài. Nghĩa là, không có ai thích chỉ ngồi nghe người khác thao thao bất tuyệt mãi về điều mà chỉ người nói quan tâm.
Khán giả luôn mong chờ những câu chuyện thật ấn tượng, chứ không phải một bài thuyết trình nhàm chán. Vì thế người nói phải thực sự sáng tạo, dám khác biệt và khiến khán giả phải ngạc nhiên.
Nếu nội dung của thuyết trình của chúng ta không phải độc nhất, hãy sáng tạo. Đây cũng là một phần trong việc vận dụng ngôn từ. "Kiến thức hiện tại trong xã hội ngày nay đã bị san phẳng, ai cũng dễ dàng tìm ra những triết lý giống hệt nhau. Vì vậy việc của một nhà diễn giả tài năng là chuyển biến kiến thức đó thành ngôn ngữ của riêng mình, theo cách dễ hiểu và ấn tượng nhất, thôi thúc hành động và sự suy tư cho khán giả" - ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ. Chúng ta có hàng trăm cách để biến bài thuyết trình trở nên độc đáo chứ không đơn thuần là việc trình bày kiến thức thô nhàm chán. Không có lý do gì để ta tự giới hạn mình trong những khuôn khổ của kiến thức khô khan.
Thiếu năng lượng
Cảm xúc là một nhân tố quan trọng. Bài thuyết trình sẽ “ru ngủ” khán giả nếu suốt buổi, diễn giả chỉ giữ một biểu cảm và một tông giọng đều đều. Người nói phải vừa thể hiện được năng lượng ở bản thân vừa truyền năng lượng tới đám đông khán giả của mình. Điều đó sẽ cuốn hút khán giả vào buổi thuyết trình và khiến họ không thể rời mắt khỏi chủ đề đang trình bày.
Là người nắm giữ kỷ lục thế giới cho rất nhiều buổi biểu diễn thành công trong cùng một show diễn tại sân khấu Broadwar, George Lee Andrews nổi tiếng với vai diễn Monsieur André trong The Phantom of the Opera". Tổng số buổi biểu diễn đã lên tới 9.382 show nhưng ông không bao giờ thể hiện dù chỉ một chút sự mệt mỏi ra bên ngoài. Đó là lý do mà hợp đồng của ông đã được gia hạn 45 lần trong hơn 23 năm và những buổi biểu diễn của ông thì chưa bao giờ ngừng hấp dẫn với khán giả.
Lòng nhiệt tình, được định nghĩa như là sự thích thú đến mức háo hức và quan tâm tích cực về những gì mình đang nói. Đây cũng là thứ mà các khán giả mong muốn được nhìn thấy nhất ở mỗi bài thuyết trình. Trái lại, truyền tải sự nhàm chán với giọng đều đều, các biểu lộ trên khuôn mặt thiếu sức sống và thẫn thờ là điểm mà người nghe cực kỳ ghét ở các diễn giả.
Chính vì thế, một giọng nói truyền cảm, một nụ cười thân thiện, hay việc di chuyển một cách tự nhiên và tận hưởng từng khoảnh khắc giao tiếp với khán giả cũng chính là cách ghi điểm tuyệt đối cho bài thuyết trình.
Trên đây chỉ là bốn trong rất nhiều những lỗi sai thường thấy của các bài thuyết trình. Khi chúng ta nhìn nhận rõ về chúng, việc nỗ lực có chủ đích trong quá trình rèn luyện sẽ mang lại hiệu quả khắc phục tốt hơn, giúp bài nói trở nên hoàn thiện hơn.