Sự nổi lên của Kita Group
Tháng 4/2019, CTCP Dịch vụ Đấu giá Toàn Cầu đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ khu đất gần 602.226 m2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) của Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận – doanh nghiệp từng thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Trầm Bê.
Bên trúng đấu giá lô đất không phải những ông lớn hàng đầu, mà là CTCP Kita Invest (Kita Invest) của doanh nhân Nguyễn Duy Kiên – pháp nhân được thành lập trước phiên đấu giá kể trên vỏn vẹn 3 tháng.
5 tháng sau (cụ thể là ngày 13/9/2019), quá trình chuyển giao dự án phần nào hoàn tất khi ông Nguyễn Duy Kiên – Chủ tịch Kita Group và chủ sở hữu Kita Invest, tiếp quản chức vụ Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật Ngân Thuận. Cùng với đó, cơ cấu cổ đông Ngân Thuận cũng được thay đổi thành: ông Nguyễn Duy Kiên (51%), Mã Sơn (10%) và Dương Văn Út (30%).
Ở một chi tiết đáng chú ý, ông Kiên đã là cổ đông sáng lập, nắm 5% vốn Ngân Thuận (ra đời ngày 16/5/2003), cùng với ông Dương Văn Út (80%) và ông Mã Sơn (5%).
Sau khi về tay Kita Invest, dự án được đổi tên thành Stella Mega City và được công ty đánh giá là một trong những dự án chiến lược của cái tên mới nổi này. Dự án có quy mô lên đến 150ha, tức gấp 2,5 lần diện tích khu đất Sacombank rao bán trước đó, cho thấy nhiều khả năng nhóm Kita đã âm thầm mua gom các lô đất xung quanh từ trước, nhằm chuẩn bị cho quá trình vươn lên mạnh mẽ.
Đáng chú ý, khu dân cư Ngân Thuận không phải dự án đầu tiên mà Sacombank dưới thời ông Dương Công Minh bán cho Kita. Theo đó, dự án thứ 2 có tên là Stella 927 tại địa chỉ 927 Trần Hưng Đạo (Phường 1, Quận 5, TP. HCM).
Sacombank trong năm 2019 từng rao bán đấu giá 16 tầng (từ tầng 12 đến tầng 27 tòa nhà) tòa nhà nói trên. Tiền thân, tòa nhà này có tên gọi là Fico Tower, với chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Bách Việt – một công ty liên kết của Tổng Công ty vật liệu xây dựng số 1 (FICO). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhiều năm nay đang thuê toà nhà 927 Trần Hưng Đạo làm hội sở chính.
Kita Group còn có tham vọng mở rộng hoạt động ở khu vực miền Trung, cụ thể là địa bàn Đà Nẵng. Theo đó, vào ngày 28/2/2019, Kita Land và Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội đã ký kết hợp đồng số 2802/2019/HĐCN/KITALAND-Thinhphat nhận chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ để hợp tác phát triển dự án Golden Hills City (3.813.888 m2) và Dự án Vệt 50m (291.299 m2) tại Đà Nẵng. Thịnh Phát Hà Nội và đối tác đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Trung Nam (Trung Nam Group) nhằm phát triển 2 dự án kể trên vào tháng 7/2017.
Không dừng lại ở đó, CTCP Đầu tư thương mại Bình Tân – pháp nhân liên hệ với Kita Group, vào tháng 12/2021 đã ký hợp đồng đặt cọc với Vimedimex Group để mua bán/chuyển nhượng “Dự án công trình trung tâm thương mại trên lô đất TM01” thuộc dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, nằm ngay dưới chân cầu Nhật Tân, TP. Hà Nội (hay còn có tên gọi khác là The Lotus Center). Thương vụ diễn ra ngay sau khi cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị khởi tố, bắt tạm giam do sai phạm quy định đấu giá đất vào tháng 11/2021.
Ngoài ra, nhóm Kita còn nắm trong tay nhiều dự án cao cấp như: Stella Riverside (quận 7, TP.HCM); Stella Quốc Oai (TP. Hà Nội); Stella Hải Dương Stella Ocean Park (Phan Thiết)….
Nổi lên chỉ trong thời gian ngắn, song danh mục đầu tư đồ sộ của Kita Group với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư, đặc biệt là về thân thế nhóm chủ.
Thân thế giới chủ Kita Group
CTCP Tập đoàn Kita (Kita Group) tiền thân là CTCP Thực phẩm đồ uống F1 (F1), ban đầu có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn đồ uống. Đến tháng 8/2016, ông Nguyễn Duy Kiên và bà Đặng Thị Thuỳ Trang lần lượt sở hữu 55% và 22,5% vốn điều lệ của F1.
Gần 2 năm sau (tháng 6/2018), doanh nghiệp này tăng vốn gấp 5 lần, lên 100 tỷ đồng, và đổi tên thành Kita Group. Theo một số ý kiến, tiền tố “Ki” và hậu tố “Ta” là viết tắt của tên vợ chồng doanh nhân Nguyễn Duy Kiên – Đặng Thùy Trang. Đến tháng 2/2021, Kita Group tăng vốn lên 750 tỷ đồng, ông Kiên và bà Trang lần lượt nắm 55% và 22,5% vốn công ty.
Có thể thấy, doanh nhân Nguyễn Duy Kiên (SN 1969) đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của Kita Group nói chung. Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, ngoài Kita Group, ông Kiên đóng vai trò quản lý cấp cao và cổ đông lớn các doanh nghiệp thành viên quan trọng.
Đầu tiên, CTCP Kita Land (thành lập ngày 13/12/2018 và đóng vai trò: Quản lý tài sản, phát triển dự án, phân phối sản phẩm), ông Kiên là Chủ tịch HĐQT công ty tính đến tháng 12/2021. Tại thời điểm này, Kita Land có quy mô vốn 1.200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Đầu tư Saturn (99%) và ông Đặng Kim Khánh (1%). Saturn cũng có mối liên hệ với ông Nguyễn Duy Kiên.
Còn với CTCP Kita Link (thành lập ngày 18/1/2019), ông Kiên là cổ đông sáng lập góp 50% vốn; cùng với ông Đặng Kim Khánh (2%) và Đặng Thị Thùy Trang (48%).
Ngoài ra, ông Kiên là cổ đông sáng lập góp 70% vốn thành lập CTCP Kita Instruction (thành lập ngày 14/1/2019) cùng với Kita Group (30%) và bà Đặng Thị Thùy Trang (30%).
Cuối cùng, ở CTCP Kita Invest (thành lập năm 2019), ông là cổ đông sáng lập góp 40% vốn cùng với 2 cái tên quen thuộc là bà Đặng Thị Thùy Trang (30%) và Kita Group (30%).
Dù nắm trong tay nhiều dự án, song KQKD của Kita Group không mấy tích cực.
Theo đó, Kita Group (công ty mẹ) không phát sinh doanh thu trong 2 năm 2020 và 2021, trước đó công ty báo doanh thu 22,8 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, trừ đi các chi phí, Kita Group đều lỗ ròng trong giai đoạn 2019-2021, cụ thể tập đoàn lỗ 135 triệu đồng năm 2019; lỗ 2,1 tỷ đồng năm 2020; và lỗ 454 triệu đồng năm 2021.
Trên bảng cân đối kế toán, các chỉ số tài chính Kita Group tại ngày 31/12/2021 đều suy giảm mạnh. Cụ thể, tổng tài sản công ty là 390,8 tỷ đồng, giảm gần 86%; vốn chủ sở hữu 390,5 tỷ đồng, giảm 43,3%.
Tay chơi lớn trên thị trường trái phiếu
Theo thống kê, các pháp nhân liên hệ đến nhóm Kita Group là CTCP Kita Invest và CTCP Đầu tư Thương mại Bình Tân trong gần 2 năm qua đã huy động 3.400 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
Theo đó, CTCP KITA Invest đã phát hành 6 lô trái phiếu kì hạn 3 năm với tổng giá trị 2.100 tỷ đồng trong hai ngày 4-5/5/2020. Toàn bộ trái phiếu được hấp thụ bởi tổ chức trong nước không rõ danh tính.
Ở kì tính lãi đầu tiên, trái phiếu có lãi suất 11,5% mỗi năm. Những kì tính lãi tiếp theo, lãi suất trái phiếu được xác định bằng tổng lãi suất điều chuyển vốn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và biên độ 4% mỗi năm.
Các lô trái phiếu được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất của KITA Invest hoặc bên thứ ba khác và do VPBank quản lý. Thông tin công bố không nêu chi tiết về tài sản đảm bảo.
Gần nửa năm sau, CTCP Đầu tư Thương mại Bình Tân từ ngày 1-3/11/2021 đã huy động thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu. Kỳ hạn 60 tháng. Các thông tin lãi suất, tài sản đảm bảo, trái chủ… đều không được Bình Tân công bố.
Ở chi tiết đáng chú ý, sau khi hút thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu, Bình Tân đã ký hợp đồng đặt cọc mua dự án thành phần thuộc dự án Khu đô thị Nam Thăng Long từ Vimedimex.
Chẳng những tham gia với vai trò đại lý quản lý tài khoản, đại lý tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu của Kita Invest, VPBank cũng là nguồn cấp vốn tín dụng quen thuộc cho nhóm Kita Group.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, Bình Tân vào tháng 3/2022 đã thế chấp tại VPBank hợp đồng chuyển nhượng Hợp đồng đặt cọc ngày 28/12/2021 về chuyển nhượng công trình trung tâm thương mại trên lô đất TM01 thuộc dự án Khu đô thị Nam Thăng Long giữa công ty và Vimedimex.
Ngoài ra, Bình Tân còn cùng với Công ty MeKong Thịnh Vượng thông qua Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tân Thành thế chấp 98% vốn điều lệ Kita Invest tại VPBank.
Bản thân Kita Invest cùng thời điểm tháng 3/2022 cũng thế chấp tại VPBank hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền tài sản của dự án Khu Đô Thị Nam Thăng Long.
Không chỉ có vậy, các pháp nhân Kita Land, Kita Holding, Kita Group; lãnh đạo cấp cao của Kita Group như bà Đặng Thị Thùy Trang, ông Đàm Thận Mạnh… cũng có thế chấp nhiều tài sản ở VPBank.
Nguồn: Huy Ngọc/Nhà Đầu tư
3.400 tỷ đồng trái phiếu và sự nổi lên của Kita Group (nhadautu.vn)