
1989 là năm các sự kiện dồn dập. Năm bức tường Berlin sụp đổ. Năm quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan. Năm xảy ra sự kiện Thiên An Môn.
Đây cũng là năm nhà khoa học máy tính Tim Berners-Lee phát minh ra siêu văn bản (hypertext), nền tảng của World Wide Web và trình duyệt web đầu tiên.
Trong khi đám mây lịch sử vần vũ định hình trật tự thế giới mới và làn sóng internet đã bắt đầu tăng tốc, ở một góc phố cũ kỹ của Johannesburg, Elon Musk sắp tròn 18 tuổi. Anh chàng mua tấm vé máy bay một chiều rời khỏi Nam Phi với 4.000 đô la trong túi. Một nửa trong số đó là séc du lịch người bố cho, nửa còn lại là khoản tiền mẹ cậu vừa bán chứng khoán.
“Một tháng nữa mày lại mò về ấy mà”, Elon kể rằng cha cậu đã nói như vậy khi chia tay. “Mày sẽ chẳng bao giờ làm nên trò trống gì”.
Hơn 30 năm sau, ở tuổi 52, Elon Musk là người giàu nhất thế giới với tài sản hơn 250 tỷ USD, chủ của hàng loạt công ty làm nên lịch sử trong lĩnh vực mà công ty đó hoạt động:
· SpaceX, Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian, một công ty chuyên sản xuất tên lửa đẩy và tàu vũ trụ. Đây cũng là công ty vận hành dịch vụ Internet vệ tinh Starlink
· Tesla Motors, công ty xe điện có vốn hóa hơn 1.200 tỷ USD và là nhà sản xuất ô tô có vốn hóa lớn nhất thế giới. Tesla hiện là công ty vận hành dự án robot Optimus, một robot có khả năng bắt chước con người
· SolarCity, công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Hoa Kỳ
· Boring, công ty xây dựng đường hầm dưới lòng đất cho các phương tiện chuyên dụng, công suất lớn có thể di chuyển
· Neuralink, công ty khởi nghiệp về công nghệ thần kinh
· X.AI, công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo
· X/Twitter
Ngoài các công ty trên, phải kể đến Zip2, PayPal là những công ty Elon Musk đồng sáng lập, cho anh số vốn đầu tiên để đi vào thế giới tỷ phú. Nhưng, nếu chỉ nhìn nhận Elon Musk như là người giàu nhất thế giới và đếm số tiền ông sở hữu thì thật thiển cận. Vì những đồng đô la không phải là tất cả những gì người đàn ông này theo đuổi kể từ khi rời khỏi quê nhà Nam Phi.
Elon Musk muốn thay đổi thế giới và tham gia kiến tạo một chương mới trong lịch sử nhân loại, đưa nền văn minh của loài người thành nền văn minh đa hành tinh.
“Tiểu sử Elon Musk” là cuốn sách được hình thành bởi hai người giỏi nhất khi làm việc của họ. Đó là nhân vật chính và nhà viết tiểu sử Walter Isaacson - tác giả của loạt sách xuất sắc về những con người đã định hình thế giới, từ Leonardo da Vinci, Albert Einstein đến Steve Jobs và Jennifer Doudna…
Để viết cuốn sách dày 726 trang (bản tiếng Việt), Isaacson đã “giam mình” vào thế giới của Musk trong hai năm. Ông tham dự các cuộc họp của tỷ phú với công ty, thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn và trò chuyện đêm khuya. Musk cung cấp email, tin nhắn, khuyến khích bạn bè, đồng nghiệp, thành viên gia đình, đối thủ và người yêu cũ nói chuyện với tác giả.
Musk không đọc cuốn sách trước khi xuất bản. Ông ta không kiểm soát bản thảo.
Walter Isaacson mất hai năm để viết cuốn sách. Tôi mất hơn một tuần để đọc và đây là tóm tắt 10 điều tôi thu lượm được.
1. Phá vỡ trật tự
Chảy trong huyết quản Elon Musk là dòng máu của những kẻ phiêu lưu. Hai bên nội, ngoại đều là những người không thể sống cuộc đời ở ga xép yên tĩnh. Ông ngoại của Musk là một trong những người đầu tiên lái máy bay một động cơ bay khắp thế giới. Còn ông nội từng là sĩ quan tình báo quân sự, hoạt động ở nhiều nước trước khi định cư ở Nam Phi. Bố và mẹ của Elon Musk cũng đều là những người cá tính góc cạnh, thậm chí xù xì.
Sinh ra với dòng máu như vậy, dễ hiểu vì sao Elon Musk có những tham vọng lớn lao và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ở tuổi 30, khi vừa bị out khỏi hai công ty khởi nghiệp, quyết định đi vào lĩnh vực chế tạo tên lửa phóng lên sao Hỏa của Elon Musk có thể nói là điên rồ. Không kinh nghiệm. Không có bất cứ mối quan hệ nào. Tiền không có nhiều. Trong khi đây là lĩnh vực của những người khổng lồ: NASA; Boeing; Lockheed Martin…
Tất cả chỉ bắt đầu với một suy nghĩ rằng “nước Mỹ là quốc gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, nhưng đang tụt lại, tự mãn và giẫm chân tại chỗ”. Và sâu xa hơn, Elon Musk bị thôi thúc bởi động lực chinh phục các hành tinh khác. Trong một tương lai nếu trái đất bị phá hủy bởi va chạm với một tiểu hành tinh, bởi biến đổi khí hậu hay chiến tranh hạt nhân thì sự tồn tại của nền văn minh và ý thức con người là ở sao Hỏa. Musk đinh ninh như vậy.
Nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng Elon Musk đang làm được. Chi phí phóng mọi thứ vào vũ trụ của nước Mỹ đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, kết quả ngọt ngào của việc phát triển tên lửa tái sử dụng từ SpaceX.
Việc không vứt bỏ bộ tăng cường trị giá hàng chục triệu đô la mà thay vào đó tái sử dụng nó tới 15 lần đã giúp cắt giảm chi phí phóng, và SpaceX hiện mang nhiều thứ lên quỹ đạo hơn tất cả phần còn lại của thế giới cộng lại.
Chưa hết. Chi phí phóng có thể còn giảm hơn nữa nếu Starship của SpaceX thực hiện chuyến bay thành công vào năm 2024. Đây là tên lửa lớn nhất từng được chế tạo, có thể tái sử dụng hoàn toàn và có thể chở tới 150 tấn lên quỹ đạo, gấp 10 lần so với Falcon 9.
Không riêng chuyện phóng tên lửa. Bất cứ lĩnh vực nào Elon Musk đi vào, ông đều thách thức trật tự cũ và tạo ra một cuộc cách mạng, từ xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời, đào đường hầm dưới lòng đất, cho đến công nghệ thần kinh, trí tuệ nhân tạo và mạng xã hội.
Elon Musk và bầu khí quyển xung quanh ông - nước Mỹ - cho phép và khuyến khích những người phá vỡ trật tự. Thử tưởng tượng Musk vẫn ở Nam Phi hay đâu đó khác chứ không phải nước Mỹ thì có lẽ giờ chỉ là chủ tiệm net.
2. Cưỡi sóng công nghệ
Elon Musk có một tình yêu bản năng với khoa học, công nghệ. Năm 11 tuổi, khi nhìn thấy chiếc máy tính đầu tiên trong đời, Musk đứng sững suốt mấy phút. Cậu thúc ép cha mình mua ngay chiếc máy tính đó. Tất nhiên là không được đáp ứng vì cha cậu sợ con nghiện game.
Musk đã tiết kiệm tiền từ các việc làm thêm để mua chiếc máy tính đầu tiên. Máy tính có kèm theo một khóa học lập trình bằng ngôn ngữ BASIC với 60 giờ học. “Tôi học xong trong vòng 3 ngày, hầu như không ngủ”, Musk nhớ lại.
Tình yêu với công nghệ là nền tảng để Musk trở thành người giàu nhất thế giới, bởi ông đã tự đặt mình vào trung tâm của con sóng lớn nhất thời đại. Nếu Musk có tình yêu với bất động sản hay lĩnh vực nào khác ngoài công nghệ, thì có thể ông chỉ là người giàu thứ 10 hay thứ 100 thế giới.
3. Đọc sách
Một đặc điểm chung của chính khách và tỷ phú công nghệ Mỹ là đọc sách rất nhiều, kiểu như Obama hay Bill Gates. Elon Musk có thói quen này từ nhỏ. Ông thường thức trắng đêm để đọc sách hoặc chơi game. Cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đến những năm đầu đời của Musk là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy, kể về hành trình khám phá thiên hà của một con người sau khi trái đất nổ tung trong một vụ va chạm với hành tinh khác.
Elon Musk tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật liệu, nhưng nhờ đọc sách, ông luôn làm cho nhân viên ngạc nhiên bởi sự hiểu biết sâu sắc nhiều lĩnh vực. Ông nói về mọi thứ công ty đang làm với kiến thức của một chuyên gia.
4. Không bao giờ bỏ cuộc
Thành công không đến dễ dàng với Musk, nếu không muốn nói là cuộc đời và thương trường đã quật ông những đòn chí tử.
Giai đoạn đặc biệt tăm tối của cuộc đời Elon Musk đến vào năm 2008, ông có một cuộc hôn nhân thất bại, ba lượt phóng đầu tiên của tên lửa SpaceX đều thất bại, còn Tesla cận kề phá sản. Lúc này Musk là một người vô gia cư đúng nghĩa. Ông không có nhà vì vợ cũ đã sở hữu nó.
Talulah - bạn gái mới của Musk - kinh hãi chứng kiến đêm này qua đêm khác, Musk lẩm bẩm tự trò chuyện, đôi khi khua tay và la hét. Cô nói: “Tôi cứ nghĩ anh ấy sẽ đột quỵ mất”. Nhiều khi Musk vào phòng vệ sinh nôn mửa. Tatulah ngồi cạnh, ôm đầu người bạn trai của mình.
Có một quyết định mọi người xung quanh Musk đều nghĩ rằng ông sẽ phải đưa ra vào cuối năm 2008, đó là lựa chọn giữa Space và Tesla. Nếu tập trung nguồn lực đang cạn kiệt vào một công ty thì Musk có thể cứu nó. Nhưng Musk không nghĩ vậy. Ông coi cả hai công ty như hai đứa con của mình. Không có ông bố nào có thể đưa ra lựa chọn một trong hai đứa con cả. Ông quyết định tận lực để cứu cả hai.
Cuối cùng, những khó khăn, thách thức chỉ khiến thành công sau đó của Musk trở nên rực rỡ hơn.
5. Làm việc chăm chỉ
Nói đúng hơn Elon Musk là người cuồng công việc. Cả cuộc đời ông đến nay chỉ có duy nhất một kỳ nghỉ kéo dài một tuần. Đó là lần ông trở về Nam Phi và bị sốt rét suýt chết. Mất 5 tháng để phục hồi sau trận ốm nặng, ông nói “Những kỳ nghỉ sẽ giết chết bạn”.
Ngay cả khi là người giàu nhất thế giới, Musk vẫn làm việc ngày đêm. Ông tạo ra một văn hóa làm việc cấp bách điên cuồng. Dự án thông thường 6 tháng, Muks nói với nhân viên “chỉ 2 tháng”. Ai không làm thì nghỉ.
Nhân viên đã quen với hình ảnh ông chủ ngủ trên sàn nhà, dưới gầm bàn. Khi mua lại Twitter, Musk đã gần như ăn ngủ tại công ty. Tất nhiên đó là cách tốt nhất mà một ông chủ làm gương và đốc thúc nhân viên cháy hết mình.
6. Quy tắc kinh doanh
Musk chú trọng vào việc cắt giảm chi phí và sự hoàn hảo của sản phẩm. Nói nôm na là phải rẻ hơn và tốt hơn đối thủ cạnh tranh.
Đã có lúc tên lửa của SpaceX cần một chiếc van và nhà cung cấp báo giá 250.000 USD. Musk xem xét thiết bị rồi yêu cầu các kỹ sư tự chế biến nó với giá 5.000 USD. Hiện nay SpaceX đã tự sản xuất 70% linh kiện tên lửa của mình, không chỉ vì lý do chủ động đầu vào mà điều quan trọng “tự làm thì rẻ hơn”.
7. Năm điều răn
Musk đưa ra 5 điều răn với đội ngũ. Đầu tiên trong số đó là “Hãy đặt câu hỏi cho mọi yêu cầu”. Mỗi yêu cầu phải đi kèm với tên của người tạo ra nó. Bạn không nên chấp nhận rằng yêu cầu đến từ một bộ phận nào đó, chẳng hạn như từ “bộ phận pháp lý” hoặc “bộ phận an toàn”. Bạn cần biết tên của người thực sự đưa ra yêu cầu đó để đặt câu hỏi cho dù người đó giỏi đến đâu. Những yêu cầu từ những người giỏi là nguy hiểm nhất, bởi vì mọi người ít khi đặt câu hỏi về chúng. Luôn luôn làm như vậy, ngay cả khi yêu cầu đến từ ông chủ. Sau đó làm cho các yêu cầu bớt ngớ ngẩn hơn.
Điều thứ hai. Loại bỏ bất kỳ phần hoặc quy trình nào mà bạn có thể. Bạn có thể sẽ phải thêm chúng lại sau. Trên thực tế, nếu cuối cùng bạn không thêm lại ít nhất 10% trong số đó thì tức là bạn chưa loại bỏ đủ.
Điều thứ ba. Đơn giản hóa và tối ưu hóa. Điều này sẽ đến sau bước thứ hai
Điều thư tư. Tăng tốc thời gian chu kỳ. Mọi quá trình đều có thể tăng tốc. Nhưng chỉ làm điều này sau khi bạn đã làm ba bước đầu tiên.
Điều thứ năm. Tự động hóa. Điều này cần đặt ở sau cùng.
8. Linh hoạt
Đề ra nguyên tắc tự động hóa, nhưng Elon Musk cũng là một người linh hoạt. Một lần khi “đi tuần” ở nhà máy, Musk phát hiện ra robot với cánh tay cứng không thể khéo léo bằng con người, ông lập tức cho dẹp robot và thay bằng công nhân ở vị trí đó.
Tại nhiều thời điểm ở SpaceX và Tesla, Musk đã yêu cầu hủy tự động hóa và dây chuyền sản xuất trở lại quyền kiểm soát của con người, đơn giản vì con người làm việc đó tốt hơn máy.
Đối với một người được coi là hiện thân của công nghệ, Musk đã thể hiện sự linh hoạt trong việc đảm bảo con người vẫn là trung tâm của tất cả.
9. Starlink
Vệ tinh Starlink đã cung cấp thông tin liên lạc và internet cho Ukraina từ những ngày đầu chiến sự, giải cứu quân đội Ukraina khỏi sự tê liệt. Nhưng khi quân đội Ukraine lên kế hoạch sử dụng tàu ngầm không người lái chở chất nổ, với sự dẫn đường của Starlink, tập kích hạm đội hải quân Nga đang đóng tại Crimea thì Elon Musk đã quyết định vô hiệu hóa vùng phủ sóng phạm vi 100 km tính từ bờ biển Crimea. Các tàu ngầm không người lái của Ukraina mất kết nối, dạt vào bờ.
Elon Musk giải thích quyết định của mình vì lo ngại cuộc tập kích có thể dẫn đến một cuộc chiến hạt nhân và Starlink phải gánh chịu một phần trách nhiệm.
Về sau, SpaceX thỏa thuận với nhiều cơ quan chính phủ khác nhau để chi trả cho dịch vụ Starlink gia tăng tại Ukraina. Ngoài ra, Starlink còn triển khai dịch vụ kèm theo mang tên Starshield, được thiết kế đặc biệt cho mục đích quân sự. SpaceX đã bán hoặc cấp phép các vệ tinh và dịch vụ Starshield cho quân đội Hoa Kỳ và nhiều cơ quan khác, cho phép chính phủ quyết định xem họ có thể và nên sử dụng chúng tại Ukraine - cũng như những nơi khác - như thế nào.
Như vậy SpaceX bán được dịch vụ và không liên quan đến quyết định sử dụng.
Ủng hộ Ukraina ngay từ đầu, nhưng suy cho cùng thì Elon Musk là một doanh nhân.
10. Thiên thần và ác quỷ
Ở Elon Musk có những điều tốt nhất và tệ nhất của một con người. Tốt hay xấu tùy thuộc vào điểm nhìn của bạn. Nếu bạn chỉ là một người quan sát, bạn sẽ thấy Elon Musk là anh hùng công nghệ. Còn nếu bạn từng là nhân viên của Musk, có thể bạn tràn ngập sự thù hận.
Khi tiếp quản Twitter, Musk đưa ra quyết định sa thải khoảng 90% trong tổng số 2.500 kỹ sư phần mềm và nhân viên. Tiêu chí sa thải rất đơn giản, xem xét các dòng code mà các kỹ sư viết mỗi ngày bằng một thuật toán. Nếu ai viết quá ít và code không đủ chất lượng thì nghỉ việc, không cần biết người đó là ai, đã cống hiến cho Twitter ra sao, gia đình như thế nào.
Trong công việc, Elon Musk không có sự thương xót hay nhân nhượng.
“Xin nhắn gửi tới bất cứ ai tôi đã làm phật lòng, tôi phát minh lại xe điện và đang đưa người lên sao Hỏa bằng phi thuyền tên lửa. Thế mà quý vị lại nghĩ tôi là một gã xuề xòa, vui vẻ hay sao”, Musk từng tự nói về mình như vậy.
Ngẫm lại thì hóa ra người viết những dòng review này lại là một gã khá xuề xòa, vui vẻ. Bảo sao.
Trở lại với năm 1989. Đây cũng là năm sinh của Taylor Swift, người vừa trở thành nhân vật năm 2023 theo bình chọn của Time.
Elon Musk đã có một bài đăng trên X/Twitter sau khi Taylor Swift được Time vinh danh: "Xin chúc mừng. Nhưng có nguy cơ mức độ nổi tiếng sẽ giảm sau giải thưởng này. Tôi nói từ kinh nghiệm của chính mình". Bài đăng kèm theo từ LOL, "cười không nhịn được".
Nhiều người cho là Elon Musk đùa vô duyên. Nhưng có vẻ như Musk chia sẻ hoàn toàn thật lòng. Danh tiếng của ông đã tăng chóng mặt như tên lửa SpaceX những năm qua và ông được Time bình chọn là “nhân vật của năm” vào năm 2021 - trước Taylor Swift 2 năm. Tuy nhiên, ở vị trí trung tâm trong một nền văn hóa ồn ào và hỗn loạn, Musk đã phải đối mặt với những phản ứng dữ dội vì nhiều lý do, bao gồm việc mua X/Twitter và nhào nặn mạng xã hội này theo ý mình.
Thật thú vị khi đọc tiểu sử một người trong khi người đó đang sống sung sức, vẫn lên mạng chọc ngoáy thiên hạ mỗi ngày. Cùng chờ xem Elon Musk sẽ như thế nào trên sân khấu công nghệ thế giới những năm tới.
-----------------------------------
Nguồn: Thành Võ