Hiện nay, phong trào bỏ phố vào rừng kết hợp làm farmstay hay đầu tư farmstay đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, đa số chủ đầu tư chưa lên được bảng phân bố thu chi dẫn đến việc thiếu hụt về tiền đầu tư và dòng tiền bị âm (lỗ). Dẫn đến kết quả phải bán đất, bán mô hình kinh doanh farmstay đang xây dựng và trở lại với những công việc đã làm trước đó, đôi khi một số chủ đầu tư còn mang theo cả một món nợ.
CÁCH LÀM BẢNG TÍNH THU CHI CHO FARMSTAY
Bước 1: Liệt kê những khoản chi phí
Bạn cần liệt kê chi phí cứng và chi phí mềm để tính được tổng chi phí mình cần bỏ trong một khoảng thời gian (một năm hoặc một tháng).
Chi phí cố định (Chi phí cứng): Là chi phí bắt buộc phải chi và có thể được hoạch định trước kế hoạch đầu tư mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài.
Ví dụ: Chi phí thuê đất, lương nhân sự (nếu nhân sự cố định), khấu hao đầu tư,... là những chi phí cứng bạn bắt buộc phải chi trả trong một tháng.

Chi phí không cố định (Chi phí mềm): Là chi phí có thể tăng hoặc giảm theo từng khoảng thời gian.
Ví dụ: Chi phí marketing, chi phí điện (khi khách ít thì tiền điện giảm, khi khách tăng thì tiền điện tăng),...

Ngoài ra, điểm cần đặc biệt lưu ý mà bạn thường hay bỏ qua là những khoản chi phí không tên như: Chi phí cho việc có/không, những chi phí phát sinh trong lúc vận hành farmstay (sửa đường điện, sửa ống nước, chữa trị người bị thương lúc canh tác farm,...)
Những chi phí này cần được liệt kê rõ ràng để tránh thiếu sót trong kê khai chi phí, dẫn đến việc thiếu hụt tiền rồi phải bù qua sớt lại bằng những khoản tiền từ nguồn khác. Việc bù qua sớt lại sẽ khiến những kế hoạch khác của bạn bị ảnh hưởng, tệ hơn là bị ngừng lại.
Bước 2: Liệt kê những khoản thu
Đối với một farmstay, thông thường sẽ có những khoản thu sau: Khoản thu từ nông sản trồng trên farm, từ phần stay, từ nhà hàng, từ dịch vụ trải nghiệm,...
Nông sản: Là khoản thu từ việc bán nông sản trồng trên farmstay của bạn.
Phần stay: Là khoản thu từ việc cho khách du lịch thuê phòng nghỉ lại.
Nhà hàng: Là khoản thu từ việc bán thức ăn, nước uống giải khát nếu bạn có nhà hàng trong farmstay.
Dịch vụ trải nghiệm: Đây là khoản thu từ khách du lịch đến trải nghiệm dịch vụ làm nông, hái trái cây,... trong farmstay của bạn.

Trong lúc liệt kê những khoản thu, bạn đừng suy nghĩ quá lạc quan về các khoản thu của mình vì thị trường và nhu cầu luôn luôn biến động.
Ví dụ: Các khoản thu từ phần nghỉ dưỡng không bao giờ tính 100% mà chỉ nên tính khoảng 70%. Những thất bại của người đầu tư farmstay đa số đều bắt đầu từ suy nghĩ: Chắc chắn 20 phòng nghỉ ta đầu tư sẽ có khách đến ở kín trong vòng 30 ngày 1 tháng. Những yếu tố về thời tiết, sức khỏe, rủi ro trong việc di chuyển của khách hàng khiến tỉ lệ lấp đầy rất khó đạt 100%
Bước 3: Tính điểm hòa vốn
Điểm hòa vốn đạt được khi: Doanh thu - chi phí = 0
Nói một cách khác là toàn bộ doanh thu lúc này đủ để chi trả toàn bộ các chi phí. Lúc đó bạn không bị lỗ nhưng cũng không được lãi.
Điểm hòa vốn giúp bạn tính được con số tối thiểu mà doanh thu của farmstay phải đạt được để không bị lỗ. Lúc này bạn biết được số lượng khách ít nhất bạn phải đón trong phần stay. Khi bạn biết được con số này, bạn có thể điều chỉnh về kế hoạch marketing, kế hoạch bán hàng, tăng hay giảm giá, kế hoạch bán chéo sản phẩm với người khác,... để tìm cách tăng doanh thu.
Bài viết không thể nói hết được những khía cạnh của việc kinh doanh nhưng điểm hòa vốn là mấu chốt quan trọng đầu tiên mà bạn cần tính được trước khi đầu tư farmstay. Bởi vì nếu bạn cảm thấy điểm hòa vốn là một thứ quá khó thì bạn hãy dừng ngay việc đầu tư farmstay. Đừng nghĩ mô hình này là một mô hình siêu lợi nhuận. Nó chỉ siêu lợi nhuận với những người biết làm nó mà thôi.
Một điều khác mà tôi muốn nhắn nhủ là farmstay rất khác với homestay, homefarm,... Do đó, tất cả những mô hình khác không được so sánh với farmstay. Nếu làm thế thì bạn đang làm sai mô hình farmstay, khi ấy, khách hàng không muốn đi du lịch farmstay, không muốn nhắc đến từ này nữa vì nó là giả dối. Farmstay phải được xây dựng trên nền tảng trang trại nông nghiệp đúng nghĩa. Phần stay lúc đó mới có được những trải nghiệm có giá trị.
Tôi đã tạo ra một bảng tính chi phí, doanh thu của farmstay của một dự án thực tế. Bạn có thể tải về và tham khảo, tính toán cho farmstay của mình theo link dưới đây.
https://drive.google.com/open…
Lưu ý, những số liệu trong bảng tính này chỉ mang tính tham khảo.

Tác giả: Phạm Thanh Tùng - Tùng Kiến Trúc