Chuyện kể rằng, vào một hôm, ở một thị trấn XYZ đìu hiu nào đó đang trải qua một cơn đại dịch. Đây là một giai đoạn khó khăn cho tất cả mọi người, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu. Đúng lúc đó, một thương gia bổng xuất hiện ở thị trấn để tìm cơ hội làm ăn. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt $100 lên bàn lễ tân và nói muốn đặt phòng. Bỗng dưng lúc này, Ông lại có được cuộc gọi của khách hàng nên xin lỗi phải trả lời cuộc gọi trước khi đặt phòng. Trong lúc chờ người khách trả lời cuộc gọi, Ông chủ khách sạn cầm lấy tờ $100 và chạy đi trả nợ cho Bà chủ cửa hàng nữ trang kế bên về sợi dây chuyền đã mua chịu để làm quà tặng cho vợ vào ngày valentine. Có được tiền, Bà chủ cửa hàng nữ trang ghé tiệm tạp hóa để trả cho số thực phẩm đã mua,… cứ thế tờ $100 này luân chuyển lòng vòng trong thị trấn và cuối cùng đến tay cô chủ hiệu spa. Cô này chạy đến khách sạn để trả cho Ông chủ khách sạn về tiền thuê quầy spa trong khách sạn. Vậy là tờ $100 sau một vòng chu du khắp thị trấn đã quay lại khách sạn y như ban đầu. Đúng lúc đó, người thương gia đã trả lời xong cuộc gọi và nói rằng Ông đã xong việc ở đây nên không cần thuê phòng nữa. Ông ta lấy $100 và rời đi.

Đây là câu chuyện khởi đầu về vai trò của đồng tiền trong lưu thông hàng hóa. Nó giúp cho việc trao đổi mua bán trên thị trường dễ dàng hơn.

Thế nhưng, thị trấn XYZ không thể cứ trông đợi vào vị thương gia trở lại. Theo đề nghị của Bà chủ cửa hàng nữ trang, thị trấn đã bắt đầu sử dụng một loại đồng tiền do cửa hàng nữ trang phát hành được bảo đảm giá trị quy đổi thành vàng. Đây là khởi đầu của đồng tiền gọi là kim ngân bản vị.

Thị trấn nhờ đó phát triển, nhưng lúc này số tiền do cửa hàng nữ trang phát hành dựa vào số giá trị của vàng bảo đảm không còn đủ. Thị trấn bắt đầu họp và họ nhận ra là trong thực tế không một ai trong số họ có nhu cầu dùng tờ tiền có được để đi đổi lấy vàng tại cửa hàng cả. Đó chỉ là niềm tin. Và thế là để tránh sự khan hiếm đồng tiền, họ cho ban hành một loại tiền khác dựa vào % của tổng sản lượng thị trấn. Đây là sự khởi đầu của đồng tiền phát hành dựa vào GDP.

Cứ thế mọi việc suôn sẻ cho đến một năm, Thị trưởng đương nhiệm vì một lý do nào đó đã cho in số tiền nhiều hơn số GDP mà thị trấn làm ra, thế là Thị trấn XYZ bắt đầu nếm mùi lạm phát. Vì số lượng tiền lưu hành nhiều hơn số của cải làm ra. Người ta phải chở một xe bò tiền để đi mua một chiếc bánh mì. Để giải quyết, người ta phát hành ra một loại tiền mới có giá bằng 1 triệu tiền củ và tiến hành đổi tiền. Tuy nhiên việc này chỉ giải quyết được một thời gian, rồi lịch sử lặp lại.

Lúc này người ta đã phân biệt được sự khác biệt giữa giá trị và giá cả. Giá trị của tiền tệ là số lượng hàng hóa và dịch vụ mua được bằng một đơn vị của tiền tệ. Tiền tệ bắt đầu được xem như là một dạng hàng hóa đặt biệt - vật ngang giá và người ta quy tiền tệ với các chức năng sau:

- Dùng làm thước đo giá trị.

- Làm phương tiện lưu thông trong quá trình hàng-tiền-hàng.

- Làm phương tiện cất trữ.

- Làm phương tiện thanh toán.

Khi tiền tệ phát triển cùng với ngoại thương ra khỏi biên giới, để đo lường giá trị khác biệt, từ đó xuất hiện tỷ giá. Nhưng để có thể dùng thanh toán phải là đồng tiền được mọi người chấp nhận gọi là những đồng ngoại tệ mạnh.

Hiểu được điều này, Mỹ đã đi một nước cờ cao tay. Vào năm 1941, 730 đại biểu từ 44 quốc gia đồng minh đã tụ họp tại khách sạn Mount Washington ở Bretton Woods, New Hampshire. Để cho ra đời một thỏa thuận với tên gọi "Bretton Woods"... Với thỏa thuận này, về cơ bản, tất cả các loại tiền tệ sẽ được gắn liền với đồng dollar Mỹ và được chốt lãi suất cố định với vàng. Tại thời điểm này đồng dollars Mỹ được quy định chuyển đổi thành vàng với lãi suất cố định là 35 dollars một ounce trong cộng đồng kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận Bretton Woods lập tức tạo ra nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với đồng dollars Mỹ như là phương tiện trao đổi được ưu tiên.

Nhưng cuộc chơi Bretton Woods chấm dứt 30 năm sau đó, vào ngày 15/8/1971, khi tình hình tài chính của Mỹ trở nên tồi tệ hơn với cuộc chiến tranh Vietnam. Dự trữ vàng của Mỹ ở mức thấp nhất khiến Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố "đóng cửa sổ vàng" khi nhiều quốc gia bắt đầu yêu cầu vàng từ Mỹ để đổi lấy đồng dollars của họ nắm giữ. Mỹ chuyển sang cuộc chơi gọi là “Petrodollars”. Mỹ đã thỏa thuận với Arabia Saudi – một quốc gia có sản lượng dầu mỏ lớn nhất, theo đó, Mỹ sẽ bảo vệ quân sự cho các mỏ dầu của Arabia Saudi và cũng đồng ý cung cấp vũ khí cho Saudi và Hoàng gia Saudi. Ngược lại, Arabia Saudi phải đáp ứng 2 điều khoản: một là đồng dollars là đồng tiền duy nhất dùng thanh toán cho việc mua dầu. thứ hai tiền dư thừa thu được từ bán dầu của Arabia Saudi phải được đầu tư vào chứng khoán nợ của Hoa Kỳ. Với game petrodollars, Mỹ buộc các nước muốn có dollar để mua dầu, phải tăng cường mua bán với Mỹ. Tất nhiên là với thế bị Mỹ đằng cán. Từ đó vị thế của Mỹ theo đồng dollars trở nên bá chủ thế giới. Nhưng, các nước khác không để yên, khối châu âu đã phải tạo ra một đồng EUR làm đối trọng với đồng dollar của Mỹ.

Trong những câu chuyện này, việc một đồng tiền trở nên mạnh và có giá trị chẳng qua là được mọi người chấp nhận với đầy đủ các chức năng đã nêu ở trên. Trong đó, chức năng làm phương tiện cất trữ rất quan trọng vì chẳng ai dám cất giữ một đồng tiền có thể bị phá giá bất cứ lúc nào một khi nhà nước đó muốn in bao nhiêu tùy thích. Chính vì thế dù với biết bao nỗ lực nhưng đồng nhân dân tệ vẫn chưa được xem là ngoại tệ mạnh.

Đầu thế kỷ này, thế giới đã chứng kiến sự ra đời của đồng bitcoin, một đồng tiền với tên gọi tiền mã hóa được ra đời trên nền tảng blockchain, được Satoshi Nakamoto thiết kế với số lượng giới hạn tối đa ở mức gần 21 triệu đồng. Sự giới hạn này nhằm đảm bảo cho việc đồng bitcoin không bị lạm phát. Đồng tiền này mặc dù rất thuận tiện với thương mại điện tử, nhưng một khi đồng tiền này được công nhận thì cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt các quyền lực in tiền của các quốc gia. Chính vì vậy, hầu hết các nước đều cấm dùng BTC như là một phương tiện thanh toán được pháp luật công nhận. Vì thiếu chức năng thanh toán, nên BTC vẫn chưa được xem là một đồng tiền đúng nghĩa. Nhưng do số lượng hữu hạn và thứ gì hiếm thì quý, BTC nhanh chóng trở thành viên kim cương huyền thoại của tiền mã hóa.

Trở lại câu chuyện của thị trấn XYZ, nếu như, toàn bộ cư dân ở đó đều chấp nhận dùng BTC hay một đồng tiền dạng kỹ thuật số mới nổi gần đây như Pi như là một phương tiện thanh toán thì sao? Điều này có thể khả thi vì dường nó như có đủ các chức năng của một đồng tiền. Trong casio, các đồng phỉnh đều có giá trị như một đồng tiền, nhưng bước ra khỏi cửa thì hình như chỉ là một miếng nhựa. Trong thế giới game, các đồng kim ngân- những đồng tiền ảo cũng có giá trị như đồng tiền trong cái thế giới ảo đó. Nhưng khi quay về thế giới thật thì không còn giá trị. Các nhà sáng lập của các đồng tiền dạng cryptocurrency hiểu điều này nên với họ, số lượng hữu hạn và có được một cộng đồng lớn chấp nhận là vấn đề quan trọng nhất. Đó là lý do tại sao các nhà sáng lập Pi quy định việc khai thác Pi = 0 khi đạt ngưỡng 1 tỷ thành viên. Một cộng đồng 1 tỷ người, một thị trường hấp dẫn với bất kỳ ai để cung cấp hàng hóa cho nó. Có thể quá sớm để nói về sự thành công này. Nhưng nên nhớ, tiền tệ vốn không có giá trị nội tại. Nó chỉ đóng vai trò vật ngang giá. Cuộc chiến giữa các đồng tiền chính là cuộc chiến giữa các thế lực. Mất đi quyền lực này là mất tất cả. Hãy chờ xem.

Tác giả: Lai Ho